Hãy liên hệ tới các thành tựu khoa học và công nghệ ở nước ta

Anh Vân- Kim Đồng   -   Thứ tư, 06/02/2019 10:00 [GMT+7]

Năm 2018 đánh dấu nhiều thành tựu khoa học khiến thế giới nể phục tài trí người Việt Nam.

Không gian: 40 năm giấc mơ chinh phục vũ trụ

Vệ tinh MicroDragon “Made by Vietnam” do 36 thạc sĩ công nghệ vệ tinh của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo dưới sự hướng dẫn của phía Nhật Bản được hoàn thiện, từng bước hiện thực hoá giấc mơ làm chủ công nghệ vệ tinh, tự sản xuất vệ tinh nhỏ của riêng mình và chinh phục vũ trụ của người Việt.

Trước hết, cũng cần nhắc lại, kể từ năm 1980 - khi Anh hùng Phạm Tuân - phi công vũ trụ Châu Á đầu tiên bay vào không gian, ngành công nghiệp vũ trụ của Việt Nam đã có những  bước phát triển lớn.

Năm 2018, vệ tinh Macro Dragon nặng 50kg do các thạc sĩ công nghệ vệ tinh Việt Nam chế tạo ở Nhật Bản, được phía Nhật Bản hỗ trợ phóng lên không gian bằng tên lửa Epsilon.

Theo lộ trình, vào đầu năm 2019 hai vệ tinh tiếp theo do Việt Nam chế tạo  là LOTUSat-1 và LOTUSat-2 sẽ được phóng lên vũ trụ. Hai vệ tinh này có khối lượng gấp 12 lần Micro Dragon [gần 600kg], với kích thước là 1,5 x 1,5 x 3m. Đây là hai vệ tinh theo công nghệ radar tiên tiến, có thể tồn tại trên vũ trụ 5 năm.

Trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết: Vệ tinh LOTUSat-1 có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao. LOTUSat-2 có thể phát hiện các vật thể từ 1m trở lên.

Việc thiết kế, chế tạo LOTUSat-2  diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ người Việt thực hiện. Cùng với vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh LOTUSat-2 sẽ tham gia vào quá trình cung cấp dữ liệu để xử lý, đưa ra các tính toán, góp phần giảm nhẹ thiệt hại thiên tai của Việt Nam, tương đương với 150 triệu USD/ năm.

 

Sinh học:  Hai nữ sinh và 14 chất dẫn kháng ung thư

Hai nữ sinh Đan Khuê và Nam Anh [THPT Chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội] đã gây ngạc nhiên khi nghiên cứu ra một số giải pháp để điều trị căn bệnh nan y ung thư.

Dự án “tổng hợp được 14 dẫn chất kháng ung thư” của Vũ Thị Nam Anh và Trần Đan Khuê xuất sắc giành giải Nhất toàn cuộc Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Bắc vừa diễn ra mới đây.

Đan Khuê và Nam Anh đã tổng hợp được 14 dẫn chất có tác dụng ức chế HDAC-2 và có hoạt tính ức chế mạnh trên các dòng tế bào ung thư [đại tràng, tiền liệt tuyến và tuyến tụy]. Không những vậy, qua sàng lọc, Nam Anh và Đan Khuê phát hiện chất 5e có tác dụng ức chế mạnh nhất trên các dòng tế bào thử nghiệm, mạnh hơn các loại thuốc trị ung thư trên thị trường từ 5-8 lần và chưa có công bố nào ở Việt Nam cũng như thế giới.

Hai bạn trẻ đã đại diện Việt Nam sang Mỹ tham dự giải Hội thi Khoa học và kỹ thuật Quốc tế [Intel ISEF].

 

Cơ học tính toán: Người Việt đầu tiên nhận giải thưởng của Nhật Bản

Năm 2018 đánh dấu lần đầu tiên một nhà khoa học Việt nhận giải JACM 2018 của Nhật Bản. Đây là  Giải thưởng về cơ học tính toán vinh danh những nhà khoa học tuổi không quá 40 có thành tích nghiên cứu xuất sắc.

Hằng năm Hiệp hội Cơ học Tính toán Nhật Bản [JACM] sẽ thành lập hội đồng để xét và trao giải thưởng “The 2018 JACM Young Investigator Award” cho nhà khoa học có nhiều đóng góp trong chuyên ngành Cơ học tính toán và thành tích nghiên cứu xuất sắc. Chủ tịch Hội đồng xét duyệt là Chủ tịch Hiệp hội Cơ học Tính toán Nhật Bản.

Người được vinh danh năm 2018 là PGS Bùi Quốc Tính, công tác tại khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản. PGS Bùi Quốc Tính là tác giả và đồng tác giả của 117 công trình khoa học đăng trên tạp chí uy tín quốc tế thuộc hệ thống ISI. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna [Áo] năm 2009, từng nhiều năm công tác tại Bỉ, Áo, Pháp, Đức. Anh đến giảng dạy tại Nhật Bản từ năm 2014 và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Giải thưởng cũng đã được trao trong Hội nghị Cơ học tính toán Thế giới tổ chức tại New York [Mỹ] hồi tháng 7 vừa qua.

 

Y học: Công trình Keo chống chảy máu

Nhắc đến nữ tiến sĩ [TS] Nguyễn Thị Hiệp [Trường Đại học Quốc Tế, Đại học Quốc Gia TP.HCM], nhiều người ngưỡng mộ. Bởi, TS Hiệp đang nghiên cứu một bộ dụng cụ sơ cứu có thể ngăn chặn những tình huống vết thương chảy máu hoặc bị nhiễm trùng mà không cần khâu. Đặc biệt, TS Hiệp còn có nhiều nghiên cứu khoa học được vinh danh tầm cỡ quốc tế.

