Nhà tù phú lợi nằm ở đâu

          Là công dân của Đất Thủ-Bình Dương, có thể các bạn đã từng nghe nhắc đến  “Nhà tù Phú Lợi”, nơi bọn Mỹ - Ngụy tàn ác đã giam cầm, tra tấn, đầu độc những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam kiên cường vào những năm 1950 ?

          Trường trung học cơ sở Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã ký giao ước với Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bình Dương   nội dung giáo dục truyền thống cách mạng và hướng dẫn học sinh chăm sóc khu di tích lịch sử “Nhà tù Phú Lợi”; nay xin giới thiệu sơ lược với các bạn về khu di tích này.

     Với mưu đồ xâm lược miền Nam bằng các thủ đoạn mị dân, khủng bố; chỉ trong vòng 2, 3 năm sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ; chế độ Mỹ - Diệm đã phát động chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”; đề ra khẩu hiệu “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, lập ra nhiều nhà tù, gây không biết bao tội ác trên cả miền Nam.   

           Khu di tích lịch sử cách mạng “Nhà tù Phú Lợi” tọa lạc trên đường 1 tháng 12, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; với tổng diện tích là 77.082m2. Di tích này được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia ngày 10/07/1980.

        Tham quan khu di tích, các bạn sẽ biết đây là nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng thời ấy. Có 1 khu nhà tù nhỏ gồm 6 phòng, mỗi phòng để 1 người. Gần đó là 9 khu nhà tù lớn xếp theo thứ tự A, B, C, D, E, F, G, H, I. Mỗi nhà tù lớn sức chứa từ 200 đến 500 người, có khi tới 700 người. Chỗ ngồi trong khu nhà tù lớn ấy cho mỗi người chỉ có 50 phân chiều dài và 20 phân chiều rộng. Số người kháng chiến bị bắt đưa về giam ở đây thời gian đầu có 4 nữ và khoảng 100 nam. Đến cuối năm 1957, tăng lên 3.000 người. Nhà tù Phú Lợi lúc bấy giờ chia ra nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An Trí viện, [gọi là khu “An Trí viện” nhưng thực chất là trại giam.]

        Các khu trại giam được đặt tên: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Cả 3 trại có 9 phòng giam đánh dấu A, B, C, D,… Mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào với 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt. Có hai cổng chính: cổng thứ nhất mang bảng “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, cổng thứ hai mang bảng “An Trí viện”.

Nhà tù Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn mà chế độ Mỹ - Ngụy ở miền Nam đã dựng lên để giam cầm, tra tấn những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng thời đó. Nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết đấu tranh anh dũng và giành thắng lợi. Khu chứng tích này tồn tại trong 8 năm [1957-1964] được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.

Chế độ khắc nghiệt của nhà tù Phú Lợi cũng không khác ở nhiều nhà tù khác.

Sống bẩn thiểu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị với những đòn điều tra đánh đập dã man; cho ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi … Nơi đây có những tên cai ngục, “chúa ngục” nổi tiếng gian ác như: Nguyễn Văn Bông, Trần Vĩnh Đắc, Hồ Văn Tần, … Chúng rất hung tợn và độc ác, tự đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân hàng ngày. 

        Hình ảnh bọn Mỹ - Ngụy đã đánh dập những người Chiến sĩ Cộng Sản [tranh vẽ về sự việc có thật]. 

         Vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nơi đây tổ chức lễ tưởng niệm Ngày “Phú Lợi căm thù”. Bạn có biết tại sao có ngày tưởng niệm này không ? ...

        Ngày này năm 1958 bọn Mỹ - Ngụy đã lệnh cho cai ngục nhà tù bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn của 6000 tù nhân, khiến hàng ngàn tù nhân bị trúng độc và nhiều người bị chết.  Trước tình hình đó, tổ chức Đảng Cộng sản trong nhà tù vừa tổ chức tự cứu chữa cho tù nhân bị trúng độc, vừa đấu tranh tố cáo hành động này.

