Các mức độ hợp nhất kinh tế là gì


I/ Các hình thức và cấp độ hội nhập kinh tế khu vực chủ yếu

Cho tới nay khung khái niệm về các cấp độ hội nhập hay liên kết kinh tế mà nhà kinh tế học người Hungary Béla Balassa [1928 – 1991] đưa ra trong công trình “Lý thuyết về hội nhập kinh tế” năm 1961 vẫn được các nghiên cứu về hội nhập kinh tế sử dụng như là khung khái niệm chung trong quá trình phân tích những vấn đề hội nhập kinh tế, cho dù công trình đi theo hướng của những người mở đường như Viner [1950] và Meade [1955]. Công trình của ông trình bày năm hình thức liên kết và hội nhập kinh tế khu vực xét theo cấp độ cam kết tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế từ “nông” tới “sâu”.

1. Thỏa thuận Thương mại ưu đãi [Preferential Trade Arrangement/PTA]: Các bên tham gia thỏa thuận hạ thấp một phần hàng rào thương mại hàng hóa cho nhau và duy trì hàng rào đó với các bên thứ ba không tham gia thỏa thuận.

2. Khu vực Thương mại Tự do [Free Trade Area/FTA]: Các bên tham gia thỏa thuận xóa bỏ hầu hết hàng rào thương mại, thuế quan và phi thuế quan cho nhau nhưng vẫn duy trì chính sách thuế quan riêng của mỗi bên đối với các nước ngoài FTA.

3. Liên minh Thuế quan [Custom Union/CU]: Các bên tham gia hình thành FTA và có chính sách thuế quan chung đối với các nước bên ngoài liên minh.

4. Thị trường Chung [Common Market/CM]: Các nước tham gia hình thành Liên minh Thuế quan đồng thời cho phép sự dịch chuyển tự do của các nhân tố sản xuất là vốn và lao động.

5. Liên minh Kinh tế [Economic Union/EU]: Các bên tham gia hình thành thị trường chung đồng thời xây dựng chính sách kinh tế chung toàn liên minh bằng cách hài hòa hóa các chính sách tài khóa và tiền tệ quốc gia.

Nghiên cứu của El-Agraa [1999] thì tiếp cận hội nhập khu vực trên cả góc độ chính trị và trình bày hệ thống năm cấp độ hội nhập khu vực nhìn từ mức độ cam kết chính sách và thể chế chung như Bảng 1.1 dưới đây. Tổng kết của El-Agraa cho thấy cấp độ liên kết khu vực là “nông” hay “sâu” tùy thuộc vào mức độ hội nhập chính sách và hợp nhất thể chế các quốc gia thành viên.

Bảng 1.1 Các cấp độ hội nhập chính sách kinh tế khu vực

Hình thức liên kết kinh tế

Thương mại tự do nội khối

Chính sách thương mại chung

Dịch chuyển nhân tố sản xuất tự do

Chính sách tiền tệ và tài khóa chung

Một chính phủ

Khu vực mậu dịch tự do

Không

Không

Không

Không

Liên minh thuế quan

Không

Không

Không

Thị trường chung

Không

Không

Liên minh kinh tế

Không

Liên minh chính trị

Nguồn: El-Agraa, Ali M. [1999], “Regional Integration: Experience, Theory and Measurement”, London, Macmilan Press, Bảng 1.1 tr.2