Về dự án, TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ, đó là một loại keo sinh học được làm từ axit hyaluronic, một loại protein tự nhiên và chitosan, một chất được tìm thấy trong bộ xương của động vật có vỏ… “Với loại keo này thì có thể được sử dụng để hàn kín vết thương, có thể được nạp với các tế bào hoặc các thành phần cụ thể để điều trị. Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng cầm máu để cầm máu khi có vết thương….”.

Công trình Nghiên cứu keo chống chảy máu dùng để sơ cứu cho người sống ở nơi hẻo lánh, xa bệnh viện của chị đã nhận giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO” tháng 3.2018.

TS Hiệp là người thứ hai của Việt Nam nhận giải khoa học trẻ tài năng thế giới này. Trước đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài - Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y dược [Đại học Huế] đã được trao giải thưởng: Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO 2017 vì tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu y học dân tộc cổ truyền và nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, suy giảm trí nhớ ở người già.

Khoa học và công nghệ - nguồn lực quan trọng của phát triển kinh tế

[ĐCSVN] - Cùng với các nguồn lực về lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên…, khoa học và công nghệ được coi là nguồn lực quan trọng, có tác động lớn đối với phát triển kinh tế.

KH&CN góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thực tiễn cho thấy, khoa học và công nghệ [KH&CN] góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu; các sản phẩm KH&CN đóng góp trực tiếp vào GDP. Sự phát triển của KH&CN có tác động mang tính quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng.

Cụ thể, KH&CN tạo điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. KH&CN phát triển với sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới, hiện đại như: vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ sinh học, điện tử viễn thông… đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào. KH&CN làm tăng các yếu tố của sản xuất - kinh doanh, theo đó làm tăng thu nhập và dẫn đến sự gia tăng chi tiêu cho tiêu dùng dân cư và tăng đầu tư cho cả nền kinh tế. KH&CN phát triển làm tăng khả năng tiếp cận của con người với tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ qua các phương tiện thông tin và dịch vụ vận chuyển. Do vậy, trong thời đại ngày nay, phần đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của nhiều nước từ KH&CN rất cao.

Ảnh minh họa.

KH&CN cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Trong các nhân tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì KH&CN có vai trò đặc biệt quan trọng. KH&CN làm thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động ngày càng sâu sắc hơn và phân chia thành các ngành nhỏ, làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, lĩnh vực mới. Cơ cấu trong nội bộ ngành cũng thay đổi. Khi thay đổi sản xuất theo hướng tăng năng suất và hiệu quả sẽ tạo ra khả năng thay đổi cơ cấu tiêu dùng do thu nhập tăng. Tỷ trọng và vị trí GDP của công nghiệp và dịch vụ tăng dần, nông nghiệp giảm dần. Đồng thời, KH&CN góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp. Nhờ tác động của các yếu tố như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ cải tiến phương pháp quản lý, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc của người lao động…, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp [TFP] làm cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Tại các nước phát triển, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP thường rất cao [trên 50%], với các nước đang phát triển khoảng 20-30%.

KH&CN cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Một quốc gia có tiềm lực KH&CN sẽ là quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế cao. Năng lực sáng tạo công nghệ là một trong những tiêu chí cơ bản để xếp hạng năng lực cạnh tranh của quốc gia đó. Việc ứng dụng KH&CN làm cho các yếu tố đầu vào, nhất là TFP được nâng cao và có hiệu quả hơn, quy mô sản xuất và tiêu dùng ngày càng được mở rộng, tạo ra thị trường mới, hướng về xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khu vực.

Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu và động lực của doanh nghiệp là lợi nhuận. Do đó,các doanh nghiệp luôn hướng tới giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, buộc phải áp dụng các tiến bộ KH&CN thì sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất của người lao động, giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường ngoài nước, từ đó tối đa hóa lợi nhuận.

Thành tựu KH&CN trong phát triển kinh tế đất nước

Sau gần 35 năm đổi mới, KH&CN nước ta đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều thành tựu trong nghiên cứu, điều tra, góp phần tạo luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. KH&CN gắn bó với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực.

KH&CN đã thể hiện rõ vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Giai đoạn 2015 - 2020, năng suất lao động được nâng lên thể hiện qua chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP [tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 - 2015 lên 44,46% giai đoạn 2016 - 2019], tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

3 khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN tăng, thể hiện qua tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp là 52/48 so với tỉ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc. [Ảnh: kinhtevn.com.vn]

Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN trên toàn quốc.

Những đóng góp của KH&CN còn thể hiện qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý KH&CN từng bước đổi mới phù hợp với thực tiễn. Trình độ nhận thức và ứng dụng KH&CN của toàn xã hội ngày càng được nâng cao.

Đẩy mạnh phát triển KH&CN đáp ứng yêu cầu mới

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN… Khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN… Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ công lập”.

Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2020 trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu định hướng, giai đoạn 2021 - 2030: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Có thể thấy, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài, Việt Nam xác định KHCN là một trong những giải pháp trọng yếu mà để thực hiện cần có các bước triển khai đồng bộ, trong đó:

Cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN. [Ảnh:nhandan.com.vn]

Tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển. Phát triển các yếu tố thể chế thị trường khoa học và công nghệ: hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của thị trường KH&CN; nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi sở hữu trí tuệ, phát triển các dịch vụ KH&CN, thúc đẩy cung và tăng cầu các sản phẩm KH&CN…

Đẩy mạnh huy động vốn đầu tư cho phát triển KH&CN. Xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động KH&CN, đặc biệt tăng cường nguồn vốn từ doanh nghiệp.

Phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đẩy nhanh và đào tạo lại đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là cho các ngành kinh tế trọng yếu và các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ./.

G.Hưng

Video liên quan

Chủ Đề