Cách bói làm vợ chống

Việc bói toán, lên đồng lên cốt... từ lâu bị xã hội lên án rất nhiều, đã có nhiều gia đình tan nát chỉ vì tin vào những lời xằng bậy của thầy bà bói toán. Tuy nhiên hiện nay còn không ít một bộ phận người vẫn còn tin vào chuyện nhảm nhí này để rồi tự rước họa vào thân, nhiều khi còn liên lụy tới người khác...

Bích là cô bạn thân của tôi từ thời phổ thông. Đã lâu không gặp, cô hoa khôi ngày trước giờ trở nên tàn tạ, héo hon. Trông cô già hơn số tuổi 37 rất nhiều. Kéo tôi vào quán nước, Bích kể một hơi: "Lão Phong (chồng Bích) làm tao ra nông nỗi này. "Lão" có bồ nhưng cứ chối leo lẻo. Chưa bắt được quả tang, mấy bà chị bảo tao đi coi bói. Mười thầy bói đều chắc điều đó như đinh đóng cột".

Chợt nhớ ra, Bích bảo: "Đi với tao đến chỗ bà thầy N., nghe đồn bà này hay lắm, đến nỗi ở Sài Gòn, miền Tây... và cả Việt kiều cũng tìm về mà xem đó!".

Bà thầy N. (ở Bình Dương) trên 40 tuổi, có đôi mắt nhìn như xoáy vào người khác. Trong phòng đã có 4, 5 người ngồi chờ. Một cô gái trẻ ăn mặc khá "bốc" bước lên ngồi đối diện với thầy. Không thèm nhìn thân chủ, bà thầy đẩy bộ bài đến cô, miệng hỏi: "Bao nhiêu tuổi, có chồng chưa?". Cô gái đáp: "Em 20 tuổi, chưa có chồng!". Thầy N. nói ngắn gọn: "Xóc 9 cái, kênh ra làm hai, tay phải rút một lá, tay trái rút một lá!".

Cô gái y lời. Lật hai lá bài lên, bà bảo: "Số em rất sướng, ở không cũng có người chăm lo (!)". Hỏi cô gái về nghề nghiệp, cô cho biết mình đang làm ở tiệm hớt tóc. Bà thầy bảo cô xóc bài rồi mỗi tay rút 6 lá. Vừa lật bài lên, bà chỉ từng lá: "Có 3 người đàn ông đang theo đuổi cô (!), hai người lớn tuổi, một người nhỏ tuổi. Đúng không?".

Cô gái chưa kịp nhớ ra và trả lời, "thầy" N. hỏi tiếp: "Một trong 3 người này có hứa cho em món quà giá trị, đã cho chưa?". Cô gái đáp: "Dạ chưa, đó là một chiếc xe tay ga!". Bà thầy vỗ bàn cái chát: "Sẽ có, tháng sau là có ngay!".

Xem một lá bài, bà thầy bảo: "Em về dặn chủ em cẩn thận trong việc làm ăn nha. Có khi phải dính líu đến pháp luật đó!". Cô gái có vẻ căng thẳng khi nghe câu này. Người tinh ý sẽ nghĩ ra ngay, cô gái làm ở tiệm hớt tóc nam, nếu tiệm làm ăn chân chính thì sợ gì bị dính líu đến pháp luật?

Đến mấy người kế tiếp. Bà thầy cũng phán vớ vẩn mà ai nấy cũng đều tin sái cổ. Đặc biệt với những bà, những cô đã có gia đình, bà thầy đều nói họ phải cúng giải vì có "vong" theo... phá (!). Sợ quá, người nào cũng nhờ thầy cúng, tùy theo "nặng" hay "nhẹ" mà số tiền cúng từ 150.000 đồng - 400.000 đồng/người.

Đến lượt Bích, vừa nhìn khuôn mặt như người mất hồn của cô, bà thầy nói ngay: "Gia đạo chị này lộn xộn lắm đây!". Bích tái mét mặt mày, xóc bài mà tay cứ run bần bật. Cũng những động tác như trên, bà thầy rút 3 lá của Bích lên, reo to: "Đấy, tôi nói có sai đâu, hai vợ chồng không hạnh phúc vì có một người nữ xen vào đây này!".

