Thực trạng mua sắm online hiện nay

Hiện nay, Hà Nội có hàng nghìn điểm bán hàng trực tuyến, nguồn hàng đã được các siêu thị, cửa hàng phân bổ cho mảng online tăng cường gấp ba lần so với trước. Thông qua một loạt ứng dụng của các áp như: Lazada, Shopee, Tiki, AEON… người tiêu dùng tại Hà Nội có thể dễ dàng "đi chợ", chọn thực phẩm, hàng thiết yếu và chờ giao tới tận nhà.

Ngoài ra, cũng có thể mua hàng trên các trang thông tin điện tử (website), trang mạng xã hội, đường dây nóng chăm sóc khách hàng, điện thoại của mỗi siêu thị hoặc sử dụng dịch vụ đi chợ hộ… hoặc mua hàng online tại các group trên Facebook, Zalo.

"Tôi thấy việc mua sắm online là một giải pháp hữu hiệu khi có dịch bệnh do không phải xếp hàng, đi lại nhiều ở những nơi đông người; hàng hóa được giao tận nhà. Chính vì thế, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi đặt mua trực tuyến hầu hết hàng hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày", chị Vũ Thu Trang, trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chia sẻ.

Thế nhưng, bên cạnh lợi thế, mua bán hàng online vẫn tồn tại bất cập. Hiện tại, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng trực tuyến như hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân... và ai cũng có thể trở thành nạn nhân chỉ với một cú nhấp chuột.

Cách đây mấy tháng, khi vào mạng xã hội Facebook, chị Hồng Nhung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có đặt mua hai bình xịt nhà vệ sinh, nhà tắm cao cấp trên một trang bán hàng online với giá gần 350 nghìn đồng. Sản phẩm này được người bán quảng cáo là "hàng xịn", với công nghệ bọt tuyết nano thế hệ mới giúp đánh bay những vết bẩn lâu ngày. Chuyển khoản rồi nhận hàng, thế nhưng khi sử dụng chị Nhung mới biết mình mua phải hàng nhái, không có những tác dụng như quảng cáo.

Anh Trần Trung, ở phường Khương Trung (Thanh Xuân), chia sẻ: "Ngày nào mở Facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi đã thử mở một số trang để xem sản phẩm, thấy có số điện thoại, gọi thì người bán cho biết có thể đổi trả nếu sản phẩm không đúng. Vì thế nên tôi đặt mua quần áo và giày, nhưng về mở gói hàng ra thì hoàn toàn không đúng mầu sắc và chất lượng như hình ảnh và lời giới thiệu trên Facebook".

Không chỉ có các mặt hàng giày dép, mỹ phẩm, quần áo… thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh, trên mạng xã hội và các website/ứng dụng thương mại điện tử rao bán bộ kit test nhanh Covid-19 với giá từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Các chủ hàng quảng cáo mặt hàng xuất xứ từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo quảng cáo, các bộ kit test này có kết quả nhanh, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các kit test nêu trên chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay không có hóa đơn chứng từ, thậm chí chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Nhiều người bán hàng online còn có những "chiêu" lấy tiền của khách hàng vô cùng tinh vi. Ðiển hình của thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội là trường hợp Facebook có tên "Ngân gốm" đã thâm nhập vào các nhóm trên mạng xã hội chuyên bán hàng như: Mê đồ bếp, bán hàng EU… để đăng bán các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử và nhiều mặt hàng khác. Nhưng thực tế, đối tượng chỉ bán hàng "ảo" bằng việc đăng tải hình ảnh copy trên mạng, rồi lừa khách hàng chuyển khoản, sau đó không gửi hàng cho khách. Hiện, thủ phạm là Ðỗ Thị Kim Ngân (ở thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù có những tác động tiêu cực, nhưng hiện mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để hạn chế những bất cập trong thương mại điện tử nói chung và mua sắm hàng online nói riêng, một trong những điểm quan trọng là cần khắc phục "lỗ hổng" về chính sách liên quan thương mại điện tử. Cụ thể, các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số.

Cần có quy định, điều kiện tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt nghiêm các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan thương mại điện tử để làm rõ cách thức quản lý, các mô hình, nền tảng kinh doanh, trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch, bao gồm cả người quản lý sàn giao dịch.

Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hóa đơn, cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt mua cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua...

QUANG MINH, LÊ HỒNG TRANG

Mua sắm trên thương mại điện tử nay trở thành một trong những hình thức tiêu dùng quen thuộc, chủ chốt của người dân sau nhiều ảnh hưởng từ đại dịch. Nhiều báo cáo dự đoán phương thức này vẫn tiếp tục được ưa chuộng và duy trì ngay cả trong bình thường mới.

Tuy nhiên cũng từ ảnh hưởng dịch bệnh, thói quen tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi, dịch chuyển từ các mặt hàng thời trang, phụ kiện xa xỉ sang ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm thiết yếu, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và đồ điện tử.

Chuyển dịch thói quen tiêu dùng do ở nhà quá lâu

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, làm việc, học tập tại nhà, nhiều người có xu hướng chăm chút cho không gian sống nhiều hơn. Loạt sản phẩm nội thất tiêu dùng, trang trí, thiết bị điện tử, gia dụng tiện ích... được ưa chuộng và ghi nhận tăng trưởng doanh số trong quý III/2021.

Kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam do Deloitte Việt Nam thực hiện cho thấy họ chi nhiều hơn cho ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn, tươi sống, các sản phẩm nhà ở và tiện ích. Cụ thể, trong thời điểm giãn cách xã hội toàn TP HCM, doanh số mặt hàng bánh mì ăn liền và sữa hộp tăng lần lượt là 112% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hình thức mua sắm online được ưa chuộng vì phù hợp trong thời dịch, tiện lợi lại nhiều ưu đãi. Ảnh: Antoine.

