Vì đủ về giá trị khoa học bền vững và ý nghĩa cách mạng

TS. Phạm Công Khâm

UVBTV, Trưởng Ban tuyên giáo

Hiệu trưởng Trường Chính trị Kiên Giang

Trong thời buổi cách mạng thế giới đang thoái trào, lý luận cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội rơi vào sự khủng hoảng, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội ráo riết tấn công hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, cần thiết phải khẳng định những giá trị bền vững, cốt lõi của của chủ nghĩa Mác-Lênin mặc cho thế giới có đổi thay. Thực tiễn 165 năm kể từ khi ra đời, thời gian càng lùi xa, càng thêm chứng minh chủ nghĩa Mác-Lênin có những giá trị bền vững của nó.

   1. Phương pháp duy vật biện chứng - hay chủ nghĩa duy vật biện chứng là một phương pháp nhận thức thế giới trong Triết học Mác-Lênin

   Phương pháp duy vật biện chứng là chủ nghĩa duy vật kết hợp với phép biện chứng, đã kế thừa tư tưởng về phương pháp biện chứng và lý luận về chủ nghĩa duy vật cũng như những thành tựu khoa học tự nhiên và thực tiễn xã hội đương thời. Phương pháp luận này coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác.

   Theo Ăngghen, Phép biện chứng là môn khoa học về những qui luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy . Lênin: Phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển…”, Phương pháp duy vật biện chứng là hệ thống các nguyên lý, phạm trù, qui luật cơ bản của phép biện chứng và lý luận nhận thức duy vật biện chứng. Đó là: Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, nguyên lý về sự phát triển; Các cặp phạm trù: Cái chung và cái riêng; Nguyên nhân và kết quả; Tất nhiên và ngẫu nhiên; Nội dung và hình thức; Bản chất và hiện tượng; Khả năng và hiện thực,... Các qui luật: Qui luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất và ngược lại; Qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; Qui luật phủ định của phủ định,...

   Phương pháp duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin có sự thống nhất giữa nội dung thế giới quan [duy vật biện chứng] và phương pháp luận [biện chứng duy vật], nó không chỉ giải thích thế giới mà còn là công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới.

   Thực tiễn phát triển của xã hội loài đến nay, càng chứng minh giá trị phương pháp luận đúng đắn của phương pháp duy vật biện chứng của Triết học Mác -Lênin.

   2- Quan niệm duy vật về lịch sử - hay là chủ nghĩa duy vật lịch sử

   Chủ nghĩa duy vật lịch sử chính là sự vận dụng triệt để những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật để xem xét lĩnh vực thuộc các hiện tượng xã hội, được xem như chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội, chỉ ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử đã đem lại cho triết học một quan niệm vừa duy vật, vừa biện chứng về lịch sử; đã kết hợp một cách hữu cơ chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng, chấm dứt sự lộn xộn và tuỳ tiện thống trị từ trước trong quan niệm về lịch sử.

   Ph.Ăngghen đã đánh giá công lao vĩ đại của C.Mác đối với sự phát triển của nhân loại: Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: cái sự thật đơn giản đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v. được; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm" [1]. V.I.Lê-nin nhấn mạnh: "Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học" [2].

   Quan niệm duy vật về lịch sử vận dụng mối quan hệ giữa vật chất và ý thức để nghiên cứu và giải thích sự phát triển xã hội. Vật chất trong lĩnh vực xã hội là tồn tại xã hội, còn ý thức trong lĩnh vực xã hội là ý thức xã hội. Tồn tại xã hội bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, song yếu tố quan trọng nhất là phương thức sản xuất. Phương thức sản xuất là yếu tố quyết định nhất trong tồn tại xã hội, bên cạnh các yếu tố cấu thành khác là hoàn cảnh địa lý và mật độ dân số.

