Ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp học những gì

Ngành Xây dựng công nghiệp và dân dụng

Ngành đào tạo: XÂY DỰNG DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP
Trình độ đào tạo:
Trung cấp chuyên nghiệp
Thời gian đào tạo: 2 năm
Đối tượng tuyển sinh: Học sinh đã tốt nghiệp THPT.

GIỚI THIỆU

Chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Xây dựng công nghiệp và dân dụng, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình chuẩn bị cho người học áp dụng các nguyên lý, kỹ năng kỹ thuật hỗ trợ các kỹ sư và các nhà thầu trong việc xây dựng nhà và các kiến trúc liên quan.

Chương trình khóa học bao gồm các nội dung về vẽ xây dựng, cơ xây dựng, trắc địa, vật liệu xây dựng, điện kỹ thuật, máy xây dựng, cấp thoát nước và môi trường, cấu tạo kiến trúc, thiết kế kiến trúc, kỹ thuật thi công, tổ chức thi công và dự toán công trình xây dựng và những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh.

Sau khi kết thúc khóa học, người học trở thành kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Xây dựng công nghiệp và dân dụng, người học có thể làm việc tại các đơn vị xây dựng, ban quản lý dự án các công trình xây dựng thuộc các doanh nghiệp xây dựng, công ty tư vấn xây dựng, các cơ quan quản lý xây dựng và các cơ sở đào tạo ngành xây dựng.

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Sau khi học xong chương trình người học có khả năng:

Về kiến thức

- Trình bày được những nội dung cơ bản về dự toán, vẽ kỹ thuật, cấu tạo và thi công công trình xây dựng;

- Áp dụng những kiến thức cơ sở và chuyên môn đã học để tính dự toán, thiết kế các bản vẽ kỹ thuật và tính kết cấu cho công trình.

Về kỹ năng

- Có khả năng tham gia triển khai thiết kế, tổ chức chỉ đạo, thi công các công trình xây dựng;

- Có khả năng chỉ đạo toàn bộ công tác kỹ thuật từ khâu chuẩn bị xây dựng, xây dựng nghiệm thu bàn giao và bảo hành sau xây dựng đối với từng hạng mục công trình, các công trình quy mô nhỏ;

- Áp dụng các thiết bị định hình để thiết kế công trình có quy mô nhỏ;

- Có thể làm tổ trưởng, đội trưởng chịu trách nhiệm điều hành mọi công việc trong tổ, đội theo cơ chế mới hạch toán kinh doanh.

Về thái độ

- Có lập trường và quan điểm vững vàng về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững và vận dụng sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào lĩnh vực xây dựng. Hiểu và thực hiện đúng đắn giữa nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân đối với đất nước.

- Có động cơ nghề nghiệp đúng đắn, có đức tính cần cù chịu khó và sáng tạo trong nghề nghiệp. Có tác phong nhanh nhẹn, khiêm tốn, trung thực trong hoạt động nghề nghiệp. Có ý thức vươn lên trong học tập, không ngừng đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào lĩnh vực sản xuất của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho xã hội.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần của chương trình

I

Các Học phần chung

Học phần bắt buộc

1

Chính trị

4

Giáo dục thể chất

2

Ngoại ngữ

5

Giáo dục quốc phòng - an ninh

3

Tin học

6

Pháp luật

Học phần tự chọn [chọn 1 trong 3 học phần sau]

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Khởi tạo doanh nghiệp

2

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

II

Các học phần cơ sở

1

Vẽ xây dựng

4

Vật liệu xây dựng

2

Cơ xây dựng

5

Điện kỹ thuật

3

Trắc địa

III

Các học phần chuyên môn

1

Máy xây dựng

6

Kỹ thuật thi công

2

Cấp thoát nước và môi trường

7

Tổ chức thi công

3

Cấu tạo kiến trúc

8

Dự toán xây dựng công trình

4

Thiết kế kiến trúc

9

An toàn lao động

5

Kết cấu xây dựng

10

Quản trị kinh doanh xây dựng

IV

Thực tập cơ bản

1

Thực tập cơ bản về nề, mộc, côppha, cốt thép và máy xây dựng

3

Thực tập kỹ thuật viên

2

Thực tập thiết kế

V

Thực tập tốt nghiệp

Nội dung các học phần cơ sở và chuyên môn

Vẽ xây dựng

Học phần này giới thiệu các loại hình học họa hình và cách đọc, hiểu các bản vẽ kỹ thuật.

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về đọc và thể hiện các bản vẽ kỹ thuật, quy định, tiêu chuẩn của bản vẽ kỹ thuật xây dựng.

Sau khi học xong, người học hiểu được các quy định của một bản vẽ kỹ thuật trong xây dựng, đọc và hiểu được bản vẽ, biết thể hiện bản vẽ, vận dụng để học tập các môn học khác.

Cơ xây dựng

Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về cơ lý thuyết [tĩnh học] và sức bền vật liệu.

Nội dung học phần gồm những kiến thức nghiên cứu sự cân bằng tĩnh học của vật rắn tuyệt đối dưới tác dụng của lực; Nghiên cứu kết quả gây ra cho các vật thể biến dạng dưới tác dụng của lực. Trên cơ sở đó nghiên cứu và tính toán độ bền, độ cứng và độ ổn định của vật thể đó hoặc của bộ phận công trình.

Sau khi học xong, người học hiểu và làm được bài toán xác định nội lực, kiểm tra độ bền, độ cứng và độ ổn định, vận dụng kiến thức để học tập môn Kết cấu.

Trắc địa

Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về trắc đạc cần thiết cho xây dựng công trình.

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về cấu tạo các loại máy đo đạc và dụng cụ đo đạc thông thường trong xây dựng.

Sau khi học xong, người học hiểu được cấu tạo các loại máy đo đạc và dụng cụ đo đạc thông thường, biết sử dụng các máy và dụng cụ đo để đo góc, đo độ cao, độ dài, giác móng của một công trình đơn giản.

Vật liệu xây dựng

Học phần này giới thiệu các loại vật liệu xây dựng cơ bản trong xây dựng.

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về vật liệu đá thiên nhiên, vật liệu nung, bê tông, vữa xây dựng, vật liệu đá nhân tạo, vật liệu gỗ, các vật liệu khác và tính chất cơ lý hóa và công dụng của các loại vật liệu xây dựng.

Sau khi học xong, người học áp dụng được các tính chất cơ, lý hoá chủ yếu của các loại vật liệu thông thường, biết cách đánh giá chất lượng vật liệu, biết chọn và sử dụng vật liệu một cách hợp lý, biết cách tính toán, cấp phối liều lượng vật liệu.

Điện kỹ thuật

Học phần này giới thiệu những kiến thức cơ bản về điện kỹ thuật cho kỹ thuật viên ngành xây dựng.

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về điện xoay chiều 1 pha và 3 pha, máy biến áp, đường day điện, chống sét cho các công trình và an toàn lao động điện.

Sau khi học xong, người học trình bày được những định luật cơ bản về điện xoay chiều 1 pha và 3 pha, cấu tạo, nguyên lý làm việc, cách sử dụng và bảo quản động cơ không đồng bộ 3 pha. Bố trí lưới điện cho các công trình vừa và nhỏ, tính toán đường dây cần sử dụng, thiết kế chống sét cho các công trình xây dựng.

Máy xây dựng

Học phần này giới thiệu những các tính năng, nguyên lý làm việc của một số loại máy cơ bản dùng trong xây dựng, cách chọn máy trong thi công.

Nội dung học phần gồm những khái niệm chung về máy xây dựng, các phương tiện vận chuyển, máy nâng chuyên, máy làm đất, thiết bị gia cố nền, máy sản xuất vật liệu xây dựng và máy làm công tác bê tông.

Sau khi học xong, người học phân tích được tính năng, nguyên lý làm việc của các loại máy, biết lựa chọn máy thi công.

Cấp thoát nước và bảo vệ môi trường

Học phần này giới thiệu về kỹ thuật cấp thoát nước bên trong, bên ngoài công trình và về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp.

Nội dung học phần gồm những khái niệm chung về hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, thi công đường ống và sinh thái học và bảo vệ môi trường.

