Đánh giá rủi ro trong xây dựng

Trên thế giới đã có nhiều khoa học như Martin Barnes, D.F. Cooper, D.H. MacDonald và C.B.Chapman, H.Ren, He Zhi,… đóng góp thành tựu to lớn trong quá trình nghiên cứu về rủi ro và quản lý rủi ro (QLRR). Đồng thời, theo quan điểm nghiên cứu về rủi ro khi xảy ra, QLRR được xem xét trên khía cạnh dự báo và có khả năng đề phòng được.

Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các hoạt động có liên quan đến việc bỏ để mới, mở rộng hoặc cải tạo nhằm mục đích phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong một thời hạn nhất định. Một trong những đặc điểm chính của dự án đầu tư xây dựng là môi trường không chắc chắn (tiềm ẩn nhiều rủi ro).

Đến nay, tại Việt Nam, theo quy định Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, QLRR là một trong mười nội dung chính quản lý dự án đầu tư xây dựng, và một số tác giả nghiên cứu, tìm hiểu về rủi ro: Nguyễn Liên Hương, Đinh Tuấn Hải, Đỗ Thị Mỹ Dung, Tô Nam Toàn, Nguyễn Văn Chung…

2. Tổng quan các nghiên cứu QLRR trong xây dựng

2.1. Tổng quan các nghiên cứu của nước ngoài

2.1.1. Nghiên cứu tại các nước phát triển trình độ cao

- Tại Hoa Kỳ:

+ Ovidi Cretu và các tác giả, trong cuốnsách 285 trang, nghiên cứu về QLRR cho thiết kế và xây dựng trình bày khái niệm về sự không chắc chắn và rủi ro của dự án; phân tích rủi ro qua việc tác động của nó đến kết quả của việc thực hiện dự án và giúp nhà quản lý dự án có thể lên kế hoạch chuẩn bị để đối phó rủi ro dự án.

+ Nigel J.Smith và các tác giả, nghiên cứu về rủi ro, QLRR trong các dự án xây dựng. Theo tác giả, QLRR là quá trình hiểu rõ về dự án và đưa ra một quyết định tốt nhất cho QLDA trong tương lai và quá trình liên tục phòng tránh, giảm thiểu, chấp nhận hoặc chuyển giao rủi ro và phát hiện ra các cơ hội tiềm năng.

-Tại Anh:

+ Nghiên cứu QLRR của Chapman, C.B. và Ward, Stephen, trong cuốn sách nghiên cứu về quy trình, kỹ thuật và thông tin dự án trong QLRR dự án. Tác giả nhận thấy rủi ro là những yếu tố gây sai lệch so với kế hoạch đề ra, đồng thời trình bày chín giai đoạn QLRR của phương pháp luận là: định nghĩa, mục tiêu, nhận định, cấu trúc, sở hữu, ước tính, đánh giá, khai thác và quản lý.

+ Roger Flanacan và George Nornam, nghiên cứu QLRR trong xây dựng đã chỉ ra rằng: ngành xây dựng là đối tượng có nhiều rủi ro và bất định hơn các ngành khác, rủi ro được nghiên cứu từ nhiều góc độ và rủi ro mang cả yếu tố tiêu cực lẫn tích cực và quá trình QLRR gồm 4 bước: xác định, phân loại, phân tích, phản ứng với rủi ro.

- Tại Pháp: Luis F.Alarcón và cộng sự, nghiên cứu rủi ro về chi phí và tiến độ ảnh hưởng hoàn thành việc mở rộng kênh đào Panama. Nghiên cứu chỉ ra rằng: vai trò khảo sát, thiết kế và sự không chắc chắn cố hữu có tầm quan trọng này ở giai đoạn đầu của dự án.

- Tại Nhật Bản: Các cộng sự nghiên cứu về Luật xây dựng và thực tiễn ở Nhật Bản so sánh với Hoa Kỳ. Chia sẻ rủi ro giữa chủ đầu tư và nhà thầu được quy định chi tiết trong điều khoản hợp đồng chứ không phải như ở Hoa Kỳ đòi hỏi phải chuyển tất cả các rủi ro từ nhà thầu sang chủ đầu tư.

- Tại Tây Ban Nha: M.Pilar de la Cruz và cộng sự, nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả quy trình QLDA xây dựng do cơ quan công vụ Tây Ban Nha gồm các bước xác định và phân tích các rủi ro, đồng thời, xác định các phản ứng rủi ro tiềm ẩn.

