Tỉ lệ tốt nghiệp thpt 2023

Thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

SKĐS - Bộ GD&ĐT vừa đưa ra định hướng tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn 2023 - 2024 và đổi mới kỳ thi vào năm 2025.

Tổ chức thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra từ ngày 7 - 8/9.

Theo đó, Bộ GD&ĐT định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ổn định như năm 2022 và sớm hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. 

Kỳ thi vẫn sẽ diễn ra trên nguyên tắc phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thành công toàn diện, đạt được các mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, phù hợp thực tế công tác giáo dục phổ thông trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất sâu sắc của dịch bệnh.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT và hội nghị thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối cùng.

Đồng thời, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành Quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.

Đối với những thay đổi của kỳ thi từ năm 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề cập đến 2 phương diện cần đẩy mạnh hơn nữa, đó là tính phân cấp, trách nhiệm trong chủ động tuyển sinh của trường đại học và ứng dụng công nghệ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2022 trên cả nước là 98,57%, riêng đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,16%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay tương đương năm 2020 và 2021. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99% như Sơn La [99,6%], Ninh Bình [99,49%], Đồng Tháp [99,38%], Điện Biên [99,24%]. Tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội đạt 99,1%, trong đó có 104 đơn vị, trường học đạt 100%.

Sẽ điều chỉnh trong việc cộng điểm ưu tiên

Trao đổi với Dân trí trong buổi tọa đàm trực tuyến tư vấn tuyển sinh 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT dẫn lại câu chuyện những năm trước đây có thí sinh đạt 30 điểm - số điểm tuyệt đối cho một tổ hợp xét tuyển [không môn nào nhân hệ số] vẫn không đỗ được vào ngành hot.

Lý do bởi điểm chuẩn ngành này rất cao, nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên đã đạt trên 30 điểm và trúng tuyển. "Đây là câu chuyện chúng ta đang phải giải quyết bằng những chính sách cụ thể", PGS Thủy nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT [chính giữa] tại buổi tọa đàm trực tuyến tư vấn tuyển sinh đại học cao đẳng 2022 do báo Dân trí tổ chức - Ảnh: Mạnh Quân.

Theo bà Thủy, từ kỳ tuyển sinh năm sau [tức năm 2023] sẽ có sự điều chỉnh trong việc cộng điểm ưu tiên. Cụ thể, với những thí sinh đã đạt điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mức độ cộng điểm ưu tiên [như ưu tiên về đối tượng, ưu tiên về khu vực] sẽ giảm dần, giảm tuyến tính; sao cho những em đã đạt 30 điểm không cần cộng điểm ưu tiên nữa.

"Tôi tin rằng những bạn đã đạt thành tích cao như vậy, chắc chắn cũng không muốn mình trúng tuyển vào đâu đó mà phải có sự ưu tiên hơn những người khác. Chính vì thế, cũng sẽ không có chuyện điểm chuẩn cao hơn 30 điểm nữa, đảm bảo quyền lợi công bằng hơn cho các em. Sự điều chỉnh này cũng sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận với giáo dục đại học, tiếp cận vào những trường đại học tốt nhất của Việt Nam cho tất cả thí sinh.", PGS Thủy nhấn mạnh.

"Chúng tôi tin rằng các trường đại học cũng sẽ ủng hộ, bởi chúng ta cũng mong có các thí sinh phù hợp với yêu cầu đầu vào có thể là rất cao, đáp ứng được chuẩn mực cao của Việt Nam và thế giới. Lúc đó, chúng ta mới đẩy mạnh được tốc độ phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, ngang tầm với khu vực và thế giới", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Trước đó, quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, năm 2022, mức điểm cộng ưu tiên vẫn được tính như sau:

Về ưu tiên theo khu vực, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT [hoặc trung cấp] và một năm kế tiếp.

Về ưu tiên theo đối tượng chính sách, mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ƯT1 [gồm các đối tượng 01 đến 04] là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ƯT2 [gồm các đối tượng 05 đến 07] là 1,0 điểm. Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.

Tuy nhiên, quy chế cũng nhấn mạnh, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên [khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30] được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [[30 - Tổng điểm đạt được]/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định.

Như vậy, nếu một thí sinh đạt 30 điểm, điểm ưu tiên của em sẽ là 0 điểm [dù có thuộc đối tượng hoặc khu vực ưu tiên].

PGS Thủy khẳng định, việc điều chỉnh cộng điểm ưu tiên sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận với giáo dục đại học cho tất cả thí sinh - Ảnh: Mạnh Quân.

Tiến tới xét tuyển đại học quanh năm

Về vấn đề "đề thi tốt nghiệp THPT chưa đáp ứng được việc phân loại thí sinh một cách rõ rệt, phục vụ yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học top đầu", bà Thủy chia sẻ, tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam đang còn ở mức rất thấp so với khu vực và thế giới.

Hiện tỷ lệ sinh viên đang học đại học ở Việt Nam so với tổng số người trẻ ở độ tuổi này thấp hơn so với các nước khoảng 15-17 năm. Bởi vậy, chúng ta cần nâng cao dân trí bằng cách tăng cường giáo dục đại học. "Chúng ta đừng nghĩ rằng đang "thừa thầy thiếu thợ". Thực tế là chúng ta đang thiếu cả "thầy" và "thợ", PGS Thủy nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, hệ thống giáo dục đại học có phân tầng nhất định theo top đầu, top giữa, top dưới. Việc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học ở mức trung bình; thuận lợi và tiết kiệm cho công tác tuyển sinh. Với các trường đại học top đầu, việc lựa chọn nhân tài cần những kỳ thi đánh giá năng lực riêng, đảm bảo các bạn theo học tốt nhất ở những ngành tiên tiến.

"Chúng ta cần cái nhìn công bằng để thấy giá trị của kỳ thi tốt nghiệp THPT là có, không chỉ phục vụ cho việc tốt nghiệp mà đang hỗ trợ các trường đại học trong tuyển sinh", PGS Thủy nói.

PGS Thủy cũng khẳng định, hệ thống tuyển sinh của Việt Nam đang đi theo đúng xu hướng phát triển của thế giới. Dần dần, khi có những kỳ thi chuẩn hóa quanh năm, thí sinh có thể dùng kết quả đó để ứng tuyển vào đại học quanh năm, không giới hạn.

Chủ Đề