Vị Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh là ai

     Cùng thời gian, Bộ tư lệnh Quân đoàn sử dụng Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312 có 10 xe tăng yểm trợ và 2 đại đội bộ đội địa phương phối hợp, tiến công căn cứ Phú Lợi. Sau đó tiếp tục đánh chiếm thị xã và tiểu khu Bình Dương, bảo đảm hành lang cho lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn tiến vào thành phố.

     Được Sư đoàn 312 tạo bàn đạp thuận lợi dọc Quốc lộ số 13, đội hình thọc sâu Sư đoàn 320B đập tan hệ thống phòng ngự chi khu quân sự Lái Thiêu, mở toang “cánh cửa cứng” cuối cùng trên hướng Bắc tiến vào nội đô Sài Gòn. Rạng sáng ngày 30-4, Trung đoàn 27 [Sư đoàn 320B] được tăng cường đại đội 3 xe tăng thuộc Lữ đoàn 202 phát triển tiến công cầu Bình Phước và bộ tư lệnh các binh chủng địch theo kế hoạch. Nhưng khi đến giáp cầu Vĩnh Bình, Trung đoàn 27 bị lực lượng địch phòng thủ ở đây chặn đánh quyết liệt. Cuộc chiến đấu giành giật cầu Vĩnh Bình diễn ra vô cùng ác liệt. Đến 8 giờ 30 phút, Trung đoàn 27 làm chủ cầu Vĩnh Bình, sau đó được nhân dân địa phương dẫn đường, đánh chiếm cầu Bình Phước và bộ tư lệnh các binh chủng ở Gò Vấp.

     Mũi thọc sâu chủ yếu vào nội đô do Trung đoàn 48 [Sư đoàn 320B] đảm nhiệm đột phá tuyến phòng ngự địch chốt giữ cầu Bình Triệu, thọc sâu theo đường Bạch Đằng, Chi Lăng đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

     Tại bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, trong khi Sư đoàn 10 [Quân đoàn 3] đánh chiếm cổng số 1 và cắm cờ trên nóc sở chỉ huy đại bản doanh thì Trung đoàn 48 cũng đánh chiếm được cổng số 2, khu điện toán, khu trung tâm truyền tin và cắm cờ chiến thắng lên nóc nhà trung tâm hành quân.

     Ở hướng Tây Nam, đêm ngày 29-4, lực lượng đột kích chủ yếu của Đoàn 232 do Sư đoàn 9 đảm nhiệm tiến vào nội thành Sài Gòn theo ba trục chính. 10 giờ 30 phút, ngày 30-4, sau khi tiêu diệt các trung đoàn đối phương cản đường, lực lượng thọc sâu Sư đoàn 9 [chủ yếu là Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2] đã vây chặt biệt khu Thủ đô. Không còn đường thoát, tướng Lâm Văn Phát, tư lệnh biệt khu thủ đô đã dẫn thuộc cấp ra đầu hàng và kêu gọi sĩ quan, binh lính thuộc quyền hạ vũ khí.

     Trên hướng tiến công quan trọng Đông - Đông Nam, trưa ngày 29-4, nhận được chỉ thị của Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã mật lệnh cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 “tiến công vào nội đô Sài Gòn” từ 16 giờ ngày 29-4-1975 [sớm hơn 12 giờ so với các hướng khác]. Chấp hành mệnh lệnh, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức thực hiện ngay.

     14 giờ ngày 29-4, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu còn lại ở khu vực Nhơn Trạch, bến phà Cát Lái [phía bắc] và thành Tuy Hạ. Rạng sáng ngày 30-4, được pháo binh [chủ yếu là pháo 85mm bắn ngắm trực tiếp] và xe tăng yểm trợ, Sư đoàn vượt sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, sau đó phát triển vào nội thành đánh chiếm bộ tư lệnh hải quân địch, phát động và hỗ trợ cho nhân dân Quận 9 nổi dậy giành quyền làm chủ.

     Mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 do Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn trực tiếp chỉ huy. Số đầu xe hỗn hợp của lực lượng thọc sâu lên tới 400 chiếc [trong đó có khoảng 1/3 xe pháo, đạn quân đoàn thu hồi được trong các trận chiến đấu hoặc trên dọc đường tháo chạy địch bỏ lại]. 5 giờ sáng ngày 30-4, đội hình thọc sâu hành tiến trên quãng đường xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn dài gần 4km cùng các cánh quân trên bốn hướng chiến dịch đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn.

     Dọc đường hành tiến, đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 quét sạch các đồn, bốt, tuyến phòng ngự chốt chặn của đối phương.