Rồi bà nói vanh vách về người nữ thứ ba này y như là bà thấy rõ hình dáng, tính tình của cô kia vậy. Càng nói, cô bạn tôi càng gật lấy gật để. Cuối cùng, bà thầy bảo Bích phải cúng giải. Tiền lễ là 500.000 đồng, trong đó có một cái "phép" bà làm, Bích đem về đốt ra tro rồi hòa với nước cho chồng uống. "Bảo đảm chồng cô sẽ quay về với cô!". Bích trao tiền cho bà thầy mà luôn miệng nói: "Cảm ơn thầy nhiều lắm. Thầy ráng giúp cho em!". Ra về Bích hớn hở lắm. Thấy bạn vui vẻ và tin tưởng thầy, tôi chẳng biết nói gì hơn.

Chị họ tôi cũng là một "fan" trung thành với việc xem bói. Cũng giống như Bích, chồng chị có bồ. Chị đi thầy, bà nào cũng đều nói chồng chị bị "người nữ đó làm bùa ngải" nên u mê, bỏ bê gia đình. Để chồng quay về, chị tốn cả chục triệu đồng cho các bà thầy làm phép.

Phép "linh" đâu chẳng thấy, chỉ thấy một hôm người đàn bà đó ra tận nhà chị, dắt theo hai đứa con nhỏ để tìm chồng chị mà... quậy (!). Anh chồng chẳng dám nhận con, người đàn bà nọ bèn tuyên bố: "Sẽ làm bùa khác, mạnh hơn (!)". Thực hư chưa biết ra sao, thấy chị họ tôi lo lắng, khổ sở đến gầy rạc cả người. Càng lo, chị càng năng đi xem bói để biết... tương lai (!).

Chính vì sự nhẹ dạ, cả tin nhất là khi gặp biến cố nào đó trong cuộc sống, người trong cuộc nhất là chị em phụ nữ không giữ được bình tĩnh suy xét mọi việc để sáng suốt điều chỉnh các trục trặc trong hôn nhân mà chỉ lo tìm đến thầy bà để rồi tiền mất, tật mang.

Trong bối cảnh hiện nay, trước xu hướng hội nhập và phát triển, gia đình Việt Nam đang ngày càng phức tạp và đa dạng do nhiều thay đổi: sự giảm nhanh chóng mức sinh, tuổi kết hôn được nâng cao, có những người không kết hôn trong cả cuộc đời, gia tăng ly hôn, sinh con ngoài giá thú, đặc biệt là những thay đổi trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ - con cái… đã và đang tác động vào nền tảng hạnh phúc gia đình (đặc biệt là xu hướng đề cao cá nhân). Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới vấn đề xây dựng gia đình, văn hóa gia đình nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực và hạn chế những biểu hiện tiêu cực. Trong nhiều giải pháp được đưa ra hiện nay, có thể nhận thấy rằng, một trong những giải pháp quan trọng và mang tính bền vững nhất chính là xây dựng các mối quan hệ cơ bản trong gia đình, bao gồm: mối quan hệ giữa vợ và chồng, mối quan hệ cha mẹ - con cái, mối quan hệ ông bà – con cháu, mối quan hệ anh chị em trong gia đình…trong đó, mối quan hệ vợ chồng được đặc biệt coi trọng bởi đây là mối quan hệ đầu tiên và cơ bản nhất nhằm duy trì sự bền vững của gia đình. Sợi dây ràng buộc, gắn bó vợ chồng cũng như các thành viên khác trong gia đình không chỉ là những mối liên hệ vật chất mà còn là những mối liên hệ tình cảm. Do đó, các tiêu chí trong mối quan hệ vợ chồng: sự chung thủy, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau và chia sẻ tinh thần, trách nhiệm, tình cảm với nhau giữa vợ và chồng… sẽ tạo nên sự ổn định về tinh thần, sự cân bằng về tâm lý cho mỗi thành viên trong gia

  1. Sự thủy chung trong quan hệ vợ chồng

Đây là một trong những yếu tố hàng đầu giúp duy trì hạnh phúc, tình yêu và sự bền vững của mỗi gia đình. Thủy chung là việc người vợ, người chồng đều luôn luôn phải có tình cảm trước sau như một, tin tưởng ở nhau, không thay đổi trước bất cứ sóng gió, cám dỗ nào. Sự thủy chung trong quan hệ vợ chồng giúp mỗi người tìm thấy ý nghĩa và giá trị đích thực trong đời sống hôn nhân và luôn mong muốn giữ gìn nó. Trước đây trong gia đình Việt Nam truyền thống, sự thủy chung vợ chồng là một giá trị đạo đức rất được coi trọng. Thế nên những kẻ bạc tình bị lên án mạnh mẽ và ly hôn là điều không thể chấp nhận được. Sự tan vỡ của hôn nhân của vợ chồng không còn là chuyện riêng của hai người mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của gia đình, làm “mất mặt” cha mẹ, họ hàng, làng xóm chê cười. Do đó, lý tưởng của hôn nhân phải là một vợ một chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long.

Trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp hiện nay, người vợ hay chồng làm việc trong những môi trường khác nhau, tiếp xúc với nhiều người khác nhau, đôi khi có thể có những người có phẩm chất, điều kiện tốt hơn vợ hay chồng mình. Vì vậy, nếu không chung thủy chúng ta dễ dàng bị rơi vào những cuộc tình, tìm thú vui ngoài hôn nhân. Điều này dễ gây sự rạn nứt, tan vỡ gia đình. Bởi vậy, trước những đổi thay của tình cảm, sự cám dỗ của những người khác giới xung quanh, những giây phút yếu lòng, người vợ hay chồng luôn luôn phải kiên định, không bị ngả nghiêng và luôn cần giữ lửa hạnh phúc trong gia đình, giữ thăng bằng, tránh vội vã từ bỏ hạnh phúc hay chạy theo tiếng gọi của tình cảm nhất thời mà quên đi những giá trị và tình cảm đã được vun đắp qua những năm tháng bên nhau.

Mặt khác, chung thủy vợ chồng còn là sự không chia sẻ tình dục với người khác ngoài vợ hoặc chồng của mình. Điều này nó không chỉ có ý nghĩa về mặt tự nhiên mà còn mang ý nghĩa đạo đức và được pháp luật quy định. Bởi về mặt tự nhiên, chung thủy trong quan hệ tình dục là một nhu cầu tự thân của những người yêu nhau, chỉ muốn dâng hiến cho người mình yêu. Về đạo đức, dư luận xã hội lên án hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Về pháp luật, luật Hôn nhân và gia đình không cho phép những người đã có vợ có chồng chung sống như vợ chồng với người không phải là vợ hoặc chồng mình.

Sự chung thủy trong quan hệ vợ chồng, cũng như trong tình yêu nam nữ, không phải là thứ tình cảm vĩnh cửu, “nhất thành bất biến”. Nó luôn luôn đứng trước những thử thách, khó khăn. Nó phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật sống và những nỗ lực của các cặp vợ chồng.

2,  Tôn trọng và yêu thương lẫn nhau

Có thể nói, tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc hàng đầu trong quan hệ vợ chồng, giúp duy trì cuộc hôn nhân bền vững. Bởi sự tôn trọng giữa vợ và chồng sẽ thỏa mãn các nhu cầu liên quan đến nhân quyền, khẳng định nhân thân, đề cao lòng tự trọng và khẳng định phẩm chất của mỗi người. Trong cuộc sống vợ chồng có rất nhiều cách thể hiện sự tôn trọng, như: sự coi trọng lời hứa, trong giao tiếp ứng xử hàng ngày dùng những cử chỉ, hành vi, lời nói, thái độ thích hợp, đề cao nhân thân của người kia, không làm tổn thương hay hạ thấp nhân phẩm …đó đều là những cách để mỗi người thể hiện sự tôn trọng đối với nhau đồng thời thể hiện sự tự trọng của chính mình.