Sau khi học xong, người học hiểu được thành phần các công trình trong hệ thống cấp, thoát nước trong và ngoài nhà. Đọc được các bản vé cấp thoát nước thông thường, tính toán thiết kế mạng lưới cấp nước ngoài nhà, chọn phương án cấp nước hợp lý cho công trình dân dụng, biết trình tự và phương pháp chung để thi công đường ống cấp, thoát nước, có những hiểu biết nhất định về ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Cấu tạo kiến trúc

Học phần này giới thiệu nguyên tắc cấu tạo các bộ phận trong công trình dân dụng từ móng cho đến mái.

Nội dung học phần gồm những kiến thức chung về cấu tạo nhà dân dụng: nền móng, móng, nền nhà, hè, rãnh, tường, cột, cửa, sàn, cầu thang, mái nhà và cấu tạo các bộ phận khác.

Sau khi học xong, người học hiểu được cấu tạo các bộ phận trong công trình dân dụng. Triển khai được bản vẽ chi tiết từng bộ phận trong công trình dân dụng.

Thiết kế kiến trúc

Học phần này giới thiệu nguyên lý chung của công tác thiết kế Kiến trúc và thiết kế ứng dụng một số công trình nhà ở và công cộng.

Nội dung học phần gồm những kiến thức chung về nguyên lý thiết kế nhà ở và nguyên lý thiết kế kiến trúc công cộng.

Sau khi học xong, người học trình bày được nguyên lý chung của công tác thiết kế Kiến trúc, thiết kế ứng dụng một số công trình nhà ở và công cộng.

Kết cấu xây dựng

Học phần này giới thiệu về kết cấu gỗ, kết cấu thép và kết cấu bê tông cốt thép.

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về tính kết cấu thép, gỗ và kết cấu bê tông cốt thép. Tính các cấu kiện cơ bản của kết cấu bê tông cốt thép theo TTGH1 và TTGH2, tính toán các liên kết, các cấu kiện cơ bản của kết cấu thép, gỗ.

Sau khi học xong, người học tính toán được các cấu kiện cơ bản của kết cấu Bê tông cốt thép theo TTGH1 và TTGH2, tính toán các liên kết, các cấu kiện cơ bản của kết cấu thép, gỗ.

Kỹ thuật thi công

Học phần này giới thiệu về các biện pháp thi công các công tác xây lắp chủ yếu trong xây dựng công trình. Phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng và nghiệm thu các khối lượng công tác xây lắp trong quá trình thi công.

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về công tác dát và gia cố nền móng, công tác xây, công tác bê tông và bê tông cốt thép, công tác lắp ghép và công tác hoàn thiện.

Sau khi học xong, người học có khả năng lập kế hoạch các phương pháp thi công cho các công trình xây dựng thông thường, chỉ đạo công nhân thi công một dây chuyền công việc, hoặc các công trình loại vừa và nhỏ đảm bảo các quy trình quy phạm, biết kiểm tra, đánh giá chất lượng và nghiệm thu khối lượng xây lắp trong quá trình thi công.

Tổ chức thi công

Học phần này giới thiệu nguyên tắc và phương pháp lập thiết kế, tổ chức thi công những công trình xây dựng thông thường.

Nội dung học phần gồm những vấn đề chung về tổ chức thi công, lập tiến độ thi công và thiết kế tổng mặt bằng thi công.

Sau khi học xong, người học biết lựa chọn biện pháp kỹ thuật thi công phù hợp, biết cách tổ chức thi công xây lắp cho các công trình thông thường, lập được kế hoạch tiến độ thi công, biết tính toán và bố trí công trình tạm trên tổng mặt bằng thi công.

Dự toán xây dựng công trình

Học phần này giới thiệu nguyên tắc và phương pháp lập thiết kế, tổ chức thi công những công trình xây dựng thông thường.

Nội dung học phần gồm những khái niệm dự toán trong xây dựng, tiên lượng, dự toán về nhu cầu vật liệu, nhân công, lập dự toán công trình và thanh quyết tóan khối lượng hoàn thành.

Sau khi học xong, người học biết được trình tự và tác dụng của công tác lập dự toán, định mức, đơn giá, các thông tư hiện hành để lập dự toán thi công [tính tiên lượng, phân tích vật tư, nhân công, máy thi công, kinh phí], phục vụ cho công tác thi công và tổ chức thi công.