     Cũng trong buổi sáng 30-4, tại khu vực thành phố Biên Hòa, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 cho Sư đoàn 6 [được tăng cường Trung đoàn 3 - Sư đoàn 341], tiến công đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 địch. Cùng lúc, Sư đoàn 341 đánh chiếm khu vực Hốc Bà Thức và phát triển vào Thủ Đức. 10 giờ, Trung đoàn 209 đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 18, khu biệt động quân. Khoảng hơn 11 giờ, Trung đoàn 3 vượt cầu Ghềnh, tiến vào thành phố. Sư đoàn 7 [được tăng cường Trung đoàn 52, Quân khu 5] và các đơn vị binh chủng phối hợp đánh thọc sâu, tổ chức đánh địch ở ngã ba Tam Hiệp. Sau khi tiêu diệt địch ở Tam Hiệp, tổ chức vượt cầu Ghềnh, cầu yếu, xe tăng, thiết giáp không thể qua được, nên đội hình thọc sâu phải chuyển hướng sang cầu xa lộ Đồng Nai theo hướng Quân đoàn 2 tiến vào thành phố.

     Đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 sau khi đè bẹp một số mục tiêu quan trọng ở quận Thủ Đức, đã tiến sát cầu Sài Gòn. Tại đây ta gặp sự phản kích dữ dội của địch. Nhưng trước sự phối hợp hỏa lực hiệu quả và các mũi tiến công của quân ta, địch phải bỏ vũ khí tháo chạy.

     9 giờ, lực lượng đi đầu binh đoàn đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiếp tục vượt cầu Sài Gòn, tiến về phía Dinh Độc Lập. Tại phía nam cầu, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ thị cho Lữ đoàn xe tăng 203 điều chỉnh Tiểu đoàn 2 thiết giáp dàn đội hình, giữ cự ly, bám Tiểu đoàn 1 xe tăng đi đầu; chỉ thị cho Ban chỉ huy tiền phương Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ phụ trách chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 bám sát đội hình xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 8 tiến vào đánh chiếm Đài phát thanh.

     Vượt qua sự chống trả quyết liệt ở cầu Thị Nghè, lực lượng thọc sâu cơ động dọc theo tường rào Thảo Cầm Viên. Tiểu đoàn 1 xe tăng do Đại đội 4 dẫn đầu, tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng phụ bên trái [từ ngoài vào]. Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập...

Xe tăng của Lữ đoàn tăng - Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập và Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975.

Chân dung đồng chí Lê Trọng Tấn

[Thanhuytphcm.vn]- Đồng chí Lê Trọng Tấn sinh ngày 1 tháng 10 năm 1914 tại làng Nghĩa Lộ, thôn An Định, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà Nho giàu truyền thống yêu nước. Thuở thiếu thời, Lê Trọng Tấn học ở quê nhà, sau ra Hà Nội học tú tài ở Trường Bưởi. Vừa học giỏi, ông lại ham mê bóng đá, võ nghệ, từng là tiền vệ có tiếng của đội bóng Tia chớp [Eclain]. Vì là cầu thủ giỏi, ông được tuyển vào đội bóng đá của không quân Pháp, nhập ngũ vào lính khố đỏ đồn trú tại Sân bay Tông - Sơn Tây, cho nên mọi người quen gọi ông là Đội Tố.

Năm 1944, do được giác ngộ cách mạng, ông đã bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh, làm công tác địch vận tại Hoàng Mai - Hà Nội rồi trở thành Ủy viên quân sự của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông tháng 8 năm 1945. Tháng 12 năm 1945, ông được kết nạp vào Đảng.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông nhập ngũ và được điều động phụ trách một chi đội trong đoàn quân Tây Tiến oai hùng xây dựng cơ sở cách mạng, lực lượng vũ trang ở vùng Tây Bắc xa xôi. Chi đội do ông phụ trách phát triển thành Trung đoàn 148 [Trung đoàn Sơn La] do ông làm Trung đoàn trưởng. Sau đó ông được cử làm Quyền Khu trưởng Khu 9, Khu phó Liên khu 10, chỉ đạo xây dựng đội xung phong Lào - Bắc - một đơn vị liên quân đầu tiên giúp đỡ cách mạng Lào. Cuối năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh thành lập hai trung đoàn chủ lực đầu tiên trực thuộc Bộ là Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209. Trung đoàn 209 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng, Trần Độ làm Chính ủy. Đây là hai trung đoàn chủ lực có công lớn trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, tiến công làm chủ căn cứ Đông Khê và tiêu diệt hai binh đoàn cơ động của quân Pháp là binh đoàn Lơ Pagiơ và binh đoàn Sáctông.

Đồng chí Lê Trọng Tấn [thứ hai, từ trái sang] và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc [Nguồn: Báo Quân đội nhân dân]

Ngày 27 tháng 12 năm 1950, Đại đoàn 312 [sư đoàn] được thành lập, ông được Bộ Tổng Tư lệnh bổ nhiệm là Đại đoàn trưởng khi mới 36 tuổi. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy tham gia hầu hết các chiến dịch của quân đội ta: Chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951, Chiến dịch Lý Thường Kiệt hè 1951, Chiến dịch Hòa Bình cuối năm 1951, đầu năm 1952, Chiến dịch Tây Bắc Thu Đông 1952. Tháng 12 năm 1952, ông được giao nhiệm vụ đưa Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 vượt qua Mai Sơn sang Mường Hét giúp bạn Lào mở rộng căn cứ Mường Khộp theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào.

Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy đã lập chiến công cực kỳ xuất sắc và được nhận cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 13 tháng 3 năm 1954, Đại đoàn 312 đánh trận mở màn vào căn cứ Him Lam, tiêu diệt và làm chủ cụm cứ điểm đầu tiên của địch và đến chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đại đoàn do ông chỉ huy đã bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, với kinh nghiệm của người chỉ huy dày dạn trận mạc, tháng 12 năm 1954 đến tháng 3 năm 1961, ông được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân trú đóng ở Sơn Tây để đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy thích ứng với đối tượng tác chiến mới. Năm 1958, ông được thụ phong quân hàm Đại tá.

Đại tướng Lê Trọng Tấn [ngoài cùng bên phải] tại Sở chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972 [Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia]

Từ tháng 3 năm 1961, ông được điều động về cơ quan Tổng hành dinh và được đề bạt làm Tổng Tham mưu phó Quân đội Nhân dân Việt Nam phụ trách tác chiến, góp phần lãnh đạo, chỉ huy bộ đội từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Cùng năm này ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Năm 1964, trước yêu cầu mới của chiến trường miền Nam, ông cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhiều tướng lĩnh, sĩ quan tài giỏi được điều động bí mật vào chiến trường trên cương vị Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam - Ủy viên Quân ủy Miền. Trong thời gian công tác ở chiến trường Nam Bộ, ông được biết đến với cái tên Ba Long - một vị chỉ huy tài năng trong đánh hiệp đồng binh chủng với các chiến dịch lớn. Vừa vào chiến trường ông đã tham gia lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Bình Giã [1964] rồi được chỉ định làm Tư lệnh chiến dịch Đồng Xoài giữa năm 1965. Thắng lợi của hai chiến dịch quan trọng này cùng với chiến dịch Ba Gia của Quân khu 5 đã đánh gãy xương sống của quân đội Sài Gòn, làm cho “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản, chính quyền Sài Gòn trước nguy cơ sụp đổ, buộc đế quốc Mỹ phải trực tiếp đưa quân chiến đấu Mỹ và quân các nước phụ thuộc vào chiến trường miền Nam tiến hành cuộc “Chiến tranh cục bộ”.

Khi quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam từ giữa năm 1965, chúng lập tức mở cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966. Trên cương vị là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, ông được cử trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng, từ ngày 12 đến ngày 27 tháng 11 năm 1965, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 - anh cả đỏ của quân chiến đấu Mỹ. Mùa khô 1966 -1967, quân Mỹ lại mở cuộc phản công chiến lược, đỉnh cao là cuộc hành quân Junction City, đánh thẳng vào căn cứ Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng nhằm tiêu diệt cơ quan lãnh đạo cuộc kháng chiến. Trên cương vị là Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn đã trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu, đánh thắng cuộc hành quân đầy tham vọng và lớn nhất trên chiến trường miền Nam của quân Mỹ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, về mặt quân sự, ông cùng đồng chí Hoàng Văn Thái - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền đã tổ chức chỉ huy các lực lượng vũ trang đánh thẳng vào các đô thị, đặc biệt là sào huyệt của địch ở Sài Gòn trên chiến trường Nam Bộ, làm rung chuyển nước Mỹ và Mỹ hiểu ra rằng không thể thắng được dân tộc chúng ta trong cuộc chiến tranh này, buộc phải xuống thang chiến tranh.

Năm 1969, từ chiến trường Nam Bộ, đồng chí được điều động trở lại Tổng hành dinh ở Hà Nội, tiếp tục giữ cương vị Tổng Tham mưu phó Quân đội Nhân dân Việt Nam, sát cánh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Văn Tiến Dũng hoạch định chiến lược bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

Bộ Tem về Đại tướng Lê Trọng Tấn được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia]

Năm 1971, với sự yểm trợ của cố vấn quân sự và hỏa lực của quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra đường 9 - Nam Lào hòng chiếm Sêpôn, cắt đứt đường chi viện chiến lược Trường Sơn, chia cắt ba nước Đông Dương. Đồng chí Lê Trọng Tấn lại được tin tưởng giao trọng trách Tư lệnh chiến dịch quân sự quan trọng này và giành thắng lợi vang dội, đánh tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, bảo vệ vững chắc các kho hàng, giữ vững đường vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam, chủ động kết thúc chiến dịch một cách nhanh chóng.

