Hoa trà và hoa hải đường khác nhau như thế nào

Vườn ai nắng ấm chan hoà
Hồn tôi chợt nở nụ hoa bình thường
Chẳng trà mi chẳng hải đường
Nửa gần gũi lắm nửa đuờng rất xa.

Nguyễn Đăng Trình

Trà mi hay hải đường? Nếu ở trong nhiều nhà, đặc biệt ngoài Bắc, trà mi và hải đường là hai cây hoàn toàn khác nhau, ở nhiều nơi khác, hai cây nầy chưa được phân biệt rõ ràng. Nói cho đúng, cây thường được trồng làm cây cảnh gọi trà mi là "một cây gỗ nhỏ, dạng bùi, cành nhánh nhiều, dài, xum xê. Lá mọc cách, nhẵn bóng, màu xanh đậm, mép có răng nhỏ. Hoa đơn độc hay 2-3 chiếc ở đầu cành. Cánh hoa chuyển tiếp từ cánh đài đến cánh tràng, mềm, xếp sát nhau, từ màu trắng, hồng đến đỏ. Nhị rất nhiều. Hoa nở vào dịp đầu xuân...." [TH]. Lẫn lộn là tên các cây nầy mặc dầu cánh hoa hải đường có phần dày mập hơn cánh hoa trà mi. Thắc mắc, Giáo sư Vĩnh Sính [1], nay đã mất, ở viện Đại học Alberta bên Canada, lục lọi những câu trong Truyện Kiều phân biệt được hải đường tức haitang của Trung Quốc, kaido của Nhật Bản

Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà. [hàng 175-176]
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng. [hàng 1283-1284]

và trà mi tức shancha [sơn trà] của Trung Quốc, tsutaki của Nhật Bản

Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về. [hàng 845-846]
Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành. [hàng 1091-1092]

Theo anh Sính, hoa trà mi của ta là camellia/camélia mà Tiên Điền tiên sinh mượn hình tượng nhằm nói lên kiếp hồng nhan trước những thử thách quá ư nghiệt ngã của số phận khi định mệnh đã đưa đẩy Kiều vào tay của Mã Giám Sinh và Sở Khanh - những kẻ "thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương". Còn hoa hải đường qua lời của Đường Minh Hoàng hỏi Dương Quý Phi: "Hải đường thụy vị túc da?" [Hải đường ngủ chưa đủ sao?] tiên sinh mượn nhằm nói lên những nét yểu điệu gợi cảm của nàng Kiều qua bóng dáng một Dương Quý Phi kiều diễm. Cũng theo anh, tên khoa học của cây hải đường là Malus spectabilis, tiếng Anh gọi là flowering cherry-apple [hay Chinese flowering apple, hay Japanese flowering crab-apple và nhiều tên khác], tiếng Pháp gọi là pommier sauvage. Gần đây những nhà khảo cứu Trung Quốc đề nghị một số tên : Camellia sasanqua là Flowering cherry, C. hiemalis là Small rose, C. japonica là Autumn peony, và một giống mới từ C. sasanqua là Mosaic peony.

Trong sách báo, tên cây hải đường có mặt trong cuốn Cây cỏ miền Nam Việt Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Có thể đã dựa theo pho Flore générale de l’Indochine, Giáo sư đã gán tên khoa học Thea amplexicaulis Pitard cho hải đường, nhưng trong bộ Cây cỏ Việt Nam, cũng cùng hình vẽ và mô tả gần giống nhau, cây có tên khoa học Camellia amplexicaulis [Pit.] Coh-Swart [gần đây danh từ Camellia thường được dùng thế Thea] không mang tên hải đường nữa mà là trà hoa lá ôm và trong suốt bộ sách 6 cuốn không còn tìm ra tên hải đường đâu nữa [PHH]. Đằng khác, trong sách báo khoa học thế giới mà tôi tìm đọc được, không thấy có khảo cứu ba cây Malus spectabilis, Thea amplexicaulis và Camellia amplexicaulis. Dù sao, chắc chắn một điều là trà mi phải mang tên chi khoa học Camellia như Giáo sư Vĩnh Sính đã đề nghị. Nhà vạn vật học Thụy Điển Carl von Linné [1707-1778] đặt tên nầy năm 1753 để tỏ lòng biết ơn vị giáo sĩ giòng Tên George Joseph Kamel đã có công mang hột từ Trung Quốc về Âu châu cuối thế kỷ XVII.

