Vì sao mỹ ném bom nhật bản

Mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến và dằn mặt Liên Xô là 2 trong số những lý do khiến Mỹ quyết định tấn công hạt nhân Nhật Bản năm 1945.

Đám mây hình nấm bốc cao sau khi quả bom hạt nhân Little Boy được kích nổ trên thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Daily News

Ngày 6/8/1945, Nhà Trắng phát thông báo do Tổng thống Harry Truman viết về việc vũ khí nguyên tử đã nổ ở Hiroshima, Nhật Bản. Quả bom mang biệt danh Little Boy với sức công phá tương đương 20.000 tấn TNT phá hủy hầu hết thành phố và giết khoảng 130.000 người.

Đến ngày 9/8/1945, quả bom thứ 2, mang biệt danh Fat Man, rơi xuống thành phố Nagasaki, tàn phá mọi thứ và giết từ 60.000 đến 70.000 người. Cả thế giới gần như chấn động trước sức mạnh khủng khiếp của vũ khí hạt nhân. Nhiều năm sau vụ nổ, số người chết vì nhiễm xạ liên tục tăng. Theo thống kê từ nhiều nguồn tin khác nhau, tổng số người chết do 2 quả bom hạt nhân lên đến khoảng 246.000.

70 năm trôi qua kể từ vụ tấn công hạt nhân vào một quốc gia duy nhất trong lịch sử loài người, quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Tổng thống Harry Truman vẫn là đề tài tranh luận giữa các chính trị gia và nhà sử học.

Những lý do

Thành phố Hiroshima tan hoang dưới sức công phá khủng khiếp của bom hạt nhân. Ảnh: Daily News

Nhà sử học J. Samuel Walker cho rằng, Tổng thống Truman phải đứng trước những lựa chọn khó khăn nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. Nhà sử học đã đưa ra 5 lý do cho quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử của vị tổng thống thứ 33 của nước Mỹ.

Nhanh chóng kết thúc cuộc chiến: Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Truman cũng như giới quân sự Mỹ là nhanh chóng khuất phục Đế quốc Nhật, chấm dứt cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. Trong khi đó, báo cáo của tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh lực lượng Đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương dự báo, thương vong trong cuộc tấn công thông thường vào Nhật Bản có thể vượt qua con số 1 triệu binh lính.

Bên cạnh đó, Nhật Bản tuyên bố không đầu hàng và chống trả đến cùng. Ban cố vấn cho tổng thống nhận định, cuộc tấn công vào Tokyo có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với tổn thất lớn về nhân mạng và tài chính.

Sau thành công ngoài mong đợi của giới quân sự Mỹ trong vụ thử nghiệm Trinity thuộc Dự án Manhattan, ban cố vấn khuyên Tổng thống Truman rằng, vũ khí nguyên tử chính là chìa khóa để chấm dứt cuộc chiến.

Dằn mặt Liên Xô: Trong suốt cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã ở mặt trận phía đông, Liên Xô đã chứng minh sức mạnh quân sự của họ bằng cách đánh bại từ 70 đến 80% quân đội Quốc xã. Phe Đồng minh tỏ ra lo lắng trước năng lực của Hồng quân.

Giới chính trị Washington tin rằng, sử dụng bom hạt nhân tấn công Nhật Bản sẽ là “mũi tên trúng 2 đích”, một mặt nhanh chóng kết thúc chiến tranh, đồng thời cho Moscow thấy Mỹ có trong tay vũ khí có thể quyết định mọi cuộc chiến.

Tsar Bomba - vụ thử vũ khí nguyên tử khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại với đương lượng nổ lên đến 50 megaton. Ảnh: Listverse

Trả thù vụ Trân Châu Cảng: Nước Mỹ, đặc biệt là giới quân sự vẫn không thể quên thất bại cay đắng trong cuộc tập kích của Nhật vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941. 8 thiết giáp hạm hỏng nặng, 4 chiếc chìm, tổn thất 188 máy bay, 2.403 thủy thủ thiệt mạng cùng 1.178 trường hợp thương vong. Đây là một trong những tổn thất lớn nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. Thất bại tại Trân Châu Cảng đã dẫn đến quyết định tham gia Chiến tranh Thế giới thứ 2 của Washington.

