Doanh nghiệp nhà nước phải mở rộng phạm vi kinh doanh

TP - Bộ Tài chính đang xây dựng dự luật mới về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp [DN] với nhiều thay đổi căn bản, gồm cả công cụ tài chính để mua cổ phần DN tư nhân, nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước [DNNN] sẽ phải vận động theo đúng quy luật “tự sinh, tự diệt” chứ không còn được ưu đãi trăm bề như trước đây.

Sửa nhiều quy định để chống mất tiền đầu tư

Những năm trước đây, các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 hay gọi chung là các DNNN được xem là “quả đấm thép” dẫn dắt nền kinh tế. Nhiều thương hiệu DNNN lớn xuất hiện trên thị trường, như: Các nhà máy đóng tàu hay con tàu vận tải lớn của Vinashin; các DN xây dựng cầu đường lớn như Cầu Thăng Long, CIENCO 1, 5, 6, 8; các DN xây dựng hàng đầu như Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma; các tổng công ty lương thực miền Nam, miền Bắc, Cao su, hay Gang thép Thái Nguyên… Nhưng rồi, không ít các “quả đấm thép” trở thành những gánh nặng cho nền kinh tế khi đầu tư ngoài ngành thua lỗ, các dự án đầu tư nghìn tỷ mất vốn không biết đến bao giờ mới thu hồi được [như 12 dự án ngành Công Thương]. Những phi vụ hô biến tài sản công thông qua bán rẻ đất đai, làm méo mó số liệu trước khi cổ phần hoá các thương hiệu đi cùng việc quản lý yếu kém đã khiến hàng loạt DNNN trở thành các “con nghiện” đốt tiền ngân sách.

Để khắc phục tồn tại kéo dài, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN thay thế luật ban hành năm 2014. Bộ Tài chính đề xuất ban hành danh mục các lĩnh vực DNNN tham gia theo hướng thu hẹp dần. Bổ sung quy định quản lý, giám sát các công ty con do công ty mẹ là DNNN đầu tư vốn. Theo đó, nguồn lực thu từ lợi nhuận, cổ tức [kể cả nguồn lợi đầu tư vào các công ty con], nguồn tái cơ cấu DNNN chuyển toàn bộ vào ngân sách để tập trung quản lý. Nhà nước chỉ đầu tư tiếp vốn vào một số lĩnh vực cần nắm giữ, lĩnh vực có vai trò quan trọng, còn lại dùng đầu tư phát triển. Cùng với đó, giảm tỷ lệ phân phối lợi nhuận DN được để lại để đầu tư, quỹ phúc lợi, khen thưởng [tối đa 2 tháng quỹ lương thay vì 3 tháng như hiện hành].

Về chi đầu tư, DNNN khi đầu tư cũng quản lý như với đầu tư công, dự án có quy mô vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được Quốc hội quyết định chủ trương, mức vốn thấp hơn sẽ do Chính phủ quyết định và phân cấp quyết định. Để hạn chế việc đầu tư vô tội vạ, dự án luật bổ sung quy định về đầu tư vốn nhà nước vào DN [tư nhân] và công ty mẹ không được cho công ty con vay vốn [công ty con phải tự vay, tự trả].

Về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, ngoài Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất lập một số tổ chức đại diện vốn ở các bộ ngành, địa phương có nhiều DNNN lớn; tách các tổ chức đầu tư kinh doanh vốn nhà nước như Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước [SCIC] thành mô hình quỹ đầu tư. Cho phép hội đồng thành viên, chủ tịch công ty thuê người điều hành doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, tính tới hết năm 2020, cả nước còn hơn 807 DN có vốn góp nhà nước [chưa bao gồm các DN tái cơ cấu riêng như: SBIC, Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu; 44 DN của 2 cơ quan chưa báo cáo; các ngân hàng thương mại nhà nước]. Các DN này nắm giữ tổng tài sản trên 3,67 triệu tỷ đồng [khối tập đoàn, tổng công ty chiếm 80% tổng tài sản]. Tổng vốn chủ sở hữu trên 1,7 triệu tỷ đồng [khối các tập đoàn, tổng công ty chiếm 88%]. Tổng doanh thu các DNNN trên 1,98 triệu tỷ đồng [giảm 12% so với năm 2019], lợi nhuận sau thuế 162,9 nghìn tỷ đồng. Năm qua, các DNNN đã nộp ngân sách trên 307,8 nghìn tỷ đồng [giảm 14% so với năm 2019].

