Vai trò của nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết: Từ khi Việt Nam thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm - Ảnh: VGP/HT

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, từ khi Việt Nam thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí. 

Với phương châm thông qua kết quả kiểm toán và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, KTNN đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm đối với việc sai phạm trong quản lý và sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước. 

Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được thực hiện định kỳ nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời về hoạt động điều hành và quản lý ngân sách Nhà nước.

‎‎Tuy nhiên, lãnh đạo KTNN thừa nhận, trên thực tế, vẫn còn trường hợp chưa thực hiện đúng, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. 

Về phía KTNN, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước còn hạn chế. Do phương pháp kiểm toán chủ yếu là hậu kiểm dựa trên hồ sơ nên việc nhận biết, phát hiện dấu hiệu tham nhũng chưa đầy đủ, chưa kịp thời.

‎Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị cần phân tích rõ hơn về vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN cũng như việc thi hành các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng tại KTNN trong thời gian qua.

‎Theo PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam [VAA]: Hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của KTNN chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất quyết tâm chính trị.

Nếu các cấp ủy Đảng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đều có quyết tâm chính trị, sẵn sàng đối mặt và đấu tranh với tệ tham nhũng thì các giai đoạn, các hoạt động tiếp theo sẽ được diễn ra một cách thuận lợi, trôi chảy.

‎Yếu tố thứ hai là pháp lý. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hoạt động sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhưng pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Nếu không có hệ thống các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì không thể có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động phòng ngừa và xử lý tham nhũng.

‎Hệ thống luật pháp về KTNN được ban hành mang tính toàn diện, phù hợp, thực tiễn và khả thi sẽ là điều kiện tiên quyết để phòng, chống tham nhũng có hiệu lực và hiệu quả cao. Các quy định về phòng ngừa tham nhũng được quy định một cách chặt chẽ, có sự phối hợp đồng bộ trên các lĩnh vực khác nhau, tạo điều kiện cho KTNN, các kiểm toán viên tuân thủ pháp luật, giảm khả năng vi phạm pháp luật về phòng ngừa tham nhũng.

‎Yếu tố thứ ba là kinh tế. Các chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế phải tiên lượng được mọi tình huống, các quy định về quy trình, cách thức kiểm toán của một cuộc kiểm toán cần triệt tiêu mọi điều kiện có thể trao cơ hội trục lợi cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Ngoài ra, Nhà nước quan tâm đến lợi ích [cả vật chất lẫn tinh thần] của những người tham gia phòng, chống tham nhũng thì sẽ khuyến khích, động viên họ sẵn sàng cùng với các cơ quan chức năng chỉ ra những bằng chứng, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng.

Hoạt động phòng, chống tham nhũng đòi hỏi KTNN và các kiểm toán viên phải có kiến thức, hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật không chỉ trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán mà cả trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

‎‎Cuối cùng, yếu tố thông tin, truyền thông và dư luận xã hội cũng quan trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng được sử dụng như một kênh thông tin quan trọng, chuyển tải các thông tin, kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động và kết quả hoạt động của KTNN, về các vụ việc gian lận, tham nhũng đã xảy ra, kết quả xử lý. Những thông tin đó phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần ngăn ngừa công chức thực hiện hành vi tham nhũng trong hoạt động công vụ nói chung, hoạt động kiểm toán nói riêng.

Các phương tiện thông tin đại chúng được sử dụng như một kênh thông tin quan trọng, chuyển tải các thông tin, kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động và kết quả hoạt động của KTNN - Ảnh: VGP/HT

‎Mặt khác, các phương tiện thông tin đại chúng là diễn đàn ngôn luận công khai, là nơi các tầng lớp nhân dân có thể đề xuất các sáng kiến, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lên tiếng tố cáo các hành vi tham nhũng...; từ đó, giúp các cơ quan chức năng khám phá, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những cán bộ, công chức phạm tội tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Chia sẻ một số mô hình của các nước về định vị vai trò của KTNN trong chống tham nhũng, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế [KTNN] cho biết, ở Hàn Quốc, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc [BAI] có chức năng thanh tra, đóng vai trò trực tiếp trong chống tham nhũng và có kế hoạch chiến lược riêng cho nhiệm vụ này. BAI áp dụng nhiều biện pháp như Cơ chế người dân đề nghị kiểm toán cho phép người dân có thể đề nghị thực hiện các cuộc kiểm toán riêng đối với các cơ quan công bị nghi ngờ tham nhũng.

