Nhận định hay về tiếp nhận văn học

                                                                           Việc đọc cũng quan trọng như là việc viết

                                                                                                                           K. Marx [1]

            Một cách bao quát nhất có thể xác định tiếp nhận văn chương chính là quá trình biến văn bản văn chương vốn là sản phẩm sáng tạo tinh thần của nhà văn thành tác phẩm văn chương đúng nghĩa trong tâm trí của người đọc. Mục đích, tính chất, mức độ và kết quả tiếp nhận có thể khác nhau, bao gồm cảm nhận, phân tích, lý giải, bình giá… một hiện tượng văn chương nào đó trong sự kết hợp, đan xen lẫn nhau giữa chúng rất khó tách rời. Trên đại thể chỉ có hai hoạt động tiếp nhận chính yếu là thông thường [chủ yếu ở những người đọc bình thường] và chuyên biệt [chủ yếu ở những nhà nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn chương]. Rõ ràng giữa chúng có sự khác biệt, nhưng không nên quá tách biệt hai hình thái hoạt động tiếp nhận cơ bản này. Bởi, suy cho cùng, chúng đều phải đảm bảo yêu cầu chung của mọi sự tiếp nhận văn chương đích thực. Vậy yêu cầu đó nằm ở đâu? Nói một cách khác, thực chất của tiếp nhận văn chương nói chung là gì?   

Điều này, theo tôi, được bộc lộ khá rõ rệt trong ý tưởng truyện ngắn Điển tích mới của nhà văn Ngô Tự Lập in trong Phụ bản Văn nghệ, số Tết Mậu Tý, 2008. Giáo sư Firinu - một nhân vật trong truyện giả định rằng: “Một buổi sáng nào đó, anh đến cơ quan và đọc trên tờ báo hàng ngày: ông C. ở tỉnh N. thuộc nước V. đâm chết người rồi tự tử… Hãy giả sử anh đọc hết, gần như chắc chắn rằng anh sẽ quên ngay. Một người đàn ông không hề quen biết, ở một tỉnh xa xôi, thuộc một nước hoàn toàn xa lạ - những cái tin như thế nhan nhản trên các báo. Chắc chắn nó chẳng gây được cho anh bao nhiêu xúc động”. Tại sao vậy? Ông giải thích: “Không, không phải anh là người độc ác hay vô cảm: làm sao anh có đủ năng lượng tinh thần để xúc động trước hàng trăm, hàng nghìn các vụ hành hung, tai nạn, rủi ro… xảy ra mỗi ngày trên cái thế giới đầy tai ương và loạn lạc này!”. Rồi, như được đà, ông mở rộng bàn tiếp: “Nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu nạn nhân là người nổi tiếng, hoặc người quen của anh”. Người đọc chắc chắn quan tâm hơn. Và, hầu như không thể khác, “cơn xúc động sẽ còn lớn hơn nhiều nếu đó là chuyện xảy ra ở địa phương anh, với một người thân thiết của anh, như đồng nghiệp, người yêu…, hay ngược lại, với người anh căm ghét, khinh bỉ”. Vì sao ư? “Vì anh và kẻ nạn nhân kia đã từng chia sẻ một khoảng thời gian, một kinh nghiệm sống, một mối quan tâm, hay nói chung là một ký ức, hạnh phúc hoặc đắng cay. Ký ức chung đó là một phần tâm hồn anh”. Thế là, vẫn một mạch kể kết hợp với giảng, giáo sư Firinu tiếp tục: “Bây giờ xin hãy chép hộ những dòng sau: ‘Vốn là con hoang, C. được một người đàn bà góa nuôi rồi bán cho một gia đình giàu có. Lớn lên, C. làm thuê kiếm sống quanh quẩn trong làng cho đến khi bị đẩy đi tù. Trở về làng C. sinh rượu chè, chuyên nghề cướp giật và đâm thuê chém mướn. Cuối cùng, vì quá quẫn chí, C. đâm chết kẻ vẫn thuê ông ta cướp giật rồi tự tử chết theo. Một người đàn bà cho biết đã có thai với C.’”. Kết thúc sự giả định đầy chủ đích, ông hỏi: “Anh có nghĩ rằng sự quan tâm của người đọc sẽ tăng lên không?” - “Vâng, - nhân vật người kể chuyện trả lời, chí ít thì họ cũng bớt dửng dưng”. Ông tự hỏi và tự trả lời: “Tại sao ư? Bởi nó chính là nội dung truyện ngắn quen thuộc Chí phèo của Nam Cao ta từng học ở trường phổ thông”. Sự thật đã được vén mở.  Giáo sư Firinu khái quát thành một ý tưởng lý luận đặc sắc: “Cái cảm xúc của người đọc xuất hiện trước những gì xảy ra với Chí Phèo, Bá Kiến, không phải do cái chết của họ, mà do những gì liên quan đến họ, những gì người đọc đã biết trước đó - PQT lưu ý”.

Nói một cách khác, giữa nhân vật trong tác phẩm và người đọc đã thật sự có được mối quan hệ xã hội mang tính người sâu rộng khác nhau. Nhân vật người kể chuyện nhận xét rất đúng rằng “Tôi hiểu ý ông: ở người đọc, trong quá trình tiếp nhận, xuất hiện một điển tích mới”. Cũng hoàn toàn đồng nhất với suy nghĩ của tác giả Ngô Tự Lập sau đó về truyện ngắn này: “Điển tích mới không phải truyện luận đề, mặc dù có thể nói rằng nó nằm giữa, hay là cầu nối, nghệ thuật hư cấu và lý luận văn học. Nó là sự hòa trộn những ký ức cá nhân với những suy tư lý luận mà tôi đã viết trong tiểu luận Văn chương như là quá trình dụng điển”. Tiểu luận này đã được Ngô Tự Lập công bố khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trước đó. Ta có thể tin vào điều tác giả bộc bạch. Nên nhớ, giáo sư Firinu, như tác giả giới thiệu ở đầu câu chuyện, người Italia, là một lý thuyết gia về văn chương. Cũng không thể quên lời Đề từ được tác giả đặt ở đầu truyện ngắn:  Tôi trông thấy trên giá sách trước mặt/ những dòng chữ đang ngủ im lìm. Ai đánh thức những dòng chữ ấy? Chính là người đọc - những người từng có điều kiện sẻ chia với người viết nhờ thâm nhập vào câu chuyện giả mà như thật, được người viết kể và tả lại bằng một ngòi bút sống động, khiến đời sống và nhân vật hiện lên như bằng xương bằng thịt trong thẳm sâu tâm tưởng. Chẳng khác gì câu chuyện có thực từng xảy ra với M. Gorky khi ông đọc cuốn Một tấm lòng giản dị của G. Flaubert: “…Tôi đã đọc nó vào một buổi chiều ngày lễ ba ngôi trên một mái nhà… Truyện ngắn ấy làm tôi sững sờ, như đui như điếc…Thật khó hiểu tại sao những tiếng đơn giản, quen thuộc đối với tôi, được người ta xếp đặt vào cuốn truyện ngắn về cuộc đời ‘tầm thường’ của người đàn bà nấu bếp lại có thể làm cho tôi xúc động đến thế. Ở đây tất có che dấu một trò ảo thuật gì không thể hiểu nổi, và tôi không bịa đặt đâu, đã nhiều lần tôi soi những trang giấy ra ánh sáng một cách vô thức, như một kẻ man rợ, như thể cố tìm giữa các dòng chữ lời giải đáp cho điều bí ẩn ấy” [2, tr.265]. Thật kỳ diệu, một khi văn chương thật sự chinh phục được trái tim và khối óc của con người. Có thể xem đó là một trong những minh chứng điển hình cho sức mạnh tinh thần lớn lao cả văn chương - không hề thua kém bất kỳ sức mạnh vật chất ghê gớm nào cả! Nó có sức cải hóa hầu như vô cùng tận…

Từ đó có thể rút ra kết luận: Tiếp nhận văn chương thực chất là sự thiết lập mối quan hệ xã hội bình thường, phổ biến và nhiều mặt giữa người với người qua hiện tượng văn chương mà người đọc hướng tới. Nên lưu tâm tới tính đa diện nhưng thống nhất của bản chất con người trong văn chương. Nhân vật trong văn chương giống như con người bằng xương bằng thịt ngoài đời: đi lại, nói năng, suy nghĩ, hành động, bộc lộ cảm xúc… Hình tượng tự sự, trữ tình hay kịch đều vậy cả. E. Fromm - một môn đồ của S. Freud đã từng lưu ý rằng: “Con người là không thể hiểu được, nếu người ta không xét nó trong tổng thể” [3, tr.278]. J. Sartre cũng cho rằng: “Nếu chúng ta thừa nhận con người là một chình thể, thì chúng ta không thể hy vọng cấu tạo lại nó bằng phép cộng hoặc sắp xếp những khuynh hướng đã khám phá được ở con người. Trái lại, chỉnh thể con người bày tỏ trong mỗi khuynh hướng ở những khía cạnh khác nhau. Nếu đúng thế, thì chúng ta phải khám phá trong mỗi thái độ, mỗi khuynh hướng của con người một ý nghĩa vượt quá thái độ và khuynh hướng đó” [Tồn tại và hư vô - 3, tr.413]. Đặc biệt triết gia người Đức E. Cassirer đã đi sâu phân tích, diễn giải thấu đáo về bản tính toàn vẹn của con người dưới góc nhìn chức năng. Ông khẳng định: “Nếu có một định nghĩa nào đó về bản tính hay bản chất của con người, thì định nghĩa đó phải được lý giải thành định nghĩa mang tính chất chức năng, chứ không phải mang tính thực thể - PQT lưu ý”. Ông giải thích tiếp ý tưởng trung tâm này: “Đặc trưng đột xuất của con người… là sự lao tác của con người; chính loại lao tác này, hệ thống hoạt động này của con người đã quy định và hoạch định cái chu vi bao quanh của nhân tính. Ngôn ngữ, thần thoại, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học, lịch sử đều là các bộ phận hoặc khía cạnh hợp thành của chu vi ấy”. Rồi ông đi tới một kết luận quan trọng: “Cho nên một loại triết học con người, nhất định phải là một loại triết học như thế này: Nó có thể làm cho chúng ta nhìn thấu được kết cấu cơ bản trong các mặt hoạt động của loài người, đồng thời còn có thể làm cho chúng ta lý giải những hoạt động này như là một chỉnh thể hữu cơ” [Triết học của hình thức ký hiệu - 3, tr.431]. Ý nghĩa của văn chương khi lấy con người sống động làm đối tượng hàng đầu, đối tượng trung tâm trong thể hiện phải chăng nằm ở đó!

