Học nhạc lý ở đâu

              Bạn có cần học đọc nhạc không?

    Đọc nhạc, hay nói với từ ngữ chuyên môn là xướng âm giống như kĩ năng đọc chữ của chúng ta. Bạn nhìn thấy một bản nhạc, bạn hiểu bản nhạc đó đang nói về điều gì, và bạn có thể diễn tả nó ra, bằng nhạc cụ, bằng giọng hát của bạn.

    Tuy nhiên, trong phần này chúng ta sẽ không đi quá sâu vào thuật ngữ xướng âm, vì nó là một bộ môn đòi hỏi rất nhiều thực hành và để hát được cho đúng, bạn cần rất nhiều luyện tập cũng như nơi học, thầy dạy có uy tín. Nếu bạn muốn học xướng âm, tôi khuyên bạn nên tìm đến lớp học hoặc nhạc viện. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu cách để bạn hiểu và đọc một bản nhạc mà thôi.

Tôi có bắt buộc phải học đọc nhạc không?

    Câu trả lời là không. Cũng như ngôn ngữ, bạn không cần biết đọc cũng có thể nói được. Tuy nhiên bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa một người biết và không biết đọc phải không.

    Không biết đọc nhạc, bạn vẫn có thể chơi nhạc hoặc hát, dựa vào cảm nhận của bạn, dựa vào kinh nghiệm, thậm chí nếu bạn đủ giỏi, bạn có thể tự sáng tác nhạc nữa. Chính tôi cũng từng có một giai đoạn chơi nhạc mà không biết đọc nhạc. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp phải nhiều hạn chế. Bạn bị lệ thuộc rất nhiều vào việc phải có ai đó làm mẫu để bạn làm theo ,vì bạn không thể tự chơi/hát được. Cho dù bạn có giỏi đến mấy thì việc bắt chước ai đó cũng rất khó để đúng hoàn toàn, và nếu bạn sai, bạn cũng không có cách nào kiểm tra xem mình sai chỗ nào hoặc sửa sai ra sao.

    Biết đọc nhạc, có lẽ lợi thế lớn nhất đó là bạn tự trang bị cho mình một chìa khoá để bước vào thế giới âm nhạc. Có rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tác phẩm nằm trên bản nhạc mà bạn có thể tự mình tiếp cận. Bạn sẽ học được ngôn ngữ chung của toàn nhân loại trong âm nhạc, bạn có thể tự tin chơi nhạc một cách chính xác và biết phải làm gì nếu người khác hoặc bạn chơi không đúng. Như bạn thấy, biết đọc sách thì kiến thức của bạn sẽ tăng lên nhanh hơn nhiều. Đọc nhạc không khó, nhưng cũng như ngôn ngữ, bạn sẽ phải học nó, sẽ tốn của bạn thời gian và rèn luyện để có thể sử dụng một cách lưu loát.

Hãy tập luyện để bạn có thể đọc những dòng nhạc dễ dàng như một cuốn sách

Tuỳ thuộc vào mục đích học nhạc của bạn

    Nếu mục tiêu của bạn khi học nhạc chỉ đơn thuần là sở thích và để giải trí, bạn muốn chơi được bài hát này bài hát kia và đệm hát cho người khác. Câu trả lời cho bạn là: Không, bạn không cần học đọc nhạc, và chả có gì sai trong quyết định của bạn cả.

    Nếu bạn muốn chơi/hát trong một nhóm nhạc, chơi/hát lại những bản nhạc của ai đó để biểu diễn với nhau cho vui. Thì câu trả lời là: Tuỳ bạn, không bắt buộc bạn phải học đọc nhạc, nhưng khuyến khích bạn nên tìm hiểu để có một ngôn ngữ chung khi cùng nhau chơi nhạc, tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược không thống nhất.

    Nếu bạn định chơi nhạc có phong cách, nghĩa là học classic, jazz v.v. thì bạn nên nghĩ đến việc sớm trang bị khả năng đọc nhạc cho mình.

    Nếu bạn chơi cho band nhạc một cách nghiêm túc, nghĩa là biểu diễn ở đâu đó, cưới hỏi ma chay, hội diễn văn nghệ, phòng thu âm v.v. Bạn nên sẵn sàng cho việc ai đó sẽ đặt một bản nhạc trước mặt bạn và yêu cầu bạn chơi/hát theo đó.

    Nếu bạn muốn gắn bó sự nghiệp với âm nhạc, bạn muốn học hỏi về âm nhạc, sáng tác nhạc, trở thành ca sĩ, nhạc công chuyên nghiệp v.v. thì không còn gì phải nói.

    Nói tóm lại, bạn không cần phải biết đọc nhạc để chơi nhạc, nhưng tôi vẫn muốn lập lại điều đã nói ở trên, giống như biết đọc và biết viết, hãy nghĩ tới những lợi ích mà nó mang lại cho bạn.

    Quyết định có học cách đọc nhạc hay không là sự lựa chọn của bạn. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích bạn biết, vì kiến thức thì chẳng làm hại gì bạn cả, chắc chắn bạn sẽ không phải hối tiếc để nói “Ước gì hồi đó mình đừng học đọc nhạc” đâu.