Còn tại Ấn Độ, Cơ quan kiểm toán tối cao [SAI] có vai trò ngăn ngừa thông qua củng cố trách nhiệm giải trình, cơ chế quản lý tài chính và kiểm toán nội bộ, sử dụng việc công khai các sai lệch/khác biệt làm biện pháp ngăn ngừa gian lận và tham nhũng. 

Ấn Độ có cơ chế khiếu nại chống tham nhũng rất mạnh và bản thân SAI Ấn Độ cũng chịu sự điều chỉnh của Luật về quyền thông tin Ấn Độ [RTI]. SAI Ấn Độ có một viện đào tạo chuyên ngành là Trung tâm tinh hoa kiểm toán gian lận, kỹ thuật phát hiện gian lận và kiểm toán pháp y. 

Ấn Độ khuyến khích sử dụng cơ chế tố cáo và thực hiện kiểm toán pháp y trong trường hợp nghi ngờ/phát hiện hành vi gian lận. Ngoài ra, SAI Ấn Độ còn có Khung quản lý chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán.

Huy Thắng


    Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đồng thời, Chỉ thị nhấn mạnh: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

    Luật PCTN năm 2018 dành hẳn Chương IV, từ Điều 70 đến Điều 73 quy định về trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN và việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác, khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị, Luật PCTN năm 2018 quy định về công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước [từ Điều 55 đến Điều 58]. Điểm đặc biệt, Luật đã dự liệu việc PCTN ngay trong các cơ quan PCTN nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hoạt động PCTN bằng quy định việc kiểm tra hoạt động PCTN trong cơ quan Thanh tra, kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân [Điều 58]. 

Đồng chí Trần Hải Châu

    Như vậy, quyết tâm ngăn chặn, từng bước kiềm chế và đẩy lùi nạn tham nhũng được Đảng và Nhà  nước gắn với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đã được cụ thể hóa thành các nghị quyết, chỉ thị và luật định. Trong phạm vi bài viết này, chủ thể được chúng tôi đề cập là người đứng đầu, thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý; người có quyền cao nhất đối với hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và chịu trách nhiệm về hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền do mình phụ trách. Người đứng đầu chỉ đạo, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách. Vì vậy, người đứng đầu có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện nhưng sai phạm, nhất là phát hiện tham nhũng, lãng phí.

    Trong công tác đấu tranh PCTN, người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả chống tham nhũng, lãng phí tại địa phương, đơn vị do mình quản lý, tập trung vào 03 nội dung chính sau đây:

    Thứ nhất là, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, như Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI], Trung ương 4 [khóa XII] về xây dựng Đảng; Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chiến lược quốc gia về PCTN; Luật PCTN năm 2018...

    Thứ hai là, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về PCTN; công khai, minh bạch hoạt động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng; minh bạch tài sản, thu nhập; quy định và thực hiện chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng... theo quy định pháp luật về PCTN.

    Thứ ba là, tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí thông qua việc kiểm tra, tự kiểm tra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách, nhằm phát hiện kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTN; từ đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc kiến nghị các biện pháp khắc phục, xử lý, nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Qua thực tiễn thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 [khóa X] về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN” và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN từ năm 2013 đến nay, tại tỉnh Quảng Bình, công tác kiểm tra, tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, lãng phí.

    Với riêng tỉnh Quảng Bình, trong công tác kiểm tra của Đảng, cấp ủy các cấp tiến hành kiểm tra 3.939 tổ chức đảng và 5.416 đảng viên; giám sát 2.558 tổ chức đảng và 5.001 đảng viên. Các tổ chức đảng kiểm tra 163 tổ chức đảng và 102 đảng viên; giám sát 91 tổ chức đảng và 426 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 5.446 tổ chức đảng và 16.739 đảng viên; giám sát 2.369 tổ chức đảng và 6.793 đảng viên. Các chi bộ kiểm tra 5.445 đảng viên; giám sát 5.122 đảng viên[1]. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát chỉ phát hiện 01 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang Cơ quan điều tra [liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới].

