Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và chung tay xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả, tạo động lực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm đạt 7,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn giảm bình quân 3%/năm [riêng các huyện nghèo giảm 4-5%/năm]; phấn đấu đến năm 2025 có 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo.

Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã biên giới; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3-5 xã nông thôn mới kiểu mẫu...

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, bên cạnh các cơ chế chính sách của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương cần tổ chức triển khai phong trào thi đua sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, cơ sở. Phát huy tính năng động, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời coi việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, làm cho phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển sâu rộng, có sức thu hút và lan tỏa mạnh mẽ; tạo sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng “phát triển xanh, nhanh và bền vững”; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; vận động nông dân liên kết để xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn tại địa phương, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, kinh tế trang trại, gia trại... để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa.

Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá nông sản hàng hóa cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân. Hình thành các diễn đàn của nông dân để trao đổi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp hội nông dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng hành và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, hộ gia đình hội viên, nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, chung tay xây dựng nông thôn mới. Tôn vinh, nhân rộng các hộ gia đình, nông dân tiêu biểu có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội.

Khuyến khích các hộ gia đình, nông dân trên địa bàn tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng, quy hoạch của tỉnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. Hình thành các mô hình liên kết sản xuất lớn, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi... góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt năng suất cao, an toàn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phong trào thi đua, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn cho địa phương, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều nội dung, đóng góp vào thành công chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới [XDNTM] trên địa bàn tỉnh.

Mô hình hội nông dân tự quản thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại xã Đông Ninh [Đông Sơn].

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về XDNTM và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2011–2020. Trong 5 năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng, 626.202 ngày công tu sửa và làm mới 63.117 km đường giao thông nông thôn, kênh mương và 17.465 các công trình cầu cống, phòng học, công trình điện các loại; chỉnh trang và xây mới 80.407 nhà ở dân cư. Đồng thời, các cấp hội đã phát động, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng thôn, làng, bản văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nghiêm chỉnh chấp hành quy ước, hương ước thôn, làng, bản; tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng..., bình quân mỗi năm có trên 490.000 hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và có trên 430.000 hộ đạt gia đình nông dân văn hóa [đạt 87,75%].

Trong tham gia thực hiện các tiêu chí về môi trường, các cấp hội đã triển khai, hướng dẫn hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, ký cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; xây dựng cảnh quan làng, bản, cổng ngõ, đường làng phong quang, sạch đẹp, an toàn; rác thải và nước thải được thu gom, xử lý theo quy định. Mỗi cơ sở hội xây dựng được từ 1 mô hình trở lên, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.046 mô hình hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn.

Đối với công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội được các cấp hội thực hiện thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, bảo hiểm xã hội, văn hóa, lao động - thương binh và xã hội... giúp nông dân nâng cao nhận thức, góp phần thực hiện đạt tiêu chí về y tế, văn hóa, giáo dục.

Bên cạnh đó, các cấp hội đã tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần đạt tiêu chí “thu nhập bình quân đầu người” theo chuẩn NTM. Trong đó, các cấp hội đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân; duy trì và phát huy rất hiệu quả phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, coi đây là lực lượng nòng cốt tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy nội lực, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn; đồng thời các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã ủng hộ, đóng góp rất lớn nguồn lực cho XDNTM ở các xã.

Tiêu biểu cho việc tham gia chỉ đạo, XDNTM đó là Hội Nông dân các xã Cán Khê [Như Thanh]; Yên Nhân [Thường Xuân]; Hoằng Trinh [Hoằng Hóa]; Vĩnh Long [Vĩnh Lộc]; Định Tân [Yên Định]; Xuân Giang [Thọ Xuân];... Và từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương cá nhân điển hình tiên tiến được cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện và cơ sở ghi nhận, tặng bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích trong phong trào XDNTM, tiêu biểu như các gia đình: ông Triệu Phúc Hiến, thị trấn Phong Sơn [Cẩm Thủy]; ông Nguyễn Hữu Lựu, xã Hà Long [Hà Trung]; ông Nguyễn Xuân Thành, xã Yên Lâm [Yên Định]; ông Nguyễn Văn Cường, xã Thiệu Hợp [Thiệu Hóa]; ông Lộc Văn Lưn, xã Mường Chanh [Mường Lát]; ông Hà Văn Khương, xã Sơn Hà [Quan Sơn]...

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Để tiếp tục phát huy vai trò của hội nông dân trong XDNTM, thời gian tới, các cấp hội nông dân tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nông dân về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện các tiêu chí về NTM, NTM nâng cao... Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, chú trọng phổ biến, hướng dẫn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến các nông hộ. Qua đó, đoàn kết, tập hợp, vận động, động viên cán bộ, hội viên, nông dân hăng hái thi đua trong công tác, lao động, sản xuất, góp phần xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân”.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề