Công nghệ nhà máy điện rác

Hiện nhà máy Điện rác Sóc Sơn [Hà Nội] đang trong giai đoạn vận hành thử, mỗi ngày sẽ có 1.000 tấn rác tươi được đốt phát điện, bằng 1/7 lượng rác phát sinh mỗi ngày của TP. Hà Nội.

Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn [huyện Sóc Sơn, Hà Nội], được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 17,51 ha do Công ty CP năng lượng môi trường Thiên Ý làm chủ đầu tư.

Được khởi công từ tháng 8/2019, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt ghi cơ học [ghi di động] kiểu Waterleau của Bỉ, đáp ứng nhu cầu về xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của TP. Hà Nội. Dự án được chia làm 3 khu A, B và C. Trong đó, khu A là khu chính với quy trình xử lý khép kín, từ khâu đốt rác đến đấu nối điện vào hệ thống điện Quốc gia. Khu B có chức năng xử lý nước rỉ rác, nước thải....

Ngay cửa vào khu A là các cửa nhỏ của bể chứa rác. Theo đó, tất cả rác được chở đến sẽ đổ vào bể chứa.

Nhà máy có khoảng 3 bể chứa khoảng 29.000 tấn rác, chiều sâu khoảng 21 m. Tất cả cửa bể rác đều được vận hành tự động khi có xe rác vào mà không cần công nhân thường xuyên túc trực vận hành.

Rác từ đây được các cẩu móc gom, thả vào bể lò đốt phía sau.

Nhà máy có tổng cộng 5 lò đốt, xếp thứ tự từ 1 đến 5 theo hướng từ Nam đến Bắc. Khí nóng từ hoạt động đốt rác chạy qua hệ thống xử lý. Khi nhiệt độ hơi 400 độ C và áp suất 4 Mpa [Mpa là Mega Pascal một đơn vị đo áp suất trong hệ đo lường quốc tế] thì đảm bảo tua bin vận hành.

Tua bin vận hành kéo theo máy phát điện hoạt động, từ đó phát ra điện và đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia.

Bên trong phòng điều khiển trung tâm của nhà máy điện rác.

Từ phòng điều khiển trung tâm, có thể quan sát được tất cả các hoạt động của nhà máy. Trong các lò đốt đều được lắp camer, để quan sát lò đang cháy.

Ông Trịnh Nhất Cường, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cho biết, nhà máy đã hoà lưới điện quốc gia từ ngày 24/7. Để phục vụ công tác chạy thử, nghiệm thu, hiện tại nhà máy đang chạy thử các mức tải khác nhau. Do đang trong quá trình chạy thử nghiệm nên dù được hòa lên lưới điện quốc gia nhưng nhà máy điện rác vẫn chưa thể thu được lợi nhuận.

"Theo thoả thuận với EVN về mua bán điện, trong giai đoạn chạy thử, điện sẽ không được thanh toán. Tuy nhiên, hiện tại điện chúng tôi dùng phục vụ các công việc của nhà máy... Việc phát điện thương mại còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề phụ trợ khác như hồ sơ nghiệm thu xây dựng, phòng cháy...", ông Cường nói.

Ước tính, mỗi ngày TP. Hà Nội xả ra 6.500 tấn rác. Hiện tại nhà máy đang trong quá trình vận hành thử với riêng tổ máy số 1, công suất 15MW, mỗi ngày sẽ có 1.000 tấn rác tươi được đốt phát điện, bằng 1/7 lượng rác phát sinh mỗi ngày của TP. Hà Nội. Nhà máy vận hành hết công suất đạt khoảng 5.000 tấn, đáp ứng khoảng 70% lượng rác.

Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn sẽ tổ chức Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn".

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước một chính sách lớn của Chính phủ, đặc biệt là tạo diễn đàn góp ý về chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn và áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Cùng với đó, việc chia sẻ các mô hình kinh tế tuần hoàn đã được các doanh nghiệp áp dụng thành công, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn. Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn….

Ban tổ chức hội thảo tin tưởng ý kiến chia sẻ, đối thoại của nhà đầu tư, doanh nghiệp tại hội thảo sẽ đóng góp hữu ích cho quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định của Chính phủ về khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh tuần hoàn.

Chủ Đề