Tiền sử dị ứng với dị nguyên là gì

26.08.2021 09:40

Theo tư vấn của các chuyên gia, những người có tiền sử dị ứng và bệnh nền nói riêng hay những người chuẩn bị tiêm vắc xin nói chung đều nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi tiêm, tránh tâm lý lo lắng do những thông tin không chính xác.

Chuẩn bị trước khi tiêm

Theo tư vấn của các chuyên gia, những người có tiền sử dị ứng và bệnh nền nói riêng hay những người chuẩn bị tiêm vắc xin nói chung đều nên có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi tiêm, tránh tâm lý lo lắng do những thông tin không chính xác.

Điều quan trọng nhất là mọi người nên tìm hiểu thông tin về loại vắc xin mình sẽ tiêm như: liều tiêm, phác đồ tiêm, tác dụng không mong muốn và cách theo dõi sau tiêm. Bên cạnh đó, người đi tiêm cần biết về tình trạng sức khỏe của bản thân, đặc biệt là những người có bệnh lý nền.

Khi đi tiêm, người tiêm phòng cần phải kê khai thông tin tiền sử, bệnh lý, các loại thuốc đang dùng khi khám sàng lọc để bác sỹ quyết định chính xác có đủ điều kiện tiêm chủng hay không. Theo đó, người có tiền sử dị ứng hoặc bệnh nền có thể nằm trong 3 nhóm nguy cơ cao là:

Nhóm thận trọng khi tiêm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên, những người có bệnh lý nền, bệnh mãn tính, người mất tri giác, mất năng lực hành vi, người có tiền sử giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, có bất thường về sự sống hay phụ nữ mang thai trên 13 tuần là nhóm đối tượng thận trọng khi tiêm.

Đội tiêm chủng lưu động CDC Đồng Nai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. 

Nhóm không tiêm ngoài cộng đồng: Người có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào thì nên đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ để tiêm chủng, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên cũng nên tiêm chủng tại cơ sở có khả năng cấp cứu sản khoa.

Nhóm chống chỉ định tiêm: Trước đây, tất cả những người bị dị ứng có phản vệ độ 2 trở lên thì chống chỉ định tiêm vaccine phòng COVID - 19, nhưng hiện nay theo quyết định 3802/QĐ-BYT ban hành 10/8/2021 về việc Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm tiêm chủng vắc xin phòng COVID - 19 thì tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID - 19 cùng loại lần trước mới chống chỉ định tiêm.

Theo dõi sau khi tiêm

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người đi tiêm cần lưu lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm vì các phản ứng phản vệ nguy hiểm đến tính mạng thường xảy ra trong khoảng thời gian này. Nếu có các dấu hiệu như phát ban trên da, tê lưỡi hoặc môi, khó thở, tím tái, đánh trống ngực… thì cần báo ngay cho nhân viên y tế để xử trí kịp thời.

Khi về nhà, người được tiêm cần tự theo dõi thêm 7 - 28 ngày. Trong 3 ngày đầu sau tiêm, nên có người cùng quan sát phản ứng sau tiêm để kịp thời thông báo cho bác sỹ. Người tiêm phòng không nên uống chất kích thích đặc biệt là rượu bia; không chườm, đắp, bôi bất kì chất gì vào vị trí tiêm; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, có thể bổ sung vitamin, mua sẵn thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, Efferalgan, Panadol … để sử dụng nếu nhiệt độ từ 38.5 độ C trở lên.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu: phát ban trên da; sưng, ngứa hoặc tê ở môi và lưỡi; xuất huyết dưới da; nghẹn họng, nói khó; nôn, tiêu chảy; khó thở, thở rít, tím tái; choáng, hồi hộp đánh trống ngực; chóng mặt, đau đầu dữ dội; sốt trên 39 độ không đáp ứng thuốc hạ sốt… thì cần đến ngay cơ sở y tế hoặc liên hệ với số điện thoại hỗ trợ mà điểm tiêm chủng cung cấp

Hiểu về bản thân để chủ động, an toàn trong tiêm vắc xin

Các chuyên gia cho rằng trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng và bệnh nền, thuộc nhóm có nguy cơ dị ứng cao thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng để đảm bảo an toàn khi đi tiêm.

ThS. BS. Nguyễn Hải Hà cho biết: "Qua theo dõi, các phản ứng dị ứng sau tiêm cũng rất ít xảy ra, chủ yếu là phát ban trên da, hơi ngứa và sưng vị trí tiêm, một số trường hợp có thể khó thở, rất hiếm có trường hợp phản ứng nặng ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Hiện nay, tất cả các bàn tiêm chủng, khu vực theo dõi sau tiêm đều đã chuẩn bị sẵn thuốc Adrenalin - là thuốc đầu tay cấp cứu phản vệ từ độ 2 trở lên. Các nhân viên y tế cũng đều đã được đào tạo rất kỹ về tiêm vaccine COVID – 19 cũng như công tác cấp cứu phản vệ theo các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế trước khi thực hiện nhằm đảm bảo cho việc tiêm vắc xin được an toàn nhất". Do đó, ngoài trường hợp có yếu tố nguy cơ cao, thì người dân có thể yên tâm tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm chủng.

"Loại vắc xin tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất để tạo ra kháng thể". Vì vậy, các bác sỹ đều khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng ngay khi có thể và tuân theo những hướng dẫn trên đối với những người có tiền sử dị ứng hoặc bệnh nền gây ra những nguy cơ phản ứng sau tiêm.

Theo SK&ĐS

Share with friends


Bài liên quan

Chủ Đề