Nguyên nhân đau răng

Đau răng là tình trạng đau nhức, ê buốt xuất hiện bên trong hoặc xung quanh bề mặt răng do các dây thần kinh ở tuỷ răng bị kích thích. Cơn đau răng có thể xuất hiện theo từng cơn hoặc kéo dài liên tục, cần hoặc không cần yếu tố kích hoạt. Những cơn đau nhức nhẹ do nướu bị kích ứng có thể điều trị tại nhà và tự khỏi. Tuy nhiên, đối với các cơn đau nghiêm trọng hơn cần phải được chăm sóc y khoa ngay để tránh tiến triển nặng hơn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau răng

Triệu chứng của đau răng:

  • Đau răng có thể buốt, nhói hoặc liên tục. Ở một số người, cơn đau chỉ xuất hiện khi có áp lực đè lên răng (khi cắn vào vật gì đó);

  • Sưng quanh răng;

  • Sốt hoặc nhức đầu;

  • Dịch chảy ra có mùi hôi từ răng bị nhiễm trùng;

  • Có mùi hôi từ miệng.

Triệu chứng của biến chứng do đau răng:

  • Áp xe răng, viêm xoang: Đau mặt, sưng tấy, hoặc cả hai;

  • Nhiễm trùng khoang dưới lưỡi đau dưới lưỡi: Khó nuốt và nhô cao hoặc nhô ra của lưỡi;

  • Viêm xoang: Đau khi gập người về phía trước;

  • Huyết khối xoang hang: Đau đầu quanh hốc mắt, sốt và các triệu chứng thị lực;

Dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý (Red flags):

  • Đau đầu;

  • Sốt;

  • Sưng hoặc căng sàn miệng;

  • Các bất thường thần kinh sọ.

Tác động của đau răng đối với sức khỏe 

Gây cảm giác khó chịu, đau đớn.

Ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày như ăn uống không ngon miệng, khó tập trung vào công việc...

Có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau răng

Hiếm gặp:

Viêm xoang do nhiễm trùng răng hàm trên không được điều trị: Cơn đau do nhiễm trùng xoang xuất phát từ các răng không bị bệnh gần xoang gây ra sự nhầm lẫn trong chẩn đoán.

Huyết khối xoang hang hoặc Viêm tấy lan toả và hoại tử ở sàn miệng - Ludwig's angina (nhiễm trùng khoang dưới hàm) là những tình trạng cấp tính, đe doạ tính mạng và cần được can thiệp ngay lập tức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến đau răng

Các nguyên nhân phổ biến nhất của đau răng có thể được phân loại là:

  • Áp-xe quanh cuống răng;
  • Viêm nha chu;
  • Sâu răng (nhạy cảm với men răng): Đau sau bị kích thích do ăn thức ăn nóng lạnh ngọt, đánh răng...
  • Gãy thân răng;
  • Viêm tuỷ răng không hồi phục hoặc có hồi phục;
  • Viêm quanh răng do mọc hoặc răng số 8 (răng khôn) đâm phải;
  • Tổn thương tuỷ răng do chấn thương;
  • Mọc răng;
  • Gãy chân răng theo chiều dọc;
  • Viêm xoang.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải đau răng?

Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc đau răng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau răng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau răng, bao gồm:

Vệ sinh răng miệng kém (không đánh răng 2 lần/ngày và không sử dụng chỉ nha khoa).

Chế độ ăn uống nhiều đường, bao gồm bánh kẹo và nước ngọt.

Khô miệng, thường do tuổi cao hoặc tác dụng phụ của một số thuốc (như thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm...).

Từng có các vấn đề về răng miệng.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau răng

Tiền sử bệnh

Khai thác thông tin về tiền sử bệnh từ bệnh nhân về các vấn đề răng miệng đã hoặc chưa được điều trị trước đó thông qua hệ thống câu hỏi SOCRATES:

  • Site - Đau ở đâu?
  • Onset - Cơn đau bắt đầu khi nào?
  • Character - Bệnh nhân có thể mô ta cơn đau hay không?
  • Radiation - Cơn đau có lan ra không?
  • Associations - Có các vấn đề khác liên quan đến cơn đau không?
  • Time course - Cơn đau có lặp lại theo một kiểu nhất định không? Nó kéo dài bao lâu?
  • Exacerbating or relieving factors - Có điều gì làm trầm trọng thêm hoặc cải thiện cơn đau không?
  • Severity - Cơn đau tồi tệ như thế nào?

Khám lâm sàng

Xác định vị trí và thời gian đau, kéo dài liên tục hay chỉ xuất hiện khi bị kích thích (Lưu ý về các yếu tố gây khởi phát).

Kiểm tra tình trạng viêm và sâu răng ở nướu và bất kỳ chỗ sưng cục bộ nào ở chân răng có thể là áp xe cuống răng. 

Nếu không có răng nào bị sâu, thử đẩy các răng ở vùng đau bằng que đè lưỡi hoặc chườm đá lạnh lên từng răng để tìm răng bị ảnh hưởng. Đối với những răng khỏe mạnh, cơn đau chấm dứt gần như ngay lập tức. Nếu đau kéo dài hơn vài giây cho thấy tủy răng bị tổn thương (ví dụ: Viêm tủy răng không hồi phục, hoại tử). 

Sờ nắn sàn miệng thấy sưng viêm và cứng, gợi ý nhiễm trùng khoang sâu.

Khám thần kinh, tập trung các dây thần kinh sọ não, nên được thực hiện ở những bệnh nhân bị sốt, nhức đầu, sưng mặt.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X quang là phương pháp kiểm tra chính.

Trường hợp nghi ngờ Huyết khối xoang hang hoặc Viêm tấy lan toả và hoại tử ở sàn miệng (Ludwig's angina): Có thể cần chụp CT hoặc MRI.

Phương pháp điều trị đau răng hiệu quả

Thuốc giảm đau

Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau trong thời gian chờ đánh giá tình trạng nha khoa và điều trị dứt điểm cơn đau. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thường được lựa chọn sử dụng, hiệu quả điều trị đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.

Khuyến cáo dùng kết hợp ibuprofen với paracetamol để cho kết quả tốt hơn dùng đơn độc. Nếu bệnh nhân bị chống chỉ định với NSAID, có thể dùng paracetamol kết hợp oxycodone. Tuy nhiên, opiod có ít tác dụng giảm đau trên răng và nhiều tác dụng phụ nên chỉ được dùng với liều lượng thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Thuốc gây tê cục bộ (ví dụ: Gel lignocaine 2%, gel benzocaine 7,5 hoặc 10%) có hiệu quả để giảm đau tạm thời ở những bệnh nhân có biểu hiện loét miệng hoặc tình trạng niêm mạc miệng bị đau. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được cảnh báo về nguy cơ bị chấn thương thêm khi niêm mạc miệng bị tê.

Đối với đau răng nghiêm trọng, tiêm thuốc phong bế thần kinh cục bộ với bupivacaine hydrochloride và epinephrine có thể giảm đau trong nhiều giờ.

Kháng sinh

Kháng sinh chỉ được chỉ định hỗ trợ điều trị dứt điểm khi có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân (sốt, khó chịu, nổi hạch, cứng khít hàm), tình trạng nhiễm trùng tiến triển và lây lan nhanh (viêm mô tế bào hoặc Ludwig's angina) hoặc bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Thuốc kháng sinh hiệu quả trên nhiễm trùng răng miệng bao gồm:

  • Phenoxymethylpenicillin hoặc amoxicillin;

  • Amoxicillin phối hợp metronidazole;

  • Amoxicillin phối hợp clavulanate hoặc clindamycin.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng răng lan rộng, nhiễm trùng huyết toàn thân hoặc có nguy cơ tổn thương đường thở, cần chuyển ngay đến khoa cấp cứu.

Hiện nay, kháng sinh dự phòng chỉ được chỉ định trước các thủ thuật nha khoa có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cao như thủ thuật phẫu thuật bao gồm nhổ răng cho bệnh nhân có van tim giả, tiền sử viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, một số dị tật tim bẩm sinh, cấy ghép tim với các bệnh lý van tim và sốt thấp khớp với nguy cơ cao viêm nội tâm mạc.

Thuốc súc miệng

Ngậm giữ dung dịch Chlorhexidine 0,12% hoặc nước muối ưu trương (pha 1 muỗng canh muối với một cốc nước ấm) trong miệng ở bên răng bị tổn thương đến khi dung dịch nguội, nhổ đi và lặp lại thêm vài lần. Súc miệng 3 - 4 lần/ngày trong có thể kiểm soát tình trạng viêm đau trong khi chờ điều trị.

Điều trị ngoại khoa

Áp-xe quanh răng: Cần thực hiện thủ thuật rạch dẫn lưu mủ khi khối áp-xe đã mềm.

Huyết khối xoang hang hoặc Viêm tấy lan toả và hoại tử ở sàn miệng: Nhổ răng gây triệu chứng bệnh.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau răng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Ăn thức ăn mềm để giảm đau do nhai và chườm đá lên hàm hoặc má trong 15 - 20 phút mỗi giờ để kiểm soát cơn đau mức độ nhẹ, giảm nguy cơ tiến triển trầm trọng hơn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ưu tiên dùng những thực phẩm cung cấp nhiều calci, phospho - nguyên liệu cần thiết để tái tạo thành phần của răng như các loại hạt, sữa, phô mai, thịt gà và các loại thịt khác, cải bó xôi, bông cải xanh...

  • Nên ăn các loại trái cây giòn, chứa hàm lượng nước cao như táo, dưa hấu, lê để pha loãng đường có trong thực phẩm, cũng như kích thích tuyến nước bọt trung hoà acid.

  • Nên ăn những thực phẩm có tính acid chung với nhiều loại thức ăn khác để giảm nồng độ acid trong khoang miệng.

  • Có thể nhai một số loại kẹo cao su không đường để giúp giảm sâu răng, kích thích tiết nước bọt cũng như đẩy các mảnh vụn bị kẹt trong kẽ răng ra ngoài.

Phương pháp phòng ngừa đau răng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần.

  • Giảm tối đa thức ăn và đồ uống có đường.

  • Không hút thuốc vì có thể làm tình trạng răng miệng trở nên tồi tệ hơn.

  • Đánh răng hai lần một ngày trong khoảng 2 phút/lần với kem đánh răng có chứa florua.

  • Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng mỗi ngày để loại bỏ thức ăn, mảnh vụn và mảng bám.