          Các tù nhân đã tung nóc nhà giam, chiếm đài phát thanh, dùng các tấm tôn cuộn thành loa lên tiếng tố cáo. Thật là khâm phục lòng quyết tâm, sự gan dạ của các chiến sĩ Cộng Sản. Vụ việc lan truyền rộng khắp, gây nên làn sóng căm phẫn không chỉ trong nước mà cả thế giới, cuối cùng nhà tù Phú Lợi buộc phải giải tán vào năm 1964 ...

          Để chạy tội bọn Mỹ - Diệm tìm cách phi tang nhân chứng, gây nên làn sóng căm phẩn trong và ngoài nước.

         Biến đau thương thành hành động, cả nước dấy lên phong trào hướng về Phú Lợi, từ tiếng gọi căm thù, tiếng gọi đau thương...“Tuần lễ thi đua” vì Phú Lợi và miền Nam ruột thịt! của Ủy ban đấu tranh Trung ương chống vụ đầu độc ra đời; làm bùng lên một phong trào thi đua trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường, thông tin đại chúng và sáng tác văn nghệ... Sự căm phẫn đó đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”, năm 1959:

                    “…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai

                     Nào ai ngờ không có nửa ngày mai!

                     Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc

                    Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc

                    Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn

                    Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”

          Chỉ sau 1 tháng vụ đầu độc xảy ra, nước ta liên tiếp nhận được nhiều bức điện  của các tổ chức quốc tế như Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội liên hiệp Học sinh thế giới, Hội Luật gia thế giới, …chia sẻ, động viên, lên án kẻ thù, hỗ trợ đấu tranh, ... 

 Hình ảnh các chiến sĩ Cộng Sản bị trúng độc  thể hiện “Máu tình Quê hương”

         Chúng ta thật sự khâm phục lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ, anh hùng cách mạng đã cống hiến cuộc đời cho dân tộc, cho đất nước, sẵn sàng hi sinh quyết tâm đấu tranh giành lại nền độc lập thống nhất cho Tổ quốc phải không các bạn !.

        Hàng năm, di tích này đã tiếp đón nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng kiên trung của nhân dân Việt Nam. Khu di tích Phú Lợi trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Các tổ chức phong trào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khắp nơi đến đây tham quan, cắm trại, sinh hoạt giao lưu, hướng đạo sinh, kết nạp đoàn viên mới,  nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của cha anh.

         Học sinh trường THCS Phú Hòa, Thủ Dầu Một sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Các bạn sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, cuộc sống văn minh hạnh phúc.

        Là thế hệ mầm non tương lai của đất nước; chúng ta có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ di tích lịch sử vô giá của Quốc Gia; nơi cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do hòa bình cho Tổ quốc để tuổi trẻ hôm nay có được một tương lai ngời sáng./. 

Cập nhật: 10-03-2020 | 09:00:36

Ai đã từng ghé thăm di tích Nhà tù Phú Lợi [phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một] hẳn không thể nào quên được những hình ảnh, chứng tích còn lưu dấu nơi đây. Từ những tội ác mà Mỹ - Diệm đã gây ra với những chiến sĩ cách mạng, người yêu nước bị giam cầm nơi đây, nhà tù Phú Lợi còn được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Nơi đây không chỉ ẩn chứa nhiều đau thương, mất mát, mà còn thể hiện lòng kiên định, ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, người yêu nước trước những âm mưu thâm độc của kẻ thù...


Thế hệ trẻ vẫn tìm về khu di tích Nhà tù Phú Lợi để tìm hiểu truyền thống đấu tranh của dân tộc

Chứng tích lịch sử

Nhà tù Phú Lợi được chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm xây dựng vào khoảng giữa năm 1957 để giam cầm, tra tấn những chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ.