Cũng cần nhấn mạnh tới tính xã hội bình thường của chủ thể tiếp nhận. Nhà văn Rumani Butulescu là tác giả của nhiều châm ngôn văn chương sâu sắc và đặc sắc. Ông quan niệm rằng, để sáng tạo, nhà văn phải hiểu biết một cách tỷ mỉ và kỹ càng mọi ý nghĩ, mọi lời nói của người đối thoại với mình để gạn ra bằng hết những gì là điều mới lạ nhất, minh triết nhất ở ngay những con người bình thường nhất. Có lẽ tác phong này đã giúp ông gặt hái được khá nhiều thành công trong thể tài văn chương đặc biệt này. Nhiều châm ngôn của ông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới người tiếp nhận. Như: Những người đi lạc đường lại thường tìm ra những con đường mới lạ. Hay: Khủng khiếp hơn cái chết, ấy là sự lãng quên. Rồi: Đôi khi sống đồng nghĩa với việc chấp nhận cả những việc làm ngu dại. Và: Tất cả các dòng sông lớn, nhỏ đều tìm cách đổ về biển cả để mà tự đánh mất mình. Văn chương của Butulescu rất cần cho mọi người tự khám phá và khám phá cuộc sống bộn bề phức tạp chung quanh ta [4]. Con đường chinh phục người đọc của nhà văn này hoàn toàn phù hợp với những lời bàn luận thấu lý của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi lâu nay. Ngay từ thế kỷ XIX, theo Gulaiev, Tsecnưsevxki đã cho rằng, phạm vi của nghệ thuật gồm mọi cái trong hiện thực làm cho con người hứng thú, đồng thời lưu ý, con người đây không phải là nhà khoa học chuyên nghiên cứu một bộ phận của hiện thực mà là con người bình thường nói chung. Còn theo giáo sư Nguyễn Lương Ngọc, trong cuốn Triết lý nghệ thuật, H. Taine từng nhấn mạnh, nghệ thuật không chỉ nói một cách cảm quan với lý trí mà còn với giác quan và trái tim của con người bình thường nhất. Và viện sỹ Timofeev thì trước sau đều khẳng định đối tượng của nghệ thuật có tính tổng hợp, vì vậy mà con người được văn chương tập trung chú ý mang ý nghĩa là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Gần đây hơn, trong cuốn sách Chức năng của hình tượng nghệ thuật trong quá trình lịch sử  [1968], nhà nghiên cứu M. Nhechkina đã xem cảm thụ văn chương phải tuân theo “quy luật sống hàng ngày của mọi người” được hiểu là những “con người bình thường” nhất [5, tr.132].

Việc nhấn mạnh tới thực chất của tiếp nhận văn chương có một ý nghĩa thực tiễn rõ rệt và sâu rộng. Nhà nghiên cứu danh tiếng G. Lanson [1857 - 1934] trong Lời nói đầu cuốn Lịch sử văn học Pháp có tên Văn học không phải là đối tượng của nhận thức đã khẳng định: “Văn học không phải là đối tượng để nhận thức: đó là sự thực hành, sự thưởng thức. Người ta không thể biết nó, không thể học nó, mà người ta thực hành nó, nuôi dưỡng và yêu mến nó” [6, tr.73]. Chính kinh nghiệm thẩm mỹ của bản thân đã mách bảo ông điều đó: “Tôi biết có những nhà toán học