Nhân xét, đánh giá chung khai quát tình hình vi phạm hành chính


Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân quận Hải Châu báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT

VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ CÁC VĂN BẢN CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT

                1. Để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành, UBND quận Hải Châu đã ban hành các văn bản và triển khai thực hiện trong năm 2018:

- Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 26/01/2018 triển khai thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn quận năm 2018.

- Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 24/01/2018 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn quận Hải Châu.

- Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 05/3/2018 kiểm tra giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất trên địa bàn quận Hải Châu.

- Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 thành lập đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Hải Châu.

- Công văn số 12/UBND-PTP ngày 04/01/2018 về việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Công văn số 99/UBND-VP ngày 19/01/2018 xử lý các hành vi gian lận, trốn nộp thuế, lệ phí theo quy định; Công văn số 710/UBND-PTP ngày 03/5/2018 triển khai thực hiện Thông tư số 05/2018/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Công văn số 1017/UBND-PTP ngày 15/6/2018 về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2018; Công văn số 2232/UBND-PTP ngày 18/12/2018 về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 .

2. Theo đó, các phòng, ngành, UBND các phường thuộc quận đã xây dựng và triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo, đúng quy định của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

II. CÔNG TÁC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Trong quá trình thực hiện Luật và các văn bản quy định chi tiết có liên quan, tại địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, cũng như phát hiện những quy định chồng chéo, bất cập trong thực tiễn, qua đó đã tổng hợp tại các báo cáo về công tác xử lý vi phạm hành chính gửi Sở Tư pháp và UBND thành phố Đà Nẵng để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

III. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN, HƯỚNG DẪN VỀ KỸ NĂNG, NGHIỆP VỤ TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chínhđược các ngành, đơn vị và UBND các phườngthuộc quận triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như:

- Ngày14/3/2018: Hội nghị tập huấn điều kiện an toàn thực phẩm cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác an toàn thực phẩm các phòng, ngành, UBND 13 phường thuộc quậnvà các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận.

- Ngày 18/4/2018: Hội nghị tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cho lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác xử phạt vi phạm hành chính của các phòng, ngành,Ủy ban nhân dân 13 phường thuộc quận.

- Ngày 18/6/2018: Hội nghị tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm cho đội ngủ báo cáo viên cấp quận, lãnh đạo các phòng, ngành, UBMTTQVN, các đoàn thể, Chủ tịch và cán bộ tư pháp của UBND 13 phường thuộc quận.

- Xây dựng bản tin tuyên truyền pháp luật theo hình thức các câu hỏi-đáp về các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: an toàn thực phẩm; an sinh xã hội; an toàn giao thông; an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy; bảo vệ môi trường; trật tự xây dựng… và mức xử phạt tương ứng với từng hành vi quy định tại các Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Nghị định số 139/2017/NĐ-CPcủa Chính phủ.

- Để thống nhất về thủ tục giải quyết hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền Tòa án, Tòa án nhân dân quận Hải Châu tiếp tục quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh số 09/2014/PL-UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về trình tự thủ tục, xem xét quyết định biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP; Nghị định 221/2013 ngày 30/12/2013 của Chính phủ; Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/ 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 221/2013/NĐ-CP;…đến toàn thể thẩm phán, thư ký của đơn vị.

- Cử cán bộ trực tiếp làm công tác xử lý vi phạm hành chính của các đơn vị, UBND các phường tham gia lớp bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao về kỹ năng xử lý vi phạm hành chính do BộTư pháp, UBND thành phố và Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức.

2. Số lượng bản tin: 8.208; tài liệu: 1.813; cuộc hội nghị tập huấn: 10; số người/lượt người được tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn: 1.833.

IV. CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: UBND quận đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 24/01/2018 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn quận Hải Châu; Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 05/3/2018 kiểm tra giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất trên địa bàn quận Hải Châu; Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 thành lập đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Hải Châu. Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 25/7/2018 về kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018; Quyết định số 11260/QĐ-UBND ngày 04/9/2018 Thành lập Đoàn kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018.

2. Tổng số cuộc kiểm tra, kiểm tra liên ngành: Trên cơ sở Kế hoạch, Quyết định ban hành, các Đoàn đã tiến hành tổ chức 531 cuộc kiểm tra liên ngành.

3. Kết quả kiểm tra: Qua kiểm tra, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm đề xuất giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trên địa bàn quận, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

V. XÂY DỰNG, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ, CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ VẬT CHẤT BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: UBND quận chỉ đạo các phòng, ngành, UBND các phường thuộc quận căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thường xuyên, liên tục theo từng lĩnh vực và theo từng địa bàn cụ thể, đồng thời đảm bảo sự phối, kết hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đúng quy định.

Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay tại UBND quận giao cho Phòng Tư pháp, chưa bố trí cán bộ chuyên trách, chỉ phân công kiêm nhiệm. 

2. Về các điều kiện khác bảo đảm thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính: UBND quận đã trang bị cho các đơn vị, các ngành trực tiếp tham mưu công tác xử lý vi phạm hành chính như máy đo tiếng ồn, máy ghi hình, ảnh, camera, máy ghi âm, máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ, xe bán tải...

Kinh phí đảm bảo hoạt động quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 phân bổ cho Phòng Tư pháp là 7.000.000 đồng.

VI. CÔNG TÁC BÁO CÁO, THỐNG KÊ

UBND quận thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền đúng quy định, đảm bảo yêu cầu và thời hạn báo cáo.

Thực hiện chế độ thống kê về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn quản lý đầy đủ, kịp thời.

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH THỰC THI, ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

I. TÌNH HÌNH VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Nhận xét, đánh giá chung, khái quát tình hình vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn quản lý quận Hải Châu: Trong năm 2018, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn quận tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực như trật tự xây dựng, giao thông đường bộ, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự,.. Trong đó các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ là phổ biến nhất.

2. Nguyên nhân chính của tình hình vi phạm hành chính: Do hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số người dân, tổ chức tuy đã biết các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm.

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

  1. Số vụ việc vi phạm và số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Theo bảng tổng hợp số liệu về xử phạt vi phạm hành chính [Mẫu số 1]: Trong năm 2018, trên địa bàn quận đã ban hành 1398 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó Chủ tịch UBND quận đã ban hành 263 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực[giảm 307 quyết định so với năm 2017]; Chủ tịch UBND 13 phường thuộc quận ban hành 1135 quyết định xử phạt vi phạm hành chính [giảm 125 quyết định so với năm 2017].

Đối tượng vi phạm: 68 tổ chức và 1330 cá nhân [nam 744, nữ 586]

Tổng số tiền phạt thu được: 2.230.262.500 đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu: 0; số giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng có thời hạn: 06; số vụ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn: 08.

Tình hình áp dụng biện pháp thay thế xử lý VPHC nhắc nhở đối với người chưa thành niên: 02.

          2. Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

 Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành: 1398. Trong đó:

a] UBND quận Hải Châu ban hành: 263 quyết định. 

 - Số quyết định đã thi hành: 263, chiếm tỷ lệ 100%

 - Số quyết định chưa thi hành xong: 0       

 - Tổng quyết định bị cưỡng chế thi hành: 0

 - Số tiền phạt thu được: 1.528.287.500 đồng

 - Số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện: 0

 - Số lượng quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền: 0

b] UBND 13 phường thuộc quận ban hành: 1135 quyết định

- Số quyết định đã thi hành: 1127, chiếm tỉ lệ 99,30%%

 - Số quyết định chưa thi hành xong: 8, chiếm tỷ lệ 0,70%

 - Tổng quyết định bị cưỡng chế thi hành: 0

 - Số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện: 0

 - Số lượng quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền: 0

 - Số tiền phạt thu được: 701.975.000 đồng.

Số lượng hồ sơ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự: 0

III. KẾT QUẢ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

1. Nhận xét, đánh giá chung về tình hình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương: Công tác lập hồ sơ, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được các cơ quan chức năng thận trọng và có trách nhiệm từ khâu lậphồ sơ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng pháp luật, kịp thời đưa đối tượng chấp hành quyết định, góp phần nâng cáo hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư cũng như người bị xử lý và thân nhân gia đình họ.

2. Số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: 26 [giảm 25 hồ sơ so với năm 2017]. Số vụ bị khiếu nại, khởi kiện: 0

3. Số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: 70 hồ sơ; đã giải quyết 70 hồ sơ [giảm so với năm 2017: 60 hồ sơ], cụ thể:

- Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 0 hồ sơ.

- Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: 0 hồ sơ.

- Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 70 hồ sơ [giảm 60 hồ sơ so với năm 2017], giải quyết 70 hồ sơ.

Số hồ sơ khiếu nại, khiếu kiện: 05. 05 hồ sơ có kết quả phúc thẩm đều giữ nguyên quyết định sơ thẩm.

4. Nhận xét, đánh giá về tình hình tổ chức thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án quyết định; số lượng hoãn, miễn chấp hành quyết định: Không thụ lý trường hợp nào hoãn chấp hành cũng như miễn chấp hành quyết định áp dụng các biện pháp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc.