Với mưu đồ xâm lược miền Nam, bằng các thủ đoạn mị dân, khủng bố đến chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, Mỹ - Diệm đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác trên khắp miền Nam nước ta. Để thực hiện “thà bắt nhầm hơn bỏ sót”, Mỹ - Diệm đã dựng nhà tù, trại giam ở khắp nơi để giam cầm các tù nhân chính trị, các chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước, trong đó có nhà tù Phú Lợi.

Lúc đầu, nơi đây chỉ là một trại giam với số tù nhân khoảng 100 nam và 4 nữ. Đến cuối năm 1957, con số tù nhân đã tăng lên 3.000 người. Đến cuối năm 1958, số tù nhân bị giam cầm nơi đây tăng lên khoảng 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Chúng chia trại giam thành nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An trí viện. Mặc dù được gọi với cái tên “An trí viện” nhưng thực chất đây là khu trại giam. Khu trại giam gồm có 3 trại [với 9 phòng giam được đánh dấu theo thứ tự A, B, C, D…] và ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, có hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm và hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có một nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt.

Theo những nhân chứng từng bị giam cầm nơi đây mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong những lần họp mặt sau này chia sẻ, bị giam cầm ở đây họ bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man, chế độ sinh hoạt ăn uống cũng hết sức khắc nghiệt, thiếu thốn. Cơm nấu bằng gạo mục, ăn với cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi. Sinh hoạt thì dơ bẩn, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai, khi bệnh đau không thuốc chữa trị… Chúng còn đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để tìm mọi cách đánh đập tù nhân bất cứ lúc nào.

Vụ thảm sát Phú Lợi - đỉnh điểm tội ác

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng từng nghe nói đến vụ thảm sát Phú Lợi diễn ra vào cuối tháng 11 đầu tháng 12-1958. Đó là đỉnh điểm tội ác mà Mỹ - Diệm đã gây ra đối với những người bị giam cầm nơi đây. Theo thường lệ hàng năm, Mỹ - Diệm sẽ tổ chức 4 đợt đày tù nhân “loại A” ở các nhà tù trong đất liền ra Côn Đảo. Sau khi phân loại, trại giam Phú Lợi có 450 tù nhân loại A là đối tượng bị đày ra Côn Đảo vào cuối tháng 11-1958. Trong chuyến đi này, ý đồ của chúng là sẽ bí mật thủ tiêu các tù nhân trên đường đưa ra Côn Đảo.

Theo kế hoạch mà chúng đã tính toán, trong đợt này mỗi tù nhân bị đày sẽ nhận một khẩu phần bánh mì [có trộn thuốc độc] và thức ăn kèm theo. Chúng đã chuẩn bị xong mọi việc vào ngày 28-11-1958, nhưng liên tiếp những ngày sau đó biển động mạnh nên tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo. Không từ bỏ dã tâm, Mỹ - Diệm vẫn thực hiện âm mưu hãm hại tù nhân Phú Lợi lần nữa. Ngày 30-11-1958, theo thường lệ ngày chủ nhật tù nhân trại giam sẽ thực hiện chế độ “ăn tươi”, gồm bánh mì và các thức ăn khác. Ngoài số bánh mì cũ [có tẩm thuốc độc], để đủ khẩu phần, chúng trộn lẫn bánh mì mới vào nhau và phát cho tù nhân. Nhiều tù nhân sau khi ăn bị ngộ độc đau bụng, nôn ói, nằm co quắp... Đến ngày 1-12-1958, số tù nhân bị ngộ độc tiếp tục tăng lên hàng trăm người, nhiều người chết, nhiều người nằm hôn mê bất tỉnh… Hai ngày liên tiếp sau đó, số bệnh nhân nặng và chết càng nhiều hơn. Những bệnh nhân nặng bị chuyển đi, nhưng sau đó không thấy được chuyển lại Phú Lợi.

