Hướng dẫn thi hành Luật tạm giữ, tạm giam

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 theo Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 của Quốc hội khóa XIV.

Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 đã cụ thể hóa quy định của  Hiến pháp  năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và quy định nhiều nội dung mới, cụ thể, rõ ràng, tháo gỡ những bất cập, hạn chế; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ và phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, đáp ứng tốt các yêu cầu về cải cách tư pháp hiện nay, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam của ngành Kiểm sát.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, thấy cũng còn những vướng mắc cần có sự hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, cụ thể:

Việc thông báo hết thời hạn tạm giữ, tạm giam:

Theo điểm h, khoản 1 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam thì: Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có nhiệm vụ: “Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án 01 ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ, 05 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, 10 ngày trước khi hết thời hạn gia hạn tạm giam …”, nhưng trên thực tế các cơ sở giam giữ khó thực hiện đúng quy định này một cách triệt để, vì thời hạn tạm giữ ngắn, việc thông báo, đôn đốc, trao đổi, chủ yếu bằng điện thoại cho cơ quan đang thụ lý, sau đó mới làm văn bản thông báo, dẫn đến việc vi phạm trên thực tế tương đối phổ biến; 

Về việc khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam:

Khoản 2 Điều 16 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 quy định:  Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cơ sở giam giữ có trách nhiệm: “Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe…”. Quy này được hiểu là ngay khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam cơ sở giam giữ phải tổ chức khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và là có cơ sở phân loại giam giữ. Nhưng hiện nay hầu hết các Nhà tạm giữ không có cán bộ y tế chuyên trách nên cơ bản là kiểm tra các dấu vết bên ngoài, không thể xác định được người bị tạm giữ, tạm giam có bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người đồng tính hay chuyển giới để phân loại giam, giữ riêng.

Thực tế tại địa phương, để giải quyết vướng mắc này, Nhà tạm giữ ký quy chế phối hợp với Trạm y tế cấp xã [nơi gần trụ sở Nhà tạm giữ nhất] để thực hiện việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở y tế khám sức khỏe, làm căn cứ phân loại giam giữ theo quy định tại Điều 18 Luật này;

Việc lập danh, chỉ bản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam:

Tại khoản 3 Điều 16 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm: “Chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam;”.

Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể về thời hạn lập danh bản, chỉ bản, do vậy có những trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam ở  cơ sở giam giữ trong thời gian dài nhưng chưa tiến hành lập danh bản, chỉ bản.

Và vì chưa có quy định cụ thể thời hạn nên có thể dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các đơn vị hoặc giữa các thời điểm trong cùng một đơn vị và phụ thuộc vào nhận thức của người thực hiện, theo đó cũng gây khó khăn cho công tác kiến nghị yêu cầu khắc phục của Viện kiểm sát.

Vì vậy các ngành tư pháp trung ương cần phải có quy định rõ về thời hạn lập danh bản, chỉ bản để thống nhất trong việc thực hiện.

Về việc xây dựng hồ sơ tạm giữ, tạm giam:

Tại Điều 17 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam quy định: "Tài liệu khác có liên quan" thì đó là tài liệu gì? Quy định này dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan hoạt động tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì những tài liệu liên quan đi kèm theo hồ sơ là những tài liệu phản ánh tình trạng sức khỏe [biên bản khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án…], tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ, nhân thân người bị tạm giữ, tạm giam [bản án, biên bản xác minh tiền án để xác định người bị tạm giữ, tạm giam có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hay không?]; các lệnh trích xuất để thăm gặp thân nhân hoặc phục vụ việc điều tra, xét xử....

Về chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam:

Theo Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về: Chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quy định sử dụng điện;       Ngoài ra Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định định mức sử dụng điện là 45kW/h điện và 3m3 nước trên một đầu người nhưng thực tế hiện nay các buồng tạm giam không có công tơ điện riêng, không có đồng hồ đo nước riêng mà sử dụng điện, nước chung với đơn vị, do đó gây khó khăn cho hoạt động kiểm sát chế độ này.

Mặt khác, việc quy định định mức sử dụng điện cho 1 người là chưa phù hợp, bởi thực tế dù trong 1 buồng tạm giữ hoặc tạm giam, số lượng điện tiêu thụ hầu như không thay đổi và không phụ thuộc vào số người có trong buồng giam đó mà phụ thuộc phần lớn vào số thiết bị sử dụng điện được trang bị cho buồng giam cũng như số thời gian được cung cấp điện và sử dụng thiết bị điện. Do đó nếu cứ áp dụng quy định này thì rất dễ dẫn đến vi phạm của cơ sở giam giữ bởi số lượng người trong các buồng tạm giữ, tạm giam luôn có sự thay đổi, không thể lúc nào cũng bằng nhau.