đi nhà hát hoặc đọc sách để giải trí, văn chương làm họ thích thú; chính họ lại có lý hơn nhiều nhà văn mà tôi cũng biết rất rõ, những nhà văn này không đọc mà mổ xẻ, họ tin rằng chỉ cần chuyển tất cả ấn phẩm họ có thành phích là xong… Chính vì vậy văn học là phương tiện trau dồi nội tâm; đó chính là chức năng đích thực của văn học - PQT nhấn mạnh” [6, tr.73]. Vậy nên, theo ông, “thật phi lý nếu nói rằng lịch sử nghệ thuật có thể thay cho xem tranh, tượng. Trong nghiên cứu văn học cũng vậy, ta không thể bỏ qua tác phẩm, nơi gửi gắm và biểu đạt cái cá nhân của tác giả” [6, tr.71]. Bởi vì, theo ông: “Chúng ta đừng quên rằng thời Phục Hưng vĩ đại là ở chỗ đã gạt ra ngoài những lời chú giải và bình luận để đi vào văn bản” [6, tr.71]. Những lý lẽ đầy sức thuyết phục. Từ đó, G. Lanson xác định một phương hướng tìm hiểu cần có là: “Ngày nay, để nghiên cứu văn học rất cần có học thức uyên bác… Nhưng chúng ta không nên quên rằng, thứ nhất, lịch sử văn học có mục đích miêu tả các cá thể; thứ hai, nó có cơ sở là trực giác cá nhân. Không có cả một thể loại, mà chỉ có một Corneille, một Hugo cụ thể; vì vậy, khi nghiên cứu, chúng ta không thể dùng những phương pháp hay những thể nghiệm mà ai cũng có thể sử dụng để thu được những kết quả giống hệt nhau, ngược lại, chúng ta phải áp dụng những khả năng của riêng mình, không giống với người khác, do vậy mà kết quả đạt được bao giờ cũng chỉ tương đối, không tuyệt đối đúng. Tóm lại, cả đối tượng, cả phương tiện nhận thức, văn học đều không phải là khoa học hiểu theo đúng nghĩa của từ ấy” [6, tr.72]. Hóa ra, bậc thầy về văn học sử ưa khái quát trừu tượng này lại còn là một bậc thầy về phướng hướng cảm nhận văn chương mẫu mực. Nhà nghiên cứu Mỹ L. Waters giải thích sự Khủng khoảng lý luận văn học trong nhà trường Mỹ trong vài thập kỷ qua như sau: “Nghiên cứu văn học hàn lâm bây giờ đã bị bật gốc, nó không còn gắn với mảnh đất văn học, là nơi từ đó nó sinh ra… Những gì diễn ra trong bốn bức tường của các khoa văn học dưới cái nhãn hiệu nghiên cứu văn học, thảy đều là kinh viện… Nghiên cứu văn học hôm nay không muốn hiểu bản chất và tính chất của tác động thẩm mỹ, nó không quan tâm cái cách con người phản ứng với nghệ thuật…, bỏ qua sự phản ứng của chúng ta đối với các hiện tượng thẩm mỹ, thực tế đã từ chối nhiệm vụ chủ yếu của mình là tác động vào tâm hồn”. Muốn thoát khỏi khủng khoảng, yêu cầu mà tác giả đưa ra “rất đơn giản” mà đồng thời cũng “rất cơ bản” là hãy trở về với khẩu hiệu: Hưởng thụ nghệ thuật. Như vào những năm 1960, ở Mỹ, S. Sontag cho đăng bài báo Phản đối cắt nghĩa. Bà từng đưa khẩu hiệu lên tường của một trường đại học là: Chúng tôi không cần thông diễn học, chúng tôi cần sắc dục học [7]