   Mỗi phương thức sản xuất nhất định trong lịch sử là sự thống nhất biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong đó lực lượng sản xuất là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, là sự thống nhất hữu cơ giữa tư liệu sản xuất và người lao động. Người lao động sử dụng tư liệu sản xuất hiện có, trước hết là công cụ lao động, để tác động vào tự nhiên và qua đó, tạo ra toàn bộ của cải vật chất, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Còn quan hệ sản xuất được quan niệm là mối quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất, được biểu hiện trên ba phương diện: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối sản phẩm. Trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất đóng vai trò quyết định và chi phối. Và theo đó, trong các yếu tố cấu thành tồn tại xã hội, phương thức sản xuất là yếu tố quan trọng nhất, còn các yếu tố khác là tiền đề và điều kiện cho sự vận động và phát triển của phương thức sản xuất.

   Ý thức xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội ở hai trình độ: tâm lý xã hội và hệ tư tưởng; đồng thời, nó còn được biểu hiện dưới các hình thái cơ bản khác, như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học và triết học.

   Nếu như chủ nghĩa duy vật biện chứng thừa nhận rằng, vật chất là cái có trước và quyết định ý thức, còn ý thức là cái có sau và là sản phẩm của vật chất có tổ chức cao là bộ óc con người; là sự phản ánh tự giác thế giới vật chất vào trong bộ óc con người, đồng thời có tác động tích cực trở lại đối với sự tồn tại và phát triển của thế giới vật chất thì chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng khẳng định rằng, tồn tại xã hội có trước và quyết định ý thức xã hội; ý thức xã hội là cái có sau và là sự phản ánh tự giác, tích cực ít nhiều tồn tại xã hội; nó có tính độc lập tương đối và đặc biệt là, thông qua hoạt động của con người, có tác động trở lại tồn tại xã hội. Với tính chất này, ý thức xã hội có thể đóng vai trò đẩy nhanh hoặc kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội. Vì vậy, Chủ nghĩa duy vật đánh giá cao vai trò hoạt động thực tiễn của con người.

   3- Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội.

   Cũng chính từ chủ nghĩa duy vật lịch sử đã chỉ không dừng lại ở việc lý giải nguyên lý chung về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, mà còn đi sâu phân tích kết cấu của xã hội, xác định vị trí, vai trò của từng yếu tố cấu thành xã hội, đồng thời xem xét mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố đó hình thành học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội. Có thể khẳng định rằng, trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là một trong những nền tảng lý luận quan trọng của lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin.                

   Hình thái kinh tế - xã hội là một khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử "dùng để chỉ xã hội ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất và một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy" [3]. Học thuyết này chỉ rõ:

   Thứ nhất, thừa nhận sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội. Sản xuất xã hội là hoạt động đặc trưng riêng có của con người và xã hội loài người, đó là cái phân biệt "sự khác nhau cơ bản giữa xã hội loài người và loài súc vật", bao gồm: sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và sản xuất ra bản thân con người. Trong hiện thực, ba quá trình này của sản xuất không tách biệt nhau, trong đó sản xuất vật chất giữ vai trò nền tảng, là cơ sở cho sự tồn tại, phát triển xã hội và xét đến cùng, nó là cái quy định và quyết định toàn bộ đời sống xã hội.

   Thứ hai, khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất, xét đến cùng, là cái đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi phương thức sản xuất, dẫn đến thay đổi toàn bộ các quan hệ xã hội.

"Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp" [4].

   Thứ ba, khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng ở chỗ, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, mặc dù kiến trúc thượng tầng có khả năng tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng.

   C.Mác viết: "Không thể lấy bản thân những quan hệ pháp quyền cũng như những hình thái nhà nước, hay lấy cái gọi là sự phát triển chung của tinh thần của con người, để giải thích những quan hệ và hình thái đó, mà trái lại, phải thấy rằng những quan hệ và hình thái đó bắt nguồn từ những điều kiện sinh hoạt vật chất... Nếu ta không thể nhận định về con người căn cứ vào ý kiến của chính người đó đối với bản thân, thì ta cũng không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội" [5].

   Từ những quan điểm cơ bản này, C.Mác đi đến một kết luận hết sức khái quát là: "Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó" [6]. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một phương thức sản xuất đặc trưng.

   Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác ra đời là một cuộc cách mạng của khoa học xã hội nói chung và Triết học nói riêng. Khác với tất cả các lý luận duy tâm, thần bí hay siêu hình trước đó, học thuyết đó đã chỉ ra rằng, động lực của lịch sử không phải là một thứ tinh thần thần bí nào, mà chính là hoạt động thực tiễn của con người, mà hoạt động đó lại xuất phát từ cái sự thật hiển nhiên là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học, v.v... C.Mác đã làm nổi bật những quan hệ xã hội vật chất, tức là những quan hệ sản xuất, những quan hệ cơ bản, ban đầu và quyết định đối với tất cả mọi quan hệ khác, đã cung cấp cho khoa học xã hội một tiêu chuẩn hoàn toàn khách quan để thấy được các quy luật xã hội.

   Đánh giá ý nghĩa trong học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội của C. Mác, V.I.Lênin đã khẳng định: "... Có thể đem những chế độ của các nước khác nhau khái quát lại thành một khái niệm cơ bản duy nhất là: hình thái xã hội. Chỉ có sự khái quát đó mới cho phép chuyển từ việc mô tả [và từ việc đánh giá theo quan điểm lý tưởng] những hiện tượng xã hội sang việc phân tích hiện tượng đó một cách hết sức khoa học" [7].

   Toàn bộ lịch sử vận động và phát triển của xã hội loài người là sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội mà mỗi hình thái kinh tế - xã hội sau bao giờ cũng là một sự phát triển cao hơn hình thái kinh tế - xã hội trước đó. Khi phân tích quy luật vận động của một xã hội nhất định, học thuyết này chỉ ra những mâu thuẫn bên trong và khẳng định chính sự vận động của mâu thuẫn này, cuối cùng, sẽ dẫn đến sự chuyển hóa từ một hình thái kinh tế - xã hội này sang một hình thái kinh tế - xã hội khác. Tất cả các hình thái kinh tế - xã hội thay thế nhau trong lịch sử tạo nên chuỗi phát triển tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên, các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau trong lịch sử vẫn chỉ là những nấc thang nhất thời trên con đường phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao. C.Mác viết: "Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên" [8]. V.I.Lênin giải thích thêm: "Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Và dĩ nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội được" [9].

   Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều học giả đã nhắc tới học thuyết về các nền văn hoá và văn minh, một số người đã coi nó là một lý thuyết khoa học và có thể thay thế cho cách tiếp cận hình thái kinh tế – xã hội của C.Mác. Công bằng mà nói, học thuyết về các nền văn hóa, văn minh có nhiều điểm đáng được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ cách tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, chúng ta có thể thấy, trong khi coi trọng vai trò quyết định của nhân tố kinh tế, C.Mác không hề bỏ qua yếu tố văn hoá trong sự phát triển xã hội. Nhưng theo quan điểm của C.Mác, yếu tố văn hóa luôn chịu sự quy định và phụ thuộc vào yếu tố vật chất. Đồng thời với việc khẳng định sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên, trong đó hình thái kinh tế – xã hội phát triển sau luôn tiến bộ hơn hình thái kinh tế – xã hội trước đó, học thuyết hình thái kinh tế – xã hội còn thừa nhận sự kế thừa và phát triển của các nền văn minh nhân loại, coi sự thay thế các hình thái kinh tế – xã hội cũng chính là sự thay thế các nền văn minh.

   4- Học thuyết giá trị thặng dư

    Cùng với quan niệm duy vật về lịch sử, Ph.Ăngghen coi học thuyết giá trị thặng dư là phát minh vĩ đại thứ hai của C.Mác. Vì C. Mác là người phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư, cũng như nguồn gốc của giá trị thặng dư, qua đó vén bức màn bí mật che đậy sự thật về bản chất bóc lột lao động làm thuê của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Không phải chỉ có tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, "Mác cũng tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Với việc phát hiện ra giá trị thặng dư trong lĩnh vực này thì lập tức một ánh sáng đã hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản cũng như của các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa vẫn đều mò mẫm trong bóng tối” [10]. Cho đến nay, các học giả tư sản vẫn không thể bác bỏ được mà còn phải thừa nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Học thuyết giá trị thặng dư của Mác vẫn là học thuyết kinh tế quan trọng khi nguyên cứu về chủ nghĩa tư bản. Nó có một ý nghĩa thời đại sâu sắc mà chúng ta cần biết khai thác, vận dụng để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

   Nếu gạt bỏ đi tính chất bóc lột của hai phương pháp sản xuất giá trị thăng dư tuyệt đối và tương đối thì chúng ta hoàn toàn có quyền ứng dụng nó trong điều kiện đất nước hiện nay. Ví như, đối với phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối thì trong hoàn cảnh nhất định, vẫn có thể tăng cường lao động, kéo dài ngày lao động để tạo ra nhiều sản phẩm thặng dư cho xã hội. Hoặc như phương pháp sản xuất giá trị thăng dư tương đối, tức là phương pháp phải ứng dụng tiến bộ khoa học nâng cao năng suất, để rút ngắn thời gian tất yếu, do đó thời gian thặng dư sẽ kéo dài ra và sản phẩm thặng dư sẽ nhiều hơn. Trong tất cả những điều đó, gạt đi tính chất bóc lột chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng vào tình hình đất nước ta hiện nay.

   Cùng với học thuyết giá trị thặng dư, lý luận về sở hữu, xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, về  sự ra đời tất yếu của sở hữu xã hội đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

   5- Học thuyết về chủ nghĩa xã hội

   Bên cạnh ý nghĩa đối với triết học, sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử còn là cơ sở lý luận cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong bài Các Mác [1877], Ph.Ăngghen đã nhận xét rằng, chủ nghĩa xã hội khoa học đã được xây dựng dựa trên hai phát minh vĩ đại của C.Mác. Do đó, theo Ph.Ăngghen, vấn đề đặt ra là, một mặt, cần trình bày phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong mối liên hệ lịch sử của nó, trong tính tất yếu của sự sinh thành, phát triển và tiêu vong của nó, nhưng mặt khác, cũng phải vạch trần tính chất bên trong, vẫn còn ẩn giấu của phương thức sản xuất ấy. Cả hai điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác.

   Trên cơ sở quy luật sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên, tính tất yếu thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xa hội, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là tất yếu như nhau.

   Những dự báo về đặc trưng cơ bản, về cách thức, khả năng thực hiện chủ nghĩa xã hội là quá trình của kết quả phát triển tích gợp những điều kiện cụ thể và cần thiết về kinh tế, chính trị và văn hoá-xã hội khác nhau chín muồi khách quan, chứ không phải theo ý muốn chủ quan ở các quốc gia, dân tộc.

   6- Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

   Từ sơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cho thấy, nguồn gốc sâu xa của sự phát triển xã hội là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập nằm ngay trong lòng của xã hội, trước hết là sự đấu tranh giữa lực lượng sản xuất mới với quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, đang kìm hãm sự phát triển của nó. Trong xã hội có giai cấp đối kháng thì sự đấu tranh giữa lực lượng sản xuất mới với quan hệ sản xuất cũ được thể hiện thành cuộc đấu tranh giữa giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất mới và giai cấp đại diện cho quan hệ sản xuất cũ. Cuộc đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng sẽ dẫn đến cách mạng xã hội, tức là dẫn đến bước nhảy vọt về chất trong sự phát triển của xã hội.

   Trong xã hội tư bản, C.Mác đã tìm thấy một lực lượng xã hội đảm nhận vai trò và sứ mệnh của mình, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội loài người và giải phóng từng con người khỏi áp bức, bóc lột và sự nô dịch của chủ nghĩa tư bản, tiến tới xã hội cộng sản văn minh.

   Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đem lại cho giai cấp đó ý thức về địa vị bản thân mình và yêu cầu mình, ý thức về điều kiện để giải phóng mình. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đã làm rõ tiêu chí xác định thế nào là giai cấp vô sản: đó là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp và vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp. Mác và Ăngghen cho rằng: tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp” [11].

   Sở dĩ giai cấp công nhân có vai trò, sứ mệnh lịch sử ấy là vì nó là con đẻ của nền sản xuất hiện đại - đại  diện cho tính xã hội hoá của lực lượng sản xuất và cũng đại biểu cho quan hệ sản xuất mới xã hội hoá sơ hữu, phù hợp với lực lương sản xuất, tức là đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hợp trào lưu tiến hoá của lịch sử. Chỉ có giai cấp công nhân mới có tính cách mạng triệt để vì nó không có lợi ích riêng với chế độ tư hữu, nó tìm thấy lợi ích chân chính của mình khi phấn đấu cho lợi cho toàn xã hội.

   Muốn thực hiện được vai trò và sứ mệnh của mình, giai cấp vô sản phải liên minh với gai cấp nông dân, phải thành lập ra đảng của mình, độc lập với tất cả các đảng khác, đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh vĩ đại của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Đảng đó phải là đội tiên phong của giai cấp tiên phong, tiên phong cả về nhận thức - tư tưởng - lý luận- chính trị và cả trong hành động - trong hoạt động thực tiễn. Đảng đó phải tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên kiểm điểm, tự phê bình và quan hệ mật thiết với quần chúng,...

   Phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đem lại lời giải thích khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành tư tưởng cốt lõi lý luận chính trị, tạo chuyển biến nhảy vọt của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, từ không tưởng trở thành khoa học của chủ nghĩa Mác. V.I. Lênin đánh giá: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”[12].

   Ngày nay, lực lượng sản xuất tư bản phát triển vượt bậc, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trí thức hoá, trí tuệ hoá công nhân; đời sống công nhân đã nâng cao, một bộ phận trung lưu, có điều kiện tham gia cổ phần; nhưng tỷ xuất giá trị thặng dư của nhà tư bản không hề giảm đi mà ngày tăng lên, công nhân vẫn là người làm thuê, vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư, vẫn luôn là lực đại đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến của xã hội hiện đại. Do vậy, sứ mệnh của giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn nguyên giá trị.

   Ngoài những giá trị cốt lõi nêu trên, sự phong phú, sắc của tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin còn thể hiện các nguyên lý, luận điểm về xã hội học, chính trị học, văn hoá học, quản lý xà hội; hệ thống phương pháp và phương pháp luận trong lý luận nhận thức, khoa học luận và về phương pháp nghiên cứu khoa học.

   Vì vậy, "vượt qua mọi thử thách của thời gian, những ai có đầu óc khách quan và trung thực, kể cả các nhà tư sản đều phải thừa nhận rằng, C. Mác- nhà tư tưởng vẫn có mặt xứng đáng trong thế kỷ XXI. Thế kỷ sẽ không sao hình dung nổi nếu thiếu vắng sự hiện diện của Mác" [13].

Tài liệu tham khảo

1. C.Mác và Ph.Ăngghen [1995], Toàn tập, t.19. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 499.

2. V.I.Lênin: Toàn tập, t.23. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.53.

3. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia [1996], Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.18.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen [1995], Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.187.

5. C.Mác và Ph.Ăngghen [1995], Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.14,15.

6. C.Mác và Ph.Ăngghen [1995], Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.14-15.

7. V.I.Lênin [1971], Toàn tập, t.1. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 163.

8. C.Mác và Ph.Ăngghen [1999], Toàn tập, t.23, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.21.

9. V.I.Lênin [1971], Toàn tập, t1, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr.163.

10. C.Mác và Ph.Ăngghen [1995], Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.500.

11. C.Mác và Ph.Ăngghen [1995], Toàn tập, t4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.160.

12. V.I.Lênin [1980], Toàn tập, t.23, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, tr.1.

13. Hoàng Chí Bảo [2010], Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nxb CTQG, Hà Nội, tr43.

Số lần đọc: 4334

Video liên quan

Chủ Đề