100 trường cao đẳng y tế hàng đầu ở Ấn Độ năm 2022

N.V. Varghese là Phó hiệu trưởng và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia về Quy hoạch và Quản lý Giáo dục, New Delhi, Ấn Độ. E-mail: nv.varghese @ nuepa.org. Liên kết đến Xếp hạng Ấn Độ: https://www.nirfindia.org/ranking2017.html

Mặc dù bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới chỉ bao gồm một phần nhỏ các tổ chức giáo dục đại học, kết quả xếp hạng vẫn luôn gây sự chú ý và tranh luận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những kết quả này khá thường xuyên chỉ ra rằng những trường tốt nhất ở nhiều nước lại không tìm thấy một vị trí tương xứng trong bảng xếp hạng.

Rõ ràng rằng thứ hạng quốc tế góp phần thúc đẩy các quốc gia cạnh tranh để cải thiện vị trí của họ trong danh sách. Xếp hạng quốc tế cũng dẫn đến kết quả là nhiều quốc gia nỗ lực hơn trong mục tiêu giúp các trường đại học trong nước vươn đến đẳng cấp thế giới. Với các quốc gia mà hành trình này là quá dài và khó khăn thì xếp hạng quốc gia là lựa chọn bổ sung hoặc thay thế.

Các trường đại học Ấn Độ không xuất hiện ở các vị trí đầu bảng xếp hạng thế giới – một vấn đề được cả nước đặc biệt quan tâm. Phản ứng của chính phủ dường như được nhân đôi: một mặt thành lập các trường đại học danh giá đẳng cấp thế giới, mặt khác bắt đầu quá trình xếp hạng quốc gia. Khung Xếp hạng Tổ chức Quốc gia (NIRF) đã giúp triển khai lần xếp hạng đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 2015.

Khung và phương pháp xếp hạng

Tháng 8 năm 2014, Bộ Phát triển nguồn nhân lực đã tổ chức một hội thảo tham vấn và thành lập một Ủy ban để phát triển khung và phương pháp xếp hạng. Ủy ban này đã xác định một số lĩnh vực chính để xem xét trong khuôn khổ xếp hạng: nghiên cứu và thực hành chuyên môn; giảng dạy, học tập và tài nguyên; kết quả tốt nghiệp; phạm vi tiếp cận và đối tượng tuyển sinh; và mức độ nhận biết. Tuy nhiên, ủy ban cho rằng một khung xếp hạng duy nhất có cùng các chỉ số và trọng số sẽ là một ý tưởng không phù hợp cho một quốc gia như Ấn Độ, với rất nhiều thể loại trường đại học. Ủy ban quyết định mỗi thể loại trường đại học phải có bảng xếp hạng riêng.

Ủy ban chia các tổ chức giáo dục đại học thành hai thể loại chính. Thể loại A bao gồm các trường đại học thuộc chính phủ trung ương, các trường đại học của tiểu bang, các trường đại học “được coi là đại học” (các tổ chức giáo dục đại học chuyên ngành có chất lượng cao), các trường đại học tư thục và các trường tự chủ khác. Thể loại B gồm các tổ chức liên kết với các trường đại học và không có quyền tự chủ trong học thuật, nên không thể tự phát triển chương trình giảng dạy và cấp bằng.
Các trường đại học và cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật, quản lý và dược có khung và thông số xếp hạng riêng nhưng có thể so sánh được. Các lĩnh vực để xem xét xếp hạng là như nhau, những mỗi thể loại sẽ được gán trọng số khác nhau tùy thuộc vào định hướng chính của các trường. Ví dụ, trong khi các trường thuộc thể loại A được gán trọng số lớn hơn cho lĩnh vực nghiên cứu, các trường thể chế loại B được gán trọng số lớn hơn cho việc giảng dạy.

Nguồn dữ liệu và mức độ tham gia xếp hạng của các trường

Tham gia vào xếp hạng ở Ấn Độ là tự nguyện. Những cơ sở giáo dục đại học có hơn 1000 sinh viên có thể tham gia xếp hạng. Ngoại lệ đối với quy tắc này là các trường đào tạo chuyên ngành. Bảng xếp hạng năm 2017 có tổng cộng 3313 tổ chức giáo dục đại học tham gia. Nguồn dữ liệu về các ấn phẩm nghiên cứu sử dụng cho xếp hạng Ấn Độ là Chỉ số trích dẫn khoa học (SCI), Chỉ số trích dẫn khoa học xã hội (SSCI) và chỉ số trích dẫn nghệ thuật và nhân văn (A&HCI) được lưu trữ trên Web of Knowledge. Dữ liệu về giảng dạy, mức độ phủ rộng tuyển sinh, kết quả tốt nghiệp và mức độ nhận biết được lấy trực tiếp từ các tổ chức tham gia xếp hạng.