Trong năm hình thức mà Viner [1950] đưa ra thì hai hình thức đầu tiên hình thành PTA và FTA được coi là cấp độ hội nhập “nông”, nghĩa là mới điều tiết những vấn đề thuế quan tại biên giới và tự do hóa thương mại thuần túy, ba hình thức còn lại được phân loại vào nhóm thỏa thuận hội nhập “sâu”, bao hàm các nội dung về hài hòa hóa các vấn đề chính sách trong biên giới quốc gia thành viên, điều phối và xây dựng chính sách chung cho toàn nhóm thành viên và ở mức độ nào đó là hình thành những thể chế khu vực có tư cách pháp lý cao hơn thể chế quốc gia thành viên. Bên cạnh các hình thức hội nhập kinh tế này còn có hình thức hội nhập chính trị qua việc hình thành Liên minh Chính trị [Political Union] vì nếu một nhóm nước đã hình thành liên minh kinh tế đơn nhất thì cũng cần phải có một chính quyền trung ương tập trung với Quốc hội chung và các thể chế chính trị cần thiết cho việc vận hành của liên minh kinh tế. Tuy nhiên, đây là hình thức nằm ngoài khung khổ phân tích của bài này nên không đưa vào phân tích.

II/ Khái niệm truyền thống về Hiệp định Thương mại Khu vực [RTA]

Hiệp định Thương mại Khu vực [Regional Trade Agreement – RTA] là thuật ngữ được khung khổ GATT/WTO thống nhất dùng để chỉ các thảo thuận tự do hóa thương mại giữa các thành viên của GATT/WTO trên nguyên tắc có đi có lại trong phạm vi điều chỉnh của các điều khoản như Điều khoản XXIV/GATT; Điều khoản V/GATS và Điều khoản Cho phép [Enabling Clause 1979]. Khái niệm RTA của GATT/WTO dùng để chỉ hai hình thức hội nhập kinh tế là Khu vực Thương mại Tự do [FTA] và Liên minh Thuế quan [C.U].

Theo quan niệm của lý thuyết thương mại truyền thống về hội nhập kinh tế khu vực [Viner, 1950], Hiệp định Thương mại Khu vực có thể ở các cấp độ cam kết hội nhập khác nhau nên có những khái niệm tương ứng như hội nhập chỉ ở mức độ cắt giảm thuế quan cho nhau thì được gọi là Hiệp định Thương mại Tự do [Free Trade Agreement – FTA] và hội nhập sâu hơn ở mức độ thực hiện chính sách thuế quan chung với nước thứ ba thì được gọi là Liên minh Thuế quan [Customs Union – CU].

Xét từ góc độ pháp lý thì Hiệp định Thương mại Tự do [Free Trade Agreement/FTA] là dạng hiệp định quá độ [interim agreement] làm cơ sở pháp lý cho việc hình thành một Khu vực Thương mại Tự do [Free Trade Area] hoặc một Liên minh Thuế quan [Customs Union] sau một khoảng thời gian nhất định. Về bản chất “Hiệp định/Khu vực Thương mại Tự do là một hiệp định có đi có lại trong đó các hàng rào thương mại giữa các quốc gia tham gia hiệp định được xóa bỏ. Song mỗi thành viên của hiệp định có quyền duy trì các hàng rào thương mại riêng đối với các nước không phải là thành viên hiệp định”.

Nghiên cứu của Shibata năm 1967 đưa ra định nghĩa về Khu vực Thương mại Tự do [Free Trade Area] như sau:

“Một Khu vực Thương mại Tự do [FTA] là một nhóm nước với nhau, trong đó mỗi nước đồng ý miễn thuế quan và các hạn chế định lượng thường áp dụng với các sản phẩm nhập khẩu hay bộ phận cấu thành các sản phẩm này, có xuất xứ hoặc được sản xuất tại vùng lãnh thổ của các thành viên khác trong nhóm nước hình thành nên FTA đó”.

Định nghĩa của Shibata tiếp cận từ khía cạnh xuất xứ hàng hóa, vốn là vấn đề lớn nhất đặt ra cho quá trình thực thi các FTA/RTA nhằm tránh những hành vi gian lận thương mại cũng như giảm thiểu chi phí giao dịch không đáng có đối với khu vực doanh nghiệp.

