So sánh Garmin 45 và 55

Tóm tắt đánh giá

Chấm điểm: 4/5

Garmin Forerunner 55 là phiên bản mới nhất cho phân khúc giá rẻ của Garmin, nối tiếp những người tiền nhiệm là Forerunner 35 [2017] và Forerunner 45 [2019]. Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các hãng đồng hồ ngày một nóng lên, người mua có thể dễ dàng nhận thấy mức giá 4.990.000 VNĐ của Forerunner 55 nhằm cạnh tranh trực tiếp với đối thủ cùng phân khúc là Coros Pace 2.

Nhìn chung, Forerunner 55 đáp ứng được mục đích sử dụng của phần lớn các runner, đặc biệt là những người mới tập chạy, có nhu cầu mua một sản phẩm đủ dùng và với mức giá phải chăng.

Sản phẩm và thiết kế

Có bốn mẫu Forerunner 55 được bán ở Việt Nam gồm màu Đen, Xanh Aqua, Trắng và Xám Monterra. Có lẽ với nhiều runner lâu năm, màu sắc không quá quan trọng, nhưng sự đa dạng của các mẫu sản phẩm cũng mang lại cho runner nhiều sự lựa chọn hơn, đặc biệt là các runner mới bước chân vào con đường chạy bộ.

Màn hình Forerunner 55 có đường kính khoảng 27mm, nhỏ hơn các dòng đồng hồ khác của Garmin như Forerunner 245/945 [30mm] hay Garmin Enduro [35mm]. Mặc dù nhỏ hơn nhưng điều này không ảnh hưởng tới khả năng hiển thị số liệu và runner sẽ không gặp khó khăn để theo dõi các chỉ số khi chạy. Tuy nhiên, cũng vì kích thước nhỏ nên Forerunner 55 chỉ cho phép hiển thị 4 chỉ số trên mặt đồng hồ, so với 6 trên các dòng đồng hồ khác của Garmin. Các runner lâu năm có thể sẽ không vừa lòng nhưng 4 chỉ số cũng là quá đủ với runner mới.

Forerunner 55 [đen] và Forerunner 245 [xanh] đeo trên tay. Có thể thấy sự chênh lệch đường kính màn hình không nhiều.

Forerunner 55 vẫn giữ thiết kế gồm 5 nút bấm để điều khiển đồng hồ thay vì màn hình cảm ứng [như người chị em Garmin Venu].Các nút điều khiển này có tính năng cơ bản như Start để bắt đầu bật đồng hồ khi chạy, các nút Lên, Xuống và Quay lại để di chuyển giữa các chế độ trên đồng hồ. Và cuối cùng là nút Đèn để bật đèn màn hình trong trường hợp trời tối không nhìn rõ màn hình đồng hồ.

Trọng lượng của Forerunner 55 là37gram, nhẹ hơn nhiều sovới Forerunner 945 [48 gram] và gần như tương đương với Forerunner 245 [38 gram]. Với trọng lượng nhẹ kèm mặt đồng hồ nhỏ, tôi đánh giá Forerunner 55 khá vừa với cổ tay người Việt và Á Đông, vốn nhỏ hơn người phương Tây.

Các widget theo dõi chỉ số tập luyện và sức khoẻ

Hướng tới người dùng mới tập chạy nên giao diện của mặt đồng hồ Forerunner 55 cũng được thiết kế theo hướng đơn giản hoá để sử dụng. Khi ấn vào nút Xuống [dưới cùng bên trái], bạn sẽ thấy toàn bộ các thông số sức khoẻ từ các widget được tích hợp sẵn trên Forerunner 55. Các thông số này bao gồm: chỉ số VO2Max, số km chạy trong tuần, nhịp tim, thậm chí cả chu kỳ kinh nguyệt cho các runner nữ v.v.. Các chỉ số này được thiết kế dễ nhìn, dễ xem hơn trên các dòng đồng hồ khác như Forerunner 945, giúp runner mới có thể dễ dàng xem các thông số mà không cảm thấy bị choáng ngợp.