Khi một vị tướng phản đối kế hoạch sử dụng bom hạt nhân, Tổng thống Truman đã nhắc nhở vị tướng về thảm kịch của Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, ông nói: “Khi bạn chống lại một con thú dữ, bạn phải sử dụng cách thức của chính nó”.

Vũ khí sản xuất ra để sử dụng: Mục đích cuối cùng của việc chế tạo vũ khí là để sử dụng trong chiến tranh, nếu không sử dụng sẽ không bao giờ kiểm nghiệm được giá trị của nó. Bom hạt nhân cũng không phải ngoại lệ. Trước khi Mỹ tấn công hạt nhân Nhật Bản, các chiến dịch ném bom thông thường bắt đầu từ năm 1944 đã cướp khoảng 315.922 sinh mạng. Tổng số người chết vì bom đạn thông thường còn nhiều hơn so với việc sử dụng bom hạt nhân cũng là một lý do biện minh cho quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Biện minh cho chi phí của Dự án Manhattan: Trước khi quân đội ném bom hạt nhân Nhật Bản, công chúng Mỹ hầu như không biết về Dự án Manhattan. Tổng chi phí nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm trong chương trình khoảng 1,9 tỷ USD [năm 1945], khoản ngân sách này cần được Quốc hội phê duyệt.

Nếu quân đội Mỹ không thể chứng minh tính hiệu quả của dự án thì rất khó để thuyết phục các nhà lập pháp chi tiền cho chương trình. Khuất phục Đế quốc Nhật bằng vũ khí hạt nhân chính là cách tốt nhất để chứng minh hiệu quả của dự án.

Việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt đã nhanh chóng kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhưng sự kiện này đã đẩy nhân loại vào cuộc chay đua khốc liệt để sở hữu công nghệ giết người hàng loạt, đặc biệt cuộc chạy đua giữa 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô trong những năm Chiến tranh Lạnh.

Các nhà khoa học quân sự ước tính, riêng số đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của Nga và Mỹ đủ sức hủy diệt toàn bộ trái đất. Nhân loại luôn đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân chừng nào các quốc gia vẫn xem nó như quân bài mang tầm chiến lược.

Kể từ khi người Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki, Nhật Bản ngày 9/8/1945, một câu hỏi vẫn luôn tồn tại: Liệu quy mô chết chóc và sự hủy diệt đó có thực sự cần để kết thúc Thế chiến thứ II?

Quả bom mang biệt danh "Gã béo" được thả xuống thành phố Nagasaki ngày 9/8/1945, 3 ngày sau khi quả bom hạt nhân đầu tiên thả xuống Hiroshima.

Giới lãnh đạo Mỹ rõ ràng đã nghĩ là có. Chỉ 16 tiếng sau khi chiếc máy bay ném bom B-29 của Mỹ mang biệt danh “Enola Gay” gây chấn động thế giới với việc thả quả bom A đầu tiên có tên “Little Boy” [Cậu bé] xuống thành phố Hiroshima, Nhà Trắng đã phát đi tuyên bố từ Tổng thống Harry S. Truman. Ngoài việc giới thiệu với thế giới về chương trình nghiên cứu nguyên tử tối mật, gọi là Dự án Manhattan, Tổng thống Truman đã nhấn mạnh mối đe dọa mà vũ khí hạt nhân gây ra cho Nhật Bản, đối thủ duy nhất còn lại trong cuộc đại chiến. Nếu người Nhật không chấp nhận các điều khoản đầu hàng vô điều kiện do các nhà lãnh đạo quân Đồng minh soạn thảo trong Tuyên bố Potsdam, ông Truman viết, “họ có thể chờ đợi một cơn mưa hủy diệt từ trên không, như chưa từng thấy trên Trái đất này”.