5. Số trường hợp áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên: 0

6. Khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị:

- Thủ tục lập hồ sơ còn thiếu chặt chẽ, không thu thập giấy chứng minh nhân dân cũng như các bản án, quyết định để xác định nhân thân của người bị đề nghị, dẫn đến người bị đề nghị khai man lý lịch nhằm trốn tránh các cơ quan pháp luật rất dễ oan sai. Đề nghị Công an thành phố tập huấn, hướng dẫn cho công an địa phương phải đảm bảo các quy định về việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Điểm a khoản 1 Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” và tại Điều 8 Thông tư số 05/2018/TT-BCA ngày 07/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: “Hết thời hạn đọc hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này, cơ quan Công an nơi lập hồ sơ chuyển hồ sơ kèm theo văn bản đề nghị kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện”. Vấn đề này, có nhiều cách hiểukhác nhau giữa quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hànhvề thẩm quyền của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dẫn đến áp dụng không thống nhất.

- Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi,bổ sung Điều 9 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:  Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì không có “Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.Tuy nhiên Cơ sở xã hội Bầu Bàng yêu cầu phải có Quyết định này mới tiếp nhận người nghiện vào cơ sở trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên gây khó khăn cho cơ quan lập hồ sơ.

Phần thứ ba

NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CHỦ YẾU TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

          I. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC XUẤT PHÁT TỪ CÁC CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

                1. Khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính

- Khoản 2 và 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định về “người chứng kiến”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể “ai” là “người chứng kiến”?

- Áp dụng tình tiết tăng nặng đối với vi phạm hành chính được quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính“Vi phạm hành chính có quy mô lớn”. Quy định này còn mang tính định tính, khó áp dụng trong thực tế, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

   - Tại khoản 3 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II- Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính”. Quy định như vậy là chưa rõ, gây khó hiểu trong quá trình thực hiện.

          2. Khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Cùng một hành vi vi phạm hành chính nhưng được quy định tại hai Nghị định khác nhau của Chính phủ, tuy nhiên mức phạt bằng tiền khác nhau, chênh lệch khoảng 10 lần. Do đó gây khó khăn khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.Cụ thể:

Điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân thực hiệnhành vi đổ nước, xả rác ra vỉa hè đường bộ không đúng nới quy định”.Trong khi đó, tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủvề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trườngquy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng”.

   II. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

1. Về các điều kiện bảo đảm thi hành Luật

Kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được bố trí nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đối với các trường hợp cần tạm giữ tang vật thì cơ quan chức năng không có phương tiện bảo quản đối với các sản phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản đặc biệt, chưa có kho lưu giữ tang vật và các hình thức xử lý triệt để tang vật sau xử phạt vi phạm hành chính.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ: UBND quận thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụnhằm nâng cao về nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác này, góp phần thiết thực triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính ngày càng hiệu quả hơn trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đang có những khó khăn, vướng mắc nhất định từ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn, người có thẩm quyền xử phạt còn nhiều lúng túng trong việc vận dụng các quy định của pháp luật; công chức được giao nhiệm vụ xử lý tại UBND các phường chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu xử lý vi phạm hành chính.

3. Công tác kiểm tra, thanh tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các cơ quan, đơn vị được tiến hành thường xuyên, tuy nhiên cán bộ, công chức đảm nhiệm công tác này đều là kiêm nhiệm nên trong quá trình thực hiện một người phải đảm nhiệm nhiều công việc sẽ không bảo đảm cho công tác kiểm tra thi hành pháp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

III. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Luật xử lý vi phạm hành chính khi triển khai trong thực tiễn mới phát sinh một số vấn đề chưa được quy định đầy đủ trong luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Điều kiện về biên chế, cơ sở vật chất còn thiếu, kinh phí còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Một số cơ quan chuyên môn, người có thẩm quyền xử phạt còn lúng túng trong việc vận dụng các quy định của pháp luật; công chức được giao nhiệm vụ xử lý chưa nghiên cứu kỹ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu xử lý vi phạm hành chính, hầu hết cán bộ tham mưu kiêm nhiệm nhiều công việc nghiên cứu chưa sâu; các trường hợp vi phạm hành chính xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ý thức chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân còn thấp.

Biện pháp xử lý hành chính là hình thức áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm quản lý, giáo dục trong một thời gian nhất định và buộc họ phải sinh hoạt, lao động, học tập theo sự quản lý, giáo dục chung của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đối với việc giáo dục, cải tạo từng con người còn gặp khó, do đây là những đối tượng gây rối, trộm cắp, lười lao động, trình độ học vấn thấp, thời gian giáo dục bắt buộc không dài, khi trở về cộng đồng lại không có công ăn, việc làm nên hiệu quả giáo dục, cải tạo đối với họ chưa cao.


Video liên quan

Chủ Đề