Các hạn chế thường gặp trong đánh giá đảng viên năm 2024

PV: Xin đồng chí cho biết, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên cuối năm có vai trò như thế nào đối với công tác xây dựng Đảng?

Đồng chí Nguyễn Minh Hải: - Có thể nói, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm là dịp để mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên "tự soi, tự sửa" lại mình; nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên; góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Kết quả kiểm điểm cũng là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Chính vì vậy, mỗi tổ chức Đảng và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần tự phê bình và phê bình, thật sự phát huy tính dân chủ trong Đảng. Có như vậy công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân mới thật sự nghiêm túc, thực chất, đạt hiệu quả cao.

PV: Xin đồng chí đánh giá, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên thời gian qua đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng của huyện Mê Linh thực hiện như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Minh Hải: - Hiện nay, Đảng bộ huyện Mê Linh có 9.152 đảng viên, sinh hoạt tại 291 chi bộ. Để việc đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên chất lượng đảng viên nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, thực chất, Ban Tổ chức Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các Quy định, Kế hoạch về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý với tinh thần, lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm tập thể.

Trong đó nhấn mạnh yêu cầu, quá trình kiểm điểm các tổ chức Đảng, đảng viên phải khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả. Gắn đánh giá, xếp loại chất lượng cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Qua kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên một cách khách quan, thực chất đã giúp các tập thể, cá nhân "tự soi, tự sửa", phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của địa cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, đảng viên.

Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện dự, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc đánh giá tổ chức Đảng, đảng viên trên tinh thần khách quan, toàn diện, thực chất, tránh hình thức, "dĩ hòa vi quý".

PV: Bên cạnh những tổ chức Đảng tổ chức công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại một cách thực chất, đâu đó vẫn còn tổ chức Đảng thực hiện việc kiểm điểm vẫn còn qua loa, hình thức. Nhận định của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Minh Hải: - Nhìn chung, việc kiểm điểm cơ bản đảm bảo khách quan, hiệu quả, thực chất; tuy nhiên, vẫn phải phải nhìn thằng vào sự thật, đó là vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc kiểm kiểm, đánh giá chất lượng cuối năm. Từ đó, dẫn đến công tác chuẩn bị kiểm điểm tập thể, cá nhân ở một số nơi chưa thật tốt, quá trình kiểm điểm chưa sâu, chưa thẳng thắn, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc xếp loại đảng viên có nơi còn biểu hiện bệnh thành tích, "dễ người dễ ta"

Thậm chí, có đảng viên còn copy lại báo cáo của năm cũ. Điều này đồng nghĩa với những ưu điểm, hạn chế của cả một năm chỉ được "di chuyển" từ năm nọ sang năm kia. Và như thế, phần giải pháp khắc phục hạn chế cũng được "bê" từ năm này sang năm khác, người đảng viên chỉ làm kiểm điểm kiểu đối phó, làm cho xong, chứ không thực hiện các giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế của cá nhân.

Một số báo cáo kiểm điểm tập thể, cá nhân còn chung chung hoặc chỉ nêu thành tích, chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những khuyết điểm, hạn chế. Một số nơi kiểm điểm tập thể chưa gắn với trách nhiệm cá nhân. Lại có nơi chỉ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà chưa quan tâm đúng mức đến kiểm điểm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa",…

Các hạn chế thường gặp trong đánh giá đảng viên năm 2024

Đ/c Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Minh Hải phát biểu tại hội nghị BCH Đảng bộ Huyện lần thứ mười ba.

Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu

PV: Để khắc phục tình trạng trên, cần phải làm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Hải: - Để khắc phục tình trạng trên, các cấp ủy cần thực hiện nghiêm Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 04/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương và các Quy định, Hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Mê Linh về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Theo đó, phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy; hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên; bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan, công khai, đạt được kết quả thực chất. Yêu cầu của việc kiểm điểm là làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, yếu kém, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp cũng như thời gian khắc phục.

Phải lấy kết quả đánh giá, xếp loại của tập thể làm căn cứ để xác định tỷ lệ các mức xếp loại của đơn vị, cá nhân trực thuộc; lấy kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên theo hướng giảm định tính, tăng định lượng bằng sản phẩm, công việc cụ thể, đảm bảo khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại. Coi trọng tính tiên phong, gương mẫu, ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa ứng xử, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đối với cá nhân là người đứng đầu, ngoài những nội dung kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, còn cần tập trung kiểm điểm nội dung như: Khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ, việc xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Sự gương mẫu của vợ, (chồng), con,.. trong chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước....

Để công tác kiểm điểm, đánh giá thực sự phát huy hiệu quả, mỗi cấp ủy và bản thân từng đảng viên cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá chất lượng hằng năm. Vấn đề này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra rất rõ: "Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng".

Cùng với đó, cần thực hiện đánh giá đa chiều, chặt chẽ, công khai, đúng quy trình, nguyên tắc, theo tiêu chí, sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương; và trong quá trình này, người đứng đầu cấp ủy phải thật sự làm gương.