Vòng quay tiền mặt (cash conversion cycle – CCC) là một chỉ số quan trọng, đặc biệt là cho các công ty có giá trị hàng tồn kho và tài khoản phải thu, phải trả lớn (thường là các công ty thương mại), vì nó đánh giá sự hiệu quả trong quản lý vốn lưu động của công ty.

Cách ghi nhớ về định nghĩa và công thức của vòng quay tiền mặt là rất đơn giản nếu các ông vẽ được 1 timeline xung quanh các nghiệp vụ về hàng tồn kho và mua – bán hàng.

Công thức tính vòng quay tiền mặt

Ở đây, có 4 sự kiện chính cần phải quan tâm:

  1. Ngày ông mua hàng về, chúng ta giả sử rằng đây là mua trả sau – tức là mua hàng trước và trả tiền vào một ngày khác sau. Nghiệp vụ này làm tăng tài khoản phải trả (account payables)
  2. Ngày ông thực sự thanh toán cho món hàng tồn kho đã mua. Khoản này sẽ được thu hồi lại khi ông bán được món hàng tồn kho cho người khác.
  3. Ngày ông bán món hàng tồn kho đó. Chúng ta vẫn tiếp tục giả sử rằng đây là bán trả sau – bán trước và nhận tiền vào một ngày sau đó. Nghiệp vụ này làm tăng tài khoản phải thu (account receivables).
  4. Cuối cùng là ngày ông nhận được tiền từ món hàng đã bán. Tiền sẽ được chuyển từ khách hàng của ông.

Vòng quay tiền mặt là thời gian trung bình giữa sự kiện 2sự kiện 4, hay là thời gian tính từ khi ông phải móc ví ra trả tiền cho nhà cung cấp hàng cho tới khi khách hàng của ông móc ví ra trả tiền cho ông.

Ở đây, tôi sẽ sử dụng những từ viết tắt sau:

  • DOP: Number of Days OPayables (số ngày khoản phải trả)
  • DOI: Number of Days Of Inventory on hand (số ngày nắm giữ hàng tồn kho)
  • DOR: Number of Days of Receivables (số ngày khoản phải trả)
  • CCCCash Conversion Cycle (vòng quay tiền mặt)

với:

DOP = Khoản phải trả trung bình năm × 365 ÷ Chi phí giá vốn
DOI = Hàng tồn kho trung bình năm × 365 ÷ Chi phí giá vốn
DOR = Khoản phải thu trung bình năm × 365 ÷ Bán trả sau

Đây là ví dụ về timeline cho những sự kiện này:

Công thức tính vòng quay tiền mặt

Từ timeline ở trên, có thể thấy:

$$ \begin{align}DOP\ +\ CCC\ &=\ DOI\ +\ DOR\\ \\ CCC\ &=\ DOI\ +\ DOR\ –\ DOP \end{align} $$

Ví dụ minh họa:

Apple  Gucci
Doanh thu (Rev.) 164,687 26,405
Giá vốn (CoGS) 95,668 15,738
Phải thu trung bình năm (Avg. AR) 10,264 353
Hàng tồn kho trung bình năm (Avg. Inv) 1,346 4,937
Phải trả trung bình năm (Avg. AP) 22,309 2,656
DOR (= Avg. AR × 365 ÷ Rev) 22.75 4.88
DOI (= Avg. Inv × 365 ÷ CoGS) 5.13 114.39
DOP (= Avg. AP × 365 ÷ CoGS) 85.12 61.61
CCC = DOI + DOR – DOP -57.24 57.78

Quá khủng! Apple có vòng quay tiền mặt là âm 57 ngàyĐiều đó đồng nghĩa với việc họ được khách hàng thanh toán 2 tháng trước khi họ phải trả tiền cho nhà cung cấp, tức là Apple không cần sử dụng vốn lưu động mà còn có thể tạo ra doanh thu tài chính nhờ “chiếm dụng” được vốn lưu động của nhà cung cấp.

Trong ví dụ trên, cả Apple và Gucci đều cần hơn 2 tháng để thanh toán những khoản Phải trả cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, Gucci được khách hàng thanh toán rất nhanh – trung bình chỉ khoảng 5 ngày, lý do là vì khách hàng của họ thường trả bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng Visa/Mastercard ngay tại quầy. Điều khác biệt ở đây là quản lý hàng tồn kho. Hàng hóa nằm ở trong kho của Gucci khá lâu – trung bình gần 4 tháng. Trong khi đó, hàng tồn kho của Apple gần như được quay vòng liên tục. Họ nắm giữ hàng tồn kho trong trung bình chỉ 5 ngày. Dĩ nhiên, bản chất hoạt động kinh doanh của Gucci và Apple là rất khác nhau, do đó hơi khập khiễng khi so sánh một công ty sản xuất với công ty bán lẻ tiêu dùng. Tuy vậy, chỉ số vòng quay tiền mặt âm là điều không có gì để phàn nàn.

Vòng quay tiền mặt hữu ích nhất trong việc thực hiện phân tích các công ty trong cùng một ngành nghề. Nhìn chung, vòng quay tiền mặt ngắn hơn là tốt hơn, vì nó thể hiện rằng công ty có khả năng bán hàng tồn kho và thu hồi tiền mặt từ khách hàng càng nhanh càng tốt, trong khi đó thanh toán cho các nhà cung cấp càng chậm càng tốt. Việc rút ngắn vòng quay tiền mặt có thể thực hiện qua việc rút ngắn thời gian thu hồi công nợ (giảm DOR), khẩn trương đưa nguyên vật liệu vào dây chuyền sản xuất (giảm DOI), hay thương thảo với các nhà cung cấp để kéo dài thời gian công nợ (tăng DOP).