Ba mùa yêu by châu sa nguyễn phương văn

TP - Vào quãng đầu năm 2007, lúc Yahoo! 360o còn đang phát triển mạnh, giới thanh niên say mê chơi blog, tôi tình cờ lạc vào blog của một cái nick là 5xu, nghe rất vớ vẩn, rẻ tiền.

\> Chuyện đám tang một blogger

Thực ra khi đó ở một vài diễn đàn mạng, cái nick 5xu cũng khá nổi, gắn liền với câu châm biếm: “Rẻ vừa thôi, rẻ quá ai chịu nổi!”.

Nguyễn Phương Văn [trái] và dịch giả Trần Đĩnh Ảnh nhân vật cung cấp.

5xu tên thật là Nguyễn Phương Văn, đồng tác giả với GS. Ngô Bảo Châu, vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết toán hiệp Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình – bán hết veo vạn bản ngay tuần đầu phát hành.

Đọc những bài viết “chém gió” của gã viết trên blog, tôi không sao dứt ra được, bởi lối viết tinh quái, hài hước, ngôn ngữ bình dân, về đủ mọi thứ trên giời dưới biển.

Từ văn học nghệ thuật, kinh tế, cho đến những mẩu chuyện vớ vỉn kiểu như mẹo mực làm thế nào để luôn thắng độ bạn nhậu bia bọt vỉa hè, cho đến những nguyên tắc chăm sóc… bướm, rồi thì lan man giễu nhại sang thói mê tín, tật xấu người Việt.

Blog của 5xu rất đắt khách, thường khiến tôi cười rúc rích. Bèn lân la làm quen. Hồi đó tôi có cái quán cà phê ở phố Hồng Phúc, gần công ty của hắn. Mời mọc hẹn hò mãi, một hôm tôi thấy một gã đầu tròn, mắt cũng tròn xoe như bi ve, người tròn nốt, cưỡi một chiếc xe cà tàng Dream hay Wave gì đấy, đỗ xịch cửa quán. Anh là 5xu đây, gã nói, mắt cười cười chớp chớp. Sau đó câu chuyện hai thằng cứ thế chả dứt ra được.

Câu chuyện đời hắn cũng không quá phức tạp. Hắn sinh năm 1973, hơn tôi 1 tuổi, lớn lên giữa một thư viện sách gia đình thừa hưởng từ người cha. Học khoa Lý, Đại học Tổng hợp, ra trường có thời gian buôn bán vào Nam ra Bắc, chạy việc loăng quăng trong ngạch showbiz, rồi mở công ty kinh doanh thiết bị viễn thông.

Thời điểm tôi gặp, hắn đã có vợ và cô con gái nhỏ. Sau giai đoạn đó, tôi bỏ kinh doanh, quay về viết văn, hắn giới thiệu tôi với bạn bè viết lách, bảo nên tìm đọc cái gì, ở đâu.

5xu chính là tên một nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Đảo Cát Trắng của tôi xuất bản năm 2008, hắn gần như nguyên mẫu vậy. Đến cuối 2008, hắn nhảy sang làm PR, mánh mung, đầu têu và thực hiện các dự án ngắn hạn cho các mạng xã hội. Làm đủ thứ, miễn là ra xèng, cày cuốc tứ tung, gánh nặng kiếm tiền trĩu hai vai.

Hồi hắn còn ở gần, có hôm đi câu cá về tôi ghé qua biếu mẹ hắn con chép con rô, lần khác ghé thăm cái thư viện của hắn, cơ man là sách, thôi rồi là sách. Đọc nhiều thế thảo nào mà cái quái gì cũng biết!

Lần gần nhất tôi gặp hắn đâu như đầu năm 2010 ở cái quán cà phê cóc yêu thích gần nhà, hắn đạp xe đến và bảo: Đạp xe hay lắm mày ạ, khỏe người, lành mạnh, giờ đi đâu anh cũng đạp xe thôi.

