Đánh giá trường học lái xe quân đội năm 2024

Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô thuộc Tổng cục Kỹ thuật - tiền thân là Trường Tiến Bộ, được thành lập tháng 10/1951, khai giảng khóa học đầu tiên ngày 25/11/1951, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật xe - máy, trạm nguồn điện, thợ cơ khí trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và lái xe quân sự các hạng trong Quân đội; tham gia đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, với nhiều quy mô tổ chức khác nhau1, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ Nhà trường luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đào tạo hơn 150.000 lái xe, thợ sửa chữa xe - máy, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật ô tô, cán bộ xăng dầu, vận tải,... kịp thời phục vụ 02 cuộc kháng chiến và giúp bạn Lào, Campuchia. Đồng thời, là nôi sinh ra những “Đoàn xe vận tải anh hùng” và bổ sung nguồn nhân lực tay nghề cao cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với thành tích đó, Nhà trường được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý.

Những năm gần đây, Nhà trường được giao thêm nhiệm vụ, trong điều kiện đội ngũ cán bộ biến động, chưa nâng cấp tổ chức biên chế2 cơ sở vật chất, trang bị huấn luyện thiếu, xuống cấp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, v.v. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà trường triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp với quản lý hoạt động đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên chất lượng cao. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị về công tác giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới; phương châm giáo dục, đào tạo “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, hằng năm, Nhà trường xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ này; trong đó, xác định cụ thể mục tiêu, các nhóm biện pháp lãnh đạo về công tác tuyển sinh, mở rộng liên kết đào tạo; điều hành huấn luyện chặt chẽ, linh hoạt; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, Nhà trường chính quy, mẫu mực, v.v. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện năm học, khóa học, đợt học; tiếp nhận học viên, bảo đảm sinh hoạt; huấn luyện dã ngoại, đi thực tế, thực tập, nhất là bảo đảm tốt huấn luyện thực hành; tổ chức thực hiện đúng nội dung, chương trình, quy trình đào tạo. Để nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Nhà trường xây dựng, bổ sung hệ thống quy chế hoạt động, tiêu chí kiểm tra, đánh giá; điều chỉnh chương trình đào tạo sát thực tế, đối tượng; xác định các nội dung chuyên sâu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành huấn luyện, kiểm tra đánh giá, nhất là tự động hóa việc sát hạch cấp bằng lái xe,… từng bước tiếp cận mô hình “Nhà trường thông minh”.

Đánh giá trường học lái xe quân đội năm 2024
Thủ trưởng Nhà trường kiểm tra huấn luyện lái xe hạng FC

Ý thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ giáo viên với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Nhà trường đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, chú trọng rà soát cơ cấu, tiêu chuẩn và quy hoạch, bố trí cán bộ, giáo viên theo năng lực, sở trường; ưu tiên cho nhiệm vụ quan trọng, mũi nhọn. Đồng thời, chú trọng tuyển chọn, cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo nâng cao ở các cơ sở đào tạo có uy tín; tham gia tập huấn, bồi dưỡng do trên tổ chức; đi thực tế tại đơn vị kỹ thuật; luân chuyển cán bộ, giáo viên nội bộ; tham quan, học tập các nhà trường Quân đội,… gắn với bồi dưỡng, tập huấn tại đơn vị để nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành, phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo, từng bước chuẩn hóa chất lượng, nhất là số giáo viên trẻ, giáo viên đảm nhiệm các môn học mới. Tổ chức tốt các hội thi; lấy ý kiến phản hồi của học viên, sinh viên, người lao động để đánh giá chất lượng công tác, giảng dạy của cán bộ, giáo viên, lựa chọn, công nhận danh hiệu, chức danh nhà giáo. Có chính sách thu hút, tuyển chọn nhân tài; khuyến khích cán bộ, học viên nghiên cứu khoa học, tự học lấy chứng chỉ, hoàn thiện bằng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong dạy, học; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cán bộ, nhà giáo tiêu biểu. Năm 2020, Nhà trường bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, khai thác ô tô quân sự mới cho 149 lượt cán bộ, giáo viên; tuyển chọn 12 giáo viên mới, dạy môn mới; 13 giáo viên đạt giỏi các cấp. Hiện nay, 100% giảng viên có trình độ đại học, gần 30% trình độ sau đại học.

