Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Trường THPT Chuyên Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 621/UB ngày 26/8/1991 của UBND tỉnh Hà Bắc [nay là tỉnh Bắc Giang] với tên gọi là Trường PTTH Năng Khiếu tỉnh Hà Bắc. Năm 1997 tỉnh Hà Bắc được tách ra thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, theo Quyết định số 160/UB ngày 20/01/1997 của UBND lâm thời tỉnh Bắc Giang, Trường được đổi tên thành Trường PTTH Năng khiếu Ngô Sĩ Liên tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 18/11/2004 đổi thành Trường THPT Chuyên Bắc Giang theo Quyết định số 134/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Giang.

Tính đến năm 2021, trường đã có 30 năm xây dựng và phát triển. Trong suốt chặng đường ấy, nhà trường đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt: tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh [HS] giỏi của tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, đất nước.

Năm học đầu tiên [1991-1992] trường chỉ có 4 môn chuyên: Toán, Lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, với 6 lớp chuyên và 2 lớp gần chuyên, gồm 150 HS. Đội ngũ có 19 giáo viên và 7 nhân viên hành chính, đến nay nhà trường có cơ ngơi khang trang, điều kiện trường lớp học cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nhà trường cũng không ngừng phát triển về quy mô và số lượng HS, năm học 2021-2022 nhà trường có 31 lớp, 11 môn chuyên [Chuyên Toán, Tin, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Văn, Sử-Địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật] với 1075 HS. Nhà trường hiện có 103 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó 04 Ban Giám hiệu, 90 giáo viên, 9 nhân viên; số giáo viên có trình độ tiến sĩ 01, thạc sĩ 56; nhiều năm liền trường đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, được nhận nhiều bằng khen, cờ thi đua các cấp.

Nhà trường được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2018, hiện đang xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2 và đề nghị đánh giá chất lượng giáo dục năm học 2020-2021.

Trường ở trung tâm thành phố Bắc Giang, phần lớn học sinh có ý thức học tập tốt, được chính quyền địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang quan tâm.

Kế koạch chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động, phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách, hoạt động của Ban giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của Trường THPT Chuyên Bắc Giang là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông. Cùng với các trường THPT trong tỉnh, Trường THPT Chuyên Bắc Giang quyết tâm xây dựng nhà trường phát triển theo yêu cầu của tỉnh Bắc Giang, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

II. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG

1. Đặc điểm tình hình nhà trường

1.1. Môi trường bên trong

a] Mặt mạnh

- Đội ngũ cán bộ giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. 100% đạt chuẩn, trong đó có: 01 tiến sĩ; 56 thạc sĩ; đang học thạc sĩ 02; trình độ Cao cấp lý luận Chính trị: 03, Trung cấp LLCT: 10, đang học Cao cấp LLCT: 0; đang học Trung cấp LLCT: 02

- Học sinh ngoan, ý thức đạo đức tốt, có tinh thần tự giác, chuyên cần trong học tập.

- Môi trường giáo dục trong nhà trường tốt, kỷ cương nền nếp trong giảng dạy học tập và trong kiểm tra thi cử được duy trì và phát huy tốt.

- Nhà trường và gia đình thường xuyên phối hợp trong việc quản lý giáo dục học sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh được học tập, rèn luyện.

- Các điều kiện phục vụ cho các hoạt động giáo dục: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa, sách tham khảo tương đối đầy đủ.

- Trường có 45 phòng học, trong đó có 33 phòng học nền, 10 phòng cho đội tuyển, 03 phòng học chung, các phòng này đều có đủ máy chiếu, máy vi tính, màn hình phục vụ cho giảng dạy, 03 phòng vi tính [55 máy nối mạng internet], 06 phòng phòng bộ môn: Lý, Hóa, Sinh [03 phòng phục vụ dạy học nền, 03 phòng phục vụ dạy và học cho đội tuyển], 01 thư viện với gần 3.000 cuốn sách và tài liệu tham khảo. Cơ sở vật chất khá đầy đủ, đáp ứng được một phần cho yêu cầu giảng dạy và học tập.