An toàn lao động

Học phần này giới thiệu những kiến thức cơ bản về bảo hộ lao động, những quy định về vệ sinh lao động và biện pháp an toàn lao động trong xây dựng, kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy.

Nội dung học phần gồm những kiến thức chung về vấn đề bảo hộ lao động, vệ sinh lao động, an toàn lao động trong xây dựng và kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi học xong, người học trình bày được các kiến thức về bảo hộ lao động, biết áp dụng các quy định và các kỹ thuật an toàn trong quá trình thi công.

Quản trị kinh doanh xây dựng

Học phần này giới thiệu một số vấn đề cơ bản về quản lý và đầu tư xây dựng.

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp xây dựng như: quản lý đầu tư, quản lý lao động, tiền lương, vật tư - kỹ thuật, quản lý kỹ thuật và quản lý giá xây dựng - tài chính và lợi nhuận trong doanh nghiệp xây dựng.

Sau khi học xong, người học ứng dụng được các kiến thức cơ bản về quản lý đầu tư, chi phí và lợi nhuận từng bước vận dụng vào công việc thực tế.

Thực tập cơ bản

* Thực tập cơ bản về nề, mộc, côppha, cốt thép và máy xây dựng

Nội dung học phần gồm những kỹ năng áp dụng những kiến thức đã được học lý thuyết vào thực tiễn thực kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện các thao tác cơ bản, trình tự các bước tiến hành, quá trình thực hiện các bài luyện tập cơ bản đúng theo yêu cầu kỹ thuật; Giúp học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản của nghề nề; Giúp học sinh tự kiểm tra đánh giá sản phẩm, nâng cao trình độ kiểm tra, đánh giá sản phẩm; Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ lao động và lòng say mê nghề nghiệp; Rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật trong lao động.

+ Thực tập Nề:
- Xếp gạch.
- Xây tường phẳng.
- Trát tường phẳng.

+ Thực tập Nề Mộc côppha:
- Lắp dựng ván khuôn cột.
- Lắp dựng ván khuôn dầm, sàn.

+ Thực tập Cốt thép:
- Gia công cốt thép: cột, dầm, sàn.
- Lắp dựng cốt thép: cột, dầm, sàn.

+ Thực tập Giàn giáo:
- Lắp dựng, tháo dỡ giàn giáo trong nhà.
- lắp dựng, tháo dỡ dàn giáo ngoài nhà.

+ Thực tập Máy xây dựng.

Sau khi học xong, người học có tay nghề Nề tương đương bậc 2/7 , biết và làm được các công việc gia công, lắp dựng cốt thép, gia công, lắp dựng và tháo dỡ ván khuôn, giàn giáo.

* Thực tập thiết kế

Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về trình tự thiết lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thể hiện được hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

- Thực tập kiến trúc.

- Thực tập kết cấu.

- Thực tập dự toán.

- Thực tập lập tiến độ thi công.

Sau khi học xong, người học nắm vững trình tự thiết lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thể hiện được hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho công trình xây dựng loại vừa và nhỏ.

* Thực tập kỹ thuật viên

Nội dung học phần gồm những kiến thức bước đầu tập sự làm nhiệm vụ của người cán bộ kỹ thuật ở đội xây dựng hoặc phòng kỹ thuật, khi thực tập học sinh làm quen với thực tế sản xuất, tiếp nhận và thực hiện được những nhiệm vụ cụ thể trong dây chuyền sản xuất, qua đó tạo được kỹ năng công tác, kinh nghiệm làm việc để giảm bớt những khó khăn, bỡ ngỡ khi ra công tác.

Sau khi học xong, người học biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, qua đó giúp người học củng cố, bổ sung, hệ thống hóa những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, đồng thời học tập những kinh nghiệm trong thực tế sản xuất; Thông qua thực tế sản xuất nhằm rèn luyện cho học sinh quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, rèn luyện đạo đức, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật và phương pháp làm việc khoa học; Thực tập ghi chép các tài liệu để phục vụ việc thi tốt nghiệp [có sự hướng dẫn của giáo viên].

Video liên quan

Chủ Đề