Hai là, bổ sung, cập nhật chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với biên chế vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao năng lực thực hành cho học viên. Thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, thời gian qua, Nhà trường chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành khảo sát chất lượng sau tốt nghiệp, điều tra nhu cầu sử dụng kỹ năng, năng lực của cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các đơn vị trong toàn quân. Trên cơ sở đó, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện chương trình chi tiết các môn học; xác định phạm vi, cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo đối với từng ngành học, trình độ đào tạo; phân bố hợp lý thời gian, khối lượng học kiến thức và phát triển kỹ năng nghề,... bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa, liên thông các bậc học. Trước sự đổi mới, phát triển về nhiệm vụ, biên chế vũ khí, trang bị, Nhà trường chủ động đưa chương trình đào tạo lái xe trên các địa hình, vật cản phức tạp sát với thực tế chiến đấu; bồi dưỡng kỹ năng cho lực lượng lái xe của Cục Gìn giữ hòa bình và làm nhiệm vụ ngoại giao; xây dựng nội dung, quy trình huấn luyện, tăng thời lượng thực hành, thực tập, thực tế lên 70% thời gian đào tạo. Đi sâu bồi dưỡng phương pháp, quy trình chẩn đoán hư hỏng; tạo lỗi, tình huống sát thực tế bảo dưỡng, sửa chữa và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; thực hành chuyên sâu khai thác, bảo dưỡng xe chỉ huy tác chiến, xe đặc chủng; chuyên sâu về điện, máy, gầm, v.v. Nhà trường xây xựng Đề án liên kết đào tạo nhân viên kỹ thuật ngành Xe - máy; phối hợp với Nhà máy Z151 giảng dạy học viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trạm nguồn điện quân sự trình độ trung cấp, sơ cấp. Qua đó, tạo điều kiện cho học viên được thực hành nhiều hơn, tiếp cận với nhiều mẫu xe, trang thiết bị bảo đảm kỹ thuật, quy trình công nghệ sửa chữa hiện đại, nâng cao tay nghề, trình độ thực hành, đáp ứng yêu cầu thực tế tại đơn vị. Từ năm 2011 - 2020, Nhà trường tái xây dựng, điều chỉnh, bổ sung 14 lượt chương trình đào tạo trung cấp, sơ cấp lái xe; xây dựng mới 02 chương trình đào tạo trung cấp, sơ cấp. Hiện nay, Nhà trường đang triển khai xây dựng 02 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng 1,5 năm và 3 năm ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và đào tạo lái xe đặc chủng chở tăng, bệ tên lửa.

Ba là, tích cực vận dụng phương pháp dạy học tích cực, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đào tạo. Cùng với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên kiên quyết thực hiện dạy và học theo hướng lấy người học làm trung tâm; coi trọng hướng dẫn học viên tìm tài liệu, cách đọc tài liệu, thu thập thông tin liên quan; xây dựng đề cương thảo luận, phân nhóm học viên nghiên cứu thảo luận, làm bài tập lớn,... nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo; rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm. Nhà trường dành phần lớn thời lượng cho dạy thực hành; tổ chức xoay vòng, đổi tập linh hoạt phù hợp với lượng thiết bị bảo đảm. Qua đó, học viên được thực hành nhiều trên trang bị, có thời gian nghiên cứu, đối chiếu giữa nguyên lý, lý thuyết và thực tế để hiệu chỉnh sự hiểu biết qua từng chủng loại trang bị. Cùng với đó, Nhà trường đánh giá chặt chẽ qua hoạt động khảo thí, kiểm định với nền nếp nghiêm túc; xây dựng, quản lý chặt chẽ đề thi; coi thi, chấm thi nghiêm túc; nâng cao tỷ trọng thi trắc nghiệm trên máy tính; duy trì nền nếp, chế độ kiểm tra, dự giờ, bám lớp; thực hiện tốt dân chủ trong huấn luyện; thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất theo đúng nội dung, quy trình và kế hoạch,... bảo đảm khách quan, trung thực, đạt chuẩn đầu ra, hạn chế kịp thời thiếu sót trong đào tạo.