Sau thắng lợi của chiến dịch đường 9 - Nam Lào, năm 1972, quân Giải phóng miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên nhiều chiến trường. Ông lại được cử làm Tư lệnh chiến dịch Bắc Quảng Trị - một trong ba chiến dịch chủ yếu mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Đây là chiến dịch hiệp đồng binh chủng lớn nhất của quân đội ta cho đến lúc này. Sau 34 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, rồi tổ chức phòng ngự, săn lùng tiêu diệt xe tăng Mỹ với cách đánh luồn sâu “nở hoa trong lòng địch”. Đây là biệt tài của ông.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 28 tháng 1 năm 1973, quân Việt Nam Cộng hòa lập tức tái chiếm Cửa Việt - là vùng giải phóng của ta. Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn lại được cử vào Quảng Trị chỉ huy bộ đội lập tức khôi phục lại vùng giải phóng Cửa Việt, đẩy quân Việt Nam Cộng hòa về tuyến cũ.

Từ giữa năm 1973, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập Tổ trung tâm của cơ quan Tổng hành dinh để xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm và giao cho Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Trải qua tám lần dự thảo, được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cho ý kiến nhiều lần, đến ngày 8 tháng 1 năm 1975, kế hoạch được bổ sung hoàn chỉnh và chính thức được Bộ Chính trị thông qua.

Ngày 24 tháng 10 năm 1973, tại Tam Điệp - Ninh Bình, Quân đoàn I, quân đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta được thành lập, ông lại được tin cậy giao trọng trách kiêm nhiệm Tư lệnh Quân đoàn để xây dựng quả đấm chủ lực mạnh chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng miền Nam.

Sau khi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên giành thắng lợi, Bộ thống soái tối cao quyết định mở hai chiến dịch liên tiếp nhằm giải phóng Huế và Đà Nẵng, ông lại được tin cậy cử làm Tư lệnh hai chiến dịch then chốt này. Đặc biệt ở chiến dịch Đà Nẵng, địch tập trung về đây hơn 100 ngàn quân, là một căn cứ liên hợp quân sự mạnh, nhưng chấp hành mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ông đã chỉ huy bộ đội đánh chiếm Đà Nẵng đúng ba ngày ba đêm, giải phóng thành phố lớn thứ hai của miền Nam.

Khi Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung được giải phóng, ông là người chủ động đề xuất với Thường trực Quân ủy Trung ương cho thành lập cánh quân phía Đông gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn. Ông là Tư lệnh cánh quân này. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông được bổ nhiệm Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp làm Tư lệnh binh đoàn phía Đông. Mặc dù cánh quân phía Đông phải tiến công đường dài xa nhất nhưng binh đoàn thọc sâu của cánh quân phía Đông do ông làm Tư lệnh đã đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các Dương Văn Minh, cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh báo hiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bè lũ tay sai của dân tộc ta toàn thắng.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông trở lại cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao - nay là Học viện Quốc phòng, đặt nền móng cho việc đào tạo đội ngũ sĩ quan cấp chiến dịch và chiến lược của quân đội ta.

Tháng 5 năm 1978, ông được cử làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị mới, ông đã chủ trì xây dựng nhiều đề án giúp Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng như tổ chức, trang bị cho quân đội sau chiến tranh.

Tháng 12 năm 1978, ông được giao trọng trách trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và đưa quân giúp bạn giải phóng Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.

Tháng 2 năm 1979, ông lại được điều về Tổng hành dinh cùng Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Với cương vị Tổng Tham mưu trưởng, ông đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu hiệp đồng, chỉ huy quân và dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, điều chuyển lực lượng từ Campuchia về tăng cường cho phía Bắc để chuẩn bị đánh phản công lớn.

Trong cuộc đời cầm quân quang vinh của mình, ông luôn luôn có mặt ở những chiến trường trọng điểm, trở thành vị tướng đánh hiệp đồng binh chủng giỏi nhất Việt Nam, vị tướng trận hàng đầu, một Giucốp của Việt Nam.

Ngày 5 tháng 12 năm 1986, đồng chí qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa IV và khóa V [1976 – 1986], là đại biểu Quốc hội khóa VII [1981 - 1987]. Ông được thụ phong quân hàm Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1980 và Đại tướng năm 1984.

Ghi nhận những đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước tặng thưởng ông Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Tại Hà Nội có tới ba con đường mang tên ông. Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Bạc Liêu, An Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Đắk Lắk… đều có những con đường mang tên Đại tướng Lê Trọng Tấn.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

[Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM]

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề