Trắc nghiệm Ngữ văn 8 giữa học kì 2

Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi giữa học kì II môn Ngữ văn, các bạn học sinh lớp 8 đừng quên tham khảo: Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 của VnDoc.com.

Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8

  • 1. Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Văn năm 2022 Đề 1
    • Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Văn
  • 2. Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn năm học 2019-2020 số 2
    • Đáp án đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn năm 2020 số 2
  • 3. Đề thi giữa kì 2 môn Văn lớp 8 số 2 năm 2020
    • Đáp án đề kiểm tra giữa học kì 2 lớp 8 môn Văn số 3
  • 4. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 4
    • Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 4
  • 5. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 5
    • Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 5
  • 6. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 6
    • Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 6
  • 7. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 7
    • Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 7

Bộ đề thi giữa kì 2 lớp 8 này được chọn lọc kỹ càng, giúp các bạn làm quen với các dạng câu hỏi, cấu trúc đề thi. Đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho quý thầy cô và các bạn học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kì thi giữa kì 2 sắp tới.

  • Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn
  • Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn trường THCS Nghĩa Kỳ năm học 2018 - 2019
  • Đề thi học kì 2 lớp 8
  • Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn trường THCS Lý Thường Kiệt năm học 2018 - 2019
  • Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Toán

1. Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Văn năm 2022 Đề 1

I. Đọc hiểu văn bản [4đ]:

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Lòng nhân ái không phải tự sinh ra con người đã có. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi một con người. Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”…

…Lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người. Các hoạt động từ thiện đã và đang diễn ra tại Trường Quốc tế Global đã góp phần giúp các em học sinh xây dựng tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, sẻ chia với mọi người và giúp người khi khó khăn hoạn nạn, phát triển toàn diện tri thức và đạo đức để trở thành những công dân ưu tú, có ích cho xã hội, gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.”

[Trích Dạy trẻ lòng nhân ái ở trường quốc tế Global – theo Dân trí - ngày 14/ 2/ 2015].

Câu 1 [1đ]: Theo tác giả bài viết, “Lòng nhân ái có được” là do những yếu tố nào?

Câu 2 [1đ]: Tại sao tác giả bài viết cho rằng “lòng nhân ái rất cần trong đời sống”?

Câu 3 [2đ]: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em?

II. Làm văn [6đ]:

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: ''Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối … Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu".

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Văn

I. Đọc hiểu văn bản [4đ]:

Câu 1 [1đ]:

Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”.

Câu 2 [1đ]:

Lòng nhân ái rất cần trong đời sống vì đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người.

Câu 3 [2đ]:

Học sinh lựa chọn thông điệp phù hợp với bản thân mình và lí giải lí do vì sao lựa chọn thông điệp đó một cách hợp lí nhất.

II. Làm văn [6đ]:

Dàn ý Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: ''Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối … Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu"

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Thế Lữ, bài thơ Nhớ rừng và dẫn dắt vào khổ thơ thứ ba.

2. Thân bài

a. Hai câu thơ đầu:

Buổi đêm là khoảng thời gian hổ tung hoành chốn sơn lâm “bóng cả cây già”. “đêm vàng” là đêm ánh trăng chiếu rọi xuống lòng suối, ánh sáng phản chiếu khiến mặt suối bừng lên sắc vàng huy hoàng lộng lẫy.

Hình ảnh con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan” như một vị vua đang say men chiến thắng. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “uống ánh trăng tan” khiến ánh trăng thêm phần huy hoàng, ánh trăng giống như dòng ánh sáng tuôn xuống rừng đêm kỳ ảo vậy.

b. Hai câu thơ tiếp theo

Cơn mưa rừng dữ dội tạo nên những âm thanh vang động, ào ạt, hổ lấy tư thế của một vị chúa sơn lâm để bình thản “ngắm giang san ta đổi mới”.

Từ “lặng ngắm” khiến hình ảnh hổ trở thành nốt nhạc trầm tĩnh trong bản hòa ca hùng tráng của cơn mưa rừng.

c. Hai câu thơ tiếp theo

Thời khắc bình minh là lúc vạn vật bắt đầu ngày mới nhưng đó cũng là khi hổ bắt đầu giấc ngủ của mình sau bữa ăn đêm dữ dội. Cái xôn xao, rạo rực của vạn vật khi ngày mới bắt đầu, với hổ, đó lại là bản nhạc du dương đưa nó vào giấc ngủ.

d. Ba câu thơ tiếp theo

Đêm tối lạ lẫm và đầy sợ hãi kia thuộc hoàn toàn về nó. Và dưới mắt hổ, mặt trời – ông hoàng bất tử của vũ trụ cũng chỉ là kẻ bại trận thê thảm với cái chết thảm khốc “lênh láng máu sau rừng”, “để ta chiếm lấy riêng phần bí mật”.

e. Câu thơ cuối

Những điệp từ “nào đâu..”, “đâu…” thể hiện nỗi tiếc nuối khôn nguôi của hổ về quá khứ vinh quang, oai hùng. Đặc biệt, thán từ “than ôi!” cùng lời than “Thời oanh liệt nay còn đâu” còn là nỗi xót xa đau đớn của hổ khi phải đối diện với thực tại tầm thường giả dối nơi vườn bách thú tù túng này.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung.

2. Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn năm học 2019-2020 số 2

I. Trắc nghiệm: [2 điểm]:

Khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất:

Câu 1: Câu văn: “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đô” thuộc kiểu câu;

A. Trần thuật.

B. Câu bị động.

C. Câu phủ định để khẳng định.

D. Câu cảm thán.

Câu 2: Khi cô giáo đang giảng bài, 1 bạn tỏ ra mình đã hiểu, nói xen vào lời giảng của cô. Trong hội thoại, hành vi của bạn đó được gọi là gì?

A. Nói leo.

B. Nói hỗn

C. Chêm lời

D. Cướp lời

Câu 3: Phương tiện dùng để thực hiện hành động nói là gì?

A. Nét mặt.

B. Điệu bộ.

C. Cử chỉ.

D. Ngôn từ.

Câu 4: Trật tự từ của câu nào thể hiện thứ tự trước sau theo thời gian?

A. Ồ! Thế thì bộ áo này may được đấy.

B. Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập.

C. Tôi mở to đôi mắt, khẽ reo lên một tiếng thú vị.

D. Mày dại quá, cứ vào đây, tao chạy cho tiền tàu.

II. Tự luận: [8 điểm]

Câu 5: [2 điểm]

Phát hiện lỗi lô-gic trong các câu sau. Chữa lại các lỗi đó.

a] Trong việc học tập nói chung và lao động nói riêng, bạn Nam đều rất gương mẫu.

b] Tố Hữu là một nhà thơ lớn, ông đã để lại hàng trăm bài văn có giá trị.

c] Nếu không tin bạn thì sao em lại cố tình không nói những bí mật của em.

d] Tuy nhà rất xa trường nhưng hôm nào bạn ấy cũng đi học muộn.

Câu 6: [2 điểm] Chỉ ra phép trật tự từ trong câu thơ sau? Phân tích hiệu quả diễn đạt của trật tự từ đó?

a.

“Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”

[Bà Huyện Thanh Quan, Qua Đèo Ngang]

b. “Tôi thấy trịnh trọng tiến vào một anh Bọ Ngựa”.

[Tô Hoài- Dế Mèn phiêu lưu kí]

Câu 7: [4 điểm]

[Dành cho lớp B, C, D]: Viết đoạn văn [từ 5 đến 7 câu] nói về tác dụng của đi bộ ngao du. Sử dụng câu trần thuật, cảm thán?

[Dành cho lớp A]: Cho đoạn thơ:

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.

[“Quê hương” - Tế Hanh]

Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về câu thơ trên, có sử dụng câu cảm thán, câu trần thuật?

Đáp án đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn năm 2020 số 2

I. Trắc nghiệm: Mỗi câu đúng: 0,5 điểm.

1. C2.A3.D4. B

II. Tự luận:

Câu 5: [2đ]

HS phát hiện được 1 lỗi sai, chữa lại được 0,5đ

a] Trong học tập cũng như trong lao động, bạn Nam đều rất gương mẫu.

b] Tố Hữu là một nhà thơ lớn, ông đã để lại hàng trăm bài thơ có giá trị.

c] Nếu không tin bạn thì sao em lại cố tình nói những bí mật của em.

d] Tuy nhà rất xa trường nhưng hôm nào bạn ấy cũng đi học đúng giờ.

Câu 6: [2điểm]

a.

- Chỉ ra phép đảo trật tự từ trong câu thơ [1đ]

- Phân tích hiệu quả diễn đạt của trật tự từ đó [3đ]

- HS nêu được câu chủ đề và triển khai theo các nội dung sau:

  • Câu thơ tả cảnh ngụ tình, đã khắc hoạ được tâm trạng của nhà thơ thông qua cảnh vật để nói lên nỗi lòng tâm sự của mình.
  • Tô đậm hình ảnh con người nhỏ nhoi, ít ỏi trước thiên nhiên..., có sự xuất hiện của con người và sự sống nhưng dường như càng tăng thêm sự thưa thớt vắng vẻ, gợi nỗi buồn hắt hiu. Tăng thêm cảnh vắng vẻ tiêu điều của Đèo Ngang lúc chiều tà. Khắc hoạ tâm trạng nhớ nước thương nhà của tác giả khi xa quê.

b. Đưa phụ ngữ lên trước để nhấn mạnh sự ngạo nghễ, điệu bộ làm tịch của anh chàng bọ ngựa.

Câu 7: [4 điểm]

l. Yêu cầu về hình thức:

  • Với các lớp B, C, D: Viết được đoạn văn nói về tác dụng của đi bộ ngao du và sử dụng câu trần thuật, cảm thán.
  • Với lớp 8 A. Yêu cầu chung: Học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của đoạn thơ, biết cách trình bày dưới dạng một bài văn cảm thụ ngắn.

II. Yêu cầu về nội dung: HS trình bày được các ý cơ bản sau:

- Giới thiệu xuất xứ đoạn thơ:

  • Tác giả - tác phẩm, vị trí của đoạn thơ. [0.5 đ]

- Cảm nhận về đoạn thơ:

  • Tác giả sử dụng dụng biện pháp so sánh hùng tráng, bất ngờ ví “chiếc thuyền” như “con tuấn mã” và cánh buồm như “mảnh hồn làng” đã tạo nên hình ảnh độc đáo; sự vật như được thổi thêm linh hồn trở nên đẹp đẽ.
  • Phép so sánh đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng, mang ý nghĩa lớn lao thiêng liêng, vừa thơ mộng, vừa hùng tráng.
  • Việc kết hợp linh hoạt và độc đáo các biện pháp so sánh, nhân hóa: Cánh buồm được nhân hóa như một chàng trai lực lưỡng đang “rướn” tấm thân vạm vỡ chống chọi với sóng gió của biển khơi. Cánh buồm là một vật cụ thể, hữu hình được ví với “mảnh hồn làng” là cái trừu tượng, vô hình. Bằng cách so sánh này, tác giả đã làm cho cái vô hình trở thành cái hữu hình đầy sống động. Đó là hình ảnh tượng trưng, là linh hồn của con thuyền, mà lại ở đây là con thuyền đánh cá. Vì vậy cánh buồm đã thành một hình ảnh ẩn dụ, là linh hồn của làng chài, hình ảnh thiêng liêng vừa mang tầm vóc lớn lao mà lại gần gũi.
  • Sử dụng các động từ mạnh đã gợi ra trước mắt người đọc một phong cảnh thiên nhiên tươi sáng, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống của người dân làng chài.

⇒ Đó là tình yêu quê hương trong sáng tha thiết sâu nặng của Tế Hanh. [0.5đ]

  • Sử dụng được câu cảm thán [1đ]

Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh

3. Đề thi giữa kì 2 môn Văn lớp 8 số 2 năm 2020

I. Trắc nghiệm: [2 điểm]

Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời mà em cho đúng nhất trong các câu sau:

Câu 1. [0,25 đ] Phương tiện dùng để thực hiện hành động nói là gì?

A. Nét mặt

C. Điệu bộ

B. Cử chỉ

D. Ngôn từ

Câu 2. [0,25 đ] Trong những câu sau, câu nào không có mục đích hỏi?

A. Mẹ đi chợ chưa ạ?

C. Trời ơi, sao tôi khổ thế này?

B. Ai là tác giả bài thơ này?

D. Bao giờ bạn đi Hà Nội?

Câu 3. [0,5 đ] Câu cầu khiến dưới đây dùng để làm gì?

“Đừng vội vã thế cháu ơi, đến trường lúc nào cũng còn là sớm!”

A. Khuyên bảo.

B. Ra lệnh.

C. Yêu cầu.

D. Đề nghị.

Câu 4. [0,25 đ] Dấu ngoặc kép có tác dụng gì?

A. Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp.

B. Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai.

C. Đánh dấu tên tác phẩm, tạp chí... dẫn trong công văn.

D. Cả ba ý trên.

Câu 5: [0,25 đ] Dòng nào sau đây nêu lên chức năng chính của câu nghi vấn?

A. Dùng để yêu cầu.

C. Dùng để bộc lộ cảm xúc.

B. Dùng để hỏi.

D. Dùng để kể sự việc.

Câu 6. [0,25 đ] Câu “Cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc” là kiểu câu gì?

A. Câu cảm thán.

B. Câu nghi vấn.

C. Câu cầu khiến.

D. Câu phủ định.

Câu 7. [0,5 đ] Nối cột sao cho đúng

Kiểu câu

Chức năng chính

Câu trần thuật

Dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói [viết].

Câu cảm thán

Dùng để phủ định.

Câu cầu khiến

Dùng để kể, nhận định, thông báo, trình bày...

Câu nghi vấn

Dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị...

Dùng để hỏi.

Phần II. TỰ LUẬN: [8 điểm]

Câu 1: [3.0 điểm] Hãy sắp xếp các cụm từ in đậm trong câu: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.” bằng ba cách khác nhau. Cách sắp xếp nào hợp lí? Vì sao?

Câu 2: [5,0 điểm] Viết đoạn hội thoại trong đó có sử dụng các kiểu câu trần thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.

Đáp án đề kiểm tra giữa học kì 2 lớp 8 môn Văn số 3

I/ TRẮC NGHIỆM [2 điểm]

Học sinh trả lời đúng một câu cho 0,25 điểm.

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án

D

C

A

D

B

D

Câu 7:

Kiểu câu

Chức năng chính

Câu trần thuật

Dùng để kể, nhận định, thông báo, trình bày...

Câu cảm thán

Dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói [viết].

Câu cầu khiến

Dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị...

Câu nghi vấn

Dùng để hỏi.

Dùng để phủ định.

Phần II. Tự luận [8 điểm]

Câu 1: [3,0 điểm]

- HS có thể sắp xếp câu như sau: [1 điểm]

  • Tre giữ nước, giữ làng, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.
  • Tre giữ nước, giữ làng, giữ đồng lúa chín, giữ mái nhà tranh.
  • Tre giữ làng, giữ nước, giữ đồng lúa chín, giữ mái nhà tranh.

- Chỉ ra được cách sắp xếp hợp lí, giải thích vì sao [1 điểm]

Cách sắp xếp trật tự từ của câu trong văn bản mang lại hiệu quả diễn đạt cao hơn vì:

  • Diễn đạt trình tự sự việc từ nhỏ bé đến rộng lớn [làng, nước]
  • Diễn đạt trình tự sự việc từ gần đến xa [mái nhà tranh, đồng lúa chín]
  • Hài hoà về ngữ âm, tạo nhịp điệu cho câu văn.

Câu 2: [5 điểm]

Viết đoạn văn ngắn khoảng 5 câu nói về việc học của bản thân [Có sử dụng ít nhất 2 kiểu câu đã học]. Đồng thời xác định kiểu câu của các câu đã viết.

  • Viết được đoạn văn hoàn chỉnh, trong sáng: 3 điểm.
  • Xác định đúng mỗi kiểu câu đã học: 2 điểm.

4. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 4

TRƯỜNG THCS QŨY NHẤTĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II
Môn Văn - lớp 8
Năm học: 2015 - 2016
Thời gian làm bài 90 phút

PHẦN I: Trắc nghiệm khách quan [2,0 điểm]

Hãy chọn phương án đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" thuộc thể thơ nào?

A. Thất ngôn tứ tuyệt B. Ngũ ngôn tứ tuyệt
C. Thất ngôn bát cú D. Song thất lục bát

Câu 2. Thơ của tác giả nào được coi là gạch nối giữa hai nền thơ cổ điển và hiện đại Việt Nam?

A. Trần Tuấn Khải B. Tản Đà
C. Phan Bội Châu D. Phan Châu Trinh

Câu 3. Tác phẩm nào dưới đây không thuộc thể loại nghị luận trung đại?

A. Chiếu dời đô B. Hịch tướng sĩ.
C. Nhớ rừng D. Bình Ngô đại cáo

Câu 4. Đọc hai câu thơ sau và cho biết: Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ- Khắp dân làng tấp nập đón ghe về [Tế Hanh], thuộc hành động nói nào?

A. Hỏi B. Trình bày
C. Điều khiển D. Bộc lộ cảm xúc

Câu 5. Tác phẩm "Hịch tướng sĩ" được viết vào thời kì nào?

A. Thời kì nước ta chống quân Tống
B. Thời kì nước ta chống quân Thanh
C. Thời kì nước ta chống quân Minh
D. Thời kì nước ta chống quân Nguyên

Câu 6. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ "Nhớ rừng" của [Thế Lữ] là gì?

A. Bay bổng, lãng mạn
B. Thống thiết, bi tráng, uất ức
C. Nhỏ nhẹ, trầm lắng
D. Sôi nổi, hào hùng

Câu 7. Yêu cầu về lời văn của bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh là gì?

A. Có tính hình tượng
B. Có nhịp điệu, giàu cảm xúc
C. Có tính hàm xúc
D. Có tính chính xác và biểu cảm

Câu 8. Dòng nào phù hợp với nghĩa của từ "thắng địa" trong câu: "Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa" [Chiếu dời đô]?

A. Đất có phong cảnh đẹp
B. Đất có phong thủy tốt
C. Đất trù phú, giàu có
D. Đất có phong cảnh và địa thế đẹp

PHẦN II: Tự luận [8,0 điểm]

Câu 1 [1,0 điểm]

Em hãy cho biết: Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi đã dựa vào các yếu tố nào?

Câu 2 [2,0 điểm]: Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

"Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!"

[Quê hương – Tế Hanh]

Câu 3 [5,0 điểm]

Vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng.

Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 4

PHẦN I: Trắc nghiệm khách quan [2,0 điểm]

Yêu cầu: Học sinh viết lại chữ cái đầu câu trả lời đúng [trong các câu trả lời sau mỗi câu hỏi]. Mỗi câu đúng được 0,25 điểm, trả lời sai hoặc thừa thì không cho điểm.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

Đáp án

A

B

C

B

D

B

D

D

PHẦN II: Tự luận [8,0 điểm]

Câu 1:

  • Nguyễn Trãi đã dựa vào các yếu tố như: Nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ; phong tục tập quán; lịch sử riêng; chế độ chủ quyền riêng. [0,5 điểm]
  • Với những yếu tố căn băn này, tác giả đã đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh về quôc gia, dân tộc đó là nền văn hiến lâu đời, đó là phong tục tập quán riêng, truyền thống lịch sử anh hùng [0,5 điểm]

Câu 2: Học sinh cảm nhận được:

  • Giới thiệu khái quát nội dung của đoạn thơ: Tế Hanh đã trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình về làng quê miền biển thật cảm động... [0,25 điểm]
  • Nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong ông qua hình ảnh "luôn tưởng nhớ". Quê hương hiện lên cụ thể với một loạt hình ảnh quen thuộc, gần gũi: Màu nước xanh, cá bạc, buồm vôi, con thuyền...và "mùi nồng mặn" đặc trưng của quê hương làng chài... [1,0 điểm]
  • Tác giả sử dụng điệp từ "nhớ", phép liệt kê, kết hợp câu cảm thán góp phần làm nổi bật tình cảm trong sáng tha thiết của người con với quê hương yêu dấu. Đoạn thơ như lời nhắc nhở chúng ta nhớ về cội nguồn, quê hương, đất nước... [0,75 điểm]

Câu 3:

a. Về kỹ năng

  • Biết cách viết bài văn nghị luận văn học. Ưu tiên, khích lệ những bài viết biết cách dùng thao tác so sánh giữa nguyên tác và bản dịch thơ.
  • Văn phong trong sáng, trình bày luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có cảm xúc, không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt,...

b. Về kiến thức: Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đảm bảo những nội dung sau:

* Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn được tác giả, tác phẩm.

  • Điểm 0,5: Làm tốt theo yêu cầu.
  • Điểm 0,25: Có phần mở bài nhưng chưa tốt.
  • Điểm 0: Không làm hoặc sai hoàn toàn.

* Thân bài: [4,0 điểm]

  • Bài thơ lấy thi đề quen thuộc – ngắm trăng song ở đây, nhân vật trữ tình lại ngắm trăng trong hoàn cảnh tù ngục.
  • Hai câu đầu diễn tả sự bối rối của người tù vì cảnh đẹp mà không có rượu và hoa để thưởng trăng được trọn vẹn. Đó là sự bối rối rất nghệ sĩ.
  • Hai câu sau diễn tả cảnh ngắm trăng. Ở đó có sự giao hòa tuyệt diệu giữa con người và thiên nhiên. Trong khoảnh khắc thăng hoa ấy, nhân vật trữ tình không còn là tù nhân mà là một "thi gia" đang say sưa thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên.
  • Bài thơ thể hiện một tâm hồn giàu chất nghệ sĩ, yêu thiên nhiên nhưng xét đến cùng, tâm hồn ấy là kết quả của một bản lĩnh phi thường, một phong thái ung dung tự tại, có thể vượt lên trên cảnh ngộ tù đày để rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Đó cũng là biểu hiện của một tinh thần lạc quan, luôn hướng tới sự sống và ánh sáng.

* Lưu ý: Dành 1,0 điểm khuyến khích bài viết có sự sáng tạo, giới thiệu hấp dẫn, lời văn trong sáng, diễn đạt tốt.

* Cách cho điểm:

  • Điểm 4: Đảm bảo tốt các yêu cầu trên, bài viết có sự sáng tạo, giới thiệu hấp dẫn, diễn đạt tốt.
  • Điểm 2,25 – 3: Cơ bản đáp ứng được theo yêu cầu, diễn đạt khá tốt.
  • Điểm 1 – 3: Bài viết sơ sài, diễn đạt còn yếu.
  • Điểm 0: Không làm hoặc sai hoàn toàn

* Kết bài: khái quát lại vấn đề bàn luận. [0,5 điểm]

* Cách cho điểm:

  • Điểm 0,5: Làm tốt theo yêu cầu.
  • Điểm 0,25: Có phần mở bài nhưng chưa tốt.
  • Điểm 0: Không làm hoặc sai hoàn toàn.

* Lưu ý:

  • Đối với câu 3 phần II:
    • Bài làm của học sinh có thể trình bày suy nghĩ theo những cách khác nhau. Căn cứ vào khung điểm và thực tế bài làm của học sinh, giám khảo cho điểm phù hợp với từng phần, đảm bảo đánh giá đúng trình độ học sinh.
    • Nếu sai từ 8 đến 10 lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu trừ 0,5 điểm. Sai trên 10 lỗi trừ 1,0 điểm.
  • Điểm của toàn bài là điểm của các câu cộng lại, cho điểm lẻ đến 0,25 không làm tròn.

5. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 5

TRƯỜNG THCS TAM HƯNGĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 8
Thời gian làm bài: 90 phút

Câu 1: [3,0 điểm]

Cho đoạn văn sau:

"Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng"

[Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn]

a. Đoạn văn trên gồm mấy câu? Mỗi câu được trình bày theo mục đích nói nào?

b. Viết đoạn văn [6 - 8 câu] trình bày cảm nhận của em về tâm trạng của Trần Quốc Tuấn?

c. Kể tên 2 văn bản nghị luận trung đại khác trong chương trình Ngữ văn 8 cũng nói về lòng yêu nước [Nêu rõ tên văn bản, tác giả]

Câu 2: [2,0 điểm]

Cho 2 câu sau:

"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu..."

a] Chép những câu tiếp theo để hoàn thiện đoạn trích?

b] "Nước Đại Việt ta" được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

c] Văn bản được viết theo thể loại nào? Em hiểu gì về thể văn cổ đó?

Câu 3: [5,0 điểm]

Cho câu thơ sau:

"Ta nghe hè dậy bên lòng"

a] Hãy chép tiếp các câu thơ còn lại để hoàn thành khổ thơ?

b] Khổ thơ vừa chép trích trong tác phẩm nào? Tác giả nào?

c] Đoạn văn có mấy câu cảm thán? Câu cảm thán đó dùng để thực hiện hành động nói là gì?

d] Tiếng chim tu hú ở cuối bài có ý nghĩa gì?

e] Viết đoạn văn khoảng 10 - 12 câu theo hình thức tổng phân hợp nêu cảm nhận về tâm trạng người tù qua khổ thơ vừa chép.

Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 5

Câu 1: [3,0 điểm]

a. Đoạn văn gồm 2 câu [0,25 điểm]

Kiểu câu trần thuật – được dùng với mục đích biểu cảm [0,25 điểm]

b. Viết đoạn văn: Giới thiệu được tác giả - danh tướng kiệt xuất của nhà Trần.

Đoạn văn diễn tả cảm động nỗi lòng của chủ tướng Trần Quốc Tuấn trước sự lâm nguy của đất nước khi chứng kiến tội ác và sự ngang ngược của xứ giặc: Đau xót đến quặn lòng, căm thù giặc sục sôi, quyết tâm không dung tha cho chúng, quyết tâm chiến đấu đến cùng cho dù thịt nát xương tan: "Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng" . [2,0 điểm]

c. HS kể đúng tên văn bản, tác giả:

  • "Chiếu dời đô" của Lí Công Uẩn [0,25 điểm]
  • "Nước Đại Việt ta" [hoặc Bình Ngô đại cáo] của Nguyễn Trãi [0,25 điểm]

Câu 2: [2,0 điểm]

a] Chép đầy đủ hoàn thiện đoạn trích [0,5 điểm]

b] Đoạn trích "Nước Đại Việt ta" được trích trong tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của tác giả Nguyễn Trãi [0,5 điểm]

Bình Ngô đại cáo được sáng tác năm 1428 sau khi quân ta đại thắng, diệt và làm tan rã 15 vạn quân Minh xâm lược

c] VB được viết theo thể văn nghị luận cổ: cáo [là thể văn nghị luận cổ thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết. Cáo phần nhiều được viết bằng văn biền ngẫu [1,0 điểm]

Câu 3: [5,0 điểm]

a] Chép đúng các câu thơ tiếp [0,5 điểm]

Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu!

b] Khổ thơ vừa chép nằm trong tác phẩm Khi con tú hú [sáng tác 7/1939 khi Tố Hữu bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ - Huế] [0,5 điểm]

c] Đoạn thơ vừa chép có hai câu cảm thán: [0,5 điểm]

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!
Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu!

Hành động nói: Bộc lộ cảm xúc

d] Tiếng chim tu hú kết thúc bài thơ là âm thanh của tự do bên ngoài thúc giục đến da diết, khắc khoải......[0,5 điểm]

e] Đoạn văn khoảng 10 – 12 câu [3,0 điểm]

* Hình thức: Trình bày đúng hình thức một đoạn văn, đảm bảo số câu [10 – 12 câu], có đánh số câu [0,5 điểm]

* Nội dung: [2,5 điểm]

  • Mở đoạn: Giới thiệu khái quát bài thơ, tác giả, dẫn dắt đến khổ 2: Tâm trạng bực bội, đâu khổ và niềm khát khao tự do của nhà thơ.
  • Thân đoạn: Nêu được các nội dung sau
    • Tâm trạng của người tù cách mạng: Đau khổ, ngột ngạt dược nhà thơ biểu đạt trực tiếp
    • Bốn câu lục bát ngắt nhịp bất thường 6/2, 3/3, dùng hai câu cảm thán liên tiếp cùng với việc sử dụng các động từ mạnh: Đạp tan phòng, chết uất, các thán từ "Ôi, thôi, làm sao" đoạn thơ trở thành tiếng kêu phẫn uất của người mát tự do.
    • Cùng với tiếng kêu ấy chính là tâm trạng bực bội, ngột ngạt muốn phá tan xiềng xích của người tù cách mạng
    • Niềm khát khao tự do cháy bỏng của người tù muốn thoát ra khỏi từ ngục trở về với cuộc sống tươi đẹp tự do bên ngoài. Cảnh bên ngoài đẹp bao nhiêu rực rỡ bao nhiêu thì người tù càng đau đớn sôi sục bấy nhiêu. Đó là ý chí bất khuất kiên cường của người tù.
    • Tiếng kêu của con chim tu hú là tiếng gọi thiết tha của tự do, của sự sống đầy quyến rũ với người tù CM trẻ tuổi.
  • Kết đoạn: Khái quát lại tâm trạng và niềm khát khao của người người tù.

6. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 6

Câu 1: [2,0 điểm]

a. Nêu đặc điểm hình thức và chức năng chính của câu nghi vấn?

b. Đặt hai câu nghi vấn dùng để:

- Yêu cầu một người bạn cho mình mượn quyển sách.

- Bộc lộ tình cảm, cảm xúc trước số phận của một nhân vật văn học.

Câu 2: [1,0 điểm]

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

... “Lão Hạc ơi [1]! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt [2]! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão [3]. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão [4]. Ðến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: "Ðây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn, cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào..."[5]”.

[Trích “Lão Hạc” - Nam Cao.]

Cho biết mỗi câu [2], [3], [4], [5] trong đoạn văn thực hiện hành động nói nào?

Câu 3: [2,0 điểm]

Trình bày cảm nhận của em về khổ thơ cuối bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh.

Câu 4: [5,0 điểm]

Giới thiệu về một trò chơi dân gian mà em biết.

Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 6

Câu 1 [2,0 điểm]

a. Học sinh nêu được đúng đặc điểm hình thức và chức năng của câu nghi vấn [1,0 điểm]:

- Đặc điểm hình thức:

+ Có các từ nghi vấn [ai, gì, nào...] hoặc có từ “hay” để nối các vế có quan hệ lựa chọn. [0,25 điểm]

+ Khi viết, câu nghi vấn kết thúc bằng dấu chấm hỏi. [0,25 điểm]

- Đặc điểm chức năng: Câu nghi vấn có chức năng chính là để hỏi. [0,5 điểm]

b.[1đ] Học sinh đặt được mỗi câu đúng được 0,5đ].

Câu 2 [1,0 điểm]

Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm:

- Câu [2], [3] thực hiện hành động điều khiển.

- Câu [3], [4] thực hiện hành động hứa hẹn.