Về chế độ ăn: Khoản 1 Điều 4 Nghị định 120 đã quy định định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giữ, tạm giam theo từng chủng loại thực phẩm và mặc dù có quy định định mức trên được quy đổi ra tiền theo thời giá thị trường ở địa phương nơi giam giữ. Tuy nhiên việc ấn định một số định lượng của một số loại thực phẩm không thực tế; cụ thể như quy định định lượng muối là 01kg/tháng, nước chấm 0,75l/tháng là quá cao, không phù hợp với nhu cầu thực tế, cần có sự điều chỉnh giảm lượng thực phẩm trên và tăng loại thực phẩm khác như rau xanh, thịt, cá...

Ngoài ra, việc quy định định lượng thực phẩm trên tính theo tháng,  do đó cũng gây khó khăn cho công tác kiểm sát việc thực hiện chế độ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam trên thực tế. Bởi khi kiểm tra bữa ăn, nếu không đảm bảo lượng thức ăn thì cơ sở giam giữ cho rằng sẽ bù vào bữa khác trong ngày [nếu kiểm tra bữa trưa thì nói sẽ bù vào bữa tối, nếu kiểm tra bữa tối thì nói đã bù ở bữa trưa để đảm bảo thuận lợi cho việc mua và chế biến thực phẩm...], do vậy chỉ kiểm tra trên sổ cấp phát và giao nhận thực phẩm, nên rất khó phát hiện vi phạm trong việc thực hiện chế độ ăn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Để khắc phục vướng mắc này, cần quy định định lượng cho từng bữa ăn, ví dụ: Bao nhiêu gam gạo bữa/người và quy định giá trị thức ăn của một bữa ăn của một người, đồng thời quy định các thành phần bắt buộc trong một bữa ăn để đảm bảo dinh dưỡng như: Ngoài số lượng gạo nêu trên, thức ăn phải đầy đủ các thành phần: Rau xanh, muối, chất đạm, nước uống đã đun sôi... để các cơ sở giam giữ thuận tiện trong việc bố trí thực đơn bữa ăn cho phù hợp với đặc điểm vùng miền, mùa vụ và cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc quy định như trên cũng thuận lợi cho hoạt động kiểm sát bởi khi cấp phát thức ăn sẽ có lượng từng loại thực phẩm, giá thành...

Về việc trích xuất và bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian trích xuất:

- Tại khoản 4 Điều 20 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: Cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải. Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm bàn giao người được trích xuất cho người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất. Việc giao nhận phải được lập biên bản".

Như vậy, theo quy định trên thì việc trích xuất bị cáo đang bị tạm giam đi xét xử phải có ít nhất 4 biên bản bàn giao:

1. Biên bản cơ sở giam giữ giao người bị tạm giam cho lực lượng áp giải khi trích xuất ra khỏi cơ sở giam giữ.

2. Biên bản giao giữa lực lượng áp giải cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa [người có thẩm quyền trích xuất].

3. Biên bản giao giữa người có thẩm quyền trích xuất với lực lượng áp giải sau khi kết thúc phiên tòa.

4. Biên bản giao giữa lực lượng áp giải với cơ sở giam giữ sau khi kết thúc việc áp giải.

Song cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật này lại quy định Cơ quan có nhiệm vụ áp giải phối hợp với cơ sở giam giữ và người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất quản lý người bị trích xuất;

Và tại Điều 8 Thông tư 01 ngày 23/01/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định: Đối với việc trích xuất người bị tạm giam ra ngoài khu vực cơ sở giam giữ, cơ quan áp giải phải có kế hoạch áp giải, quản lý; trường hợp trích xuất nhiều người, tội phạm rất nghiêm trọng... thì cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải phải có kế hoạch để đảm bảo tuyệt đối an toàn...

Như vậy, theo quy định trên thì việc quản lý, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giam trong thời gian trích xuất ra khỏi cơ sở giam giữ đều do lực lượng áp giải thực hiện và chịu trách nhiệm và trên thực tế thì chỉ lực lượng đó mới có đủ khả năng để quản lý và bảo đảm an toàn cho người bị tạm giam, do đó việc lập biên bản bàn giao người cho người có thẩm quyền trích xuất là không cần thiết và người có thẩm quyền trích xuất [trong trường hợp là Thẩm phán] cũng không đủ khả năng để quản lý, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giam trong suốt thời gian trích xuất.

Trên đây là một số vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, áp dụng Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thời gian qua, rất mong được sự tham gia, đóng góp ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị bạn để Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của ngành đề ra.

Dương Thị Thúy Đào Viện kiểm sát thị xã Đông Triều

Video liên quan

Chủ Đề