Làm vlog như thế nào

Mình làm daily vlog như thế nào? Để mà viết hết ra từ A đến Z thì chắc cũng phải 3000-4000 từ, nên mình quyết định chia thành hai bài viết. Phần 1 sẽ bao gồm những chia sẻ liên quan đến phong cách làm vlog của mình, những dụng cụ mình sử dụng và một số thao tác quay vlog. Sang phần 2 mình sẽ đưa các bạn đến với thế giới “Adobe Premiere Pro”, phần mềm mà mình sử dụng để cắt ghép và chỉnh sửa vlog. Với kinh nghiệm một năm làm daily vlog, mình hi vọng những gì được viết trong hai bài viết này sẽ hữu ích cho những ai đang ấp ủ ý định làm daily vlog cho bản thân hoặc gia đình.

Nói đơn giản thì daily vlog là một vlog có chủ đề về cuộc sống hàng ngày của bản thân. Hay theo cách hiểu của mình thì daily vlog là một dạng nhật ký cá nhân được lưu lại dưới dạng video để giúp người xem hình dung được rõ hơn cuộc sống thường nhật của người làm daily vlog. Haegreendal chính là youtuber đã truyền cảm hứng để mình bắt đầu lập youtube channel với những daily vlog thường ngày về chuyện học ngoại ngữ, hay là các vlog về buổi sáng, rồi vlog nấu ăn…

DAILY VLOG CỦA MÌNH CÓ ĐẶC ĐIỂM NHƯ THẾ NÀO?

Mỗi người sẽ có một style quay daily vlog khác nhau. Với những người thường xuyên đi ra ngoài (đi dã ngoại, du lịch hay đi lại trong phố), thì có thể trong video của họ sẽ có nhiều cảnh quay động, tức là vừa đi vừa cầm máy quay để quay, hoặc là đứng yên nhưng sẽ kéo máy quay từ trái sang phải hoặc trên xuống. 

Daily vlog của mình có hai đặc trưng cơ bản: tĩnh và cận. Đây cũng là phong cách quay vlog mà một số youtuber nổi tiếng như Haegreendal, Sueddu, hay Honeykki thường xuyên sử dụng. Mình gắn máy ảnh trên một chiếc tripod, và đặt gần với chủ thể để có thể thu được tiếng động một cách chân thực nhất. Ví dụ như trong lúc nấu ăn, mình sẽ đặt máy gần chảo rán để có thể thu được tiếng rán “xèo xèo”, hoặc lúc viết bút chì thì sẽ đặt máy sát tay để thu được tiếng “xoẹt xoẹt”. Thực ra khi quay cận mình dùng ống kính tiêu cự 35mm (sẽ giới thiệu cụ thể sau) nên cũng không đến nỗi là đặt sát chủ thể, mà khoảng cách tối thiểu thường sẽ là 25-30 cm. Làm daily vlog cũng như là vlog nấu ăn được 1 năm nay rồi nên chắc ít nhiều cũng dính vài giọt mỡ, nhưng đến hiện tại thì máy vẫn hoạt động tốt =))

KHI NÀO MÌNH LÀM DAILY VLOG?

Mình không có một lịch trình cụ thể là khi nào phải làm daily vlog. Thay vào đó, khi nào cảm thấy rảnh rỗi, hoặc có hứng, hoặc khi nhận thấy ngày hôm tới có một chút gì đó đặc biệt muốn lưu giữ lại bằng video thì mình sẽ tính đến việc quay vlog. Và điều này sẽ dẫn đến một câu hỏi khác: Mình có chuẩn bị gì trước khi quay daily vlog?

MÌNH CÓ CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI QUAY DAILY VLOG?

Hay nói cách khác thì mình có lên content (nội dung) một cách cụ thể không? Câu trả lời là: không hẳn. Nếu như làm vlog theo kiểu ngồi trước ống kính máy quay để chia sẻ về một điều gì đó, như là chuyện học tiếng Nhật chẳng hạn, thì mình còn dành thời gian để lập dàn ý, viết ra những ý chính bản thân sẽ nói trong video. Mà thật ra có một cái tiện là mình viết nhiều trên blog, nên đôi lúc chỉ cần lấy nguyên nội dung đã viết của một bài blog nào đó và đem nó vào video thôi. Còn về daily vlog thì mình gần như không lên content gì cả, tất cả đều phụ thuộc vào “flow” (nhịp trôi?) của ngày hôm sau nó như thế nào. 

DỤNG CỤ MÌNH SỬ DỤNG

Trước tiên, về máy quay, mình dùng máy ảnh Fujifilm X-T20, với hai ống kính (1) 18-55mm F2.8-4 và (2) 35mm F2. Đối với những ai không sành về máy ảnh thì mấy con số này trông có vẻ khó hiểu. Để mà giải thích đơn giản thì mình dùng ống (1) để quay một số khung cảnh rộng, hoặc là cảnh động, vì ống này có chức năng chống rung (OIS – Optical Image Stabilization). Trong khi đó, ống (2) sẽ được dùng để quay cận, hay là quay trong môi trường thiếu sáng, vì khẩu lớn (chỉ số F càng nhỏ thì ánh sáng vào càng nhiều). Trong hai ống này thì mình thường xuyên dùng ống (2) để quay daily vlog ở nhà, còn khi ra ngoài đường thì mình sẽ dùng ống (1).