- Tài lực: Kinh phí cho công tác giảng dạy và học tập đầy đủ, kịp thời.

- Chất lượng giáo dục:

Lãnh đạo nhà trường quan tâm đến quản lý đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thiết bị dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục THPT. Đổi mới phương pháp dạy học và sử dụng thiết bị dạy học nhằm tích hợp các phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giờ dạy, khắc phục lối dạy một chiều, tăng cường sử dụng phương pháp dạy học tích cực. Học sinh biết phát huy sự chủ động, sáng tạo trong học tập, khả năng vận dụng kiến thức, khả năng thích ứng với cuộc sống được quan tâm. Quá trình dạy học là quá trình kiến tạo, tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh. Nhờ vậy kết quả giáo dục trong nhiều năm qua đã đạt được những thành tích đáng kể, cụ thể như sau:

Năm học

HSG &

HSTT

HSG cấp Tỉnh

HSG Quốc gia

Tỷ lệ TN

THPT

Tỷ lệ đỗ ĐH

2016-2017

79,9% : 20,1%

89 giải

[11 Nhất, 1Nhì,

31 Ba,31 KK]

64 giải [12 Nhì, 26 Ba, 26 KK], đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố [5 HS dự thi chọn đội tuyển Việt Nam thi Olympic quốc tế].

100%

100%

2017-2018

83,3%:16,7%

88 giải

[13Nhất;20Nhì;

23 Ba;32 KK]

57 giải [2 Nhất; 13 Nhì; 14 Ba; 28 KK], đứng thứ 11/63 tỉnh thành phố trên cả nước. [4 HS dự thi chọn đội tuyển Việt Nam dự thi  Olympic quốc tế]; 01 học sinh đoạt HCV Vật lý Châu Á và 01 HCB Vật lý Quốc tế.

100%

100%

2018-2019

87,1%:12,9%

90 giải [14 Nhất; 21 Nhì;

20 Ba; 35 KK].

54 giải [1 Nhất; 2 Nhì; 20 Ba; 31 KK], đứng thứ 12/63 tỉnh thành phố trên cả nước. [có 01 HS dự thi chọn đội tuyển Việt Nam dự thi  Olympic quốc tế]; 01 học sinh đoạt HCV Vật lý Châu Á và 01 HCB Vật lý Quốc tế.

100%

100%

2019-2020

90,5%:9,5%

84 giải [11 Nhất, 20 Nhì,

22 Ba, 66 KK]

62 giải [13 Nhì, 31 Ba, 18 KK], đứng thứ 12/63 tỉnh thành phố trên cả nước. [có 01 HS dự thi chọn đội tuyển Việt Nam dự thi  Olympic quốc tế]

100%

100%

2020-2021

95,8%:4,2%

79 giải [6 Nhất,

17 Nhì, 24 Ba,

32 KK]

58 giải [16 Nhì, 16 Ba, 26 KK], đứng thứ 9/63 tỉnh thành phố trên cả nước. [có 02 HS dự thi chọn đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic quốc tế, 01 học sinh đạt huy chương đồng Vật Lý Châu Âu ]

100%

100%

- Công tác tổ chức quản lý của ban giám hiệu:  Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá sâu sát, thực chất và đổi mới. Được sự tin tưởng cao của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

b] Mặt yếu

- Tổ chức quản lý của Ban Giám hiệu

Chưa mạnh dạn trong việc đánh giá giáo viên, việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn chưa được thường xuyên.

Đánh giá chất lượng chuyên môn của giáo viên còn  mang tính động viên, chưa thực chất, phân công nhiệm vụ theo vị trí việc làm còn có những cán bộ, giáo viên chưa phù hợp với năng lực, trình độ.