2.1.2. Nghiên cứu tại các nước phát triển

- Tại Nga: Artem Aleshin, nghiên cứu vấn đề QLRR của các dự án quốc tế và liên doanh với sự hợp tác của nước ngoài tại Nga. Tác giả đã xác định, phân loại và đánh giá những rủi ro vốn có của các dự án chung ở Nga và đưa ra các khuyến nghị thực tiễn cho việc QLRR.

- Tại Mexico: Marcela Fernandez và cộng sự, nghiên cứu rủi ro ở thị trường nhà ở tại Mexico. Nhằm đưa ra quyết định phù hợp, nghiên cứu xác định các chỉ số nguy cơ cao cho các công ty Hoa Kỳ và xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro liên quan đến thị trường nhà ở Mexico.

- Tại Ba Lan: Dariusz Skorupka, nghiên cứu QLRR trong việc xác định và đánh giá rủi ro ban đầu các dự án xây dựng tại Bala. Các đặc điểm kỹ thuật của các chỉ số rủi ro liên quan trực tiếp quá trình đánh giá rủi ro các dự án xây dựng.

- Tại Đài Loan: nghiên cứu rủi ro các dự án đường cao tốc ở Đài Loan. Phân bổ rủi ro, xác định loại rủi ro ảnh hưởng đến quyết định xử lý rủi ro của nhà thầu.

- Tại Singapore: Bon-Gang Hwang và cộng sự, cho rằng QLRR cần được thực hiện trong các dự án xây dựng để đảm bảo đạt được mục tiêu của dự án, bất kể quy mô dự án.

- Tại Hàn Quốc: J.W. Seo và Hyun Ho Choi, nghiên cứu phương pháp đánh giá tác động an toàn dựa trên rủi ro cho các dự án xây dựng tàu điện ngầm ở Hàn Quốc. Tác giả cho rằng sự an toàn của các công trình xây dựng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như loại và quy mô dự án, phương pháp thi công, quy trình quản lý an toàn, khí hậu, địa điểm…

2.1.3. Nghiên cứu mới tại các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng như Việt Nam

- Tại Trung Quốc: Jun Ying Liu, nghiên cứu vai trò của QLRR cấp doanh nghiệp ở Trung Quốc. Kết quả cho thấy QLRR cấp daonh nghiệp có thể cải thiện khả năng và hiệu quả của QLRR thông qua việc kiểm soát rủi ro dự án: phòng ngừa QLRR, quy trình QLRR; dịch vụ bên ngoài và văn hóa doanh nghiệp.

- Tại Malaysia: Cheng Siew Goh và cộng sự, nghiên cứu QLRR cho dự án công cộng tại Malaysia thông qua các cuộc hội thảo. Tác giả chỉ ra rằng việc lựa chọn các công cụ và kỹ thuật QLRR thích hợp là rất quan trọng để ra quyết định đối phó tốt hơn.

- Tại Thái Lan: Sid Ghosh và Jakkapan Jintanapakanont, nghiên cứu rủi ro các dự án cơ sở hạ tầng tại Thái Lan. Nghiên cứu xác định các biến số nguy cơ quan trọng đối với một dự án đường sắt ngầm Chaloem Ratchamongkhon tại Thái Lan.

- Tại Indonexia: Andreas Wibowo và Bernd Kochendorfer, nghiên cứu các yếu tố rủi ro tài chính tại dự án ở đường Toll, Indonexia. Các kết quả mô phỏng cho thấy rằng nhà tài trợ dự án trở nên tồi tệ hơn vì trì hoãn rủi ro thấp hoặc trung bình.

- Tại Srilanka: nghiên cứu về rủi ro tài chính tại các dự án hạ tầng cơ sở cảng biển ở Srilanka. Nghiên cứu này chứng minh việc kiểm soát các yếu tố không chắc chắn, tác động của chúng đến rủi ro dự án và được thông qua thảo luận nhằm tăng cường QLRR tài chính dự án.

- Tại Philippines: Shinya Hanaoka và Hazel Perez Palapus, nghiên cứu về khoảng thời gian ưu đãi hợp lý cho các dự án theo hình thức BOT ở Philippines. Tác giả sử dụng phương pháp mô phỏng Monte Carlo và lý thuyết thương lượng để xác định khoảng thời gian ưu đãi hợp lý sẽ là lợi thế cho cả chính phủ và doanh nghiệp tư nhân.

- Tại Campuchia: Djoen San Santoso và Sothy Soen, phân tích các yếu tố trì hoãn trong các dự án xây dựng đường ở Campuchia. Mười danh sách rủi ro hàng đầu: mưa và lũ lụt; lựa chọn nhà thầu yếu; sự cố thiết bị; lựa chọn địa điểm không phù hợp; quản lý và giám sát; điều kiện đất đai và địa hình bất ngờ; chất lượng nhân sự của nhà thầu thấp; thanh toán chậm tiến độ, và năng suất lao động thấp.

2.2. Tổng quan các nghiên cứu trong nước

- Luận án tiến sĩ, Nguyễn Liên Hương nghiên cứu về rủi ro, quản trị rủi ro của các doanh nghiệp xây dựng. Quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gồm 3 giai đoạn: giai đoạn lập chiến lược và kế hoạch, giai đoạn tham gia đấu thầu, giai đoạn thực hiện hợp đồng xây dựng sau khi trúng thầu.

- Luận án tiến sĩ, Đỗ Thị Mỹ Dung đã làm rõ các lý thuyết về rủi ro và QLRR dự án đầu tư xây dựng. Nghiên cứu áp dụng phương pháp xác suất thống kê phân tích tương quan để đánh giá mối liên hệ tương quan của một biến đến các biến khác để đánh giá về các rủi ro sau khi đã nhận dạng chúng và sử dụng phần mềm QLRR trong quá trình QLRR thi công cọc Barret.

- Luận án tiến sĩ, Trịnh Thùy Anh nghiên cứu cơ sở lý luận vê rủi ro, QLRR đứng trên nhiều góc độ: chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, cộng đồng để thấy chủ thể chịu những rủi ro nào và gây ra các rủi ro nào. Và đề xuất ba giải pháp QLRR hướng tới chủ thể QLRR là nhà nước: Nhóm giảm nhẹ rủi ro; QLRR dự án theo chu trình; Hệ thống QLRR.

- Luận án tiến sĩ: Thân Thanh Sơn nghiên cứu rủi ro trong hình thức hợp tác công tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam. Tác giả đã tổng hợp được 51 rủi ro cụ thể, đồng thời phân bổ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân tham gia dự án dựa trên quan điểm rủi ro nên được quản lý bởi bên có khả năng QLRR đó tốt nhất.

- Luận án tiến sĩ, Nguyễn Văn Châu nghiên cứu rủi ro các dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ ở Việt Nam. Nghiên cứu hướng đến mục tiêu là tổng quan về rủi ro và QLRR trong các dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ trên thế giới và Việt Nam phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo.

- Nguyễn Thế Chung và Lê Văn Long, nghiên cứu xác định rủi ro hiệu quả tài chính một số dự án đầu tư sản xuất xi măng ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà QLDA xác định được hiệu quả trong việc xác suất thành công dự án; mức độ phát triển rủi ro của dự án; khả năng so sánh, lựa chọn các phương án tối ưu.

- Tô Nam Toàn và Kuzumasa Osawa, nghiên cứu về nhận thức của các bên liên quan về mức độ nghiên trọng của các rủi ro liên quan đến cơ sở hạ tầng BOT tại Việt Nam. Nghiên cứu giúp các bên tham gi nhận thức về các rủi ro và phân bổ và các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận rủi ro của từng bên liên quan.

- Lê Văn Long, nhận thấy vấn đề cần thực hiện trong quá trình QLRR dự án đầu tư xây dựng công trình, cụ thể là: nhận dạng đầy đủ các rủi ro diễn ra trong vòng đời dự án. Mỗi giai đoạn dự án sẽ có những rủi ro để lại hậu quả kéo dài qua các giai đoạn và những rủi ro chỉ xảy ra ở giai đoạn nhất định.

- Nguyễn Xuân Chính và Nguyễn Hoàng Anh, nghiên cứu về tính toán độ an toàn thiết kế các công trình xây dựng. Tính toán và dự báo sự cố rủi ro sẽ đưa ra được kế hoạch khai thác, bảo trì và sửa chữa hợp lý nhằm bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả khai thác công trình.

- Phạm Hồng Luân và Lý Thanh Tùng, nghiên cứu rủi ro các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP tại Việt Nam. Tác giả nhận thấy việc nhận dạng, phân tích đánh giá rủi ro nếu được thực hiện đầy đủ và kịp thời sẽ giúp các bên tham gia dự án đặc biệt nhà đầu tư có các biện pháp ứng phó rủi ro hiệu quả hơn.

- Lưu Trường Văn và Trần Thanh Tùng, nghiên cứu rủi ro tài chính dự án xây dựng cảng biển. Việc nhận dạng, phân tích, đưa ra các biện pháp ứng phó và phân bổ rủi ro sẽ giúp chủ đầu tư đưa ra kế hoạch quản lý kiểm soát rủi ro nhằm nâng cao hiệu quả cho dự án.