Cung [step]

Về định nghĩa, cung [step/tone] có thể xem là đơn vị đếm cao độ trong âm nhạc.

1 Ví dụ minh họa

    Giống như khi bạn học toán, “một đơn vị đếm” là khoảng cách giữa từng số với nhau. Bạn hiểu rằng “số 2″ cách “số 1″  một đơn vị.  ”Số 3″ cách “số 1″ hai đơn vị đúng không.

    Âm thanh cũng vậy, bạn sẽ có cảm giác nốt Re có âm thanh cao hơn nốt Do. Nhưng làm cách nào để biết nốt Re cao hơn nốt Do cụ thể là bao nhiêu? Nốt Mi sẽ cao hơn nốt Do bao nhiêu? Người ta cần phải cố định sự khác biệt giữa các âm thanh này, nếu không thì mỗi loại nhạc cụ sẽ có một nốt Do riêng, mỗi người khi hát sẽ hát theo kiểu của mình, như vậy thì chẳng thể xác định được ai đúng ai sai.

    Đó chính là lý do khái niệm “cung” xuất hiện. Khoảng cách về cao độ mà chúng ta bàn ở trên sẽ được đếm bằng “cung”. Nghĩa là nốt Re sẽ cao hơn nốt Do một cung. Nốt Mi cao hơn nốt Do “hai cung”.

Sử dụng cung để làm gì?

    Người ta sử dụng cung để làm thước đo chuẩn cho âm thanh trong âm nhạc. Điều này đặc biệt quan trọng trong nguyên tắc chế tạo nhạc cụ. Vì bạn biết đấy, phải bằng cách nào đó để cho khoảng cách giữa nốt Sol và La từ đàn guitar, piano, sáo, kèn … đều hoàn toàn giống nhau.

    Cũng quan trọng như vậy trong nhạc lý, mỗi nốt nhạc có thể được xác định bằng cách đếm cung.

    Bạn có một nốt gốc [Do chẳng hạn]. Thì bạn chỉ cần cộng thêm một số cung nhất định, hoặc trừ đi một số cung nhất định, sẽ có một nốt nhạc khác theo ý mình. Như vậy, cung cũng là nguyên tắc để bạn xác định một nốt nhạc bất kỳ.

Ví dụ:

Do + 2 cung =Mi.

Do+ 3,5 cung= Sol

Do – 1,5 cung= La

Một chút mở rộng

    Ngoài lề một chút để bạn có thể hiểu rộng hơn. Xét về phương diện khoa học, bạn biết rằng âm thanh là kết quả tạo ra từ những dao động. Dao động có tần số [frequency] càng cao thì  âm thanh nghe được sẽ càng cao.  Mỗi nốt nhạc đều có tần số xác định và hoàn toàn giống nhau với tất cả nhạc cụ.

Ví dụ như nốt La chuẩn [Middle A] có tần số là 440Hz,

Nốt G liền kề  [Middle G] có tần số 391.995 Hz,

Nốt Fa liền kề [Middle Fa] có tần số 349.228 Hz.

Nhưng chúng ta sẽ không cần lo lắng đến những điều này, nhạc cụ của bạn đã được chế tạo sẵn để có thể phát ra những âm thanh chuẩn đúng tần số rồi. Dĩ nhiên là đôi khi cũng có lệch, nhưng bạn hoàn toàn có thể lên dây [tune] cho nhạc cụ của mình về chuẩn.

    Như vậy bạn đã nắm được khái quát thế nào là một cung.

- Cung đơn giản là đơn vị “đã được quy ước trước” để đo cao độ của một âm thanh/ một nốt nhạc.

Nhưng không phải tất cả các nốt nhạc đều cách nhau 1 cung, mà còn có cả nửa cung nữa., hãy đi tiếp, chi tiết hơn, với phần về “nửa cung”.

    Sau khi bạn đã hiểu cung trong âm nhạc là gì, hãy đi tiếp với khái niệm “nửa cung”, đây mới thực sự là đơn vị đếm cao độ ở mức nhỏ nhất trong âm nhạc.

Nửa cung [half-step hoặc semitone]

    Như bạn đã biết, chúng ta không chỉ có 7 nốt nhạc tự nhiên là Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Ti. Nhưng có tới 12 nốt nhạc, kể cả những nốt thăng giáng.

    Bạn không nên nhầm lẫn rằng 7 nốt nhạc tự nhiên, nốt nào cũng đều cách nhau 1 cung. Thực ra, các nốt nhạc tự nhiên không cách nhau đều đặn như vậy, nhưng có 1 số nốt cách nhau 1 cung, và một số nốt chỉ cách nhau nửa cung [semitone] mà thôi.

    Vậy thì khi nào các nốt cách nhau một cung, khi nào thì cách nhau ½ cung? À, đơn giản là 12 nốt nhạc [ Từ Đô, Đô#, Rê, Rê #…..] tất cả đều cách nhau ½ cung.

