Ý nghĩa của hợp tác xây dựng

Khách hàng: Chào Luật sư. Luật sư cho tôi hỏi Văn hóa quản lí Nhà nước là gì và những tác động của văn hóa quản lí Nhà nước đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Bàn về xây dựng và phát triển văn hoá quản lý nhà nước

Qua thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước đối với toàn xã hội, thành tố văn hoá cần phải đóng vai trò quan trọng đang là đòi hỏi khách quan. “Chăm lo văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hôị thì không thể có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.”

Văn hoá quản lí Nhà nước có quan hệ hữu cơ với văn hoá chính trị. Trước khi nghiên cứu văn hoá quản lí Nhà nước, cần phải tìm hiểu khái niệm về văn hoá chính trị, đồng thời, đây là cách tiếp cận đúng đắn trong quá trình nghiên cứu để đề xuất khái niệm văn hoá quản lí Nhà nước.

2. Khái niệm văn hoá quản lý nhà nước

Nhà nước là một bộ phận của hệ thống chính trị, nên phạm vi văn hoá quản lí Nhà nước hẹp hơn phạm vi văn hoá chính trị.

Nếu văn hoá chính trị được xây dựng trên hai môn học chủ yếu là văn hoá học và chính trị học thì văn hoá quản lý Nhà nước phải được xây dựng trên cơ sở ba môn học chủ yếu là văn hoá học, khoa học quản lý, hành chính học.

Từ đó, có thể hiểu văn hoá quản lý Nhà nước như sau:

– Khi quản lý nhà nước hiểu theo nghĩa rộng: Văn hoá quản lý Nhà nước là sự tác động có tổ chức và bằng pháp quyền của nhà nước, luôn luôn thấm sâu thành tố văn hoá trong quá trình quản lý của toàn bộ bộ máy Nhà nước, gồm các cơ quan quyền lực Nhà nước [Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp]; các cơ quan hành chính nhà nước [Chính phủ, các bộ, Uỷ ban hành chính các cấp]; cơ quan kiểm sát [Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện Kiểm sát nhân dân các cấp].

– Khi quản lý nhà nước hiểu theo nghĩa hẹp: Văn hoá quản lý Nhà nước là hoạt động hành chính, tác động có tổ chức và bằng pháp quyền của Nhà nước, luôn luôn thấm sâu thành tố văn hoá trong quá trình quản lý của các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước [quyền hành pháp] để quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội theo luật pháp.

3. Ý nghĩa xã hội của công cuộc xây dựng và phát triển văn hoá quản lý nhà nước

a. Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Trong chỉnh thể văn hoá nói chung thì văn hoá quản lý Nhà nước là một phương diện, một bộ phận quan trọng và có tính đặc thù. Điều đó trước hết bắt nguồn từ chỗ quản lý Nhà nước là chức năng vốn có của mọi nhà nước, là một hoạt động đặc thù, sử dụng pháp quyền của nhà nước để tác động lên đối tượng bị quản lý.

Xây dựng văn hoá cho các tổ chức, trong đó có các tổ chức là cơ quan quản lý nhà nước sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước được bền vững.

Môi trường hành chính nhà nước trong sạch, lành mạnh là điều kiện và động lực khuyến khích, động viên mỗi công dân, mỗi đơn vị kinh tế không ngừng phấn đấu, làm giàu theo pháp luật. Không phải chỉ sự ô nhiễm môi trường tự nhiên mà cả sự ô nhiễm của môi trường hành chính nhà nước đều nguy hại đến niềm tin, đến chất lượng sống, thậm chí đến sinh mạng công dân, đến số phận của các cơ sở sản xuất – kinh doanh.

Văn hoá quản lí Nhà nước trở thành một trong những tiêu chí xác định trình độ trưởng thành về nhân cách, về đạo đức công chức, và phẩm chất, uy tín của cơ quan quảm lí Nhà nước. Văn hoá quản lí Nhà nước còn là một nhân tố không thể thiếu để xác lập bầu không khí hành chính nhà nước lành mạnh, thể hiện trong các mối quan hệ giữa cơ quan quản lí Nhà nước với công dân, với các đơn vị kinh tế, với các tổ chức chính trị – xã hội, với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp… Đồng thời, văn hoá quản lí Nhà nước còn được thể hiện trong quan hệ giữa công chức với công chức, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các cơ quan quản lí Nhà nước trong quan hệ dọc và quan hệ ngang.

Khi văn hoá quản lí Nhà được xây dựng và phát triển trong cơ quan quản lí Nhà nước thì sẽ có văn hoá từ chức, văn hoá cách chức, văn hoá nghỉ hưu. Đồng thời khi đó, như ở các nước phát triển, các công chức lãnh đạo “có vấn đề” bị toà án hành chính mời, họ nghiêm túc đi đến toà án hành chính để điều trần là việc bình thường. Một quốc gia mà sự hoạt động của toà án hành chính còn quá im ắng mới là không bình thường.

Văn hoá quản lí Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện những bất hợp lý của nền hành chính nhà nước, từ đó sẽ thúc đẩy có hiệu quả tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước. Văn hoá quản lí Nhà nước kết hợp với văn hoá chính trị sẽ là động lực tích cực trong việc hướng hoạt động quản lí Nhà nước vào những mục tiêu, những giá trị được xã hội đang mong đợi.

Khi những tri thức văn hoá ăn sâu vào nhận thức của công chức sẽ tạo nên những khuôn mẫu hành vi của mỗi công chức, mỗi cơ quan quản lí Nhà nước, điều chỉnh quan hệ của họ đối với các đối tượng bị quản lý theo pháp luật. Không có văn hoá quản lí Nhà nước thì khó có thể xây dựng được đạo đức công chức và nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh.

b. Đối với xã hội

Với tư cách là một thành tố quan trọng của văn hoá, mỗi một bước phát triển của văn hoá quản lí Nhà nước cũng chính là một bước phát triển của văn hoá dân tộc.

Quản lí Nhà nước phải được nâng lên tầm văn hoá, thấm đậm thành tố văn hoá. Trong quản lí Nhà nước mà không dựa trên nền tảng văn hoá thì có thể dẫn đến một thứ quản lí Nhà nước siết chặt lại, tự trói lẫn nhau, tự trói chính mình, ngăn sông cấm chợ, đi ngược lại quy luật phát triển, chà đạp con người… Nếu hoạt động quản lí Nhà nước như thế sẽ dẫn xã hội đến khủng hoảng, sản xuất lưu thông đình đốn, nhân dân đói khổ.

Khi sống trong một môi trường phi văn hoá, con người không những sẽ bị tước đi các điều kiện để phát triển mà ngay cả tính mạng của họ cũng khó được bảo toàn. Do đó, văn hoá quản lí Nhà nước không phải là những vấn đề lý luận trừu tượng, mà nó được biểu hiện cụ thể trong thực tiễn đời sống, ảnh hưởng sâu sắc trực tiếp đến sự sống còn của từng công dân, từng tổ chức, từng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Khi văn hoá quản lí Nhà nước phát triển đến một trình độ cao thì văn hoá quản lí Nhà nước không chỉ là tri thức của các cơ quan quản lí Nhà nước, mà còn là tri thức mang tính phổ biển của mọi công dân, mọi tổ chức. Khi đó, những thông tin phản hồi mang động cơ xây dựng của các công dân, các tổ chức với cơ quan quản lí Nhà nước sẽ là động lực tích cực trong việc phát triển và hoàn thiện văn hoá quản lí Nhà nước.

4. Những mặt tiêu cực của văn hóa quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp

Những biểu hiện rất đáng nói về văn hoá quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp không lành mạnh như:

- Tự mãn về hiệu quả công việc.

- Không thấy được tính cấp thiết của việc giải quyết những yêu cầu của doanh nghiệp.

- Đội ngũ nhân viên bị động, ít chủ động trong việc thay đổi và cải tiến công việc và có thái độ trông chờ vào cấp trên.

- Công chức, gồm cả những người lãnh đạo cấp cao lại làm việc máy móc và ít tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thường sách nhiễu doanh nghiệp.

- Xử lý những người làm sai, tham ô, tham nhũng chưa đúng người đúng tội, và như vậy đã gián tiếp tạo điều kiện cho công chức thực thi công vụ tiếp tục làm sai.

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đặc biệt thu hút được vốn đầu tư nước ngoài trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng và phát triển văn hóa quản lý nói chung và văn hóa quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nói riêng, đòi hỏi các văn bản pháp luật, luật Doanh nghiệp cần phải được điều chỉnh phù hợp với tính hình hiện tại, đồng thời, chính các công chức thực thi công vụ cần phải thay đổi từ tư duy đến hành động của mình.

Xây dựng văn hoá quản lý Nhà nước cũng cần phải có một cam kết lâu dài ghi nhớ những nội dung cốt yếu, và coi đó là nguyên tắc khi xây dựng chính sách đối với loại hình kinh tế.

Sự không công bằng trong các văn bản luật và các văn bản dưới luật về quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp trong những năm qua chính là nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Ngay từ đầu, nếu không có sự phân biệt theo thành phần kinh tế thì đó chính là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự cạnh tranh, lôi kéo được sự đầu tư trong nước cũng như ngoài nước. Sự công bằng ở đây còn bao gồm sự thừa nhận sự đóng góp của các thành phần kinh tế.

Tạo môi trường pháp lý bình đẳng và công bằng để doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với đất đai, tín dụng và các yếu tố đầu vào khác để góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho mọi tầng lớp dân cư một cách bền vững.

5. Kết thúc vấn đề

Vậy việc ban hành Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp cũng như quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, từng bước xóa bỏ bao cấp, đặt doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích đầu tư trong nước theo tinh thần của luật trên chưa được triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời. Điều đó thể hiện trước hết ở chỗ chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện hoặc có các hướng dẫn nhưng chưa đồng bộ, thậm chí đôi khi còn có một số nội dung hướng dẫn thiếu nhất quán với tinh thần của Luật. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích lại chủ yếu là miễn giảm thuế ở những vùng mà môi trường đầu tư khó khăn, thiếu cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc và những điều kiện sinh hoạt và kinh doanh tối thiểu. Những khuyến khích do Luật đầu tư trong nước đưa ra chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chưa tạo ra được động lực phát triển.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê [Sưu tầm và Biên soạn]

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề