Người pharisêu là ai

Đức Giáo Hoàng tiếp kiến các thành viên Hội Nghị của Học Viện Thánh Kinh

MAI 09, 2019 18:14 HÉLÈNE GINABAT – PAPE FRANÇOIS

Viện Thánh Kinh Giáo Hoàng

 « Để yêu thương tha nhân cách tốt hơn, chúng ta cần biết rõ tha nhân là ai, chúng ta thường khi phải tìm phương cách vượt lên khỏi những định kiến cũ », Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh hôm 09/5/2019, khi khuyến khích một sự nghiên cứu về người Pharisêu. Ngài biện hộ cho « một sự hiểu biết chín chắn và chính xác hơn » về người Pharisêu, « nhằm để cho một cuộc đối thoại luôn sâu đậm và nặng tình huynh đệ » giữa người Do Thái và người Kitô hữu.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập Học Viện Giáo Hoàng Thánh Kinh, Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến tại Vatican các nhân viên giảng huấn và sinh viên của Viện và những người tham gia Hội Nghị nhan đề « Chúa Giêsu và người Pharisêu : một sự tái thẩm định liên ngành ».

Trong bài diễn văn được chuẩn bị trước cho dịp này, Đức Giáo Hoàng nhận thấy « giữa các Kitô hữu và trong xã hội ngoài đời, trong nhiều ngôn ngữ, từ ngữ ‘Pharisêu’ thường có nghĩa là ‘người đạo đức giả’ hay ‘tự phụ’… lịch sử suy diễn đã làm nổi lên những hình ảnh tiêu cực của người Pharisêu, mặc dù không có nền tảng vững chắc trong các phúc trình Phúc Âm ».

« Và lắm khi, ngài than phiền, theo với thời gian, nhãn quan đó đã được người Kitô hữu gán cho người Do Thái nói chung. Trên thế giới của chúng ta, những cách nhìn đóng khung tiêu cực như thế, khốn thay đã trở thành quá phổ biến. một trong những cách nhìn đóng khung lâu đời nhất và gây thiệt hại nhất, chính là cách nhìn ‘người Pharisêu’, đặc biệt như thể cách nhìn đó được dùng để đặt người Do thái dưới một ánh đèn tiêu cực ».

Sau đây là bản dịch bài diễn văn mà Đức Giáo Hoàng đã trao cho các tham dự viên buổi tiếp kiến vì nó không được tuyên đọc. Ngài đã chỉ ngỏ đôi lời ứng khẩu, trước khi chào hỏi từng người trong khoảng 400 tham dự viên.

AK

Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Quý Anh Chị Em thân mến,

Tôi hân hạnh đón tiếp anh chị em nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Học Viện Giáo Hoàng Thánh Kinh, và tôi cảm ơn ông Viện Trưởng vì những lới đáng mến của ông. Năm 1909, khi đức Thánh Giáo Hoàng Piô X thiết lập viện « Biblicum », ngài đã giao cho viện nhiệm vụ là « một trung tâm cao học về Sách Thánh trong thành Rôma, để phát huy cách hữu hiệu nhất giáo lý Thánh Kinh và những môn học phụ thuộc theo tinh thần của Gíáo Hội công giáo » [Tông Thư Vinea electa, 07/5/1909 : AAS 1 [1909], 447-448].

Từ đó, Viện này đã làm việc để trung thành với nhiệm vụ của mình, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, và đã đóng góp nhiều cho việc phát huy việc nghiên cứu hàn lâm và giáo huấn trong những nghiên cứu Thánh Kinh và trong các lãnh vực phụ thuộc, cho các sinh viên và các giáo sư tương lai đến từ khoảng 70 quốc gia khác nhau. Đức Hồng Y Augustin Bea, trong thời gian dài đã là Viện Trưởng « Viện Thánh Kinh » trước khi được tấn phong Hồng Y,  đã là người đề xướng chính của bản Tuyên Ngôn Công Đồng Nostra aetate, đặt những nền tảng mới cho những quan hệ liên tôn và đặc biệt những quan hệ giữa người Do Thái và người công giáo. Những năm gần đây, Học Viện đã tăng cường sự hợp tác với những chuyên gia Do Thái và Tin Lành.