Tính năng thể thao

Forerunner tích hợp đầy đủ các tính năng chạy bộ có trên các mẫu đồng hồ cao cấp hơn như Chạy ngoài trời, Chạy trên máy, Đi bộ, Leo cầu thang. Đặc biệt có tính năng Chạy ảo [Virtual Run dùng kèm footpod kết nối với app Zwift trên điện thoại] ngày càng hữu dụng, đặc biệt trong những ngày giãn cách xã hội. Ngoài ra, Forerunner 55 cũng có đủ các tính năng thể thao cơ bản khác bao gồm: đạp xe và bơi lội [trong bể bơi], và cả yoga, pilates, kiểm soát hơi thở.

Thành thực mà nói, các tính năng trên đáp ứng gần như 100% nhu cầu của người sử dụng cho mục đích thể thao, dù là newbie hay giàu kinh nghiệm. Bản thân tôi đã từng dùng qua các dòng Forerunner 920, 245, 935, 945, phần lớn thời gian cũng chỉ dùng tới các chức năng bơi lội, đạp xe và chạy bộ. Có lẽ một điều đáng tiếc nhất là Forerunner không có tính năng bơi biển và Multisport [như Triathlon]. Vì vậy những người muốn chơi các môn này nên tìm đến dòng Forerunner 945 hay Forerunner 745.

Các tính năng cao cấp

Một tính năng mới trên Forerunner 55 mà không có ở các phiên bản Forerunner 34 và 45 là tính năng Daily workout Suggestion [Tự động chọn bài tập hàng ngày]. Đây là tính năng lần đầu xuất hiện trên Forerunner 745 vào năm 2020 và dần dần được cập nhật cho các dòng đồng hồ cao cấp của Garmin.

Sau một thời gian sử dụng đồng hồ, Garmin sẽ thu thập đủ dữ liệu tập luyện của bạn, Garmin sẽ sử dụng thuật toán nội suy để đề nghị một bài tập thích hợp cho bạn trong ngày hôm đó. Đây gọi là tính năng Daily Suggested Workout. Cần phải nói thêm là trên Forerunner 55,tính năng Daily Suggested Workout này chỉ là bản lite, bao gồm bài tập luyện, tính toán các thông số cơ bản như Tuổi thể chất, Thời gian phục hồi, Lịch sử chạy bộ nhưng không bao gồm các tính năng nâng cao như Trạng thái luyện tập và Khối lượng luyện tập [2 tính năng có trên dòng cao cấp hơn là Forerunner 245, 745, 945]

Với tính năng này, các kỹ sư của Garmin chắc hẳn hy vọng các runner newbie chỉ việc bật đồng hồ lên và chạy. Và mặc dù đôi khi các bài tập đề nghị bởi Forerunner 55 có hơi lạ, nhưng nhìn chung nếu tập theo và có khởi điểm thấp thì trong thời gian ngắn bạn sẽ đạt được những tiến bộ nhất định. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn có thể vọc thêm các giáo án tập luyện 5KM, 10KM hoặc Half Marathon trên app Garmin Connect, hoặc tìm đến các HLV để tập luyện cải thiện thêm thành tích.

Một tính năng cao cấp khác được cập nhật trên dòng Forerunner 55 là Pace Pro tính năng tự động hỗ trợ runner pacing [dàn trải sức] một cách hợp lý. Để sử dụng tính năng này, bạn chỉ cần vào app Garmin Connect, chọn route muốn chạy [hoặc tải route của giải chạy] và bật chế độ PacePro trong phần Tập Luyện > Chiến lược PacePro, chọn thời gian muốn hoàn thành, tạo chiến lược PacePro và đồng bộ với đồng hồ. Khi bắt đầu chạy, Forerunner sẽ nhắc bạn pace phải chạy và thời gian cần chạy ở từng mốc km [có tính đến độ dốc và các yếu tố khác] sao cho tổng thời gian chạy sẽ tương đương với mục tiêu đặt ra. Cũng giống Daily Suggested Workout, tính năng PacePro trên phiên bản Forerunner 55 là bản lite, chỉ có thể tải các khóa học và quãng đường tiêu chuẩn, có sẵn từ Garmin Connect và hướng dẫn nhịp độ chỉ dựa trên GPS. Phiên bản hoàn chỉnh của PacePro sẽ cho phép bạn tự tải các route chạy và race tuỳ ý.