Để bắt kịp các ứng dụng công nghệ trang bị xe - máy hiện đại, Nhà trường kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học; có cơ chế khuyến khích thích hợp. Tập trung nghiên cứu các đề tài, chuyên đề về quản lý giáo dục, rèn luyện học viên, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học; sáng kiến cải tiến kỹ thuật v.v. Xây dựng mạng nội bộ; nghiên cứu ứng dụng rộng rãi các phần mềm trong làm bài giảng điện tử, đề thi trắc nghiệm, đánh giá kết quả học tập, mô phỏng cấu tạo chi tiết của ô tô,... thuận lợi trong giảng dạy; lưu trữ, tìm kiếm thông tin; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Từ năm 2011 - 2020, Nhà trường đã thực hiện 25 đề tài, 138 sáng kiến cải tiến kỹ thuật; trong đó, 02 đề tài cấp Bộ, 11 sáng kiến cấp ngành, biên soạn 149 giáo trình, tài liệu cho các đối tượng. Trong các sản phẩm nghiên cứu khoa học dự Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân có 01 giải Nhất, 05 giải Ba.

Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại và có trọng tâm. Được sự quan tâm của trên, giai đoạn 2011 - 2020, Nhà trường đầu tư xây dựng, nâng cấp 11 phòng học chuyên dùng; 06 phòng học thường xuyên; xưởng thực hành; bãi huấn luyện thể lực; phòng điều hành huấn luyện. Mua mới, nâng cấp các phần mềm ứng dụng trong giảng dạy, đánh giá, mô phỏng cấu tạo, hoạt động của xe - máy; một số thiết bị kiểm tra, chẩn đoán lỗi, thiết bị nâng hạ, dụng cụ bảo dưỡng, sửa chữa; máy tính, máy chiếu, v.v. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, nhằm nhanh chóng tiếp cận mô hình giáo dục tiên tiến, thời gian tới, Nhà trường tích cực huy động các nguồn lực hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, thao trường, bãi tập; chuẩn hóa giáo trình, tài liệu. Trước mắt, tập trung xây dựng hoàn thiện bãi thử nghiệm xe, thao trường huấn luyện lái xe trên các địa hình phức tạp, sát thực tế chiến đấu; thành lập trung tâm sát hạch, lắp đặt hệ thống điện tử trên bãi sát hạch hạng C, bảo đảm sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô quân sự hạng C đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với các giải pháp trên, Nhà trường đẩy mạnh xây dựng chính quy, hiện đại, mở rộng quy mô, loại hình, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô trở thành trung tâm đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật quân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội thời kỳ mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN NĂNG THẮNG, Hiệu trưởng Nhà trường _________________

1 - Trường Tiến bộ, các đội huấn luyện, đào tạo lái xe, Tiểu đoàn 255; các nhà trường: Sơ cấp dạy nghề; Đào tạo lái xe; Trung cấp Xe - Xăng; Trung cấp Xe; Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật ô tô; Trung cấp Kỹ thuật ô tô; Trung học kỹ thuật xe - máy; Trung cấp kỹ thuật xe - máy; Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô.

2 - Thành lập Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô trên cơ sở Trường Trung cấp Kỹ thuật Xe - Máy theo Quyết định số 1510/QĐ-BGDĐT, ngày 18/4/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.