III/ Quan niệm mới về Hiệp định Thương mại Tự do [FTA]

Kể từ thập kỷ 1990 đến nay, khái niệm Hiệp định Thương mại Tự do [Free Trade Agreement – FTA] đã mở rộng hơn về phạm vi và sâu hơn về cam kết tự do hóa. Đây chính là lý do mà các học giả thường gọi các Hiệp định Thương mại Tự do ngày nay là FTA “thế hệ mới”. Các FTA ngày nay không chỉ dừng lại ở phạm vi cam kết cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà hơn thế còn bao gồm nhiều vấn đề rộng hơn cả cam kết trong khung khổ GATT/WTO cũng như một loạt vấn đề thương mại mới mà WTO chưa có quy định. De Melo và Panagariya [1993] đã từng nhận xét “Chúng ta nhận thấy ngày càng rõ rằng hội nhập khu vực đã vượt qua phạm vi của hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ và các nhân tố sản xuất”. Phạm vi cam kết của FTA này còn bao gồm những lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, hoạt động đầu tư, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh [còn gọi là “những vấn đề Xingapo”], các biện pháp phi thuế quan, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, lao động, môi trường, thậm chí còn gắn với những vấn đề dân chủ và nhân quyền hay chống khủng bố… Điều này cũng có nghĩa khái niệm Hiệp định Thương mại Tự do được sử dụng rộng rãi ngày nay không còn được hiểu trong phạm vi hẹp của những thỏa thuận hội nhập khu vực và song phương có cấp độ liên kết kinh tế “nông” của giai đoạn trước thập kỷ 1980, mà đã được dùng để chỉ các thỏa thuận hội nhập kinh tế “sâu” giữa hai hay một nhóm nước với nhau.

Bên cạnh đó, khái niệm Hiệp định Thương mại Tự do được sử dụng nhiều trong các văn bản và bài nghiên cứu hiện nay là vì cho tới nay số lượng các Khu vực Thương mại Tự do [Free Trade Area] đã thực sự hình thành dựa trên các Hiệp định Thương mại Tự do được ký kết là không nhiều, đặc biệt đối với các Hiệp định Thương mại Tự do được ký kết sau khi WTO ra đời năm 1995. Cộng thêm đại đa số các Hiệp định Thương mại Khu vực [RTA] từ trước tới nay hướng tới hình thành các Khu vực Thương mại Tự do, cho nên Hiệp định Thương mại Tự do [FTA] là khái niệm được sử dụng thường xuyên nhất thay thế cho cả ba khái niệm Hiệp định Thương mại Khu vực [Regional Trade Agreement], Khu vực Thương mại Tự do [Free Trade Area], và Liên minh Thuế quan [Custom Unions], trừ một số trường hợp phân tích cụ thể.

Quan điểm của các học giả ủng hộ tự do hóa thương mại đa phương như Jagdish Bhagwati [1993] hay Bhagwati và Panagariya [1996] thì cho rằng tất cả các hiệp định tự do hóa thương mại khu vực như vậy cần được gọi đúng với bản chất “phân biệt đối xử” của chúng, do đó phải dùng khái niệm “Hiệp định Thương mại Ưu đãi” [Preferential Trade Agreement/PTA] để chỉ các RTA nói trên mới đúng. Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc [UNESCAP] thì đưa ra định nghĩa:

“Hiệp định Thương mại Ưu đãi [Preferential Trade Agreement/PTA] là thuật ngữ khái quát dùng để mô tả một quá trình hội nhập thương mại mà trong đó các nước tham gia sẽ trao cho nhau những nhượng bộ thương mại có đi có lại đầy đủ hoặc từng phần. Thuật ngữ “ưu đãi” dùng để chỉ thực tế là các thành viên của các hiệp định này được quyền – theo quy định của Điều khoản GATT/XXIV hay GATS/V – trao cho nhau những ưu đãi mà không phải mở rộng các ưu đãi đó tới các thành viên WTO khác [theo nguyên tắc Tối huệ quốc/MFN]. Nhìn lại lịch sử, các Hiệp định Thương mại Ưu đãi [PTA] thường được ký kết giữa các nước cận kề hoặc cùng vùng địa lý nên các Hiệp định Thương mại Ưu đãi còn được gọi là các Hiệp định Thương mại Khu vực [Regional Trade Agreement/RTA]”.