- Việc tuyển giáo viên:

Việc tuyển dụng giáo viên có chất lượng hiện gặp rất nhiều khó khăn với nhiều lý do như: các thầy cô dạy giỏi ở các trường huyện, thành phố không thiết tha về trường vì áp lực quá lớn, không có thời gian dành cho gia đình…; các giáo sinh nếu không phải là học sinh ở các trường chuyên thì hầu như không đáp ứng được yêu cầu, những giáo viên có nhu cầu về trường thì không đáp ứng các tiêu chí [giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có học sinh giỏi cấp tỉnh…]

- Giáo viên: một số giáo viên trẻ chưa thật sự chuyên tâm đầu tư sâu chuyên môn, chưa dành thời gian thích đáng để đầu tư chuyên môn, chưa tích cực học hỏi các thế hệ thầy cô đi trước, các đồng nghiệp, còn bị chi phối vào nhiều công việc khác như chăm lo cho gia đình, sinh đẻ và chăm chút con cái…

- Học sinh: Một số học sinh chưa thật sự ham học vẫn dành phần lớn thời gian quan tâm đến việc khác.... một số học sinh đã đạt giải hoặc chưa đạt giải HSG quốc gia còn thiếu quyết tâm để tham gia đội tuyển các năm học tiếp sau, một số ít chưa ý thức phấn đấu để vào đội tuyển quốc gia.

- Cơ sở vật chất: Các thiết bị dạy học cơ bản đã cũ và hỏng chưa được trang bị mới. Phòng kho, phòng thí nghiệm thực hành ở một số bộ môn còn trật hẹp chưa đáp ứng yêu cầu cất giữ và sử dụng; bàn ghế một số phòng học chưa đảm bảo chuẩn theo thông tư số 40 Bộ Giáo dục và Đào tạo [cỡ số 6], hệ thống ánh sáng các phòng học chưa đáp ứng theo chuẩn mới, phòng làm việc của giáo viên, tổ chuyên môn còn trật hẹp [hiện nhà trường tận dụng các phòng chức năng của khu nhà hiệu bộ cũ để làm phòng tổ chuyên môn].

1.2. Môi trường bên ngoài

a] Cơ hội

-  Đã có sự tín nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh trong toàn tỉnh.

- Có đội ngũ cán bộ giáo viên có năng lực chuyên môn khá và giỏi, kỹ năng sư phạm khá tốt.

- Nhà trường có cơ hội rất thuận lợi để phát triển thành trường THPT chất lượng cao trong toàn quốc.

- Thuận lợi trong giao lưu hợp tác quốc tế.

- Thuận lợi trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khi xây dựng thành trường chuẩn quốc gia và đơn vị tiên tiến xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.

- Nhu cầu giáo dục chất lượng cao rất lớn và ngày càng tăng.

b] Thách thức

- Đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của cha mẹ học sinh cũng như của xã hội.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ và giáo viên cần được nâng lên để đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nhất là đào tạo mũi nhọn.

- Mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến giáo viên và học sinh nhà trường.

- Tác động của hội nhập quốc tế trong việc giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

- Các trường THPT Chuyên trong khu vực ngày càng được các tỉnh quan tâm đầu tư, nên chất lượng giáo dục cao ngày càng được chú trọng.

 2. Các vấn đề chiến lược

 - Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.

-  Vấn đề phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ.

-  Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh và chất lượng giáo dục mũi nhọn.

-  Vấn đề chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà trường.

III. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

 1. Sứ mạng

Xây dựng nhà trường thành trường THPT chuyên chất lượng cao; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, có chất lượng giáo dục cao theo hướng hợp tác quốc tế; phấn đấu để mọi học sinh chăm ngoan, học giỏi, thành đạt.

2. Hệ thống giá trị

- Nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm;

- Tính trung thực, lòng tự trọng, tình đoàn kết, tính sáng tạo, sự hợp tác.

3. Tầm nhìn

Là một trong những trường THPT Chuyên hàng đầu của cả nước, đào tạo học sinh trở thành những công dân có phẩm chất đạo đức tốt, yêu Tổ quốc Việt Nam XHCN; có trình độ cao về kiến thức, ham học hỏi, sáng tạo; tự tin và linh hoạt trong cuộc sống.

IV. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC 

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn cho học sinh. 