Mặt khác, bản chất của tôn trọng là sự thừa nhận hay ghi nhận sự tồn tại của bên kia như là chính họ chứ không phải là họ theo kiểu mình hoặc mình mong muốn. Do vậy, khi đã là vợ chồng cần tôn trọng cá tính, sở thích, nhu cầu…của nhau. Thực tế cho thấy, trong cuộc sống mỗi người là một cá thể độc lập, có những nét riêng, không ai giống ai từ năng lực, trình độ, vốn sống, sở thích, tính cách…Vợ chồng cần phải nắm bắt những nét riêng đó, vui vẻ chấp nhận và yêu những gì vốn có từ bạn đời. Vợ chồng phải biết loại bỏ tính độc đoán, chuyên quyền và ích kỷ, cái Tôi của mỗi người. Đặc biệt, trong gia đình Việt Nam truyền thống với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vai trò của người đàn ông rất được coi trọng. Chính vì thế, người chồng thường có tư tưởng gia trưởng vợ phải phục tùng, vâng lệnh chồng, không được bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong gia đình, sự thiếu tôn trọng đối với người vợ. Do đó, trong gia đình vợ chồng cần bình đẳng như nhau, chia sẻ quan điểm, chính kiến góp phần tạo dựng và duy trì hạnh phúc gia đình.

Bên cạnh sự tôn trọng, vợ chồng cần phải biết thương yêu, hiểu biết và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cũng như thuận lợi và khó khăn với nhau trong cuộc sống. Mỗi cặp vợ chồng cần phải biết luôn luôn giữ gìn tình yêu buổi ban đầu, duy trì “ngọn lửa đam mê”, vun đắp và phát triển nó trong suốt cuộc đời. Để làm được điều này, mỗi người phải luôn bày tỏ tình cảm của mình với người bạn đời bằng nhiều cách khác nhau, dành thời gian cho nhau và tạo không gian lãng mạn riêng cho hai người. Có thể đó là những lời nói, cử chỉ yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau hàng ngày từ những điều nhỏ nhất.

Cuộc sống có rất nhiều điều thú vị nhưng cũng đầy sóng gió. Chính vì vậy, dù trong bất kì hoàn cảnh nào vợ chồng đều phải biết chia sẻ, cùng chung lưng đấu cật, cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau xây đắp hạnh phúc. Cuộc đời mỗi con người đều phải trải qua những bước thăng trầm. Do đó, khi gặp khó khăn vợ chồng cùng nhau động viên, chia sẻ, cùng nhau chèo lái con thuyền đi đến bến bờ hạnh phúc.

3. Trách nhiệm của vợ chồng trong cuộc sống gia đình: chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con cái, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình

Có thể nói, yếu tố khởi đầu tạo nên gia đình chính là hôn nhân. Từ quan hệ hôn nhân tạo nên các mối quan hệ khác. Trong đó, hôn nhân là yếu tố nền tảng tạo sự bền vững của gia đình. Để duy trì được cuộc hôn nhân bền vững, mỗi người khi làm vợ, làm chồng không chỉ giữ gìn và thắp lửa tình yêu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn mà còn có trách nhiệm, bổn phận với nhau và với chính cuộc sống mà cả hai cùng tạo dựng. Nghĩa vụ, trách nhiệm đó được thể hiện qua việc vợ chồng cùng chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con cái, làm việc nhà và đóng góp tài chính.

Khi đã là vợ là chồng mỗi người cần phải biết dành thời gian cho nhau và cho con cái. Trong cuộc sống hiện nay, dường như ai cũng có công việc, sự nghiệp riêng. Nhiều người vì tính chất, áp lực công việc và những mục tiêu theo đuổi mà sao nhãng hoặc quên đi việc chăm sóc người bạn đời của mình, chăm sóc con cái. Khi công thành danh toại nhìn lại mới nhận ra rằng mình đã đánh mất đi một phần giá trị đích thực của cuộc sống. Do đó, ngay từ những năm tháng đầu tiên của đời sống vợ chồng, cả hai cần có sự trao đổi, thống nhất về việc chăm sóc gia đình, con cái. Mỗi người hãy coi con cái như là sự nghiệp của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ biết cách sắp xếp công việc, dành thời gian cho con. Cha mẹ luôn luôn cần phải biết nuôi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho con cái; chăm lo, tạo điều kiện học tập, phát triển đạo đức, trí lực, bảo vệ quyền lợi đồng thời là tấm gương sáng cho con. Tổ chức cuộc sống vợ chồng và chăm sóc, nuôi dạy con là trách nhiệm của cả vợ và chồng. Do đó, người chồng cần tránh việc phó mặc mọi việc gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái cho vợ. Thay vào đó, cả hai hãy cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình nhằm xây đắp tổ ấm hạnh phúc.

Bên cạnh đó, sự chia sẻ, hỗ trợ, đóng góp về tài chính nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước đây, trong sự phân định chức năng, nghĩa vụ đối với gia đình ông cha ta từng nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Như vậy, trách nhiệm chính của người chồng là kiếm tiền nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho gia đình còn người vợ sẽ là người giữ gìn hơi ấm gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, trách nhiệm đó được san sẻ cho cả vợ và chồng. Vợ chồng phải cùng nhau gây dựng, chung lưng đấu cật, tìm kiếm cơ hội làm giàu, phát triển kinh tế gia đình. Dù là vợ hay chồng cũng phải luôn ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông với nhau trong công việc, sự nghiệp. Tránh trường hợp mỗi người chỉ biết tạo dựng theo đuổi sự nghiệp cá nhân mà quên đi hoặc coi khinh người bạn đời của mình. Hoặc đôi khi một người vợ hoặc chồng chỉ an phận thủ thường, ỷ lại vào người kia, sống lười biếng, vô trách nhiệm. Nếu trong cuộc sống vợ chồng cả hai không có đóng góp chung về tài chính, kinh tế gia đình khó khăn dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột và những rạn nứt không đáng có, hậu quả có thể là “Đường ai nấy đi”, “Tan đàn xẻ nghé”. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, hạnh phúc gia đình cần được tạo dựng từ nền tảng vững chắc mà hơn hết là việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất, đồng thời là cơ sở để đáp ứng nhu cầu tinh thần. Khi cả hai nhu cầu đó được thỏa mãn thì vợ chồng sẽ hạnh phúc, vui vẻ, cùng chung sức chung lòng tạo dựng mái ấm gia đình. 

4. Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau

Có thể nói, giao tiếp vợ chồng phản ánh đời sống tinh thần của các cặp vợ chồng. Điều này được thể hiện qua việc vợ chồng có thường xuyên giao tiếp với nhau không, các cách thức giao tiếp và sự chia sẻ, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung trong cuộc sống. Điều đầu tiên trong giao tiếp vợ chồng là sự biết lắng nghe nhau trong giao tiếp. Dù là vợ hay chồng, cả hai đều cần phải biết đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khác để hiểu được họ có cảm nghĩ như thế nào, hiểu được tâm tư tình cảm của nhau. Trong lắng nghe, vợ hay chồng không chỉ nghe đơn giản bằng tai (nhằm lưu giữ và định dạng thông tin) mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim để hiểu được những cảm xúc, nhu cầu của người kia. Điều đó có nghĩa là lắng nghe không chỉ những điều người khác nói nên lời, mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ánh mắt, nét mặt, tư thế, điệu bộ... Người nghe phải quan sát cả thái độ người nói cộng với phán đoán, sự trải nghiệm trong cuộc sống, hoặc cần có sự đồng cảm giao thoa giữa người nói với người nghe thì mới có thể thấu hiểu được thông tin người nói phát ra. Điều này sẽ giúp tạo dựng được tình cảm tốt đẹp giữa vợ và chồng vì đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn được hiểu, được khẳng định, được đánh giá cao, được cảm thấy có ích từ cả hai phía. Sau khi đã đáp ứng nhu cầu chủ yếu đó, cả hai người có thể tập trung phát huy sự ảnh hưởng và giải quyết vấn đề.

Sự giao tiếp giữa vợ và chồng đôi khi đơn giản chỉ là sự chào hỏi nhau bằng những cử chỉ, lời nói thân mật, điện thoại nhắn tin cho nhau mỗi khi đi công tác xa, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, tặng hoa, tặng quà cho nhau…nhằm biểu lộ sự quan tâm, sự yêu thương và vun đắp tình cảm.

Mặt khác, giao tiếp vợ chồng không chỉ giới hạn trong phạm vi vợ chồng mà còn bao hàm cả giao tiếp của vợ chồng với những người có quan hệ với người vợ hoặc người chồng của mình như bố mẹ, họ hàng, anh chị em, hàng xóm, bạn bè…Mỗi người dù là vợ hay chồng đều có những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và nhiều mối quan hệ khác. Do đó, vợ chồng phải luôn biết tôn trọng các mối quan hệ của nhau. Người ta thường nói “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, là người vợ bạn phải luôn biết hòa đồng, quan tâm đến bạn của chồng, tránh làm mất thể diện của chồng trước bạn bè. Ngược lại, người chồng cũng phải luôn biết và tôn trọng các mối quan hệ của vợ. Vợ chồng cùng phải biết quan tâm đến họ hàng nội ngoại đôi bên, giữ gìn mối quan hệ với hàng xóm láng giềng. Nhìn chung, cho dù ở hoàn cảnh nào thì vợ chồng luôn cần chăm sóc, bồi đắp đời sống tinh thần giữa các thành viên và cùng sát cánh bên nhau.

Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng phải biết giữ hòa khí và phải biết thỏa hiệp. Đây là cách tốt nhất để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết: “Thuận vợ thuần chồng tát bể đông cũng cạn” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê”. Do đó, khi vợ chồng bất đồng quan điểm mỗi người nên kiềm chế cái tôi của mình. Không nên vì cái tôi mà khăng khăng làm theo ý mình, cho rằng mình đúng và quyết bảo vệ đến cùng. Điều này không hề có lợi trong quan hệ vợ chồng mà trái lại dễ gây mâu thuẫn, xung đột dẫn đến sự rạn nứt tình cảm và dần dần tan vỡ gia đình. Khi không cùng quan điểm vợ chồng nên tìm cách để có thể nói chuyện được với nhau một cách cởi mở, chân thành trên tinh thần xây dựng; học cách ứng xử khéo léo, tế nhị. Mỗi người hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và thấu hiểu. Đồng thời, vợ chồng phải biết tôn trọng, rộng lượng, tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của nhau mỗi khi ai vi phạm sai lầm, sơ suất. Chính lòng nhân ái, vị tha sẽ giúp mỗi người giảm được sự căng thẳng, tức giận, bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, phân biệt đúng/sai và cùng nhau sửa lỗi.

Gia đình là tế bào của xã hội “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt” (chủ tịch Hồ Chí Minh). Bởi thế mà các quốc gia trên thế giới đều đề cao gia đình, coi gia đình là quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người đồng thời quan tâm đến việc hoạch định chính sách chiến lược về gia đình, giáo dục thế hệ trẻ ý nghĩa xây dựng gia đình. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề gia đình và giáo dục gia đình luôn được đề cao và quan tâm. Chính vì vậy, nhiều văn bản, chỉ thị được đưa ra nhằm định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, xây dựng các tiêu chí ứng xử trong các mối quan hệ trong gia đình. Trong đó, ứng xử vợ chồng vẫn luôn là một trong những mối quan hệ chủ yếu, cơ bản cần được quan tâm. Trong bối cảnh đời sống xã hội hiện nay, trước làn sóng hội nhập và phát triển, mối quan hệ vợ chồng đã có  nhiều thay đổi (sự bình đẳng giữa vợ và chồng, đề cao giá trị cá nhân…), tuy nhiên, điều cơ bản và thiết yếu nhất để duy trì, giữ gìn hạnh phúc vợ chồng vẫn được xây dựng trên những nền tảng căn bản: sự thủy chung, nghĩa tình, trách nhiệm, sự tôn trọng, yêu thương lẫn nhau…bởi xét cho cùng thì hạnh phúc chính là sự xẻ chia. Nếu cả hai vợ chồng cùng cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn với cuộc sống gia đình thì chắc chắn rằng ngọn lửa tình yêu, hạnh phúc sẽ luôn thắp sáng trong mỗi mái nhà, tổ ấm thân thương của chúng ta./.

Trần Kiên - (Nguồn: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2020 - Vụ Gia đình - BVHTTDL)