Chi Camellia chắc chắn rồi, bây giờ câu hỏi là loài Camellia nào? Về cây chè hay trà, Giáo sư Đỗ Tất Lợi chỉ kể một vài Camellia thuộc họ Chè Theaceae : C. sinensis O. Ktze [hay Thea chinensis Seem] tức cây chè hay trà ; C. sasanqua Thunb. [hay T. sasanqua [Thunb.] Nois.] tức cây sở hay trà mai, trà mai hoa ; C. oleosa [Lour] Rehd [hay Thea oleosa Lour, C. drupifera Lour] tức cây du trà, và một vài cây thuộc họ Hoa hồng Rosaceae : Crataegus pinnatifida Bunge tức sơn trà hay bắc sơn trà ; C. cuneata Sieb.et Zucc., tức dã sơn trà hay nam sơn trà [ĐTL]. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ kê đến ít nhất cũng 30 Camellia phần lớn mang tên hoa trà [gân, gân có lông, sa, đồng, đuôi, dài, cám, nhụy ngắn, vàng, vàng vàng, hoa vàng, lá ôm, trái mỏng, hấp trùng, san hô, Phamhoang, Nhật, Đông Dương, Việt Nam,....] bên cạnh những C. sasanqua Thunb. tức trà mai,C. oleifera C. Abel tức du trà còn gọi cây sở [PHH]. Theo Nguyễn Duy Chính [2] thì một phần các Camellia là sơn trà : Nhật Bản sơn trà C. japonica, Vân Nam sơn trà C. reticulata Lindl., tây nam sơn trà C. pitardii Cohen Stuart, Nộ Giang sơn trà C. saluenensis Stapf ex Bean, Çông hồng sơn trà C. hiemalis Nakai, ngoại trừ kim hoa trà C. petelotii Sealy, cúc trà C. chrysantha Tuyama,Mông tự liên nhị trà C. forestii Cohen Stuart. Không thấy nói đến trà mi và hải đường. Danh từ trà mi chỉ được thấy trong cuốn Cây cảnh, hoa Việt Nam của Trần Hợp [Công ty Phong lan Tp Hồ Chí Minh] với tên khoa học C. japonica Nois [hay L.], thuộc họ Chè Theaceae. Theo tác giả nầy, chủng có hoa đẹp hơn cả là var. flore-pleno Hort, cánh hoa kép nhiều lớp xếp xoắn ốc. Người Nhật Bản gọi nó là tsubaki và Giáo sư Phạm Hoàng Hộ trà hoa Nhật.