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Chất lượng đội ngũ

- 100% giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh;

- 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và chuyên môn từ khá trở lên;

- 80% giáo viên có trình độ trên chuẩn;

- Phấn đấu đến năm 2030 các thầy cô trẻ ở  các môn khoa học tự nhiên sẽ dạy song ngữ.

2.2. Chất lượng học sinh

- Hạnh kiểm:   Tốt: 99% trở lên;

    Khá: 1%

    Trung bình: không

- Học lực:        Giỏi: 90% trở lên;

                        Khá: 10%

                         TB: không.

- Hằng năm có từ 55 - 60 HS giỏi đạt giải HS giỏi quốc gia, có học sinh vào vòng 2 tham gia chọn đội tuyển thi chọn HS giỏi cấp khu vực và châu lục, phấn đấu có học sinh đạt huy chương trong kỳ thi khu vực, châu lục và quốc tế; đảm bảo có đủ cơ cấu giải HS giỏi cấp tỉnh.

- Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực; tích cực tham  gia các câu lạc bộ [hiện nhà trường có 07 câu lạc bộ, các câu lạc bộ hoạt động đều đặn và hiệu quả]; tích cực tham gia  các hoạt động xã hội, tình nguyện, thiện nguyện…

2.3 Cơ sở vật chất

- Phòng học, phòng làm việc, phòng bộ môn… tiếp tục được quan tâm sửa chữa nâng cấp; trang thiết bị phục vụ dạy và học phần nào đã đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Các phòng tin học, thí nghiệm, phòng đa năng được trang bị nâng cấp theo hướng hiện đại.

- Xây dựng môi trường sư phạm văn minh và “ Xanh - Sạch - Đẹp”.

 3. Phương châm hành động

Đoàn kết, nâng cao chất lượng giáo dục là uy tín và danh dự của nhà trường

V. CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC

1. Giải pháp về phát triển đội ngũ

- Để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đề ra, xác định yếu tố con người đóng vai trò quyết định, do đó nhà trường chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để đáp ứng được những yêu cầu mới.

 - Tăng cường giải pháp bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lí và giáo viên để đáp ứng được yêu cầu của trường THPT Chuyên trong giai đoạn mới.

- Thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên theo hướng ưu tiên HS ưu tú, có giải quốc gia, quốc tế của trường hoặc các học sinh các trường chuyên khác đã tốt nghiệp giỏi, xuất sắc ngành sư phạm đúng môn học, ưu tiên giáo viên các trường THPT không chuyên có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh và quốc gia.

- Tăng cường vai trò của tổ chuyên môn trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ. Từng bước nâng cao năng lực của từng thành viên trong tổ chuyên môn, giáo viên mới ra trường, giáo viên chưa được dạy chuyên cần được quan tâm thường xuyên. Chú trọng lựa chọn và cử giáo viên có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn đi đào tạo trên chuẩn để tạo nguồn cán bộ nòng cốt.

- Thường xuyên khích lệ giáo viên có sáng kiến cải tiến phương pháp dạy học, dịch tài liệu nước ngoài để tham khảo... Hằng năm tổ chức thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi cấp trường để rèn luyện phương pháp và bản lĩnh nghề nghiệp cho giáo viên.

- Tuyển giáo viên theo hình thức thử việc.

- Người phụ trách: Ban giám hiệu và Tổ trưởng chuyên môn

2. Giải pháp về đổi mới phương pháp dạy và học

- Tập trung làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên về sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy - học trong xu thế hội nhập và phát triển.

- Thảo luận và thống nhất về cách thức đổi mới và các bước thực hiện cụ thể.

- Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn.

3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn… giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.

- Người phụ trách: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.       

4. Giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ

 - Xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà trường, bổ sung trang thiết bị dạy học cho các  phòng học, khối phòng học bộ môn, khu luyện tập thể thao...

 - Đầu tư thêm nguồn tài liệu, sách tham khảo phục vụ thiết thực, có hiệu quả cho yêu cầu dạy chuyên và cho các hoạt động giáo dục.