Thực tiễn chính sách hội nhập kinh tế của các quốc gia trong hệ thống thương mại thế giới từ trước tới nay nói chung và của các quốc gia Đông Á ngày nay nói riêng cho thấy, mỗi quốc gia đã và đang sử dụng những khái niệm, tên gọi pháp lý khác nhau cho các hiệp định hội nhập kinh tế song phương và khu vực của mình, song về bản chất đó vẫn là các Hiệp định Thương mại Tự do [FTA] hay Liên minh Thuế quan [CU] như trình bày ở trên. Ví dụ, ngay từ những năm 1950 thì các nước Châu Âu đã ký kết Hiệp ước Rôma [Treaty of Roma, 1957] hướng tới hình thành Cộng đồng Kinh tế Châu Âu [EEC]. Ngày nay, Nhật Bản gọi các FTA mà mình ký kết là “Hiệp định Đối tác Kinh tế” [Economic Partnership Agreement/EPA]; Trung Quốc thì sử dụng cả hai khái niệm “Khu vực Mậu dịch Tự do” [Free Trade Area/FTA] và “Hiệp định Đối tác Kinh tế chặt chẽ hơn” [Closer Economic Partnership Agreement/CEPA]; Ấn Độ thì sử dụng khái niệm “Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện” [Comprehensive Economic Cooperation Agreement/CECA] còn Hàn Quốc và ASEAN thì sử dụng cả hai khái niệm Hiệp định Thương mại Tự do [FTA] và “Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện” [Framework Agreement on Comprehensive Economic Cooperation/FACEC]. Chung quy thì bản chất của các hiệp định này đều là Hiệp định Thương mại Tự do với mục đích là hình thành một Khu vực Thương mại Tự do giữa các bên ký kết trong tương lai. Chính vì sự tương đồng về bản chất của quá trình liên kết kinh tế bất chấp những khái niệm và tên gọi khác nhau mà khái niệm Hiệp định Thương mại Tự do [FTA] sẽ được sử dụng xuyên suốt trong quá trình phân tích để phản ánh các khái niệm đa dạng trên, trừ trường hợp trích dẫn cụ thể.

Tóm lại, khái niệm Hiệp định Thương mại Tự do [FTA] ngày nay không còn được hiểu theo ranh giới truyền thống của bốn hình thức tự do hóa và hội nhập kinh tế khu vực như trình bày ở trên mà đã hàm nghĩa “thế hệ FTA mới” với phạm vi và lĩnh vực cam kết sâu rộng hơn, toàn diện hơn cả những quy định và phạm vi cam kết trong khung khổ WTO. Có thể nhận thấy khái niệm Hiệp định Thương mại Khu vực [RTA] của WTO đã trở nên không phù hợp vì ngày càng có nhiều FTA giữa các nước không cùng khu vực địa lý, không xuất phát từ lợi thế “cận kề địa lý”, do đó tạo ra một mạng lưới “chằng chịt” các FTA trong hệ thống thương mại toàn cầu. Bên cạnh các FTA mang tính Bắc – Nam [giữa các nước phát triển với nước đang phát triển] thì ngày càng xuất hiện nhiều FTA Nam – Nam [giữa các nước đang phát triển với nhau]. Đặc biệt lưu ý là sự bùng nổ của các FTA mang tính chất song phương [BFTA] nay đã chiếm đa số các sáng kiến FTA kể từ WTO ra đời.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Bùi Trường Giang – Hướng tới chiến lược FTA của Việt Nam, cơ sở lý luận và thực tiễn Đông Á – NXB KHXH 2010.

Video liên quan

Chủ Đề