Hiện phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN tập trung các lĩnh vực, gồm: cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu; phục vụ quốc phòng, an ninh.

Tách bạch cơ quan chủ sở hữu

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương [CIEM] cho rằng, mục tiêu sửa luật phải tạo được nền tảng pháp lý cho mục tiêu cải cách, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước vào DN. Trước tiên, cần thay đổi khái niệm về “vốn nhà nước tại DN” cho đúng bản chất đầu tư vốn, khi nhà nước đã đầu tư vốn, tài sản, đó phải là của DN, nhà nước là nhà đầu tư, từ đó giảm sự can thiệp sâu của cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động của DN, đặc biệt là về nhân sự, tiền lương, dự án đầu tư...

Theo ông Cung, luật cần sửa theo hướng không quy định cơ quan chủ sở hữu [cơ quan nhà nước] có quyền “quyết định” các vấn đề của DNNN. Việc quyết định là quyền và trách nhiệm của DN, kể cả các dự án đầu tư lớn. Triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận với các vị trí điều hành, tách người quản lý DN khỏi chế độ viên chức, công chức. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ quan thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước đối với vốn đầu tư tại DN. Cụ thể, Quốc hội quyết định chính sách sở hữu đối với vốn đầu tư nhà nước tại DN, các mục tiêu tăng giá trị vốn đầu tư, tỷ suất lợi nhuận; mục tiêu tạo ra công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới, thiết yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội [theo nguyên tắc không bao cấp]. Chính phủ chỉ đạo, giám sát và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về thực hiện các nhiệm vụ chủ sở hữu. Cơ quan chủ sở hữu là tổ chức quản lý và kinh doanh vốn của nhà nước đầu tư vào DN, thực hiện quyền chủ sở hữu với vai trò cổ đông, không phải cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan nhà nước không phải chủ sở hữu không được ra các quyết định thuộc lĩnh vực quản trị, kinh doanh của DNNN.

“Cần thể chế hoá việc DNNN tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do nhà nước giao theo cơ chế đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh, công khai; xác định rõ giá thành, chi phí, trách nhiệm và quyền lợi của nhà nước. Việc sửa luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN cũng cần bổ sung các quy định về niêm yết DNNN trên thị trường chứng khoán, để minh bạch hoạt động DN. Không sử dụng cổ phần hóa làm phương thức chuyển đổi sở hữu DNNN, thay bằng mua, bán cổ phần, sáp nhập; việc mua lại DNNN, phần vốn nhà nước tại DN là hoạt động đầu tư kinh doanh vốn bình thường”, ông Cung cho hay.

Cổ đông nhà nước: Hành trình giúp doanh nghiệp tái cấu trúc sau cổ phần hóa

Thành lập Uỷ ban đặc biệt về kiểm toán doanh nghiệp nhà nước

Bội thực đề xuất Nhà nước giải cứu doanh nghiệp: Chuyển sang mua cổ phần?

BỐN VIỆT

NGUYỄN VINH HƯNG [Khoa Luật – ĐHQGHN]- NGUYỄN PHÚC TOÀN [học viên cao học Luật Kinh tế -Trường Đại học Công nghệ và Quản lý hữu nghị]

TÓM TẮT

Hiện nay có không ít quan điểm khác nhau bàn về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế. Do vậy, bài viết nghiên cứu về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, để từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho loại hình doanh nghiệp quan trọng này.

Từ khóa: doanh nghiệp nhà nước, pháp luật, nhà nước, vai trò, kinh tế quốc tế.

Tại Việt Nam, “doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận của kinh tế nhà nước và luôn được xác định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”.[1] Điều này được thể hiện rất rõ ràng khi doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, “thời gian qua, trong khi kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ thì hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thực tế này làm nảy sinh những ý kiến trái chiều về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trong đó có những ý kiến cho rằng, kinh tế nhà nước không nên giữ vai trò chủ đạo; chủ trương của Đảng về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đã “phá sản”; nên tư nhân hóa nền kinh tế và chỉ cần tập trung phát triển kinh tế tư nhân là đủ,…”.[2] Mặt khác, ngay từ khi Việt Nam “chuyển sang nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ những khuyết tật cơ bản của nó”.[3] Chính vì vậy, nghiên cứu về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế càng trở nên cần thiết và rất quan trọng.

2. Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế

Sự phát triển kinh tế tại Việt Nam luôn gắn với hình bóng của các doanh nghiệp nhà nước. “Từ các công xưởng của triều đình, cho đến tư bản nhà nước dưới chế độ thực dân, các cơ sở kinh tế lớn của nước ta có truyền thống thuộc sở hữu nhà nước”.[4] Còn trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, “doanh nghiệp nhà nước vẫn đang phát huy vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.[5] Điều đó cho thấy mức độ tác động, ảnh hưởng cũng như vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các giai đoạn phát triển kinh tế trước đây, giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế làm cho “hầu hết các nước trên thế giới đều có nền kinh tế mở. Nền kinh tế thế giới hiện đại ngày càng gắn kết chặt chẽ các quốc gia với nhau”.[6] Đồng thời, điều này còn dẫn đến “mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới ngày càng tăng”.[7] Hơn nữa, “Việt Nam đã và đang là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn kinh tế lớn trên thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO,...”[8] và mới đây là thành viên của CPTPP, EVFTA. Chính vì vậy, sức ép mạnh mẽ từ hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục thể hiện qua các mặt sau:

Thứ nhất, môi trường kinh tế thị trường hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có những doanh nghiệp đủ lớn để thực hiện nhiệm vụ đầu tầu, dẫn dắt trong từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế.

Giai đoạn kinh tế thị trường hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng kèm với đó là rất nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, kinh tế thị trường cũng là môi trường lý tưởng để xuất hiện thêm nhiều ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh độc đáo, sáng tạo và mới lạ. Hơn nữa, kinh tế thị trường cũng là nơi tập trung lực lượng tư bản khổng lồ, với đòi hỏi những nguồn tài chính hùng mạnh hay yêu cầu rất cao về nguồn tư liệu sản xuất, nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại,… Khi nghiên cứu khu vực doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam hiện nay cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp này còn khá nhỏ bé cả về quy mô và phạm vi hoạt động. Do đó, đại đa số các doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam vẫn chưa có tầm ảnh hưởng sâu rộng với quốc tế. Vậy nên, trên thực tế, các doanh nghiệp dân doanh vẫn chưa có khả năng tự đầu tư, sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn để có thể vươn mình trở thành các doanh nghiệp đầu tầu và có khả năng dẫn dắt, ảnh hưởng lớn trong từng ngành hoặc từng lĩnh vực. Còn trong nền kinh tế thị trường, để có thể độc lập không chịu sự chi phối, ảnh hưởng của tư bản nước ngoài lên môi trường thương mại hoặc sự chi phối trong từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh thì bắt buộc đòi hỏi nền kinh tế của mỗi quốc gia luôn cần phải có những doanh nghiệp hoặc tập đoàn kinh tế giữ vai trò đầu tầu để dẫn dắt, định hướng thị trường và bảo vệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước sức ép cạnh tranh, thôn tính của các đối thủ lớn đến từ nước ngoài. Nói cách khác, các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế ở trong nước cần đủ lớn về quy mô và phải có đủ sức mạnh để cạnh tranh đương đầu với các đối thủ đến từ khu vực nước ngoài, Mặt khác, chính các doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế lớn mạnh cũng sẽ là trụ đỡ để dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể tồn tại và cùng phát triển.

Tuy nhiên, như đã nói, do khu vực doanh nghiệp dân doanh hiện nay của Việt Nam vẫn chưa đủ tầm và lực để trở thành các doanh nghiệp đầu tàu, vậy nên, các doanh nghiệp nhà nước tất yếu vẫn phải đảm nhận vai trò làm đầu tàu kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh trọng yếu của nền kinh tế. Bởi có như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam mới có thể trụ vững và ổn định trước sức ép cạnh tranh khốc liệt của kinh tế quốc tế. Do vậy, có thể khẳng định, để phù hợp với tình hình trước mắt, trong giai đoạn đầu của hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhà nước vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò “là đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các hình thức sở hữu khác trong việc phát triển các lĩnh vực đặc biệt, như các lĩnh vực cần nhiều vốn đầu tư, có hàm lượng khoa học cao, một số lĩnh vực đặc biệt mới hình thành”.[9] Hay, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục “tham gia nắm giữ một số vị trí thiết yếu, quan trọng để giữ vững định hướng xã hội, làm đối trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế [bán buôn lương thực, xăng dầu; sản xuất điện; khai thác khoáng sản quan trọng; một số sản phẩm cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin quan trọng; bảo trì đường sắt, sân bay,...]”.[10] Nói tóm lại, vai trò làm đầu tầu kinh tế của doanh nghiệp nhà nước còn chính là để bảo đảm sự cạnh tranh quốc gia khi các doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam hiện vẫn chưa đủ tầm và lực để làm đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế.