5. Giải pháp về nguồn lực tài chính

 - Sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.

 - Huy động nguồn lực xã hội hóa từ cha mẹ học sinh, từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cựu học sinh để hỗ trợ nhà trường.

6. Giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin

 - Tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, coi đó là phương tiện hữu hiệu trong việc tổ chức một giờ học, các tổ chuyên môn lập kế hoạch theo dõi và sử dụng thiết bị, đặc biệt ở các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ.

 - Tăng cường sử dụng, khai thác thông tin trên mạng internet phục vụ cho giảng dạy và học tập; thường xuyên cập nhật các phần mềm dạy học, thông tin trên các trang web hữu ích phục vụ cho chuyên môn.

 - Tiếp tục sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý: điểm, tài chính và nhân sự.

7. Giải pháp về lãnh đạo, quản lý

 - Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ quản lý nhà trường.

 - Tăng cường tham quan học hỏi, giao lưu trong nước và hội nhập quốc tế.

 - Quán triệt cụ thể rõ ràng các chức năng nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ quản lý nhà trường .

 - Xây dựng lề lối làm việc khoa học, tác phong hiện đại, quan hệ đồng nghiệp, thầy trò thân thiện, đúng mực.

 - Tổ chức hệ thống thông tin trong trường chính xác, thuận lợi, kịp thời.

 - Xây dựng lực lượng kiểm tra nội bộ trường học có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

VI. TỔ CHỨC THEO DÕI, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Phổ biến kế hoạch chiến lược

Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.

2. Tổ chức

Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.

3. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược

- Giai đoạn 1: Từ năm 2020 – 2022: Duy trì chất lượng giáo dục, tạo cảnh quan môi trường, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đạt kiểm định chất lượng giáo dục  ở mức độ 2.

- Giai đoạn 2: Từ năm 2023 -  2025: Nâng cao chất lượng học sinh giỏi quốc gia, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, hoàn thiện cơ sở vật chất theo chuẩn mới.

- Giai đoạn 3: Từ năm 2025 – 2030: Giữ vững chất lượng, đảm bảo thương hiệu nhà trường.

4. Đối với Hiệu trưởng

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học.

5. Đối với các Phó Hiệu trưởng

Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.

6. Đối với tổ trưởng chuyên môn

Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

7. Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên

Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

VII. KẾT LUẬN

1. Kế hoạch chiến lược là một văn bản có giá trị định hướng cho sự xây dựng và phát triển Giáo dục của nhà trường đúng hướng trong tương lai, giúp cho nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý kế hoạch hằng năm, hằng tháng.

2. Kế hoạch chiến lược thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường xây dựng cho mình một thương hiệu, một địa chỉ giáo dục chất lượng cao.

3. Trong thời kỳ hội nhập, có sự phát triển mạnh kinh tế xã hội, kế hoạch chiến lược của nhà trường sẽ có sự điều chỉnh và bổ sung. Tuy nhiên bản kế hoạch chiến lược này là cơ sở nền tảng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cho những giai đoạn tiếp theo một cách bền vững.

VIII. KIẾN NGHỊ

  1. Đối với Tỉnh: Tiếp tục quan tâm đầu tư cho nhà trường về cơ sở vật chất về

kinh phí để trường tổ chức các hoạt động đạt hiệu quả cao.

2. Đối với thành phố Bắc Giang và các huyện: Quan tâm tuyên truyền, quảng bá về trường trong nhân dân địa phương để thu hút nhiều học sinh tài năng về học tại trường.

3. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu với lãnh đạo Tỉnh tạo mọi điều kiện để trường thực hiện kế hoạch chiến lược đã đề ra. Chỉ đạo, giúp đỡ nhà trường kịp thời về cách tổ chức và thực hiện để đạt được kế hoạch.

4. Đối với trường: Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh quán triệt đầy đủ kế hoạch chiến lược đã xây dựng, quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch, xây dựng nhà trường xứng đáng với Sứ mệnh, Tầm nhìn và hệ thống giá trị cơ bản đã đề ra.             

Video liên quan

Chủ Đề