    Còn các nốt nhạc tự nhiên [ 7 nốt từ Đô đến Si] , có nốt sẽ cách nhau 1 cung hoặc nửa cung, theo nguyên tắc của âm nhạc.

Bạn hãy nhìn vào phím đàn Piano dưới đây:

Cung và nửa cung

Như bạn có thể thấy,

-          Do [C] và Re [D] là 2 phím trắng cách nhau 1 cung, theo đúng nguyên tắc ở trên, giữa chúng sẽ có 1 phím đen là Đô thăng/Rê giáng. Thật ra thì Đô thăng và Rê giáng là tên gọi khác nhau cho cùng một nốt. Tương tự cho các nốt thăng giáng khác.

-          Mi [E] và Fa [F] cách nhau nửa cung, do đó, giữa 2 phím không có nốt đen xen giữa.

-          Cứ như vậy chúng ta sẽ có 12 nốt nhạc.

tất cả các nốt nhạc [12 nốt] thì mỗi nốt cách nhau nửa cung.

Với 7 nốt tự nhiên là Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Ti, thì:

Do-Re :cách nhau 1 cung

Re-Mi: Cách nhau 1 cung

Mi-Fa: cách nhau ½ cung

Fa-Sol: Cách nhau 1 cung

Sol-La: Cách nhau 1 cung

La-Si: Cách nhau 1 cung

Và Si-Do: Cách nhau ½ cung.

Tổng kết

Vòng tròn diễn tả vị trí 12 nốt nhạc, trong đó có các nốt tự nhiên và các nốt thăng giáng. Bạn để ý thấy chúng là một hình cân đối chứ?

    Như vậy, cung là đơn vị để đếm cao độ giữa các nốt nhạc. Người ta có thể nói nốt Mi, hoặc gọi là nốt Do cộng thêm 2 cung cũng đều đúng.

    Cung sẽ là kiến thức nền về nhạc lý của bạn. Cho dù bạn tìm hiểu về nhạc lý ở cấp độ nào thì cũng bắt buộc phải sử dụng cung, giống như dù bạn giải phương trình toán của Einstein đi nữa thì vẫn phải dùng các đơn vị và con số vậy.

    OK, nếu bạn đã nắm vững cung và nửa cung, chúng ta sẽ tiếp tục với Quãng.

.

Dẫn nhập về quãng [interval] và cung [step]

Để hiểu bất cứ điều gì, chúng ta cần phải đi từ điểm căn bản nhất.

Nhạc lý cũng vậy, mọi chuyện sẽ rất đơn giản khi bạn hiểu những điều cơ bản trước.

Một ví dụ?

    Khi tự học nhạc lý, ta thường bỏ qua phần này vì hình như bạn chẳng bao giờ nhìn thấy chúng trong một sheet nhạc cả. Ta thường không để ý, thậm chí khi bạn đi học, cũng có người sẽ chẳng dạy cho bạn một tí gì về cung và quãng ở các trung tâm hoặc nơi nào đó không chính thống. Như vậy có ổn không? Ờ thì cũng ổn, vì bạn vẫn chơi nhạc được mà chẳng cần biết tí gì đến chúng đấy thôi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ này, thứ hình dung nhé.

    Bạn đqến lớp học ở trường, vào giờ học môn toán, điều đầu tiên giáo viên dạy cho bạn đó là “hãy học thuộc lòng cái này: 4 x 3 = 12″. OK, bạn học thuộc điều đó mà không hề hiểu, 4 là gì, 3 là gì, phép nhân là gì, tại sao 4 nhân với 3 lại bằng 12 mà không phải là một số khác, bạn không quan tâm [hoặc giáo viên của bạn không quan tâm …] nhưng bạn biết kết quả là 12. Vậy thì cũng tính là bạn biết làm toán chứ nhỉ. Nó ổn, nhưng mà hình như… không ổn lắm.

Tại sao phải hiểu về quãng và cung?

Nói đơn giản, đây là điểm căn bản nhất khi bạn muốn học nhạc lý.

    Nếu bạn muốn đi tiếp, để tiếp tục hiểu về những cái thường gặp hơn trong âm nhạc, như hiểu về hợp âm, về thang âm, về mode… trong âm nhạc. Bạn chẳng thể nào học thuộc lòng kiểu 4×3 =12 được đâu. Mà phải hiểu về quãng và tự biến chúng thành của mình.

    Hơn nữa, ở những phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu về cấu tạo của hợp âm, của thang âm .v.v. Bạn bắt buộc phải trang bị những hiểu biết này thì mới hiểu được. Tương tự như tại sao 4 x3 = 12, bạn phải hiểu phép nhân là gì ấy. Nếu không thì bạn sẽ chẳng thể nào tiếp thu được đâu.

Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu một cách chi tiết nhất có thể, nhằm giúp bạn nắm thật chắc, thật vững về những khái niệm nền tảng này, đó là:
Cung là gì?

Quãng là gì?

Gọi tên chúng như thế nào?

Sử dụng chúng ra sao?

Bắt đầu thôi!

Ngày cập nhật 2014/10/23 Tác giả: Music Faith

Video liên quan

Chủ Đề