Ô nhiễm hóa chất là gì

Vi phạm là chủ yếu

Trong rất nhiều chương trình nghị sự của thành phố, vấn đề bảo vệ môi trường thường được nhắc đến như một biện pháp song hành với việc tăng tốc đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại đã nhiều năm, việc nói cứ nói nhưng không mấy ai, cơ quan nào thực thi các nhiệm vụ được giao một cách nghiêm túc đối với công tác kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, tác động đến môi trường từ các doanh nghiệp sản xuất đủ thứ ngành nghề, nhất là doanh nghiệp có chức năng sản xuất công nghiệp với quy mô lớn.

Lâu dần thành quen, sự buông lỏng quản lý của các ngành, các cấp chính là động cơ khiến hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào khâu đầu tư sản xuất sao cho thật nhiều sản phẩm, sao cho chi phí tiết kiệm nhất để tăng nguồn lợi nhuận.

Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã mặc nhiên bỏ qua quy trình tưởng như bắt buộc: Quy trình quản lý, xử lý chất thải công nghiệp nhằm bảo vệ tối đa môi trường tự nhiên xung quanh không bị ô nhiễm.

Để lập lại tình hình, đồng thời cũng là thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng tại Công văn số 3314/UBND-MT ký ngày 18/6/2007, Sở Công thương Hải Phòng đã chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan như Sở TN-MT, Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở KH-CN, Ban Quản lý các KCX-KCN thành lập Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra ô nhiễm môi trường do hóa chất gây ra tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng.

Đến nay, Đoàn đã kiểm tra thực tế tại 14 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có nhiều "tên tuổi lớn" như: Nhà máy Đất đèn và Hóa chất Tràng Kênh, Công ty TNHH Hoàng Xuân, Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Hóa chất PTN, Công ty CP Thép Vạn Lợi, Công ty CP HAPACO, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng, Công ty TNHH Aroma Bay Candles, Nhà máy Ôtô Hữu Nghị, Công ty CP Bao bì rượu bia nước giải khát, Công ty TNHH Ortec Chemical, Công ty CP Vật liệu kỹ thuật điện...

Hầu hết các cơ sở sản xuất quy mô lớn đều sử dụng công nghệ, thiết bị nhập của Trung Quốc, Đài Loan. Riêng Nhà máy Đất đèn và Hóa chất Tràng Kênh sử dụng công nghệ thiết bị trong nước sản xuất từ năm 1980 đã cũ và lạc hậu, mức độ gây ô nhiễm rất lớn, chỉ bằng cảm quan cũng có thể nhìn nhận được.

Và kết quả kiểm tra cũng không có gì bất ngờ: Trừ 2 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất tại thời điểm kiểm tra[?] còn lại 11/12 doanh nghiệp [trong đó có Công ty CP Giấy Hải Âu đang sản xuất "thế chỗ" trên dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh và diện tích mặt bằng của Công ty CP HAPACO] đều vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về sử dụng hoá chất độc hại cũng như không chứng minh được đã vận hành quy trình xử lý chất thải để bảo vệ môi trường.

Thậm chí, có 2 đơn vị cho đến giờ vẫn không có giấy phép đầu tư là Công ty TNHH Hoàng Xuân, Công ty TNHH Hải Long.--PageBreak--

Đùa giỡn với hóa chất nguy hiểm

Một biểu hiện dễ thấy nhất tại đợt kiểm tra là 11/14 doanh nghiệp nêu trên đều sử dụng các loại hóa chất nằm trong danh mục nguy hiểm và độc hại vào quá trình sản xuất nhưng không hề khai báo với cơ quan chức năng.

Trong đó có 4 doanh nghiệp chưa có nhãn mác hàng hóa thể hiện hóa chất nguy hiểm trên sản phẩm là Công ty TNHH Hóa chất PTN, Công ty CP Thép Vạn Lợi, Công ty CP Hải Âu, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng. Còn lại 6/11 cơ sở có nhãn mác không đúng quy định, không nhằm khuyến cáo với người tiêu dùng mà chỉ để... đối phó với cơ quan kiểm tra.