Số liệu ghi nhận từ báo cáo quý III/2021 về hành vi tiêu dùng của Lazada, một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện tại, cho thấy ngành hàng bách hóa dẫn đầu doanh số với mức tăng trưởng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thực phẩm tươi sống đạt con số tăng trưởng ấn tượng khi gấp đến 17 lần.

Mặt khác, các sản phẩm thuộc ngành hàng điện tử, nhất là laptop, máy tính để bàn và các phụ kiện liên quan, phục vụ nhu cầu làm việc tại nhà, cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo ghi nhận của Lazada, doanh thu ngành này đạt mức tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng doanh số này được Lazada đánh giá khá ấn tượng bởi đây là ngành hàng vốn kén người mua trực tuyến vì giá trị cao và cần kiểm tra chất lượng trong thời gian dài. Tuy nhiên nhiều người dùng Việt đã dần chấp nhận và tin tưởng khi chọn mua các mặt hàng giá trị cao bằng hình thức online.

Gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử thu hút người tiêu dùng vì đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đi kèm các chính sách bảo hành và đổi trả, góp phần tăng niềm tin người tiêu dùng khi mua sắm online các mặt hàng xa xỉ, giá trị cao. Ảnh: Lazada Việt Nam

Đơn cử có Hồng Trang (28 tuổi, Quận 4), cô cho biết từ ngày ở nhà toàn thời gian, để tiện việc dọn dẹp nhà cửa, cô sắm sửa thêm nhiều đồ dùng điện tử và gia dụng như robot hút bụi, nồi chiên không dầu, lò nướng điện, máy khử trùng quần áo, chăn nệm... Tất cả sản phẩm đều đặt mua trên gian hàng chính hãng của một số sàn thương mại điện tử lớn vì dịch bệnh không tiện ra ngoài.

Ngoài ra, Trang còn sắm thêm các vật dụng giải trí, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, vóc dáng và làm đẹp. Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những thứ trước đây cô hiếm khi mua online nhưng giờ cũng toàn đặt từ các gian hàng chính hãng.

"Trước dịch tôi hiếm khi ở nhà. Nhưng dịch bệnh khiến mọi thứ thay đổi. Ở một mình trong nhà với bốn bức tường khiến mọi thứ ngột ngạt nên tôi sắm thêm nhiều đồ điện tử, vừa tiết kiệm sức lực dọn dẹp, lại thấy cuộc sống ở nhà bớt nhàm chán", Hồng Trang chia sẻ.

Chi tiêu thoải mái hơn nhờ ưu đãi và giải trí kết hợp

Ngoài lợi thế "ngồi nhà nhận hàng", mua sắm online trên thương mại điện tử còn hút người dùng nhờ nhiều chương trình ưu đãi lớn, giảm giá sâu, quà tặng giá trị... Đặc biệt, vào những dịp lễ hội và chiến dịch mua sắm lớn, lượng mã giảm giá, ưu đãi từ các sàn thương mại điện tử tràn ngập, tạo điều kiện cho người dùng thoải mái chi tiêu.

Các chương trình mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) với nhiều hình thức, định dạng, nền tảng... cũng là yếu tố thu hút thêm nhiều người đến với sàn thương mại điện tử. Vừa xem ca nhạc, tương tác với người dẫn chương trình, thư giãn đầu óc với các minigame, vừa nhận về nhiều ưu đãi giảm giá là điểm độc đáo so với cách mua hàng truyền thống.

Sự tăng trưởng của hình thức "săn sale" qua livestream giải trí thể hiện rõ rệt qua tổng doanh thu thông qua LazLive mà nền tảng Lazada ghi nhận được trong Lễ hội mua sắm 9/9. Chỉ trong 2h livestream, sàn thành công xác lập kỷ lục mới với mức doanh thu chạm đỉnh 700 triệu đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hình thức livestream mua sắm trên thương mại điện tử thu hút thêm nhiều người dùng vì vừa mang tính giải trí, vừa kèm nhiều ưu đãi giúp chi tiêu hợp lý, tiết kiệm hơn. Ảnh: Lazada Việt Nam

Tiềm năng bùng nổ dịp lễ hội cuối năm

Dịp lễ hội cuối năm là thời điểm "vàng" cho các hoạt động mua sắm. Từ các năm trước khi chưa chịu ảnh hưởng dịch bệnh, các sàn thương mại điện tử, nhà bán hàng lẫn thương hiệu nói chung đều dồn lực, tập trung tung ra hàng loạt ưu đãi trong thời gian này, đáp ứng nhu cầu mua sắm, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần của người tiêu dùng.

Tết Nguyên đán 2022 đến sớm hơn mọi năm vào đúng dịp cuối tháng 1, đầu tháng 2 cũng được xem là lợi thế giúp thúc đẩy doanh số bán hàng. Theo thường lệ, doanh thu các sàn thương mại điện tử hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng mạnh từ tháng 11, 12 và kéo dài đến hết tháng 1 năm sau. Mặt khác, việc nhiều người có xu hương chi tiêu "thả ga" sau thời gian ở nhà phòng dịch, thắt chặt hầu bao cũng hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phục hồi hậu suy thoái cho các doanh nghiệp bán lẻ lẫn thương mại điện tử.

Kết hợp với các số liệu thị trường về thói quen tiêu dùng thay đổi rõ rệt trong quý III/2021, thương mại điện tử được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì và tăng tưởng ngay cả trong thời bình thường mới, không có các lệnh giãn cách xã hội hay hạn chế đi lại.

Thiên Khải