Chế độ chạy bộ, GPS và Nhịp tim

Quay lại công dụng chính của Forerunner 55 là chạy bộ. Có hai thứ runner quan tâm nhất trên một chiếc đồng hồ chạy bộ là GPS [để tính pace] và Nhịp tim [để tổng hợp các dữ liệu liên quan tới sức khoẻ].

Giống các dòng đồng hồ mới khác của Garmin, Forerunner 55 cũng sử dụng chip GPS của Sony có tên là Sony GNSS/GPS. Chip GPS này sử dụng ít năng lượng hơn [tốn ít pin hơn] và có thể bắt tín hiệu cùng lúc tín hiệu vệ tinh GPS [mạng lưới vệ tinh của Mỹ], Galileo [mạng lưới của Châu Âu] và Glonass [mạng lưới của Nga]. Chip GPS này cũng được sử dung trong các loại đồng hồ thể thao của các hãng khác như Suunto, Polar, Coros. Vì vậy, thực tế không có chuyện đồng hồ hãng này bắt sóng GPS tốt hơn hãng khác. Nếu có, thì đó là do thiết kế tổng thể đồng hồ cùng chipset kèm firmware giúp bắt sóng nhanh hơn, thuật toán nội suy làm mịn đồ thị GPS tạo cảm giác chính xác hơn

Nhìn chung, GPS của Forerunner 55 khá ổn định. Nếu nhìn vào tracklog dưới đây, có thể thấy đường GPS khá mượt, ít khi bị lệch quá nhiều so với đường chạy. Tất nhiên, trong quá trình sử dụng, đôi lúc GPS sẽ bị lệch do thời tiết [trời nhiều mây] hoặc do cung đường chạy [nhiều toà nhà cao tầng chặn sóng GPS]. Nhưng nếu bạn chạy ở những khu thoáng đãng thì tín hiệu GPS nhìn chung đạt yêu cầu.

Về nhịp tim, Forerunner 55 dùng cảm biến ELEVATE V3 giống như cảm biến được trang bị trên Forerunner 245 và 945 [dòng đồng hồ mới Forerunner 945 LTE được tích hợp cảm biến mới ELEVATE V4].

Cách tốt nhất để đánh giá cảm biến nhịp tim có tốt hay không là xem đồ thị nhịp tim có đều hay trồi sụt. Nếu nhịp tim tăng đều, không có những đoạn trồi sụt thì có nghĩa là cảm biến nhịp tim hoạt động ổn định. Dưới đây là một ví dụ.

Đánh giá của runner

Với kình ngư Lâm Quang Nhật [HCV bơi cự ly 1.500m SEA Games], nay đã chuyển qua thi đấu triathlon, việc sử dụng đồng hồ GPS đã trở nên quen thuộc cho các buổi tập chạy. Trong giai đoạn giãn cách xã hội ở TP HCM, Lâm Quang Nhật sử dụng Garmin Forerunner chủ yếu để tập chạy trên máy và kết nối với các nền tảng chạy thực tế ảo như Zwift [một app xây dựng thế giới ảo để runner và dân đạp xe kết nối và luyện tập] để bớt nhàm chán khi tập một mình ở nhà.

Một số runner phong trào có thành tích cao cũng đã thử nghiệm Forerunner 55. Runner Simon Hồ [Hồ Phước Hải] cho biết Forerunner 55 sở hữu pin khá ấn tượng với khoảng 7-8%/h khi kết hợp dùng GPS và đo nhịp tim cổ tay. Cảm nhận chung là chỉ cần sạc pin một lần sau khoảng 2-3 tuần sử dụng [theo thông tin từ nhà sản xuất, thời lượng pin có thể lên đến 20h khi dùng ở chế độ GPS].

Còn đối với runner Đan Quyết, anh đã thử đeo cả Forerunner 935 và Forerunner 55 để đối chiếu và kết quả là quãng đường chênh lệch giữa hai đồng hồ vào khoảng 0.5% tới 0.6% [cho hai lần thử nghiệm ở cự ly 8km và 10km].

Phạm Minh Quang

Phạm Minh Quang là vận động viên triathlon sống ở Singapore. Năm 2017, Quang là người Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 World Championship tại Mỹ. Hiện nay Quang đang tập luyện với Trisutto.

boidapchay.com
0 trên 5 Thêm đánh giá

Video liên quan

Chủ Đề