Câu 3 [2,0 điểm]

Học sinh cảm nhận được:

- Giới thiệu khái quát nội dung của đoạn thơ: Tế Hanh đã trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình về làng quê miền biển thật cảm động... [0,25 điểm]

- Nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong ông, thể hiện qua cụm từ "luôn tưởng nhớ". Quê hương hiện lên cụ thể với một loạt hình ảnh quen thuộc, gần gũi: màu nước xanh, cá bạc, buồm vôi, con thuyền...và "mùi nồng mặn" đặc trưng của quê hương làng chài... [1,0 điểm]

- Tác giả sử dụng điệp từ "nhớ", phép liệt kê, kết hợp câu cảm thán góp phần làm nổi bật tình cảm trong sáng tha thiết của người con với quê hương yêu dấu. Đoạn thơ như lời nhắc nhở chúng ta nhớ về cội nguồn, quê hương, đất nước... [0,75 điểm]

Câu 4 [5,0 điểm]

- Mở bài: Giới thiệu khái quát về trò chơi mà em biết [0,5 điểm].

- Thân bài: [4,0 điểm]

+ Nguồn gốc trò chơi

+ Số người chơi, dụng cụ chơi [giới thiệu rõ yêu cầu về số người tham gia cũng như yêu cầu về dụng cụ].

+ Cách chơi [luật chơi]: Thế nào thì thắng, thế nào thì thua, thế nào là phạm luật.
+ Yêu cầu đối với trò chơi.

+ Ý nghĩa của trò chơi trong đời sống thể chất, tinh thần, ý nghĩa xã hội...

+ Ý thức khôi phục các trò chơi dân gian.

- Kết bài: Suy nghĩ sâu sắc về đối tượng thuyết minh [0,5 điểm]

* Lưu ý:

- Căn cứ vào khung điểm và thực tế bài làm của học sinh, giám khảo linh hoạt cho điểm, sát với từng phần đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh.

- Khuyến khích các bài viết sáng tạo, đủ ý, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về đối tượng thuyết minh, hành văn trong sáng, mạch lạc, bố cục rõ ràng.

7. Đề thi giữa kì 2 lớp 8 môn Văn số 7

Câu 1 [2,0 điểm]

a] Trình bày đặc điểm hình thức và chức năng của câu cầu khiến.

b] Các câu sau đây thuộc kiểu câu nào và được dùng để làm gì?

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!

[Khi con tu hú - Tố Hữu ]

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

[Ông đồ - Vũ Đình Liên]

Câu 2 [3,0 điểm]

a] Chép theo trí nhớ phần dịch thơ bài “Ngắm trăng’’của Hồ Chí Minh

b] Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào? Thuộc tập thơ nào?

c] Nêu ý nghĩa tư tưởng và giá trị nghệ thuật của bài thơ.

Câu 3 [5,0 điểm]

Hãy nói “không” với các tệ nạn.

Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 số 7

Câu

Yêu cầu về nội dung kiến thức

Điểm

Câu 1

a. Đặc điểm hình thức và chức năng của câu cầu khiến

- Câu cầu khiến là câu có những từ cầu khiến như: Hãy, đừng, chớ..., hay ngữ điệu cầu khiến; dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,..

- Khi viết, câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng khi ý cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm.

0,25

0,25

b. HS xác định được các kiểu câu phân theo mục đích nói và chức năng

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!

Câu cảm thán, dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người viết.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Câu nghi vấn, dùng để bộc lộ cảm xúc.

0,75

0,75

Câu 2

a. Chép nguyên văn phần dịch thơ bài Ngắm trăng của Hồ Chí Minh:

"Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

- Viết sai 2 lỗi chính tả: Trừ 0,25 điểm

b. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

Thuộc tập thơ: Nhật kí trong tù

c. Ý nghĩa tư tưởng và nghệ thuật:

- Ý nghĩa tư tưởng: Bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên đến say mê và phong thái ung dung của Bác Hồ ngay cả trong cảnh ngục tù cực khổ tối tăm. Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn, một nhân cách lớn, vừa rất nghệ sĩ, vừa có bản lĩnh phi thường của người chiến sĩ vĩ đại.

- Nghệ thuật: Thơ tứ tuyệt giản dị. hàm súc, phép đối, phép nhân hoá.

* Lưu ý: HS trình bày thành đoạn văn. Nếu gạch ý thì trừ 0,25 điểm.

0,5

0,25

0,25

0,5

0,5

Câu 3

* Yêu cầu về hình thức:

- Làm đúng kiểu bài: Văn nghị luận [kết hợp các yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả]

- Nội dung: Vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước.

- Phạm vi: Trong thực tế cuộc sống

- Bài làm có ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.

- Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, văn giàu hình ảnh; diễn đạt trôi chảy; trình bày sạch đẹp...

0,5

1. Mở bài

- Trong cuộc sống, bên cạnh nhiều nề nếp, thói quen tốt còn không ít thói quen xấu và tệ nạn có hại cho con người, xã hội

- Chúng ta hãy kiên quyết nói "Không!" với các tệ nạn xã hội.

2. Thân bài

a. Giải thích thế nào là tệ nạn xã hội?

Tệ nạn xã hội là những hành vi sai trái, không đúng với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội là mối nguy hiểm, phá vỡ hệ thống xã hội văn minh, tiến bộ, lành mạnh. Các tệ xã hội thường gặp là: Cờ bạc, hút thuốc lá, ma tuý....

b. Tại sao phải nói "không" với tệ nạn?

