Theo em Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tháng 5 năm 1941 có ý nghĩa như thế nào đến cách mạng nước ta

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và làm việc ở Cao Bằng. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị [HN] lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng. HN họp từ ngày 10 đến ngày 19-5 tại Pác Bó, Cao Bằng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở ngoài nước.

1. Những vấn đề cốt lõi từ Hội nghị

Phân tích tình hình thế giới, HN nhận định: chiến tranh thế giới đang lan rộng, phát xít Đức đang ráo riết chuẩn bị đánh Liên Xô, phát xít Nhật sắp gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Chiến tranh sẽ làm cho các nước đế quốc suy yếu, phong trào cách mạng thế giới sẽ phát triển nhanh chóng, Liên Xô nhất định chiến thắng và cách mạng nhiều nước nhân đó mà thắng lợi: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.

Phân tích tình hình Đông Dương, Hội nghị nhận định: từ khi Nhật nhảy vào xâm chiếm, Pháp đầu hàng Nhật, mọi hoạt động kinh tế ở Đông Dương đều bị chiến tranh hoá, tất cả bộ máy cai trị đều bị phát xít hoá. Chính sách phản động đó của Pháp - Nhật càng làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với chủ nghĩa đế quốc xâm lược thêm sâu sắc. Chính mâu thuẫn chủ yếu này, đòi hỏi phải được giải quyết cấp bách là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc phát xít Pháp-Nhật, bởi vì dưới hai tầng áp bức Nhật-Pháp, “quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng.

Về nhiệm vụ cách mạng Đông Dương: HN khẳng định dứt khoát chủ trương “phải thay đổi chiến lược” và giải thích: “Cuộc cách mạng ở Đông Dương hiện tại không phải là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là một cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”.

Về khẩu hiệu: Trung ương Đảng khẳng định: “Chưa chủ trương làm cách mạng tư sản dân quyền mà chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc. Do đó, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu “đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày”, thay bằng các khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, chia lại ruộng đất công cho công bằng, giảm tô, giảm tức”. Hội nghị chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, nếu không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

Về mặt trận dân tộc, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, HN đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh [gọi tắt là Việt Minh], nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn. Các tổ chức quần chúng trong mặt trận Việt Minh đều mang tên “cứu quốc” [Văn hóa cứu quốc, nhi đồng cứu quốc, phụ lão cứu quốc…]. Trong việc xây dựng các đoàn thể cứu quốc, “điều cốt yếu không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc”.

Về mối quan hệ giữa cách mạng ở Đông Dương, HN quyết định giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, thi hành chính sách “dân tộc tự quyết”. Sau khi đánh đuổi Pháp-Nhật, các dân tộc trên cõi Đông Dương sẽ “tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành lập một quốc gia tùy ý”. “Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng” . Từ quan điểm đó, HN quyết định thành lập ở mỗi nước Đông Dương một mặt trận riêng [Việt Nam độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh, Cao Miên độc lập đồng minh], thực hiện đoàn kết từng dân tộc, đồng thời đoàn kết ba dân tộc chống kẻ thù chung.

Về tổ chức: Theo đề nghị của Người, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới và cử đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng thời phác họa về một nhà nước tương lai sau khi cách mạng thành công sẽ thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa theo tinh thần tân dân chủ, một hình thức nhà nước “của chung cả toàn thể dân tộc” . HN chỉ rõ, “không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hiệp và thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa.

Về phương pháp cách mạng: HN xác định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân; “phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù”. Trong những hoàn cảnh nhất định thì “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn” .

Ngoài ra, HN còn xác định những điều kiện chủ quan, khách quan và dự đoán thời cơ tổng khởi nghĩa.

2.Giá trị to lớn mang tính chiến lược của Hội Nghị

Nhìn lại pho sử bằng vàng của Đảng về đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta lại càng thấy rõ tầm vóc và ảnh hưởng to lớn của Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh. Tinh hoa trí tuệ trong tư tưởng và năng lực lãnh đạo của Người đã giúp cho Đảng ta kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa cách mạng Việt Nam phát triển phù hợp với quỹ đạo vận động của thời đại, đồng thời có khả năng thâu tóm được những thời cơ, vận hội quý báu để tạo bước ngoặt quyết định thắng lợi của cách mạng.

Có thể nói, HN này được coi là hoàn chỉnh về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược “Vấn đề chính là nhận định cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lập Mặt trận Việt Minh, khẩu hiệu chính là: Đoàn kết toàn dân, chống Nhật, chống Pháp, tranh lại độc lập; hoãn cách mạng ruộng đất” . Và đặc biệt hơn HN đã chỉ ra phương pháp vận động cách mạng là khởi nghĩa vũ trang đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước. Thực tiễn đã chứng minh, thành công từ cuộc cách mạng tháng Tám ngay sau đó đã phản ánh nội dung chỉ đạo từ HN TƯ 8 tháng 5/1941.

Như vậy, HN lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh chủ trương chiến lược được đề ra từ Hội nghị tháng 11-1939, khắc phục triệt để những hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10-1930, khẳng định lại đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Đó là ngọn cờ dẫn đường cho toàn dân Việt Nam đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị lực lượng, tiến lên trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do.

Bài học kinh nghiệm để Đảng ta hôm nay tiếp tục quán triệt và vận dụng, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc, phòng chống đại dịch Coovit 19 chính là phát huy năng lực lãnh đạo, kịp thời điều chỉnh, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược một cách linh hoạt, sáng tạo khi tình hình thay đổi. Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tập hợp đông đảo mọi giai tầng trong xã hội tham gia theo một chỉ đạo đường lối chung. Bài học về hợp tác quốc tế, liên minh tương trợ giữa ba nước Đông Dương anh em. Bài học về phát huy sức mạnh, vai trò, xung kích quyết định của các lực lượng vũ trang trong mọi khó khăn của đất nước./.


Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 118-119

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 112 và 125.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, trang 113.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 127.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 132.

Page 2

TRANG NHẤT > LÀM THEO GƯƠNG BÁC
Cập nhật 19/10/2017 [GMT+7]

Câu hỏi trắc nghiệm kỳ VI và đề thi viết - “Cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Năm 2017”

 Các tin khác
Học tập phong cách báo chí độc đáo của Hồ Chí Minh [04/06]
Đinh ƠRing- Người sỹ quan biên phòng tận tụy với dân [22/03]
Thanh niên Gia Lai đẩy mạnh các phong trào học tập và làm theo gương Bác [06/08]
Đảng bộ huyện Đak Đoa học tập Bác bằng những việc làm thiết thực [20/07]
Một số kết quả quan trọng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Đức Cơ [11/05]
Đền thờ Vua Hùng ở Gia Lai - giá trị cội nguồn, giá trị đoàn kết [20/04]
Nữ quân nhân ‘‘4T’’ [04/03]
Theo lời dạy của Bác Hồ [26/02]
Chữa “bệnh quan liêu” của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh [09/11]
Để nhân dân tin yêu [08/09]
Quyền con người và quyền công dân trong Tuyên ngôn độc lập [25/08]
Gia Lai có hai tác phẩm đạt giải tại Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh [25/05]
Thành phố Pleiku: Long trọng Lễ báo công Bác Hồ, biểu dương khen thưởng các điển hình học tập và làm theo Bác [20/05]
Những Quảng trường in hình bóng Bác [19/05]
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực [13/05]

Video liên quan

Chủ Đề