Trong báo chí khoa học, một số cây Camellia đã được khảo cứu. Từ hột cây C. japonica, dùng rượu chiết xuất được saponin, prosaponin, sapogenol, thủy phân đem lại những chất đường arabinose, galactose, glucose, cùng tiglic acid, camellin, những oligoglycosid có tính chất chống hấp thu alcool. Các nhà dược lý học Nhật Bản còn trích từ hột cây 2 camelliin cùng 3 camelliatanin và từ lá cây 2 camelliatanin. Nhưng lại các nhà khảo cứu Hàn QuÓc ở Khoa Tài nguyên Y học Á Đông khám phá ra camelliatanin H có tính chất ức chế hoạt động của trùng HIV-1 PR với IC50 : 0,9 microM. Lá cây còn chứa đựng nhiều catechol và ascorbic acid [mùa đông 127-211, mùa hè 0,29 mg%]. Dầu hột cây C. japonica chứa đựng nhiều triterpen alcool trong ấy 19 chất đã được xác định. Một nhóm khảo cứu viên cũng ở Trường Khoa học Công nghệ, Viện Đại học Tokyo, còn tìm ra được 27 triterpen alcool trong dầu hột hai cây C. japonica và C. sasanqua. Một số lớn các triperpen alcool nầy có tính chất kháng viêm [13]. Từ hoa cây C. japonica đã được xác định 3 flavonol, quercetin, kaempferol, sexangularetin, 3 phenolic acid cùng spinasterol, stigmasterol, một hỗn hợp 2 glucosid và một triterpen. Cánh hoa còn tươi chứa đựng 2 terpen alcool, 2 sterol, 4 polyphenol, pectin, trisaccharid, flavandiol trong cellulose, nhiều n-alcan, 2 tanin trong nụ hoa. Màu sắc trong C. japonica cũng như trong C. sasanqua là từ những anthocyanin mà lại, ít nhất cũng 14 chất. Một cây được sắp với C. japonica vì mang tên Thea sinensis japonica đã được khảo cứu từ lâu.

Như vừa thấy, cây trà mai, trà mai hoa C. sasanqua, còn có tên cây sở, người Nhật gọi C. sasanqua, cũng đã được khảo cứu nhiều. Lá cây chứa đựng một glycosid là sasanquin bên cạnh eugenol, glucose, xylose, acscorbic acid cùng một số carotenoid [20,15 mg/100g] mà 83,6 % đã được xác định. Hai dimeric tanin được tìm ra trong nụ hoa, theanin trong đọt, rễ, lá, mầm cây, mất dần khi cây lớn lên như ở C. japonica. Từ hột cây đã được chiết xuất 3 sapogenin, 2 sapogenol, 3 theasapogenil, barrigenol, hydroxyerythrodiol, sasanqua saponin có tác dụng độc lên thỏ LD50 : 0,25 ppm. Bên phần hột cây C. oleosa mà Giáo sư Đỗ Tất Lợi gọi là du trà, thì được chiết xuất với nhiều dung dịch để lấy saponin : hỗn hợp butanol-nước [14,7%] tốt hơn nước một mình [7,7%] . Còn cây C. druppifera mà Giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng gọi du trà nhưng mang tên trà có nhân theo Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, thì được học hỏi từ cuối thế chiến thứ nhất và kết quả đăng trong báo Kinh tế Đông Dương : ép hột cây thành dầu trong, vàng, vị ngọt dễ chịu, chứa đựng acid béo [93,79%] và oleic acid [1,36%], không có alcaloid và các chất cyanogen nhưng chút ít glucosid saponin, có thể dùng làm xà phòng và, sau khi loại saponin, làm dầu ăn ; cặn bả còn lại có thể làm phân bón và nhờ chứa đựng saponin, nó rất độc cho ấu trùng sâu bọ [TH].

Về mặt dược liệu, sasanquol, một chất triterpen lấy từ tinh dầu ra, có tính chất chống viêm [17]. Cũng thử trên chuột, sasanqua saponin có tính chất bảo vệ cơ tim bị thiếu máu cục bộ nguyên do thiếu oxi-mô/tái oxi hóa [20] hay isoproterenol [24] gây ra isoproterenol [24]. Nhiều tannin, đặc biệt camelliin, có khả năng ức chế hiệu ứng bệnh học tế bào do trùng HIV gây ra [EC50 : 4,8-11,8 microg/ml]. Còn gemin thì tỏ ra có hoạt động kháng VIH [EC50 : 2,0 g/ml ] [10]. Lá cây đã được nghiền thành bột, chiết xuất với nhiều dung dịch hữu cơ để dùng làm thuốc khử mùi trong nhà. Dầu sasanqua được dùng làm thuốc tẩy [8] hay trong các hỗn hợp bảo vệ da [7]. Sasanqua saponin [25%] đem trộn với nicotin [2%] thuốc lá thành hỗn hợp dùng để trừ rệp [LD50 : 13,16 microg/ml ; LD90 : 62,25 microg/ml], hiệu nghiệm trên 85% [11]. Saponin được dùng làm thuốc khử trùng [25]. Từ saponin nầy lại trích ra được camelliagenin dùng để loại cá bống trắng, cá vây gai trong các ao nuôi tôm hay để đuổi ruồi cùng nhiều loại sâu bọ trong nhà [15]. Ở Việt Nam, hột cây đã được khảo cứu để tìm protein và amin acid [5], acid béo trong hột cây hoang [6]. Lá cây bên ta cũng được xem như là một nguồn eugenol [95-97% tinh dầu], nhưng kết quả khảo sát qua ba mùa thu, đông, xuân là số lượng khá nhỏ [0,0026%] và eugenol không được tìm ra trong thời gian cây lớn lên, trái lại hoá chất chính là linalool [37,12-48,82%] [I2].