Những cuộc kiểm tra còn phát hiện ra rằng, khá nhiều cơ sở hiện sử dụng và lưu giữ hóa chất không theo những nguyên tắc an toàn, không có các biện pháp phòng, chống sự cố hóa chất. Vì vậy, trong trường hợp xảy ra các sự cố về hóa chất, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.

Công ty TNHH Hải Long, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng dù thường xuyên sử dụng hóa chất nguy hiểm nhưng lại không hề có kho chứa riêng biệt. Trong khi đó, có 4 cơ sở có kho chứa cũng như không vì không để hóa chất riêng biệt, không đảm bảo về khoảng cách an toàn khi xảy ra sự cố hóa chất. 3/11 cơ sở chưa đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công nhân viên tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm.

Riêng Công ty TNHH Ortec Chemical sản xuất, sử dụng và nhập khẩu rất nhiều loại hóa chất nguy hiểm từ Trung Quốc, sản phẩm hóa chất của công ty có lưu thông trên thị trường trong nước nhưng nhãn mác hàng hóa không in tiếng Việt và không có cảnh báo an toàn theo quy định, công ty chưa xây dựng được kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố và duy trì khoảng cách an toàn của hóa chất nguy hiểm.

Thiếu ý thức bảo vệ môi trường

Với ý thức như vậy nên gần như hầu hết các doanh nghiệp có tên trong đợt kiểm tra này, ít nhiều đã góp phần làm gia tăng tính bức xúc đối với môi trường. Qua kiểm tra, có 9/14 cơ sở có lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường [ĐTM] hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường nhưng không thực hiện đúng như cam kết.

Trong đó, Công ty TNHH Hoàng Xuân còn không thực hiện công tác lập báo cáo ĐTM khi đi vào hoạt động, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận. Ngoài ra, gần như không có cơ sở sản xuất nào đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đương nhiên cũng không có giấy phép xả thải.

Biện pháp xả thải tại 14 doanh nghiệp này chỉ là đưa vào bể lắng rồi thải thẳng vào cống thoát nước chung của khu vực sau đó xả ra sông. Tệ hơn, một số cơ sở còn đối phó bằng cách xả nước thải vào các ao, hồ nhỏ trong phạm vi quản lý của cơ sở mình để tự thấm vào đất hoặc tuần hoàn nước thải như Công ty CP Giấy Hải Âu.

Vì vậy, khi lấy mẫu nước thải và phân tích của 9 cơ sở, kết quả 9/9 cơ sở đều thải nước thải bị ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Trong đó, nồng độ pH: vượt từ 5,4 đến 11,2 so với TCVN 5945:2005. Trong đó có Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng có pH < 5,5 và Nhà máy Đất đèn và Hóa chất Tràng Kênh có độ pH quá kiềm > 9.

Mức độ ô nhiễm do các chất hữu cơ thể hiện qua các thông số COD [nhu cầu ôxy hóa học] và BOD5 [nhu cầu ôxy sinh hóa] cũng rất đáng sợ. Kiểm tra theo tiêu chí này cho thấy hàm lượng COD-BOD5 tại Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng vượt 23,14 lần và 2,76 lần; Công ty TNHH Hải Long vượt 11,24 lần và 9,16 lần; Công ty CP Thép Vạn Lợi vượt 9,96 lần và 8,26 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Kiểm tra các theo các tiêu chí khác như ô nhiễm do các chất dinh dưỡng, các chất lơ lửng, hàm lượng nitơ, vi khuẩn, benzen... trong nước thải và khí thải cũng đều cho ra những con số giật mình: Vượt xa nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Theo phân tích của giới chuyên môn, cứ nhìn vào kết quả này là chỉ có thể nói rằng: "Môi trường sống của chúng ta đang bị hủy hoại một cách quá... tàn nhẫn". Được biết, sau khi có kết quả kiểm tra, Sở Công thương đã và đang tiếp tục kiến nghị với UBND TP áp dụng các biện pháp xử lý dưới nhiều hình thức từ nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Thậm chí, sẽ can thiệp mạnh mẽ để cáo buộc các doanh nghiệp này nhất thiết phải đầu tư công nghệ sản xuất, hạn chế ô nhiễm và xử lý nguồn thải đảm bảo vệ sinh môi trường trước khi thải ra tự nhiên, nếu muốn duy trì sản xuất

Video liên quan

Chủ Đề