    Trong số 44 bị can của 25 vụ việc tham nhũng được các cơ quan chức năng phát hiện, thụ lý và xử lý, kể cả khi bản án đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2013 đến nay, chưa hề có một cá nhân là người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng bị xử lý kỷ luật theo quy định [trừ 03 trường hợp người đứng đầu phạm tội bị xử lý hình sự]. Trong số 25 vụ tham nhũng kể trên, hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra chỉ phát hiện 03 vụ việc, cụ thể: Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường Mầm non xã Ngân Thủy [huyện Lệ Thủy]: Hiệu trưởng và kế toán nhà trường trong quá sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi vi phạm các quy định về quản lý kinh tế và thực hiện giải quyết chế độ cho giáo viên nhà trường, gây thiệt hại 163 triệu đồng. Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trạm khuyến nông thị xã Ba Đồn: Thanh tra thị xã Ba Đồn tiến hành thanh tra đột xuất tại Trạm khuyến nông địa phương này về công tác quản lý thu, chi tài chính, phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý thu, chi tài chính năm 2017. Vụ án xảy ra tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, phát hiện nhiều hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu tham nhũng với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh xét xử 02 bị cáo là kế toán và thủ quỹ về tội “Tham ô tài sản” và 01 bị cáo nguyên Giám đốc về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Có thể khẳng định rằng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra phát hiện tham nhũng tại tỉnh Quảng Bình còn rất hạn chế, mới chỉ là ghi nhận bước đầu. Nguyên nhân cơ bản của hạn chế này là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc về vai trò công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại địa phương, lĩnh vực, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền mình quản lý; chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tự kiểm tra nhằm chủ động phát hiện tham nhũng. Nhiều nơi công tác kiểm tra, tự kiểm tra bị buông lỏng. Mặt khác, thể chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn bất cập, tính khả thi không cao; chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm thủ trưởng ở các cơ quan, địa phương thiếu triển khai thường xuyên, hoặc nếu có thì thiếu thực chất, “dĩ hòa vi quý” chưa chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của thủ trưởng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra để phát hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể. 

    Bên cạnh đó, với quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ”[2], dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ chịu trách nhiệm, đồng thời sợ ảnh hưởng thành tích chung nếu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình đứng đầu. Để khắc phục những hạn chế nêu trên tại tỉnh Quảng Bình, trong thời gian tới chúng tôi đề xuất một số giải pháp: 

    Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, thông qua đó để khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh PCTN, lãng phí. Nội dung tuyên truyền cần chú trọng đến nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại địa phương, lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, chính quyền mình quản lý.

    Hai là, phát huy và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền đối với công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền cần tuân thủ công tác này theo quy định của Luật PCTN với tinh thần kiên quyết, kiên trì, hiệu quả.

    Ba là, thực hiện tốt chế độ nêu gương. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đúng với phương châm: “Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cấp ủy viên phải gương mẫu hơn đảng viên, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”[3].

    Người đứng đầu cần nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu tổ chức đảng, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách theo quy định tại Chỉ thị số 35/CT-TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đối với người đứng đầu cấp ủy các cấp, phải thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đây là kênh thông tin rất quan trọng giúp người đứng đầu cấp ủy kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến tiêu cực, tham nhũng để xem xét, xử lý. 

    Bốn là, tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN theo Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 và Trung ương 7 [khóa XII], nhất là hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

    Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, chính quyền cần tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, tự kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng. Đề nghị Trung ương sớm bổ sung, hoàn thiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, sau đó sai phạm này lại được phát hiện bởi các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán khác. Quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm người đứng đầu buông lỏng công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại cơ quan, đơn vị do mình phụ trách, đặc biệt đối với các trường hợp để xảy ra tham nhũng.

    Để xử lý được người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, cần phải xây dựng tiêu chí cụ thể về đánh giá hiệu quả công tác PCTN. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương sớm xây dựng bộ tiêu chí quan trọng này. khẩn trương hoàn thiện chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Có quy định khuyến khích người đứng đầu phát hiện tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm chống lại tâm lý ngại trách nhiệm, che dấu sai phạm sợ ảnh hưởng đến bản thân, cấp phó của mình và thành tích chung của cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu, quản lý.

    Chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí phải đủ mạnh, không chung chung, trừu tượng, cần định lượng, không định tính để thực sự khả thi. Có như vậy, cùng với các giải pháp đã nêu trên, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền đối với phát hiện tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra mới được nâng lên, góp phần kiểm chế, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

Trần Hải Châu

[Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình]

Video liên quan

Chủ Đề