Tục đốt vàng mã có phải là văn hóa không

Đốt vàng mã là tập tục của người Trung Hoa, đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, ăn sâu vào tâm thức mọi tầng lớp nhân dân, trở thành một phần trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam từ nhiều đời nay; là nghi lễ dựa trên tín ngưỡng thờ cúng, có cơ sở nhận thức biểu lộ mối thâm tình sâu đậm và được thực hiện bởi quan niệm về nhân sinh, vũ trụ, trở thành một tập quán xã hội. Hiện nay tình trạng rải vàng mã khi đưa tang và đốt vàng mã khi cúng giỗ, lễ hội... có chiều hướng phát triển mạnh và được sử dụng một cách thái quá, gây phản cảm trong quần chúng bởi dễ dẫn đến mê tín dị đoan, trở thành hủ tục, vấn nạn trong văn hóa tâm linh và có khả năng hiểm họa về môi sinh, đạo đức xã hội!

Tục đốt vàng mã có phải là văn hóa không

Xuất phát từ thời thượng cổ ở Trung Hoa, tục dùng vàng mã đã có lịch sử hàng ngàn năm, trải qua nhiều thời đại với nhiều hình thức biến đổi khác nhau. Từ ban sơ tục chôn người chết đã không quan, không mộ, đến đời vua Hoàng đế (2679 trước Tây lịch) mới chế ra quan quách để chôn cất cho đến hết đời Đường Ngu; bước sang nhà Hạ (2205 trước Tây Lịch) dùng đất, tre để làm minh khí, quý khí; dưới thời nhà ân (1765 trước Tây lịch) dùng toàn đồ thật; đời nhà Chu (1122 trước Tây lịch) dùng cả đồ vật giả và thật để chôn theo người chết, lại còn đặt ra lệ Tuẫn táng (khi các vua, quan lớn chết đi, từ vợ con đến quần thần, đồ yêu quý đều phải đem chôn sống), về sau chế ra người cỏ Sô linh, đồ gỗ Mộc ngẫu thay cho việc chôn người sống quá ư vô nhân đạo; nhà Hạ thì bỏ lệ tuẫn táng nhưng tạo ra nhà mồ để cho vợ con người chết ra ấp mộ. Đến đời Hán Hoa năm Nguyên Hưng nguyên niên (105) bắt đầu lấy vỏ cây dó chế ra giấy và từ đó mới có hàng đồ mã để cúng rồi đốt, thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ.

Nhìn lại quá khứ, tục lệ đốt, rải vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc, nó không thuộc về văn hóa dân tộc Việt Nam, và lại càng không phù hợp với tinh thần Phật giáo, bởi lẽ, đạo Phật là con đường đi lên của trí tuệ giác ngộ giải thoát, không có bóng dáng mê tín trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Từ bi và Trí tuệ được ví như đôi cánh của con chim. Con chim không thể bay lên trời cao nếu thiếu một trong hai cánh ấy. Cũng vậy, từ bi đúng nghĩa phải có trí tuệ, trí tuệ luôn đặt trên nền tảng từ bi. Quan điểm của đạo Phật luôn bác bỏ những tục lệ mê tín có phương hại đến thuần phong mỹ tục. Chánh kiến của nhà Phật sẽ giúp chúng ta tinh thần tỉnh giác để thấy đâu là hủ tục cần xa rời, đâu là hủ tục được gắn mác văn hóa, đâu là văn hóa thực sự cần phải gìn giữ và phát huy. Đức Phật đã dạy trong kinh Kalama: Đừng vội tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục... Chỉ tin khi nào tự biết rõ: các pháp này là thiện, các pháp này không đáng chê, các pháp này được người trí ca ngợi, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc, an vui... Câu chuyện Đốt áo trong kinh Bách Dụ nhắc nhở mọi người tấn tu đạo đức, vun bồi cội phúc, đúng theo chánh pháp như lý tu hành; không nên tin theo lời nói vô lý, tà thuyết bị mê hoặc, tổn hại.

Hơn hai ngàn năm lịch sử trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, Phật giáo Việt Nam có lúc đi vào giới trí thức để phát triển giáo dục; lúc âm thầm hòa mình vào đời sống mộc mạc ở các làng quê yên ả, giao thoa và tiếp biến các hình thái tín ngưỡng khác; cũng có khi chuyển hóa nội dung các tín ngưỡng khác, khiến cho quần chúng gần gũi với tinh thần đạo Phật hơn!