* Cờ bạc, thuốc lá, ma túy... là thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội gây ra tác hại ghê gớm đối với bản thân, gia đình và xã hội về nhiều mặt: Tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, kinh tế, nòi giống...

- Tệ nạn xã hội là mối nguy trước mắt và lâu dài của đất nước, dân tộc.
* Sự ràng buộc, chi phối ghê gớm của thói hư tật xấu:

- Do bạn bè xâu rủ rê hoặc tò mò thử cho biết. Sau một vài lần không có thì bồn chồn, khó chịu. Dần dần dẫn tới nghiện ngập. Không có thuốc cơ thể sẽ bị hành hạ, mọi suy nghĩ và hành động đều bị cơn nghiện chi phối. Để thỏa mãn, người ta có thể làm mọi thứ, kể cả giết người, trộm cắp... Một khi đã nhiễm thì rất khó từ bỏ, nó sẽ hành hạ và làm cho con người điêu đứng.

- Thói hư tật xấu là bạn đồng hành của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ.

c. Tác hại cụ thể:

* Cờ bạc:

- Đó cũng là một loại ma túy, ai đã sa chân thì không thể bỏ.

- Trò đỏ đen, may rủi kích thích máu cay cú, hiếu thắng.

- Mất nhiều thời gian, sức khoẻ, tiền bạc và sự nghiệp.

- Ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và hạnh phúc gia đình, an ninh trật tự xã hội.

- Hành vi cờ bạc bị luật pháp cấm và tùy theo mức độ vi phạm mà có mức xử lí khác nhau.

* Thuốc lá:

- Là sát thủ giấu mặt với sức khỏe con người.

- Khói thuốc có thể gây ra nhiều bệnh: Ung thư phổi, ung thư vòm họng, tai biến tim mạch...

- Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh.

- Tiêu tốn tiền bạc, làm giảm thu nhập gia đình, ảnh hưởng đến kinh tế quốc dân.

- Trên thế giới, nhiều nước đã cấm quảng cáo thuốc lá, cấm hút thuốc ở công sở và chỗ đông người.

* Ma túy:

- Thuốc phiện, hêrôin là chất kích thích gây nghiện rất nhanh. Người dùng thuốc sẽ rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng. Nghiện ma túy nghĩa là tự mang án tử hình.

- Khi mắc nghiện, vỏ não bị tổn thương rất lớn, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng.

- Đối với người nghiện ma túy thì tiền bạc bao nhiêu cũng không đủ.
- Nghiện ma túy cũng đồng nghĩa với việc mất hết danh dự, đạo đức, tình yêu, hạnh phúc, gia đình, sự nghiệp...

* Văn hóa phẩm độc hại:

- Khi tiếp xúc với loại này, con người sẽ bị ám ảnh bởi những hành vi không lành mạnh, có những ham muốn phi đạo đức, sa vào lối sống ích kỉ, bản năng, mất hết khả năng phấn đấu, sống không mục đích.
- Nếu làm theo những điều bậy bạ sẽ dẫn đến sự thay đổi đạo đức, nhân cách, ảnh hưởng đến uy tín bản thân và gia đình, có thể sẽ dẫn tới vi phạm pháp luật.

d. Giải pháp:

- Từ những tệ nạn trên, bản thân mỗi người phải có ý chí, nghị lực trước sự cám dỗ của các tệ nạn

- Xã hội và đặc biệt các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm các em học sinh nhiều hơn - Tuyên truyền cho mọi người biết về tác hại khôn lường của các tệ nạn

- Tham gia vào các hoạt động phòng, chống tội phạm, góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người đã từng mắc lỗi.
- Chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi các tệ nạn, vì một xã hội phát triển thì không có những tệ nạn đó tồn tại, học sinh là những trụ cột đất nước sau này, đừng xa vào tệ nạn trước hết là làm hại chính mình, sau nữa là gay nguy hại cho đất nước.

3. Kết bài

- Tránh xa tệ nạn xã hội là cách tự bảo vệ bản thân vừa là cách khẳng định nhân cách, đạo đức của mình, góp phần xây dựng nên một xã hội văn minh, trong sạch, lành mạnh.

- Liên hệ bản thân

Không chỉ có môn Văn mà các bạn học sinh cũng cần tìm thêm đề ôn luyện các môn khác chuẩn bị cho đề thi học kì 2 lớp 8 sắp diễn ra như là các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh được sưu tầm và chọn lọc kĩ càng trên VnDoc. Với đề thi học kì 2 lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn.

Ngoài ra các bạn có thể ôn luyện trực tuyến với các bài trắc nghiệm như:

  • Tổng hợp các bài trắc nghiệm các môn lớp 8 hay nhất
  • 21 Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8
  • Câu hỏi trắc nghiệm Địa lý 8 bài 42
  • 20 Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn

Hoặc có các giây phút giải trí thư giãn sau những giờ học tập, ôn thi vất vả với:

  • Bạn biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ Việt Nam?
  • Bạn thông minh như học sinh lớp mấy?
  • Bạn sẽ là bạn gái tương lai của ai trong BTS
  • Đoán tên thành viên BTS qua ảnh
  • Bạn có phải fan cứng của Thám tử lừng danh Conan?

Chúc các em luôn học tập tốt, đạt kết quả cao trong các kì thi nhé.

Video liên quan

Chủ Đề