Công văn 227 của tòa án giải đáp thắc mắc

Theo quy định tại Điều 177 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết; nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”

“Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này”.

Như vậy, Hội đồng xét xử chỉ được ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa hoặc ra quyết định bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án để bảo đảm việc thi hành án. Đối với trường hợp Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là đã kết thúc phiên tòa nên Hội đồng xét xử không có quyền tạm giam bị cáo để hoàn thành việc xét xử. Hội đồng xét xử cũng không có quyền bắt tạm giam bị cáo để phục vụ cho việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung thì quyết định này (kèm hồ sơ vụ án) phải được gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Cho nên, việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

Để tránh bị động trong việc kiểm đếm hồ sơ trả cho Viện kiểm sát, khi xây dựng kế hoạch xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải dự kiến được những công việc cần phải làm và chủ động phối hợp với Viện kiểm sát để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

  1. Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về giới hạn của việc xét xử có quy định Tòa án có quyền xét xử khoản khác nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật Vậy trong quyết định đưa vụ án ra xét xử có phải ghi rõ khoản nặng hơn mà Tòa án sẽ xét xử không? Nếu không ghi rõ thì có bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo không?

Trường hợp nêu trên, Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về khoản nặng hơn. Trong trường hợp này, Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Tòa án sẽ xét xử để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo; nếu Quyết định đưa vụ án ra xét xử không ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Tòa án sẽ xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Cần lưu ý thêm, theo quy định tại Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì “Trường hợp thấy cần xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.” Do đó, khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Tòa án sẽ xét xử.

  1. Trường hợp Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì thủ tục đề nghị xem xét lại quyết định này được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (khoản 1 Điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) thì: “Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án cấp trên”. Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định về việc kháng cáo đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do đó, trường hợp cá nhân, tổ chức cho rằng quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể đề nghị Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án cấp trên.

  1. Đối với người bị kết án là phụ nữ mà sau khi bị kết án họ liên tục có thai và sinh con để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù thì Tòa án có cho họ hoãn chấp hành hình phạt tù không?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015) thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”.

Như vậy, nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.

  1. Sau khi ra quyết định thi hành án hình sự mới nhận được thông báo sửa chữa bản án liên quan đến thi hành án. Vậy, trong công tác thi hành án hình sự có quyền đính chính quyết định thi hành án hình sự không?

Trường hợp sau khi ra quyết định thi hành án hình sự mới nhận được thông báo sửa chữa bản án thì Tòa án phải đính chính quyết định thi hành án hình sự cho phù hợp. Khi thực hiện việc đính chính, Tòa án căn cứ vào quy định về sửa chữa, bổ sung bản án; quy định về việc ra quyết định thi hành án và thông báo sửa chữa bản án để đính chính quyết định thi hành án.

  1. Người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại có đơn xin hoãn thi hành án do bị bệnh nặng. Kết quả giám định sức khỏe kết luận tỷ lệ tổn thương do bệnh là 25%. Vậy, Tòa án có căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe do bệnh để quyết định cho người phải thi hành án hoãn thi hành án không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm a khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015), người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, cụ thể: “người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu… Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

Như vậy, việc xác định bệnh nặng phải trên cơ sở hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP nêu trên. Khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe.

Tin khác

Công văn 227 của tòa án giải đáp thắc mắc

Công văn 227 của tòa án giải đáp thắc mắc

Xử Lý Khoản Đặt Cọc

Khái niệm đặt cọc Quy định tại Điều 328 – Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) như sau: “1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác Xem tiếp…

Công văn 227 của tòa án giải đáp thắc mắc

Công văn 227 của tòa án giải đáp thắc mắc

Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là tranh chấp phổ biến hiện nay, tuy nhiên không phải người dân nào cũng am hiểu về quy trình giải quyết đất đai theo quy định của pháp luật. Sau đây, Luật sư tư vấn đất đai của Văn phòng Luật sư Hoàn Mỹ sẽ phân tích cụ thể để quý bạn đọc có thể Xem tiếp…