Với tinh thần kiên cường, ý chí kiên định, Đảng ủy [hoạt động bí mật trong trại giam] đã quyết định đấu tranh công khai trực tiếp. Các tù nhân Phú Lợi cùng đứng lên đoàn kết đấu tranh, tung nóc nhà giam, phát loa phóng thanh kêu cứu trong ngày bi thảm 1-12-1958. Nhờ đó, thông tin địch đầu độc tù nhân đã được lan truyền khắp nơi. Nhân dân ở các xã gần đó đã nổi dậy phối hợp với tù nhân ở Phú Lợi đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm. Để chạy tội Mỹ - Diệm tìm cách phi tang nhân chứng. Sự kiện này đã làm dấy nên sự phẫn nộ của người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đối với tội ác của bọn Mỹ - Ngụy và làn sóng đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Sự phẫn nộ ấy sau này đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”:

Trong một ngày - mồng một tháng mười hai

Nào ai ngờ không có nửa ngày mai!

Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc

Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc

Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn

Trái tim hồng chết uất máu bầm đen

Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận quốc tế, đến năm 1964, nhà tù Phú Lợi không còn tồn tại. Hệ thống trại giam chuyển thành tiểu khu quân sự Mỹ - Ngụy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4- 1975. Mặc dù chỉ tồn tại trong vòng 8 năm, nhưng với chế độ hà khắc mà Mỹ - Diệm đã thực hiện, Nhà tù Phú Lợi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” của người dân yêu nước và chiến sĩ cách mạng bị tù đày.

Phát huy giá trị di tích

Bỏ lại những ồn ào của phố thị bên ngoài, từ đầu đường Một tháng mười hai [đối diện chợ Hàng bông [phường Phú Hòa], chạy thêm tầm vài trăm mét chúng ta sẽ thấy cổng khu di tích Nhà tù Phú Lợi nằm im lìm dưới những tàng cây xanh mát mẻ. Từ cổng chính di tích bước vào, ấn tượng đầu tiên mà chúng ta bắt gặp đó là biểu tượng “Phú Lợi căm thù” sừng sững giữa đất trời. Biểu tượng được nghệ sĩ điêu khắc Diệp Minh Châu chuyển hóa từ sự kiện lịch sử đau thương ngày 1-12-1958 với vụ đầu độc tù nhân tại nhà tù Phú Lợi làm chấn động cả thế giới. Hai hình tượng trong bức tượng thể hiện rõ nét ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết [hình tượng người phụ nữ trúng độc trong tư thế ngã gục xuống như vừa trải qua một sự đau đớn đến tột cùng và hình tượng người nam, một tay đưa ra đỡ ngang thắt lưng người phụ nữ, một tay đưa thẳng lên ngực hơi dồn về phía trước, miệng mở rộng như đang thét vang, biểu hiện sự căm hờn đến tột đỉnh]. Bức tượng như một nhân chứng lịch sử, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ đau thương của dân tộc. Đó cũng là biểu tượng về tinh thần đấu tranh bất khuất mà cha anh đi trước đã để lại cho thế hệ đi sau soi mình để ra sức học tập, rèn luyện, để góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Cùng với biểu tượng Phú Lợi căm thù, trong khuôn viên khu di tích còn có một số hạng mục đã được sửa chữa, phục dựng lại để lưu giữ giá trị di tích và phục vụ khách tham quan, tìm hiểu. Đó là những khu nhà giam với hình tượng những tù nhân được phục dựng hết sức sinh động, thể hiện chế độ giam cầm khắc nghiệt mà Mỹ - Diệm đã thực hiện với những tù nhân từng bị giam cầm, tra tấn nơi đây.

Nhiều năm qua, di tích nhà tù Phú Lợi đã được tỉnh, ngành văn hóa quan tâm đầu tư, phát huy giá trị di tích. Hàng năm, di tích đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với người dân Bình Dương nói riêng, đặc biệt là thế hệ trẻ, các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên các trường... thường chọn khu di tích Phú Lợi như một địa chỉ không thể thiếu trong hành trình về nguồn nhiều ý nghĩa.

 CẨM LÝ

Video liên quan

Chủ Đề