Phật giáo hướng dẫn con người phương pháp thanh tịnh thân tâm để trang nghiêm quốc độ bằng cách thực hành chánh kiến, tức là nhìn thấy hiểu biết đúng đắn, hợp lý; từ bỏ những sai lầm để gặt hái những lợi ích chân thật; hoàn thiện về đạo đức, tâm linh và tri thức để được tự do, hạnh phúc. Chọn nghề nghiệp hợp pháp, xây dựng cuộc sống chân chính là những tiêu chuẩn hóa nếp sống của Phật tử. Vì thế, nhà chùa có vai trò khuyên răn hàng cư sĩ Phật tử không làm điều không phù hợp chính đạo như rải tiền vàng bạc khi đưa tang và khuyến cáo sự lãng phí, nguy hại việc đốt vàng mã; giáo dục Phật tử thực hành chính pháp để tăng trưởng thiện căn phước đức nhân duyên, phải ý thức mê tín là tà giáo mà tránh xa. Luôn nỗ lực phát huy nếp sống tri ân và báo ân phù hợp đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, để từ đó có những việc làm thiết thực mang ý nghĩa nhân văn như bố thí giúp người nghèo khổ, ăn chay niệm Phật, phóng sinh... rồi hồi hướng công đức ấy cầu nguyện cho vong linh siêu sanh tịnh độ, tránh việc làm mê tín lãng phí vô ích chỉ gây hại cho mình và người mà thôi.

Trong giai đoạn đất nước phát triển và hội nhập trào lưu văn minh nhân loại, chúng ta cần có cái nhìn đúng hơn về tục lệ này. Việc rải, đốt vàng mã hoàn toàn không phù hợp với đời sống xã hội hiện nay. Bên cạnh những giá trị tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, chúng ta cần lưu tâm trước việc đốt vàng mã một cách thái quá đưa đến lãng phí tiền của công sức, trật tự công cộng thiếu ổn định, môi trường bị ô nhiễm, tai họa đe dọa chính con người chúng ta, làm hạn chế phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và nước nhà, băng hoại giá trị truyền thống, văn hóa, đạo đức dân tộc.

Xây dựng văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội - là xây dựng một trong ba lĩnh vực luôn gắn bó mật thiết với nhau, lồng ghép vào nhau - trong kinh tế có chính trị, văn hóa; trong chính trị có yếu tố kinh tế, văn hóa; trong văn hóa có chính trị, kinh tế - là điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện và bền vững đất nước. Chính vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng môi trường sống trong lành - môi trường tâm linh và môi trường cảnh quang! Vì cội nguồn tâm linh đạo đức, vì giá trị lịch sử văn hóa cùng nét duyên di sản của chốn thần kinh văn vật, cố đô Huế cổ kính nên thơ, và của đất nước Việt Nam xinh đẹp, oai hùng, mỗi người tự ý thức gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục ngàn năm văn hiến; tích cực cổ động, tuyên truyền giáo dục, thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

Ý thức đúng đắn về văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc và quyết tâm thực hiện nghiêm túc những quy chế hoạt động văn hóa đi vào cuộc sống một cách tích cực, mạnh mẽ của mọi giai tầng trong xã hội là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm hạn chế tục đốt, rải vàng mã ngày càng lan tràn, gia tăng nguy hại hiện nay.

Phong kiến, lạc hậu trên đất nước ta đã khép lại. Công cuộc xây dựng nếp sống văn minh đô thị hiện nay là quyết tâm của toàn dân. Thành phố Huế đang phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh thích ứng biến đổi khí hậu. Xu thế ấy đòi hỏi tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bằng lương tri và chính kiến vì một thành phố văn hóa, một xã hội văn minh và một dân tộc trí tuệ, mà quyết tâm bài trừ hủ tục, tệ nạn, trong đó việc đốt vàng mã cần mạnh dạn điều chỉnh trong chừng mực hợp lý.

Thượng tọa Thích Huệ Phước
Phó chủ tịch UBMTTQ TP Huế

Facebook Twitter Bản in Email Link Quay lại Theo dõi trên News