Viết thư cho ông già noel như thế nào năm 2024

Mỗi năm, mọi trẻ em ở Đức đều chăm chỉ viết ra danh sách những điều mình mong muốn trong dịp Giáng sinh để gửi tới ông già Noel. Những bức thư tay mang theo mơ ước đó sẽ được đề tên người nhận là Santa Claus, St. Nicholas hoặc Christ Child và có thể gửi từ rất nhiều bưu cục trên toàn quốc.

Bưu cục ở Đức có làm riêng thùng thư để các em nhỏ gửi thư cho ông già Noel nhưng các em cũng có thể gửi vào hòm thư bình thường. Ảnh: ZB

Trước khi có ông già Noel [ông Santa Claus] tham gia vào việc mang quà, người mang quà theo truyền thống cho trẻ em tại nhiều vùng của nước Đức được biết đến với tên gọi Chúa Hài đồng [Christkind hay Christ Child]. Khi ngày Giáng sinh chỉ còn chưa đến một tháng nữa là đến, công việc của những người mang quà đang vào giai đoạn cao điểm nhất.

Những bưu cục riêng cho Giáng sinh

Vì những người mang quà đó không thể xử lý hết các thư do trẻ em gửi, nên đến nay đã hình thành tổng cộng 7 bưu điện Giáng sinh chính thức tại Đức. Các bưu điện này đặt ở nhiều thị trấn và có những cái tên đặc biệt như: Himmelsthür [Cửa Thiên đàng], Engelskirchen [Nhà thờ của thiên thần] hay St. Nikolaus [Thánh Nikolaus].

Cùng với Thánh Nicholas và ông già Noel, nhiều tình nguyện viên cũng đang tham gia hỗ trợ Chúa Hài đồng trả lời thư các em. Vì danh sách các mong ước được gửi về từ khắp nơi trên thế giới nên thư trả lời cũng phải ngoài tiếng Đức còn được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Czech, Trung Quốc, Estonia, Hà Lan, Nhật Bản, Ba Lan, và Ukraine. Cũng có cả thư trả lời bằng chữ nổi Braille [dành cho người mù và người khiếm thị].

“Ông Santa Claus yêu quý, xin hãy mang tới cho chúng cháu những món quà thật đẹp. Cháu sẽ để bánh quy cho ông bên dưới cây thông Noel”, em Amelie 7 tuổi viết. Lá thư còn rất nhiều lỗi chính tả nhưng cô bé đã dụng công trang trí nó bằng những màu sắc tươi sáng và còn gắn các ngôi sao lấp lánh trên thư. Trong thư, các em sẽ liệt kê danh sách những món quà mong nhận được, từ kỳ lân cho tới những chiếc xe đạp leo núi hay máy chơi game PlayStation. Một số em còn xin những điểm tốt ở trường.

“Ông Santa yêu quý, ông thế nào rồi ạ? Ông có khỏe không? Con tuần lộc của ông thế nào? Ông đã tặng cháu một món quà mong ước năm ngoái và cháu muốn cảm ơn ông vì điều đó. Còn năm nay thì cháu muốn…”, có em đã dành những lời mở đầu lá thư để hỏi thăm sức khỏe của ông già Noel như vậy. Một số em nêu mong muốn rất cụ thể, nói rõ cả địa chỉ cửa hàng đang có bán món quà mình muốn. Có những lá thư khiến những người nhận vô cùng xúc động như: “Ông Santa yêu quý, ông có thể chấm dứt chiến tranh và làm sao để mọi người ai cũng có đủ đồ ăn không?” Rõ ràng không phải lá thư nào các em gửi ông già Noel cũng là để xin quà.

Lại cũng có những em chia sẻ nỗi hồ nghi về sự tồn tại thực sự của ông già Noel: “Ông già Noel yêu quý, ông có thực sự tồn tại không? Cháu từng nghe nói ông là một phát minh của hãng Coca-Cola. Và nếu ông thực sự tồn tại, ông có phải là một người bạn thân của Chúa Hài đồng [Christ Child] không?”

Phong tục từ thế kỷ 19

Với trẻ em ở Đức, truyền thống viết thư trong những ngày chuẩn bị cho những ngày lễ quan trọng cuối năm bắt đầu có từ đầu thế kỷ 19 và được gọi là thư Giáng sinh. Tuy nhiên hồi ấy trẻ em không nắn nót viết và trang trí các bức thư này để gửi cho ông già Noel hay cho đức Chúa Hài đồng, mà gửi cho cha mẹ mình. Các em cũng không viết thư xin quà, mà viết để cảm ơn cha mẹ, hứa sẽ nghe lời, ngoan ngoãn, cư xử tốt, và cầu xin Chúa ban phước lành.

Chẳng hạn, bức thư viết vào năm 1847 của một em nhỏ viết: “Cha mẹ yêu quý! Không có ngày nào trôi qua mà con không nhận thức sâu sắc về tất cả những gì con còn nợ cha mẹ, cha mẹ yêu thương”. Tuy nhiên khi ngành công nghiệp đồ chơi phát triển, các nhà sản xuất đã nghĩ ra ý tưởng tặng các mẫu giấy ghi ra món quà mong ước để trẻ em có thể nhắn cho cha mẹ mình.

Vào năm 1950, một cửa hàng tạp hóa nổi tiếng ở Đức đã chọn cách ghi địa chỉ người nhận của tất cả các mẫu ghi yêu cầu đó là Chúa Hài đồng [Christ Child] hoặc ông già Noel [Santa Claus]. Sau đó khoảng một thập kỷ, những bưu cục Giáng sinh bắt đầu xuất hiện và bưu cục lâu năm nhất là Himmelpforten ở Lower Saxony [không nên nhầm với bưu cục Giáng sinh ở vùng Himmelpfort của Brandenburg].

Vào năm 1962, bé gái Bärbel gửi thư cho ông già Noel để xin một con búp bê mới và một cậu em trai đáng yêu. Cô bé đề địa chỉ người nhận trên bức thư viết tay đó là “Ông Santa Claus ở trên trời”. Và rồi cô bé nhận được thư trả lời. Người quản lý bưu cục địa phương là ông Helmut Stolberg khi đó đã trang trí bức thư trả lời của ông Santa bằng những tấm sticker và bảo đó là thư gửi bằng máy bay. Từ đó trở đi trẻ em ở Đức biết rằng ông già Noel là có thật, và ông đã luôn viết thư hồi đáp.

Gần 634.000 bức thư gửi cho ông già Noel trong năm ngoái

Trong năm 2022 đã có khoảng 633.900 bức thư gửi đến cho ông già Noel, Chúa Hài đồng và Thánh Nicholas. Số thư gửi trong năm nay dự kiến cũng sẽ ở mức tương tự. Chỉ riêng Bưu cục Giáng sinh lớn nhất ở Đức nằm tại thị trấn nhỏ Himmelpfort thuộc bang miền đông Brandenburg trong năm ngoái đã nhận được khoảng 300.000 bức thư. Hầu hết thư được gửi từ các nơi ở Đức, nhưng cũng có những thư đến từ các nơi xa xôi như New Zealand.

Chủ Đề