Nghiên cứu khoa học về xuất khẩu nông sản

Cập nhật vào: Thứ sáu - 14/05/2021 04:39 Cỡ chữ

Nghiên cứu khoa học về xuất khẩu nông sản
 
Nghiên cứu khoa học về xuất khẩu nông sản

Năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - châu Phi đã đạt 6,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi tăng trưởng 15% và ước đạt 3,1 tỷ USD. Bên cạnh các nước khu vực Bắc Phi và thị trường Nam Phi, khu vực các nước Tây Phi được xem là thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam thời gian qua. Đây là khu vực cửa ngõ thâm nhập châu lục với lợi thế dân số đông, có nền chính trị tương đối ổn định, tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh. Để tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang châu Phi, cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu về châu lục này, đặc biệt tập trung vào khu vực thị trường có sức tiêu thụ lớn như Tây Phi, đánh giá đúng thực trạng hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực thời gian qua, trên cơ sở đó xây dựng các quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực thị trường mới và nhiều tiềm năng này.

Nghiên cứu khoa học về xuất khẩu nông sản

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, nhóm thực hiện đề tài do CN. Ngô Khải Hoàn, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường các nước khu vực Tây Phi”. Đề tài sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Phi trong thời gian tới. Các mặt hàng nông sản trọng tâm chính của Việt Nam vào khu vực này sẽ bao gồm gạo, hồ tiêu và cà phê.

Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường các nước khu vực Tây Phi như sau:

1. Các giải pháp từ phía Nhà nước

Tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, mở rộng mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại khu vực Tây Phi và ngược lại; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho xuất khẩu và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thị trường Tây Phi và các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu; Phát triển nguồn nhân lực cho đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại.

2. Các giải pháp từ phía Hiệp hội, doanh nghiệp

- Đối với các hiệp hội: Để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường khu vực thị trường Tây Phi, trong thời gian tới các Hiệp hội cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hội viên để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo giao lưu với các hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, kêu gọi các hội viên tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, tổ chức tập huấn…  Tổ chức đi thăm hỏi, động viên khảo sát nắm bắt tình hình bà con nông dân và các doanh nghiệp chế biến sản.

-  Đối với doanh nghiệp: cần nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu và lựa chọn phương thức thích hợp để chủ động thâm nhập vào thị trường Tây Phi. Cần xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng, lợi thế của doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu sang thị trường khu vực Tây Phi. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu và nghiên cứu thành lập kho ngoại quan tại khu vực này. Đầu tư sản xuất tại nước sở tại và gắn xuất khẩu với nhập khẩu.

3. Một số kiến nghị

- Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Tăng cường trao đổi đoàn cấp cao với các nước Tây Phi. Nghiên cứu đàm phán ký kết các FTA với khối Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS). Tập trung tháo gỡ rào cản, thường xuyên kết nối chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng. Mở các trung tâm giới thiệu hàng nông sản, kho ngoại quan để các doanh nghiệp có thể đưa hàng vào trưng bày. Đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp. Nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả điều hành công tác xúc tiến thương mại: đa dạng hoá và mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại. Cần tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế cung cấp, dự báo thông tin thị trường, tư vấn đầu tư, thương mại, tư vấn pháp luật, môi trường kinh doanh ở Tây Phi cho cộng đồng doanh nghiệp. Mở rộng mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại tại một số thị trường trọng điểm. Tăng cường hợp tác với cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại Tây Phi.

Đối với các doanh nghiệp: Xây dựng phương án và chiến lược kinh doanh phù hợp tại thị trường Tây Phi trên cơ sở lợi thế so sánh của doanh nghiệp. Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa cùng với nâng cao vai trò tham gia của các hợp tác xã vào chuỗi liên kết; tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo quy trình kỹ thuật sản xuất đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu. Cần nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn việc mở hoặc thuê kho ngoại quan, trung tâm giới thiệu sản phẩm để giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng và đối tác tiềm năng tại khu vực này. Tích cực tham gia các đoàn giao thương, chương trình xúc tiến thương mại tại Tây Phi do Nhà nước tổ chức. Nâng cao hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu với Tây Phi thông qua hình thức trao đổi hàng hai chiều, xuất khẩu trực tiếp không qua trung gian, tham gia vào các chương trình viện trợ và hợp tác 3 bên tại một số nước Tây Phi nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng nông nghiệp so với hàng xuất khẩu tương tự từ các nước khác…

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp trong việc tăng cường đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường các nước khu vực Tây Phi.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15723/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)