Nhà văn Achentina L. Borges trong Bài giảng về thơ [xin xem tienve.org] cũng đưa ra yêu cầu cảm thụ thi ca theo chiều hướng tương tự. Tiểu luận này là một trong bảy bài giảng do L. Borges trình bày tại Teatro Coliseo, Buenos Aires, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1977. Những bài giảng này đã bị nhiều người lén thu băng đem bán, rồi bị một nhóm người khác chép lại với nhiều sai sót, và phát hành lậu dưới hình thức một phụ trang cho một nhật báo ở Buenos Aires. Hai năm sau đó, Roy Bartholomew đem một trong những ấn bản lậu ấy đến gặp Borges, và cùng ông biên tập lại thật chính xác để chính thức ấn hành tại Mexico vào năm 1980. Rất chân tình, ông thổ lộ rằng: “Tôi từng là một giáo sư văn chương Anh ở Khoa Triết học và Ngữ Văn thuộc Đại học Buenos Aires, và tôi đã cố gắng gạt bỏ văn học sử chừng nào hay chừng ấy - PQT lưu ý. Khi các sinh viên của tôi xin tôi cho họ một thư mục cần phải đọc, tôi bảo họ “một thư mục thì không quan trọng - rốt cuộc thì Shakespeare đã chẳng biết chút gì đến cái thư mục về Shakespeare cả”. Ông thẳng thắn giãi bày: “Tại sao không nghiên cứu trực tiếp văn bản? Nếu bạn thích cuốn sách, thì tốt; nếu không thích, thì vất nó đi, bởi cái quan niệm đọc sách theo sự bắt buộc là một quan niệm quái gở… Tôi tin rằng thơ là cái gì đó người ta cảm nhận. Nếu bạn không cảm nhận thơ, nếu bạn không có ý thức gì về cái đẹp, nếu một câu chuyện không làm bạn muốn biết thêm những gì sẽ tiếp tục xảy ra, điều đó có nghĩa là tác giả đã không viết cho bạn. Hãy để nó qua một bên, vì văn chương đủ phong phú để cống hiến cho bạn một tác giả nào đó đáng để bạn chú ý, hoặc một tác giả hôm nay không đáng để bạn chú ý nhưng ngày mai bạn sẽ đọc”. Ông giải thích tiếp: “Đây là cách tôi đã giảng dạy, nghĩa là tôi dựa trên sự kiện mỹ học - PQT nhấn mạnh, mà sự kiện ấy không cần phải được định nghĩa. Sự kiện mỹ học là cái gì đó cũng hiển nhiên, cũng tức thời, cũng bất khả định nghĩa như tình yêu, như vị trái cây, như nước. Chúng ta cảm nhận thơ như cảm nhận sự gần gũi của một người đàn bà, hay như chúng ta cảm nhận một hòn núi, một thủy vịnh. Nếu chúng ta cảm nhận nó tức thời, thì tại sao lại pha loãng nó vào những thứ chữ nghĩa khác, những thứ chữ nghĩa hiển nhiên còn yếu hơn cả những cảm nhận của chúng ta?”. Rồi ông kết luận: “Có những người chẳng cảm nhận thơ chút nào, mà họ lại dấn thân vào việc giảng dạy thơ. Tôi tin vào cảm nhận thơ chứ không tin vào giảng dạy thơ. Tôi đã không dạy cho sinh viên yêu những văn bản nào đó; tôi dạy cho sinh viên làm cách nào để yêu văn chương, cách nào để thấy văn chương là một hình thái của niềm lạc thú”. Ta hiểu tại sao L. Borges say sưa nhắc lại ý của Montaigne: “Nếu thấy trong sách có chỗ khó thì ông ta bỏ qua, bởi vì ông coi việc đọc là một thứ hạnh phúc”. Đó là hạnh phúc được cùng tham gia vào hành trình tái tạo với người viết. Và đồng thời có thể xem đó là bí quyết thành công của chính L. Borges với tư cách là nhà sáng tác. Theo nhà nghiên cứu văn chương P. Vail thì đọc L. Borges, “độc giả bị hút vào đó như là một yếu tố của nó”, tựa như “ông mời chúng ta vào hội với ông”. Hơn thế, cũng theo ý kiến của P. Vail, L. Borges là “người có cống hiến lớn lao - lớn hơn so với bất kỳ nhà văn nổi tiếng nào - cho ngành nghiên cứu văn học, thậm chí đến dạng thức và thể loại văn chương Borges cũng định nghĩa theo cảm thụ của người đọc” [8, tr.107 & tr.108].

            Giữa lúc văn hóa nghe - nhìn đang tỏ ra lấn lướt văn hóa in - đọc mà văn chương xem ra càng ngày lại càng rời xa người đọc thì việc tìm hiểu và nhấn mạnh tới thực chất của tiếp nhận phải chăng cũng là một cách nhằm cùng nhau đưa văn chương trở về với ưu thế và sức mạnh tự nhiên vốn có từ muôn đời nay của nó!

                                                                                                                                                          Đà Lạt, 5/2013                                                                                                                                             ………………………………………………………………………………………...........

                                              TÀI LIỆU CHÚ THÍCH

[1]    C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 1993, tr.118.

[2]    M. Gorky - Gorky bàn về văn học, tập 1, Nxb Văn học, H., 1970.

[3]    Phương Lựu - Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học, H., 2001.

[4]    Báo Văn nghệ, số 35 & 36/2004].

[5]    Trần Đình Sử - Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội Nhà văn, H., 1996.

[6]    Viện Văn học - Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX, Nxb Văn học, H., 1995.

[7]    Báo Văn nghệ, số 1&2/2008].

[8]    Hội Nhà văn Việt Nam - Tạp chí Văn học Nước ngoài, số 1/1999.

Video liên quan

Chủ Đề