Tôi chào mừng các tham dự viên của Hội Nghị về « Chúa Giêsu và người Pharisêu, Một sự tái thẩm định liên ngành », có mục đích đối phó với một vấn đề đặc trưng và quan trọng trong thời đại của chúng ta và xuất hiện như kết quả trực tiếp của Bản Tuyên Ngôn Nostra aetate. Hội nghị muốn tìm hiểu những tài liệu, đôi khi mang tính luận chiến, liên quan đến người Pharisêu trong Tân Ước và trong những nguồn cổ xưa. Ngoài ra, nó cũng đề cập tới lịch sử những suy diễn uyên bác và dân gian giữa những người Do Thái và người Kitô giáo. Giữa các Kitô hữu và trong xã hội ngoài đời, trong các ngôn ngữ khác nhau, danh từ « Pharisêu » có nghĩa là « con người đạo đức giả » hay « con người tự phụ ». Tuy nhiên, đối với nhiều người Do Thái, người Pharisêu là những người sáng lập ra Do Thái Giáo và như thế là những tổ phụ thiêng liêng của họ.

Lịch sử của sự diễn giải đã giúp cho những hình ảnh tiêu cực của người Pharisêu, dù là không có nền tảng cụ thể nào trong những phúc trình của Tin Mừng. Và nhiều khi, theo với thời gian, nhãn quan này đã được các Kitô hữu gán cho những người Do Thái nói chung. Trên thế giới của chúng ta, những cách nhìn đóng khung tiêu cực như thế, khốn thay đã trở thành quá phổ biến. Một trong những cách nhìn đóng khung lâu đời nhất và gây thiệt hại nhất, chính là cách nhìn ‘người Pharisêu’, đặc biệt như thể cách nhìn đó được dùng để đặt người Do thái dưới một ánh đèn tiêu cực.

Những nghiên cứu mới đây công nhận rằng, ngày hôm nay, chúng ta biết ít hơn về người Pharisêu so với những người của các thế hệ trước. Chúng ta ít chắc chắn về nguồn gốc của họ và của nhiều những giáo huấn của họ và những thực hành của họ. Bởi thế, sự phong phú liên ngành về những vấn đề văn chương và lịch sử liên quan đến những người Pharisêu, được đề cập trong Hội Nghị, sẽ giúp có được một nhãn quan đích thực về nhóm giáo sĩ này, đóng góp vào việc chống lại chủ thuyết bài Do Thái.

Nếu chúng ta coi kỹ Tân Ước, chúng ta thấy rằng thánh Phaolô, trước khi được gặp Chúa Giêsu, cũng được tính trong những người trước kia đã hãnh diện « tuân thủ Lề Luật của ông Môsê ; [tôi là] người Pharisêu » [Pl 3,5].

Chúa Giêsu đã có nhiều cuộc tranh luận với người Pharisêu về những lo lắng chung. Người đã chia sẻ với họ đức tin trong sự sống lại [x. Mc 12, 18-27] và đã chấp nhận những khía cạnh khác của sự diễn giải của họ về kinh Torah. Nếu sách Tông Đồ Công Vụ khẳng định rằng nhiều người Pharisêu đã kết hợp với các môn đệ Chúa Giêsu tại Giêrusalem [x. Cv 15,5], điều này có nghĩa là đã có nhiều điểm chung giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu.  Cũng cuốn sách này trình bầy ông Gamaliel, một người thủ lãnh của người Pharisêu, đã bảo vệ ông Phêrô và ông Gioan [x. Cv 5, 34-39].

Trong những thời gian mang nhiều ý nghĩa nhất của Phúc Âm theo thánh Gioan, có sự gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người Pharisêu tên là Nicôđêmô, một trong những thủ lãnh người Do Thái [x. Ga 3,1]. Chính với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu giải thích : « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời » [Ga 3,16]. Và ông Nicôđêmô đã bênh vực Chúa Giêsu trước một cử tọa [x. Ga 7, 50-51] và ông cũng đã tham dự việc táng xác Người [x. Ga 19,39]. Dù sao chăng nữa, nếu chúng ta xét về ông Nicôđêmô, thì rõ ràng là những ấn tượng khác nhau về người Pharisêu không áp dụng được với ông ta và hơn nữa, cũng đã không được xác nhận trong Phúc Âm theo thánh Gioan.

Một cuộc gặp gỡ khác giữa Chúa Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo của thời Người đã được kể lại bằng nhiều cách khác nhau trong các Tin Mừng khái quát. Điều này liên quan đến vấn đề « điều răn lớn » hay « điều răn đầu tiên ». Trong Phúc Âm theo thánh Máccô [xem Mc 12, 28-34], câu hỏi được nêu lên bởi một kinh sư, không nói thêm về căn tính của ông ta, người này thiết lập một cuộc đối thoại kính ngưỡng với một Đấng giảng dạy. Trong Phúc Âm theo thánh Mátthêu, người kinh sư trở thành một người Pharisêu tìm cách thử thách Chúa Giêsu [x. Mt 22, 34-35]. Trong Phúc Âm theo thánh Máccô, Chúa Giêsu kết thúc khi Người phán rằng : « Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu » [Mc 12,34], cho thấy sự đánh giá cao mà Chúa Giêsu đã có đối với những lãnh tụ tôn giáo vốn thực sự « gần gũi với Nước Thiên Chúa ».

Rabbi Aqiba, một trong những giáo sĩ Do Thái giáo nổi tiếng nhất trong thế kỷ thứ hai, thừa kế giáo huấn của người Pharisêu, [1] sách Lêvi ghi lại [Lv 19,18] : « người phải yêu đồng loại như chính mình » như một nguyên tắc trọng đại của kinh Torah [2]. Theo truyền thống, ông chết tử đạo, lời kinh Shema trên môi, vốn bao gồm điều răn yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực [x. Đnl 6, 4-5] [3]. Bởi vậy, với những điều chúng ta có thể biết được, ông đã hoàn toàn hòa hợp với Chúa Giêsu và người kinh sư hay Pharisêu đối thoại với Người. Cùng cách đó, lời vàng thước ngọc [x. Mt 7,12], kể cả những cách nói khác nhau, đã được gán cho không những Chúa Giêsu, mà còn cho người đương thời và lớn tuổi hơn Người, ông Hillel, thường được coi như một trong những người Pharisêu chính trong thời đại của Người. Quy định đó đã hiện diện trong sách Kinh Thánh hạng thứ của ông Tôbia [x. Tb 4,15].

Bởi thế cho nên tình yêu tha nhân làm thành một dấu chỉ có ý nghĩa để nhận biết những tương quan giữa Chúa Giêsu và những kẻ đối thoại Pharisêu của Người. Nó chắc chắn là một nền tảng quan trọng cho mọi đối thoại, nhất là giữa người Do Thái và người Kitô giáo, ngay cả trong thời hiện tại.

Quả vậy, để yêu mến tha nhân hơn, chúng ta cần biết rõ tha nhân là ai, chúng ta thường phải tìm cách vượt lên những định kiến xưa cũ. Bởi thế Hội Nghị của Quý Anh Chị Em, khi đặt quan hệ của sự thú tội và kỷ luật trong ý định đạt tới một sự hiểu biết chín chắn và chính xác hơn về người Pharisêu, sẽ giúp để trình bầy họ một cách thích hợp trong giáo huấn và thuyết giảng. Tôi chắc chắn rằng những nghiên cứu này, với những con đường mới được mở ra, sẽ đóng góp một cách tích cực cho những quan hệ giữa người Do Thái và người Kitô giáo, nhắm tới một cuộc đối thoại luôn sâu đậm và nặng tình huynh đệ. Mong rằng Hội Nghị sẽ tìm được một tiếng vang rộng lớn bên trong và bên ngoài Hội Thánh công giáo, và những công việc của Quý Anh Chị Em được tràn đầy phép lành của Đấng Tối Cao, và như nhiều anh chị em người Do Thái thường nói, de Hashem. Cảm ơn.

© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

[1]  S. EUSEBII HIERONYMI, Commentarii in Isaiam, III, 8: PL 24, 119.

[2]  Sifra sur le Lévitique 19,18; Genèse Rabbah 24,7 sur Gen 5,1.

[3]  Texte original et version italienne in Talmud Babilonese, Trattato Berakhòt, 61b, Tomo II, a cura di D. G. Di Segni, Giuntina, Firenze 2017, pp. 326-327.

//fr.zenit.org/articles/bible-comprendre-les-pharisiens-pour-un-meilleur-dialogue-entre-juifs-et-chretiens/

 1824 khách đã đọc bài này

Video liên quan

Chủ Đề