- Lê Kiều, nghiên cứu rủi ro tai nạn lao động trên công trường. Tác giả xây dựng quy trình QLRR tai nạn lao động gồm các bước: Lập kế hoạch QLRR; Đánh giá tai nạn rủi ro, chống tai nạn dự phòng; Tổ chức QLRR đề phòng tai nạn, và Xây dựng cơ sở dữ liệu phòng ngừa tai nạn rủi ro.

- Đinh Tuấn Hải, cho rằng từ khi có luật doanh nghiệp các doanh nghiệp ngành xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác giả xác định và phân loại rủi ro tài chính đồng thời tác giả xây dnwgj các biện pháp phòng chống và hạn chế rủi ro thành công thì doanh nghiệp tìm được cách kiểm soát QLRR, tìm hiểu và áp dụng các biện pháp thích hợp để giảm thiểu rủi ro chính.

3. Bàn luận

3.1. Bàn luận các nghiên cứu quản lý rủi ro thế giới

3.1.1. Phạm vi thực hiện các nghiên cứu

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về rủi ro và QLRR được thực hiện. Ngoài nghiên cứu chung về QLRR thì còn có các nghiên cứu cho nhiều loại dự án, cấp độ dự án, quy mô dự án, hình thức đầu tư, đối tượng.

Nghiên cứu được tiến hành khái quát chung cho cả quá trình QLRR hoặc nghiên cứu tập trung làm rõ một vấn đề hoặc một khâu trong quy trình QLRR như đánh giá và phân tích rủi ro, phân chia rủi ro, các kỹ thuật áp dụng trong QLRR.

3.1.2. Đối tượng của các nghiên cứu

Rủi ro và QLRR được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau của các bên tham gia dự án đồng thời trình bày sự tương tác, ảnh hưởng của các bên tham gia dự án với nhau. Đồng thời, rủi ro cũng được xem xét trong mối quan hệ tác động qua lại với nhau.

3.1.3. Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu

Để phân loại và đánh giá rủi ro, các nghiên cứu đã áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật QLRR khác nhau: Phương pháp CIM, phương pháp phân tích quá trình thứ bậc (AHP – Analytic Hierarchy Process), kỹ thuật RAMS, phương pháp đánh giá dựa trên lý thuyết tập mờ (Fuzzy Sets Theory), phương pháp mạng niềm tin Bayesian (BBN), phương pháp mô phỏng Monte Carlo, phương pháp xác suất thống kê, phương pháp dựa trên cấu trúc phân nhỏ công việc…

3.1.4. Phương thức Quản lý rủi ro

Đối với các nước phát triển: Nghiên cứu QLRR thường tập trung vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án và hoàn thiện quy trình QLRR dự án.

Đối với các nước đang phát triển và các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam: Chia sẻ rủi ro hợp lý giữa các bên tham gia. Đồng thời đưa ra quyết định ứng phó rủi ro được coi là biện pháp xử lý rủi ro phù hợp.

3.2. Bàn luận các nghiên cứu về QLRR tại Việt Nam

3.2.1. Phạm vi thực hiện các nghiên cứu

Các nghiên cứu về rủi ro và QLRR tại Việt Nam đã bắt đầu được quan tâm. Ngày càng có nhiều đề tài, luận án, luận văn thực hiện về vấn đề này và thường đi vào các loại hình dự án cụ thể, cho một số đơn vị cụ thể.

3.2.2. Đối tượng của các nghiên cứu

Rủi ro và QLRR được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu hầu hết chỉ xét rủi ro tác động độc lập lên từng khía cạnh dự án.

3.2.3. Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu

Các nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp xác suất thống kê để phân loại và đánh giá rủi ro.

3.2.4. Phương thức Quản lý rủi ro

Nghiên cứu từ những góc độ khác nhau nhằm đưa ra các định hướng QLRR đặc biệt nhằm chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia dự án.

Mặt tích cực (rủi ro cơ hội) chưa được đề cập và nghiên cứu nhiều.

4. Kết luận

Nghiên cứu về quản lý rủi ro trong xây dựng đã được thực hiện, nghiên cứu áp dụng cho nhiều loại hình dự án, đối tượng, sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật bởi các nhà khoa học trên thế giới đã đạt được kết quả và thành tựu nhất định. Tại Việt Nam, mặc dù đã có những nghiên cứu về QLRR, tuy nhiên hiệu quả QLRR tại các dự án là chưa cao. Bài viết này đã tổng kết lại các nghiên cứu về QLRR trong xây dựng trên thế giới và tại Việt Nam góp phần làm thay đổi nhận thức của các nhà QLDA và hình thành hướng nghiên cứu mới về rủi ro và QLRR trong dự án đầu tư xây dựng.