Để có thể thu tiếng tốt hơn thì mình có sắm thêm một chiếc micro ngoài, có tên là Rode VideoMic GO. Mình có hai cái tripod, một cái nhỏ (A) của hãng K&F Concept, và một tripod to (B) của hãng Beike (Q-999H). Tripod A thường sẽ được sử dụng để quay những cảnh quay “siêu cận”, ví dụ như quay cảnh học bài (đặt tripod trên bàn), hay là dùng để quay lúc đi ở ngoài đường (vì nhỏ nên dễ cầm). Chân tripod A có thể bẻ cong được nên khá là tiện trong một số trường hợp, thậm chí còn uốn cong và cố định được ở thân cây, tất nhiên với điều kiện chiều dài của chân tripod đủ dài để có thể cuốn quanh thân cây. Trong khi đó tripod B được sử dụng thường xuyên hơn trong đa số các cảnh quay trên daily vlog của mình. Hai tripod này của hai hãng khác nhau và cấu trúc phần nối giữa máy ảnh và thân tripod cũng khác nhau, nên việc chuyển đổi liên tục giữa hai tripod nó khá là bất tiện, vì thế mình cũng hạn chế thay đổi liên tục, mà chỉ khi nào bí bách quá mới phải đổi từ B sang A hoặc A sang B.

Làm vlog như thế nào

THAO TÁC QUAY DAILY VLOG CỦA MÌNH

Nói về thao tác quay, dựa vào nội dung cảnh quay mà mình lại chọn tripod A hoặc B, hay là ống (1) hoặc (2). Nhưng “combo” mặc định của mình là ống (2) – 35mmF2 và tripod (B) – chân máy ảnh cỡ lớn. Khi đã setup xong dụng cụ, việc tiếp theo tất nhiên là tìm chọn góc quay để đặt máy ảnh. Đối với mỗi cảnh quay thì đẹp nhất là chọn khoảng 2-3 góc quay khác nhau. Như thế thì cảnh quay sẽ đỡ bị nhàm chán, người xem cũng sẽ “enjoy” được cảnh quay đó từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng cũng có lúc mình chỉ chọn một góc quay cố định, ví dụ như khi học chẳng hạn. Nếu mà cứ 5 phút lại thay đổi một góc quay thì hiển nhiên là sự tập trung sẽ bị giảm, vì thế đối với study vlog hay những daily vlog có cảnh quay mình ngồi học bài, thường thì mình sẽ đặt cố định một góc quay và bấm quay trong khoảng 25 phút, khớp với một set Pomodoro mà mình thường xuyên áp dụng trong việc học. Hết 25 phút đó thì mình có 5 phút giải lao, và tranh thủ chọn góc quay khác và tiếp tục bấm máy. 

Làm vlog như thế nào

Nói về kinh nghiệm chọn góc quay đẹp, thì mình chỉ biết khuyên các bạn là quay càng nhiều thì càng quen và sẽ càng khám phá được ra nhiều góc quay thú vị. Việc hạn chế thay đổi ống kính và chân máy quay thực ra là một cách tốt để thúc đẩy mình thường xuyên phải tìm tòi và chọn ra được những góc quay phù hợp để sau này còn áp dụng cho những daily vlog khác. 

Chọn được góc quay đẹp rồi thì bấm máy và chạy vào khung hình để “diễn” thôi. Khi quay, mình hạn chế sử dụng chế độ AF-C (Auto Focus Continuous), tức là lấy nét liên tục, vì kể cả khi quay cảnh tĩnh, nhưng chỉ với một số cử động nho nhỏ ví dụ như di chuyển cánh tay, xoay vai… cũng sẽ khiến khung hình bị mất nét và máy ảnh sẽ liên tục tìm nét, và dẫn đến tình trạng cảnh quay sẽ không còn tĩnh nữa, mà nó cứ bị “nét xong mờ, mờ xong nét”. Để tránh gặp phải tình trạng này thì mình sử dụng chế độ AF-S (Single), tức là lấy nét sẵn trên khung hình, cố định chỗ đó và bấm nút quay. Đôi lúc muốn lấy nét vào bản thân mình trong khung hình chẳng hạn, nhưng vấn đề là phải lấy sẵn nét và bấm quay trước khi mình nhảy vào khung hình, thì lúc đó mình sẽ đặt một đồ vật nào đó có vị trí gần với vị trí cơ thể mình, lấy nét vào đồ vật đó rồi bấm nút quay, hoặc cũng có lúc mình sử dụng chế độ lấy nét tay (Manual Focus).

CẤU HÌNH MÌNH SỬ DỤNG TRONG MÁY ẢNH FUJIFILM

Với những ai sở hữu máy ảnh Fujifilm và có ý định làm vlog thì bạn có thể tham khảo profile mình thường xuyên sử dụng khi quay vlog nhé.

  • Film Simulation: PRO Neg. Std hoặc Classic Chrome

  • Highlights: -2

  • Shadow: -2

  • Color: -2

  • Sharpness: -1

  • Noise Reduction: -2

Tạm thời là như vậy. Sang phần 2 mình sẽ chia sẻ cụ thể về quy trình cũng như cách mình edit vlog trên phần mềm Adobe Premiere Pro. 

(Còn tiếp)

Stay focused, be present.

Kira

Phần 2: https://thehanoichamomile.com/2020/08/20/minh-lam-daily-vlog-nhu-the-nao-phan-2/