Kết quả xếp hạng

Kết quả xếp hạng được công bố vào tháng 4 hàng năm, đến nay đã có kết quả của năm 2016 và 2017. Kết quả xếp hạng cho thấy một xu hướng thú vị. 10 tổ chức đứng đầu trong bảng xếp hạng của tất cả các thể loại hầu hết là các trường công. Ngoại lệ là ngành dược, với phần lớn là trường tư có số lượng sinh viên chiếm hơn 90% tổng số. Trong giáo dục đại học đại cương, chỉ một trong 10 trường đứng đầu bảng là trường tư. Nhiều trường trong số đó, đặc biệt là các trường được trung ương tài trợ, nhận được mức tài trợ cao hơn; tuyển sinh dựa trên các bài kiểm tra nhập học; và các trường này được hưởng mức độ tự chủ cao hơn. Nói cách khác, các trường xếp hàng đầu trong danh sách NIRF thể hiện một số đặc điểm quan trọng của các trường đại học đẳng cấp thế giới theo định nghĩa của Jamil Salmi năm 2009.

Các biện pháp áp dụng để có được dữ liệu đáng tin cậy từ các tổ chức tham gia xếp hạng dường như có hiệu quả tốt ở Ấn Độ.

Xem xét kết quả của 100 tổ chức giáo dục đại học đứng đầu bảng xếp hạng năm 2017, chúng ta chỉ thấy 3 trường đại học tư nhân xuất hiện trong danh sách. Gần 60% các trường xuất hiện trong danh sách 100 trường đứng đầu là các trường đào tạo chuyên ngành, và phần còn lại là các trường đại học và cao đẳng công lập (có ba trường đại học công lập). Các biến thể điểm số của 100 trường hàng đầu tiết lộ một số vấn đề. Trong khi điểm trung bình tổng thể tối đa là 83,28 trong 10 trường hàng đầu, nó giảm mạnh xuống còn 58,25 trong nhóm các trường tiếp theo (xếp hạng 11–20), thấp hơn điểm trung bình tối thiểu của 10 trường đầu.Trong hai lĩnh vực dạy và học, phạm vi tiếp cận và đối tượng tuyển sinh, điểm số trung bình tối đa có biên độ giao động ít, trái lại trong lĩnh vực nghiên cứu và mức độ nhận biết biên độ giao động là lớn nhất.

Kết quả xếp hạng bị chỉ trích ít hơn là dự đoán, một phần vì bản thân kết quả không bất ngờ. Một trong những lời chỉ trích chung cho tất cả các bảng xếp hạng là: quy mọi thông tin liên quan đến một trường đại học thành một con số là vô nghĩa. Một phê phán nghiêm trọng khác liên quan đến sự giao động vị trí của các tổ chức trong bảng xếp hạng năm 2016 và 2017. 47 trong số 100 trường đứng đầu trong năm 2017 là những trường mới tham gia, trong khi 35 trường đại học xếp hạng từ 50 đến 100 trong bảng xếp hạng năm 2016 đã biến mất khỏi danh sách năm 2017. Ngoài ra, một phê bình khác đặt câu hỏi về tính hữu ích của việc so sánh các tổ chức đơn ngành với các trường đại học đa ngành. Những lời chỉ trích này là xác đáng, và nó cũng phản ánh những khó khăn trong giai đoạn đầu của hoạt động xếp hạng Ấn Độ.

Bài học từ Xếp hạng Ấn Độ

Việc kiểm tra kỹ hơn các kết quả cho thấy rằng nghiên cứu và nhận biết là những lĩnh vực quan trọng cần xem xét để cải thiện vị trí của một trường trong bảng xếp hạng. Thật vậy, nghiên cứu là chìa khóa để thúc đẩy những thay đổi trong nhận biết. Vì vậy, nỗ lực để thành lập các trường đại học nghiên cứu và các trường đại học đẳng cấp thế giới có thể là một bước cần thiết để leo lên trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Các biện pháp áp dụng để có được dữ liệu đáng tin cậy từ các trường tham gia xếp hạng dường như có hiệu quả tốt ở Ấn Độ. Cơ quan xếp hạng thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên trên hồ sơ của các trường và các báo cáo kiểm toán. Dữ liệu gửi đến cổng NIRF được tải lên cho phép công chúng xem và giám sát công khai. Những trường có hành vi phi đạo đức trong việc cung cấp dữ liệu sẽ không được tham gia xếp hạng trong tương lai. Những biện pháp này buộc các trường cung cấp dữ liệu đáng tin cậy, cải thiện tính minh bạch và độ tin cậy của dữ liệu được sử dụng trong bảng xếp hạng NIRF.

Một kết quả tích cực của các nỗ lực xếp hạng ở nhiều quốc gia là làm nổi bật tầm quan trọng của các trường đại học nghiên cứu và sự cần thiết thành lập các trường đại học đẳng cấp thế giới. Ấn Độ có kế hoạch thành lập 20 trường đại học danh giá. Tuy nhiên, điều này không nên được xem là lựa chọn thay thế cho việc thúc đẩy nghiên cứu trong các tổ chức giáo dục đại học hiện có. Xếp hạng không phải là một thay thế có thể cải thiện chất lượng tổng thể của ngành, bởi vì phần lớn các tổ chức giáo dục đại học không tham gia vào xếp hạng. Thay vì trông chờ vào bảng xếp hạng, Ấn Độ cần tăng nguồn tài trợ công cho giáo dục đại học và áp dụng các chiến lược hiệu quả để thúc đẩy nghiên cứu và cải thiện việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng đang chiếm phần lớn.