Ngay khi từ trước khi Tổng thống Truman đưa ra tuyên bố đó, một cuộc tấn công bom nguyên tử thứ hai đã sẵn sàng. Theo một sắc lệnh được soạn thảo vào cuối tháng 7/1945, bởi Trung tướng Leslie Groves thuộc Công binh Lục quân Mỹ, Giám đốc Dự án Manhattan, Tổng thống đã cho phép thả thêm bom xuống các thành phố Kokura [ngày nay là Kitakyushu], Niigata và Nagasaki ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.

Đám mây hình nấm trên bầu trời Nagasaki vào ngày 9/8//1945. 

Nagasaki không phải là mục tiêu ban đầu

Sáng sớm ngày 9/8/1945, chiếc B-29 “Bockscar” cất cánh từ đảo Tinian ở Tây Thái Bình Đương, chở theo quả bom hạt nhân gốc plutoni nặng 454 kg, biệt danh “Gã béo”, hướng về phía Kokura, nơi đặt kho vũ khí lớn của Nhật Bản. Nhận thấy Kokura bị mây che phủ, phi hành đoàn Bockcar quyết định chuyển hướng tới mục tiêu thứ hai, Nagasaki.

“Gã béo” nổ tung vào lúc 11h02 theo giờ địa phương, ở độ cao 500 mét. Quả bom này gây ra số người tử vong bằng khoảng một nửa so với quả bom “Cậu bé”, gốc urani, thả xuống Hiroshima trước đó 3 ngày, dù có sức công phá 21 kiloton, lớn hơn 40%. Mặc dù vậy, sức hủy diệt của quả bom vẫn rất khủng khiếp: gần 40.000 người thiệt mạng lập tức và 1/3 thành phố Nagasaki bị phá hủy.

Đoàn bay của chiếc máy bay ném bom B-29 "Bockscar", với sứ mạng thả quả bom hạt nhân thứ hai xuống Nhật Bản. Ảnh: Wikimedia Commons

“Màn phô trương sức mạnh bom nguyên tử thứ hai khiến Tokyo hoảng loạn, ngay sáng hôm sau đã có những dấu hiệu cho thấy Đế quốc Nhật Bản sẵn sàng đầu hàng”, Tổng thống Mỹ Truman viết trong hồi ký của ông sau này. Ngày 15/8, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo ông Truman và những người khác trong chính quyền Mỹ, việc sử dụng bom nguyên tử nhằm mục đích rút ngắn chiến tranh ở Thái Bình Dương, tránh việc Mỹ phải đưa quân tới Nhật Bản và cứu mạng hàng ngàn lính Mỹ.

Tranh cãi sau thảm họa nguyên tử

Vào đầu năm 1947, khi bị thúc giục đưa ra phản ứng trước những chỉ trích ngày càng tăng xung quanh việc sử dụng bom nguyên tử, Ngoại trưởng Mỹ Henry Stimson viết trên tạp chí Harper’s rằng, tới tháng 7/1945 vẫn không có dấu hiệu “về bất cứ sự giảm sút nào trong ý chí chiến đấu của người Nhật chứ đừng nói đến chấp nhận đầu hàng vô điều kiện”. Trong khi đó, Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường bao vây đường không và đường biển với Nhật Bản, tăng cường đánh bom chiến lược và sẵn sàng đưa quân tới Nhật vào tháng 11 năm đó.

“Chúng tôi tính toán rằng nếu chúng tôi không thực hiện kế hoạch này, các trận chiến quan trọng sẽ không dừng lại cho đến sớm nhất là nửa sau năm 1946”, ông Stimson viết. “Tôi được thông báo rằng những chiến dịch như vậy có thể gây tổn thất trên 1 triệu thương vong, chỉ riêng với lực lượng Mỹ”. 

Theo Baotintuc.vn

Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết, hiện đã có ít nhất 100 người chết và hơn 4.000 người khác bị thương sau các vụ nổ rung chuyển thủ đô Beirut chiều 4/8.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ, chính phủ của ông hiện đã cạn kiệt các ngân quỹ dành để hỗ trợ cho người dân vượt qua cơn khủng hoảng vì dịch Covid-19.

Video liên quan

Chủ Đề