Hai cây sơn trà không thuộc chi Camellia, thường được gọi là hawthorn, cũng đã được khảo cứu : cây nam sơn trà Crataegus cuneata Sieb. et Zucc., còn được gọi red haws, thorn apple hay Japanese hawthorn, được thấy nhiều hơn cây bắc sơn trà C. pinnatifada Bunge, còn được gọi Chinese hawthorn trong các bản báo cáo. Lấy ether chiết xuất C. cuneata thì được ursulic acid. Trái cây chứa đựng một triterpenoid: cuneatol. Trong lá cây non có một glycosid loại prunasin. Ba flavonoid [vitaxin, rutin, hyperosid] đã được xác định trong cả hai cây Crataegus bên cạnh 4 acid hữu cơ : tartaric, malic, citric và succinic acid. Cả hai cây, nhất là C. pinnatifada, nhờ vậy, được dùng để phòng ngừa và chữa những chứng tim mạch. Một phương pháp phân tách dựa lên sắc phân với nhựa Amberlite XAD-2 và một hệ thống dung dịch tách rửa ethanol-nước phát hiện đến 56 flavonoid. Cây C. cuneata giàu ascorbic acid lại chứa đựng một enzym ức chế hoạt động khử oxi của acid ấy. Nó cũng là một cây thuốc rất hiệu nghiệm: dùng nước nóng pha NaOH chiết xuất thì được một dung dịch nồng độ lớn natri ascorbat rất độc cho ung thư biểu mô có vảy da tế bào khối u tuyến nước bọt con người vì có khả năng phá hủy những superoxid anion và những gốc hydroxyl. Môn học cổ truyền Trung Quốc còn dùng nó sắc uống chữa bệnh tăng lipid huyết. Hai văn bằng sáng chế dùng trái cây trong một hỗn hợp đễ chữa bệnh nghiện ma túy [4] hay để làm giấm [19]. Trái cây cũng đã được dùng làm chất lợi tiểu, làm tiêu hoá, chữa những chứng ở ruột [18]. Trong đời sống hằng ngày, C. cuneata được dùng trong mỹ phẩm bảo vệ da [9,11,16,23], kích thích tóc mọc [21,22] cũng như C. pinnatifida [26]. Cây bắc sơn trà nầy chứa đựng [%] flavon [3,12-3,43], ursulic acid [0,470-0,563], đường [17,38-21,43] và [ppm] Cu [16,04], Na [11,54], Zn [12,01], Fe [126,0] và P [695,2].

Bên ta, trong dân gian, cây sở hay trà mai cũng có công dụng. Dầu sở được dùng làm thực phẩm, nấu xà phòng, thắp đèn, chữa ghẻ lở. Khô sở dùng làm phân bón, thuốc trừ sán, trừ giun đất; không thể dùng cho súc vật ăn đuợc vì có độc. Bó gảy xương : lá sở 50g, lá náng 50g, hai thứ giã nhỏ, đắp và bó. Bên phần cây sơn trà [hoa, quả, lá] Tây y coi là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên tuần hoàn [tim và mạch máu] và giảm đau an thần. Đông y lại coi sơn trà là một vị thuốc chủ yếu trên bộ máy tiêu hóa. Theo tài liệu cổ, sơn trà có vị chua, ngọt, tính ôn hòa vào ba vị kinh tỳ và can, tiêu được các thứ thịt tích trong bụng, phá được hành khí, hành ứ hóa đờm rãi, giải được độc cá, lở sơn, chữa tả lỵ, trị tích khối, huyết khối, giảm đau..... Liều dùng trong Đông y: ngày uống 3-10g dưới dạng thuốc sắc, uống một vị hoặc phối hợp v§i các vị thuốc khác. Tây y dùng dưới dạng cao lỏng [ngày uống 2-4 lần trước bửa ăn, mỗi lần 20-30 giọt] hoặc cồn thuốc [ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 20-30 giọt] để chữa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp và giảm đau [ĐTL]. Thì ra ông cha ta, tuy không khảo cứu khoa học tuờng tận, đã có nhiều kiến thức về các cây thuốc nầy.

Ở Paris, mùa xuân năm nay, tôi đã cố ý đi khắp các vườn hoa, công viên tìm xem các loại mà người Pháp gọi là camélia. Hoa nở màu hồng, màu đỏ, màu trắng lẫn lộn, có nhụy vàng lớn hay nhỏ hay không có nhụy, cánh hoa nhiều lớp xếp sát nhau hay xếp xoắn ốc. Một điều đáng chú ý là các cánh hoa đều mỏng, đặc tính của hoa trà mi. Thành thử tôi không tìm ra được một loại hoa có thể cho là hải đường. Về Huế thì không đúng mùa, tôi chỉ được ngắm hoa hải đường còn búp. Sau nầy còn phải tìm biết cho được cây kim ty hải đường, không biết hình dáng ra sao? Nếu bạn ghé Paris, có thể lên nghĩa địa Montmartre thắp một nén hương trên mồ bà Alphonsine Plessis [1824-1847] đã từng được nhà văn hào Alexandre Dumas fils [1824-1895] dùng làm mẫu cho người kỹ nữ trong cuốn sách truyện La dame aux camélias [1848]. Tác giả giải thích đặt tên sách như vậy vì nhân vật bạc mệnh rất yêu hoa camélia, ngay hôm gặp nhau lần đầu nàng Marguerite đã tặng chàng Armand một đóa và bắt hứa ngày mai phải đem trả lại khi hoa tàn, nên một đóa hoa camélia trắng đã được cài lên hình bà Alphonsine Plessis đính trước thành mộ, mong ký ức hồng nhan được tồn tại đời đời.

Nghiên cứu và Phát triển 2 [55] 2006, khoahoc.net 12.2007

Tham khảo

1- Vïnh Sính, Hải đường là ngọn đông lân, Diễn Đàn, Paris 133[10] [2003] 45-6

2- Nguyễn Duy Chính, Sơn trà, Nghiên cứu và Phát triển, Huế 4-5 [52-53] [2005] 100-12

3- Bouvelot, Contribution to the chemical study of the fruit of Camellia drupifera, Bull. Econ. Indochine 21 [1918] 232-4

4- B.W. Wu, S.P. Lee, Anti-narcotic medicine, Brit GB 1096708 [1967] 3 tr.

5- Duong Tan Phuoc, H. Meier, W. Wiesemueller, Protein and amino acid content in some extracted oilmeals of the Vietnam Democratic Republic, Wissenschaftliche Zeitschrift der Univ. Rostock, Math.-Naturw. Reihe 18[1/2] [Pt1] [1969] 151-3

6- Cl. Franzke, Duong Tan Phuoc, E. Hollstein, Fatty acid composition of seeds of wild-growing oil plants of Vietnam, Fette, Seifen, Anstrichmittel 73[10] [1971] 639-42

7- M. Aizawa, K. Senoo, K. Uehara, Skin preparation containing drying-semidrying oils, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 61207313 [1986] 8 tr.

8- J. Liu, et al., Household synthetic detergent and its production, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1048884 [1991] 6 tr.

9- C. Wananabe, T. Kondo, Skin cosmetics containing kojic acid and plant extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 03193712 [1991] 7 tr.

10- T. Hatano, L. Han, S. Taniguchi, T. Chou, T. Shingu, H. Sakagami, M. Takeda, H. Nakashima, T. Murayama, et al., Anti-HIV tannins from Camellia japonica and related plant species, Tennen Yuki Kagobutsu Toronkai Koen Yoshishu 34 [1992] 510-7

11- A. Asano, A. Hayashi, S. Kuribayashi, K. Kaizu, Skin-lightening cosmetics containing N,N’-diacetylcystinedimethyl and plant extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 06065045 [1994] 14 tr.

12- Nguyen Thi Tam, Nguyen Trong Duong, Determination of eugenol from Camellia leaves collected in some provinces of northern Vietnam, Tap chi Duoc hoc [5] [1994] 16-7

13- T. Akihisa, K. Yasukawa, Y. Kimura, S.I. Takase, S. Yamanouchi, T. Tamura, Triterpene alcohols from camellia and sasanqua oils and their anti-inflammatory effects, Chem. Pharm. Bull. 45[12] [1997] 2016-23

14- S. Hu, W. Hu, K. Wang, Effectiveness of using 27% sasanqua saponin nicotine soluble aquae concentrate as insecticide to control aphids, Hunan Shifan Daxue Ziran Kexue Xuebao 20[1] [1997] 63-7

15- X. Hou, Q. Sun, S. You, G. Wang, J. Zhang, B. Su, S. Wang, Application of Camellia oleosa seeds saponin, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1191069 [1998] 7 tr.

16- M. Hayase, Skin conditioners containing urea, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 10152428 [1998] 4 tr.

17- T. Akihisa, K. Yasukawa, Y. Kimura, S. Yamanouchi, T. Tamura, Sasanquol, a 3,4-seco-triterpene alcohol from sasanqua oil, and its anti-inflammatory effect, Phytochem.48[2] [1998] 301-5

18- T. Okamura, R. Akino, Y. Ohfuka, Induction of callus from Crataegus cuneata stems, Mukogawa Joshi Daigaku Kiyo, Shizen Kagaku-hen 47 [1999] 43-5

19- S. Wu, Wild haw vinegar and ist making process, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1274749 [2000] 4 tr

20- P. Li, M. He, Q. Huang, W. Peng, Protective effect of sasanquasaponin on anoxia/reoxygenation injured rat myocardium and its mechanism of action, Zhoncaoyao 31[11] [2000] 841-3

21- K. Suzuki, K. Imamura, T. Okajima, F. Kimura, Hair growth stimulating compositions containing minoxidil and plant extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2000204022 [2000] 5 tr.

22- H. Nishizawa, T. Kono, Hair tonics containing hair growth stimulants and plant extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 20011089331 [2001] 15 tr

23- K. Hasegawa, K. Sato, O. Ifuku, I. Yamamoto, Skin compositions having improved skin-whitening effects and storage stability, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001302525 [2001] 17 tr

24- Q. Huang, S. Cao, M. He, P. Li, W. Peng, Protective effect and pharmacological ischemic preconditioning of sasanqua saponin mediated by NO on intact rat heart, Zhoncaoyao 32[1] [2001] 44-6

25- W. Cao, L. Wu, X. Shi, B. Xei, Extraction and rafinement of Camellia oleosa saponin with ultrafiltration membrane, Zhongguo Yopuzhi27[3] [2002] 55-7

26- H. Kurita, M. Nishito, H. Shimogaki, Gray hair-preventive agents and screening method for hair-active ingredients, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 200277531 [2003] 21 tr

Video liên quan

Chủ Đề