Chiến dịch thượng lào kết thúc vào ngày tháng năm nào?

TPO - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954 đã mang lại thắng lợi hoàn toàn cho cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm của dân tộc ta.

Chiến dịch thượng lào kết thúc vào ngày tháng năm nào?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953. Ảnh tư liệu.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau khi thực dân Pháp tăng quân đánh chiếm khu vực Thượng Lào, đầu tháng 2 năm 1953, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai vị Tổng Tư lệnh của quân đội cách mạng hai nước Lào - Việt đã trao đổi và nhất trí đề nghị Chính phủ hai nước Lào - Việt cùng phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào. Đề nghị này đã được chính phủ hai nước Việt - Lào chấp thuận thực hiện, nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cả ở Việt Nam và Lào giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Ngày 2 tháng 2 năm 1953

Tổng Quân uỷ Việt Nam thông qua ph­ương h­ướng phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch Thượng Lào

Nhằm giành thắng lợi trên mặt trận quân sự ở chiến trường Lào, ngày 2 tháng 2 năm 1953, Tổng Quân ủy Việt Nam thông qua phương hướng, đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phối hợp với quân và dân Lào anh em mở chiến dịch Sầm Nưa (Thượng Lào). Mục đích là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ Kháng chiến Lào, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Đối với Việt Nam, mở chiến dịch Thượng Lào sẽ phân tán thêm lực lượng địch, phá âm mưu củng cố vùng Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ của chúng, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích ở đồng bằng và chiến dịch Thu Đông của ta. Ngoài ra, đây còn là dịp để rèn luyện thêm cho bộ đội chủ lực Việt Nam về chiến thuật và chấp hành chính sách quốc tế của Đảng.

Ngay trong tháng 2, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào, Mặt trận Lào Ítxalạ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Sầm Nưa (Thượng Lào). Mục đích là nhằm “tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ Kháng chiến Lào mở rộng và xây dựng căn cứ địa chính của cách mạng Lào, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào”.

Bộ Chỉ huy chiến dịch: Phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm chính trị, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Nam - Chủ nhiệm cung cấp và đồng chí Nguyễn Khang - Đặc trách công tác ở chiến trường Lào. Phía Lào có Hoàng thân Xuphanuvông (Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến), đồng chí Cayxỏn Phômvihản (Bộ trưởng Quốc phòng), đồng chí Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany (Thứ trưởng Quốc phòng) và đồng chí Ma Khảy Khămphithun (Bí thư tỉnh Sầm Nưa).

Sau khi trao đổi thống nhất với Chính phủ Kháng chiến Lào, cuối tháng 2 năm 1953, các đơn vị Lào - Việt được giao nhiệm vụ tham gia mở chiến dịch Thượng Lào, gấp rút triển khai chuẩn bị về mọi mặt. Trên hướng Sầm Nưa (hướng chủ yếu) có Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 (hai trung đoàn), Đại đoàn 316 (một trung đoàn) và Đoàn 80 quân tình nguyện Việt Nam ở tỉnh Hủa Phăn. Phía Lào có khoảng 500 bộ đội địa phương, trong đó có một đại đội tập trung của tỉnh và lực lượng dân quân du kích các huyện Xiêng Khọ, Mương Xon.

Tháng 4 năm 1953

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam điện gửi Tổng Quân ủy Việt Nam

Trong điện gửi Tổng Quân ủy tháng 4 năm 1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nêu ra một số ý kiến về tình hình Thượng Lào: xuất phát từ thực tế tương quan lực lượng ở vùng mới giải phóng, ta cần chọn những vùng có thể giữ vững được để củng cố trước rồi sẽ tiếp tục phát triển. Nên chọn khu vực Sầm Nưa làm trung tâm củng cố. Khu vực thứ hai là dọc đường 7. Trong công tác củng cố cần chú ý theo chính sách mà tổ chức chính quyền, du kích, bộ đội địa phương và tổ chức Ítxalạ. Khi cần phát biểu ý kiến công khai thì để Chính phủ và Mặt trận Ítxalạ ra mắt phát biểu.

Hội nghị cán bộ quân chính giúp Lào ở Mặt trận Thượng Lào

Nhằm tăng cường công tác giúp Lào, tháng 4 năm 1953, Mặt trận Thượng Lào đã tổ chức Hội nghị cán bộ quân chính. Sau khi kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ và hiệu quả các mặt công tác giúp cách mạng Lào, Hội nghị cán bộ quân chính Mặt trận Thượng Lào đã thông qua nghị quyết đẩy mạnh công tác trong thời gian tới:

1. Tăng cường đoàn kết Lào - Việt.

2. Đẩy mạnh công tác dân vận, mặt trận phát triển lên bước mới.

3. Thúc đẩy tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

4. Phát triển chiến tranh du kích rộng rãi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự Hội nghị phát biểu nêu rõ cần nâng cao tinh thần quốc tế, tin tưởng vào lực lượng cách mạng Lào, ra sức giúp đỡ bộ đội Lào Ítxalạ và nhân dân Lào tiêu diệt kẻ thù chung, cùng nhau đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho hai nước, cùng nhau chiến đấu để góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình dân chủ ở Đông Nam châu Á và thế giới, để sau này cùng nhau tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Đầu tháng 4 năm 1953

Quán triệt nhiệm vụ chiến dịch Thượng Lào

Trước khi mở chiến dịch Thượng Lào, ngày 1 tháng 4 năm 1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thư cho Tổng Quân uỷ, các đại đoàn ủy và Ban Cán sự Thượng Lào, cùng các đơn vị phối hợp với Lào tham gia chiến dịch. Nội dung thư nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến dịch và quán triệt những nhiệm vụ cần nghiêm túc thực hiện để chiến dịch đạt thắng lợi cao nhất, thể hiện tình đoàn kết Việt - Lào.

Ngày 3 tháng 4 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các đơn vị bộ đội Việt Nam tham gia chiến dịch. Trong thư, Người yêu cầu các đơn vị và bộ đội phải:

1. Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên Lào cũng như ở Việt Nam.

2. Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước Lào.

3. Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

4. Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi.

Tiếp đó, trong hai ngày 5 và 6 tháng 4 năm 1953, Tổng Quân ủy Việt Nam đã mở hội nghị gồm cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên để quán triệt tình hình và nhiệm vụ tác chiến. Tại buổi bế mạc hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhắc nhở cán bộ trước khi ra trận. Nội dung chủ yếu gồm: Cần nhận định đúng tình hình địch, không đánh giá địch thấp, nhưng cũng không đánh giá địch cao; quán triệt phương châm và kế hoạch tác chiến. Đại tướng cũng nhắc nhở cần lưu ý một số điểm trong khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến như: hành quân phải nhanh chóng, bí mật, nhiệm vụ chính của bộ đội nhỏ đi trước, những đơn vị có nhiệm vụ tiêu diệt một số cứ điểm quan trọng ở ngoại vi cần phải bảo đảm chắc thắng; những đơn vị có nhiệm vụ đánh vào trung tâm, những đơn vị có nhiệm vụ tiêu diệt nốt những cứ điểm còn lại, hay truy kích tàn binh địch thì yêu cầu về chỉ huy, về công tác chính trị, công tác hậu cần, phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế anh dũng chiến đấu.

Ngày 9 tháng 4 năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi thư cho các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam nêu rõ: Tất cả cán bộ, chiến sĩ phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế chủ nghĩa, anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch trên chiến trường nước Lào, cũng như trên đất nước Việt Nam, làm đúng 10 điều quy định của Quân đội nhân dân Việt Nam sang tác chiến ở Lào; tôn trọng chủ quyền, yêu kính nhân dân, đoàn kết với bộ đội và nhân dân Lào đánh đổ kẻ thù chung là thực dân Pháp.

