Trong ngoại giao phải giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo trong sách lược Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Trong thời gian qua, dư luận trong nước và quốc tế hết sức quan ngại việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 [Haiyang Shiyou - 981] trái phép cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc rất hung hăng phun vòi rồng có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Hành động này là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và cũng là sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông [DOC] mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hơn thế nữa, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam để kích động biểu tình trái pháp luật, phá hoại tài sản, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, “bài” Trung Quốc... Từ đó, xuyên tạc đường lối, chính sách quốc phòng - an ninh của Đảng và Nhà nước ta. 

Vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, trước hết, chúng ta cần thấm nhuần quan điểm có tính nguyên tắc - chủ quyền biển, đảo là chủ quyền quốc gia - là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái “bất biến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thay mặt quốc gia Việt Nam, tuyên bố “nhân dân chúng tôi thành thực mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”[1]; toàn thể nhân dân Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giữ vững chủ quyền quốc gia. Cái “vạn biến” là cách ứng xử của ta phải linh hoạt, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ theo đúng tinh thần: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”[2]. Theo đó, vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cần thấu suốt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Vừa qua, trước hàng loạt các hành động gây hấn của Trung Quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, ngoại giao, kiên trì đấu tranh hòa bình để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 diễn ra tại Nay Pyi Taw [Mi-an-ma], ngày 11-5-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng về vấn đề căng thẳng tại Biển Đông, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”; trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế vào ngày 21-5-2014 tại Ma-ni-la, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Ngày 14-5-2014, trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”. Nhất quán tinh thần đó, ngày 20-5-2014, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”. Lập trường trên thể hiện tư tưởng chỉ đạo và quan điểm nhất quán của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta thực chất là nắm vững mục tiêu chiến lược, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, khôn khéo, mau lẹ và kịp thời để ứng phó thích hợp với từng hoàn cảnh, từng tình thế, từng đối tượng trong từng trường hợp, từng vấn đề và trong không gian, thời gian cụ thể.

Hai là, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo một cách linh hoạt theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế

Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng giải pháp “hòa bình”, bằng sức mạnh tổng hợp: đấu tranh chính trị, ngoại giao, chứng cứ pháp lý, lịch sử và chuẩn bị cả phương án đưa ra tòa án quốc tế khi cần thiết. Chúng ta kiên trì, tránh xung đột nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm, chúng ta sẵn sàng giáng trả bằng quyền tự vệ chính đáng. Đồng thời, xử lý thật tốt mối quan hệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền và duy trì hòa bình ổn định. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cố gắng ở mức cao nhất duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện, giữ hòa hiếu, hòa khí, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và thực hiện các cam kết đã ký với Trung Quốc. Việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải dựa trên Công ước quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông [DOC], tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông [COC]; ngoài ra, với Trung Quốc cần phải căn cứ vào Thỏa thuận 6 điều về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển mà hai nước đã ký kết. Đó là cơ sở pháp lý trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Chúng ta cần tích cực sưu tầm, tổng hợp, phân loại, bảo quản và sử dụng có hiệu quả những tài liệu quý, những “báu vật quốc gia” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, làm cơ sở đấu tranh pháp lý khi cần. 

Ba là, giải quyết vấn đề biển, đảo kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh song phương và đa phương, bình tĩnh, tỉnh táo, khôn khéo.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, một mặt, phải có trọng tâm, trọng điểm. Kiên quyết không chấp nhận các đàm phán song phương, đa phương có tính áp đặt, bất lợi và làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Mặt khác, với việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam vừa qua, cần đấu tranh trực diện với Trung Quốc trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và mọi cấp, mọi ngành với tinh thần kiên quyết, thẳng thắn, dựa trên cơ sở pháp lý khoa học, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng; đồng thời, cũng rất linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong ngoại giao song phương và đa phương nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cần phải: Thứ nhất, thực hiện các kênh ngoại giao với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động… nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử, và sự phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; biết rõ sự thật lịch sử về việc chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã bị xâm phạm. Thứ hai, thể hiện công khai, minh bạch lập trường của Việt Nam tôn trọng Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 [UNCLOS] và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông [DOC]; sự kiên trì của Việt Nam về chủ trương giải quyết hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp chủ quyền biển, đảo; vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cần được quốc tế hóa; cần đưa vụ việc xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam ra các thiết chế luật pháp quốc tế khi cần thiết. Thứ ba, trên quan điểm độc lập, tự chủ, phát triển quan hệ và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của tất cả các nước lớn, trên cơ sở lợi ích chung về an ninh, tự do hàng hải, lợi ích kinh tế theo nguyên tắc “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, tránh những hành động nóng vội; tránh tự ty mà bỏ lỡ thời cơ; tránh ảo tưởng, trông chờ vào bên ngoài; phải tỉnh táo để có những đối sách khôn khéo trước mắt và lâu dài; vận dụng hiệu quả nghệ thuật ngoại giao tâm công của Hồ Chí Minh - thuyết phục người, chinh phục người, tranh thủ người bằng lẽ phải và đạo lý[3].

Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sự kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo trong tấn công ngoại giao, trong nhận biết, tạo dựng và nắm bắt cơ hội để bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc”: “Trong cuộc đấu tranh vì những quyền thiêng liêng của mình, nhân dân Việt Nam có một niềm tin sâu sắc rằng họ cũng chiến đấu cho một sự nghiệp chung: Đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông”[4]./. -----------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 522 


2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 8, tr. 555

3. Bộ Ngoại giao, Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao: Vận dụng tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh thời kỳ hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 184-193

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 523

ThS. Hà Sơn TháiHọc viện Chính trị [Bộ Quốc phòng]


Video liên quan

Chủ Đề