Cuộc sống nhiều bất ngờ, hiện hắn đã chuyển hẳn vào Sài Gòn sinh sống làm ăn, có thêm một cậu con giai kháu khỉnh. Hắn gom các bài viết blog lại in thành cuốn sách với cái tên Thời tiết đô thị bút danh Phương Cẩm Sa [tên cô con gái rượu]. Cuốn sách được nhiều người yêu thích, đa phần là giới trẻ.

Mới đây nhất, hắn cùng một số người bạn xúc tiến dự án “Góp chữ thành sách”, nhằm gây quỹ dịch thuật xuất bản e-book miễn phí, một dự án táo bạo. Tôi tin dự án thành công, bởi Văn vốn thông minh lại có những người bạn tài năng, tâm huyết.

Hắn nói nhanh như bắn súng liên thanh, tư duy nhanh, chặt chẽ, logic, thuần lý tính. Ấy thế nhưng đôi khi không thiếu những bài viết của hắn lại lãng đãng chậm rãi và thanh khiết như sương sớm, như thiền sư nhập định, biến ảo khó lường.

Ý tưởng siêu hình khó nắm bắt, nhưng biết dùng ngôn ngữ để diễn tả những suy tư đó, về thời gian, về bản chất của tồn tại, về cái đẹp và điều thiện.

Trực giác của tôi mách bảo ngay từ đầu rằng hắn là người dễ thương. Nhiều người khác có lẽ lại khá ác cảm với cách ăn nói văng mạng, cả ngoài đời lẫn trên mạng của hắn.

Chả có gì ngạc nhiên, khi hắn chấp bút cùng GS. Ngô Bảo Châu viết cuốn tiểu thuyết toán hiệp với lời văn trong trẻo. Vẻ đẹp toát ra từ những câu văn trong cuốn tiểu thuyết kia, nó bắt nguồn từ một tâm hồn đẹp, thiện tâm, tôi tin như vậy, và đó chính là một 5xu - Nguyễn Phương Văn mà tôi biết.

* Hai anh làm hai chuyên ngành khác xa tiểu thuyết, gặp nhau trên mạng, chắc qua blog, việc viết blog có phải là “nguồn cội” hay “ông thầy” văn chương của anh không?

- Viết blog là một cách luyện kỹ năng viết rất tốt nhưng có lẽ nó không ảnh hưởng nhiều đến nền tảng hay cách nhìn của mình về văn học. Anh Ngô Bảo Châu đọc sách rất nhiều và rất tinh. Tôi nghĩ, nếu anh Châu chuyển qua làm văn học, chắc chắn anh Châu sẽ là chuyên gia về Marcel Proust hoặc Thomas Mann. Hoặc anh ấy sẽ dịch Marcel Proust ra tiếng Việt rất hay. Hai cái này đều rất ít liên quan đến viết blog.

* Người ta có thể tiểu thuyết hóa toán học mà không thể làm ngược lại. Nhìn từ diện rộng xã hội hiện nay, văn chương dù là bọt bèo nhưng vẫn là nhịp cầu cần thiết cho nhiều lĩnh vực với nhau, có khi nào anh thử cắt nghĩa về sự bọt bèo này không?

- Tôi nghĩ ngược lại. Văn học có thể chứa đựng tất cả mọi thứ của cuộc sống. Cuộc sống có gì thì văn học có thể chứa được cái đấy. Từ chính trị, lịch sử đến kinh tế, tiền bạc. Từ tình yêu đến toán học. Nhưng tình yêu trong văn học chắc chắn là khác tình yêu ngoài đời, toán học tất nhiên cũng khác. Sự bọt bèo cũng vậy, sẽ rất khác. Văn chương sẽ thanh lọc đời sống.

* Đương nhiên cách hiểu của độc giả và tác giả thường là khác nhau, sau một thời gian sách phát hành, qua các kênh khác nhau, bản thân anh thấy những cách phản hồi hay cách hiểu nào là ngộ nghĩnh?

- Ngộ nghĩnh thì có nhiều và thường là từ độc giả nhí. Tôi phát hiện ra họ đọc sách rất hồn nhiên, không cố gắng đọc sách để hiểu. Người lớn đọc sách cứ chăm chăm là phải thu hoạch được cái gì đó từ cuốn sách. Thậm chí còn hơn thế, tức là muốn đọc sách là để lên đẳng, hay để vỡ ra một nhận thức mới.

Khi nhận xét hay đặt câu hỏi về cuốn sách, bạn đọc nhí cũng đơn giản, cụ thể và rất bất ngờ. Có bạn hỏi tại sao ông Pi-ta-go lại sợ số vô tỷ. Có bạn hỏi tại sao trong sách lại có các nhân vật đấy. Có bạn hỏi tại sao lại đặt tên nhân vật như vậy. Có bạn thì chỉ đơn giản phát biểu là cháu không thích cái bìa phụ của cuốn sách vì như vậy cầm cuốn sách để đọc rất khó.

Nguyễn Phương Văn, Ngô Bảo Châu và họa sĩ Thái Mỹ Phương ký tặng sách mỏi tay vào chiều tối 31/8

Từ cuốn sách lạc đề…

* Theo anh, tại sao một tiểu thuyết toán hiệp, nghĩa là khá nặng về toán, lại bán chạy? Phải chăng việc tiểu thuyết hóa các chuyên ngành hẹp như toán, lý, y… để gần gũi với nhiều đối tượng đang khan hiếm sách tại Việt Nam?

- Cuốn sách này thành công, thứ nhất do tên tuổi của nhà toán học Ngô Bảo Châu. Thứ hai, do sáng tạo văn học rất thú vị của anh Châu trong lúc viết sách. Thứ ba, chúng tôi cố gắng viết một cuốn sách tuy hơi khác lạ, nhưng vẫn có thể đến được với đông đảo các bạn trẻ, thay vì viết một cuốn sách toàn công thức.

* Anh từng tiết lộ về việc hai anh bị “lạc đề”, nghĩa là đi khá xa cái ý định viết ban đầu, bây giờ nhìn lại, anh thấy việc đi xa này có lý không?

- Việc đi lạc ra khỏi dự định ban đầu hóa ra là một trải nghiệm thú vị của việc cùng viết chung một cuốn sách. Có nhiều điều chúng tôi muốn làm mà chưa làm được. Ví dụ nhân vật trong sách hơi xa lạ với hầu hết chúng ta [và cả chúng tôi] ở ngoài đời thực. Có lẽ các nhân vật nên lười một tí, hay dậy muộn, hoặc là ăn tham… thì sẽ hay hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết các tiếc nuối này nếu có điều kiện viết chung một cuốn sách khác.

* Có điều gì anh Châu hoặc anh bỏ ra khỏi cuốn sách mà bây giờ lại thấy tiếc hoặc hài lòng?

- Bỏ nhiều lắm, nên tôi cũng không nhớ hết, muốn xem bỏ chỗ nào thì phải đọc lại các bản thảo. Nhưng nói chung, cái gì đã quyết định bỏ đi thì không bao giờ tiếc. Tôi thì không nghĩ đến chuyện “viết lại”, nên nuối tiếc hay hài lòng cũng vậy thôi.

* Nghe nói hai anh đang định liên hợp để viết một cuốn sách mới? Nếu có, nó sẽ về chủ đề gì?

- Chuyện cổ tích Việt Nam, nó như là phần hai của Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình. Còn cụ thể thế nào, hãy đợi đấy.

* Cuối cùng, cuốn sách rõ ràng có tác động đến xã hội, về bản thân anh, nó có làm anh thay đổi gì không?

- Tôi là người lao động bình thường, sống một cuộc sống bình thường, ở một quận bình thường trong một đô thị lớn... phi thường Trên Internet thì tôi được một nhóm nhỏ cộng đồng mạng biết. Ngoài đời thì gần như không ai biết tôi. Cho nên cuốn sách, dù đến thời điểm này có thể nói là khá thành công, cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi, ngoại trừ những hôm nhận được nhuận bút.

Chủ Đề