Từ ngày 13 tháng 4 đến 14 tháng 5 năm 1953

Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Lào Ítxalạ mở chiến dịch Th­ượng Lào

Phát hiện ý định tiến công của ta, đêm 12 rạng ngày 13 tháng 4 năm 1953, địch vội vã rút chạy khỏi Sầm Nưa. Một bộ phận quân chủ lực và quân tình nguyện chuyển sang truy kích địch ở Mương Hàm, bắt toàn bộ nguỵ quyền tỉnh Hủa Phăn cùng 40 lính dõng. Ngày 15 tháng 4, Đại đội 216 quân tình nguyện thuộc Đoàn 81 đang hoạt động ở phía bắc thị trấn Bạn Ban (thuộc huyện Mương Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng), tuy chưa biết tin địch bỏ chạy khỏi Sầm Nưa, nhưng thấy chúng hoảng hốt chạy qua, đã tập hợp đơn vị nổ súng tiến công địch, loại khỏi vòng chiến đấu 20 tên; sau đó bao vây một toán địch khác, gọi hàng hơn 100 tên, thu 70 súng các loại. Sau chiến dịch này, Đại đội 216 được Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba do đã lập thành tích xuất sắc trong chiến dịch Thượng Lào.

Cũng thời gian này, trên hướng đường 7, các đại đội 214, 232 và đội vũ trang Pắtchây Lào phối hợp với hai Trung đoàn 66 và 9 thuộc Đại đoàn 304 tiến công tiêu diệt đồn Noỏng Hét, Bạn Ban và tiến về hướng Cánh đồng Chum. Ở hướng nam đường 7, các đại đội 210, 215, 217 thuộc Đoàn 81 và bộ đội địa phương Mương Mọc, du kích Xảm Chè phối hợp với Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) vượt qua Then Phun tiến áp sát thị xã Xiêng Khoảng. Địch ở đây hoảng sợ rút chạy về co cụm ở Cánh đồng Chum.

Trước nguy cơ Cánh đồng Chum bị ta tiến công, Bộ Chỉ huy Pháp vội điều động một số tiểu đoàn từ Nà Sản, kể cả từ đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam) sang hỗ trợ, xây dựng Cánh đồng Chum thành tập đoàn cứ điểm mạnh, cố giữ bằng được vị trí chiến lược quan trọng này.

Trên hướng sông Nặm U (hướng phối hợp), Trung đoàn 148 (Quân khu Tây Bắc), Đoàn 82 quân tình nguyện phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ và du kích đẩy mạnh hoạt động phối hợp với hướng chính Sầm Nưa. Ngày 21 tháng 4, liên quân Lào - Việt diệt một đại đội địch ở Mương Ngòi. Địch ở Nặm Bạc hoảng sợ bỏ chạy về Pạc U. Thừa thắng, một bộ phận quân chủ lực, quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Lào tiến công tiêu diệt vị trí Mương Khỏa; tiếp đó tiến công loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội địch ở Pạc Xương. Cuối tháng 4 năm 1953, bộ đội chủ lực và quân tình nguyện cùng với lực lượng vũ trang Lào được bạn giúp đỡ tiếp tục truy kích đánh địch rút chạy từ khu vực sông Nặm U về Luổng Phạbang. Cuộc chiến đấu của các đại đoàn chủ lực 308, 304, 312, 316 phối hợp với các đoàn 80, 81, 82 quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Lào tiếp tục diễn ra, kéo dài đến ngày 14 tháng 5 năm 1953 thì kết thúc.

Trước thắng lợi vang dội của chiến dịch Thượng Lào, hàng vạn nhân dân huyện Mương Khăm đã kéo đến dự cuộc mít tinh lớn tại Bạn Ban, do Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Xiêng Khoảng tổ chức. Tại cuộc mít tinh, ông Phumi Vôngvichít, đại diện Chính phủ Kháng chiến Lào đọc diễn văn ca ngợi thành công của chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi to lớn của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt - Lào, giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội Lào Ítxalạ cùng chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược. Tiếp đó, ông kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết một lòng, kiên quyết tiến lên đánh thắng thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn tay sai, giành độc lập, tự do cho dân tộc Lào.

Kết quả toàn chiến dịch, các đại đoàn chủ lực, các đoàn quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 500, bắt 1.800 và làm tan rã 500 tên địch, giải phóng tỉnh Hủa Phăn, một phần các tỉnh Xiêng Khoảng, Luổng Phạbang, Phôngxalỳ với hàng chục vạn dân, nối liền căn cứ kháng chiến Lào với vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo thế chiến lược cho cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước Việt - Lào có điều kiện phát triển thuận lợi.

(còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).

TG