Thứ hai, chỉ có Nhà nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước mới có quyền quản lý và khai thác đối với những loại hàng hóa, dịch vụ và tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng của đất nước.

Mặc dù trong nền kinh tế thị trường, các loại hình doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật và đều được phép kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật cho phép.[11] Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc biệt quan trọng như sản xuất các loại hàng hóa, dịch vụ để phục vụ an ninh, quốc phòng [sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị chuyên dụng cho quốc phòng, an ninh,...] hay khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân như dầu mỏ, than đá, thủy điện, lâm sản, các kim loại quý giá,… việc sản xuất, kinh doanh hay khai thác luôn cần có sự tham gia và quản lý của Nhà nước. Bởi lẽ, đây là các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân và chỉ có Nhà nước mới có quyền đại diện để quản lý, khai thác và sử dụng. Hơn nữa, đây lại là những nguồn tài nguyên rất giá trị và khó có thể phục hồi nên nếu giao cho tư nhân thì có thể dẫn đến việc khai thác, quản lý và sử dụng không có kế hoạch hoặc tận thu quá mức. Do đó, chỉ thông qua các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý, khai thác các loại hàng hóa, dịch vụ và tài nguyên đặc biệt trên thì Nhà nước mới có thể giữ gìn, bảo vệ và phát huy tốt các giá trị của chúng.

Thứ ba, chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới hoạt động trong những lĩnh vực, khu vực hay địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Có nhận định cho rằng, “về mặt xã hội, do bản chất về mặt sở hữu và mục đích hoạt động, kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng trong gánh vác chức năng xã hội. Vai trò này thể hiện ở chỗ, kinh tế nhà nước phải đảm nhận những ngành ở những địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị - xã hội mà tư nhân không muốn đầu tư, thực hiện sự bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng, miền, đảm nhận các ngành sản xuất hàng hóa công cộng thiết yếu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chương trình xóa đói, giảm nghèo,...”.[12] Khác với các doanh nghiệp dân doanh khi mục tiêu hoạt động thường chỉ hướng đến việc tìm kiếm lợi nhuận, các doanh nghiệp nhà nước bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế còn tùy theo từng nhiệm vụ và hoàn cảnh cụ thể để thực hiện các công việc hướng đến việc đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Do vậy, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhà nước có thể hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ hướng đến việc phục vụ đời sống xã hội hay phát triển kinh tế tại địa phương. Trên thực tế, tại nhiều khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn hoặc rất khó có khả năng thu được lợi ích kinh tế thì các doanh nghiệp dân doanh thường không đầu tư. Tuy vậy, đây lại chính là những nơi mà các doanh nghiệp nhà nước phải liên tục hoạt động chỉ để nhằm mục đích hỗ trợ, giúp đỡ người dân tại địa phương có thể trụ vững và cải thiện, nâng cao đời sống. Điển hình trong đó, các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, hay mở đường, trường, trạm tại các khu vực, địa bàn miền núi và tại các địa bàn xa xôi hẻo lánh. Ngoài ra, “các doanh nghiệp nhà nước còn thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội trong một số lĩnh vực, làm “đầu tàu”, tạo động lực phát triển để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động tại địa phương, góp phần vào việc ổn định an ninh, chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.[13] Hơn nữa, với hoàn cảnh của Việt Nam khi điều kiện sống tại nhiều địa phương, vùng miền còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn thì hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn thể hiện tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân.

Từ đó cho thấy, cho dù trong môi trường kinh tế hội nhập và cạnh tranh gay gắt thì vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội vẫn luôn được chú trọng. Hay có thể nói, trong giai đoạn hội nhập quốc tế, mặc dù phải cạnh tranh và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn sẽ tiếp tục hoạt động vì mục tiêu phát triển xã hội.

Thứ tư, doanh nghiệp nhà nước thường có uy tín, ảnh hưởng rất lớn nên dễ dàng chiếm được niềm tin để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp nhà nước thường nắm trong tay những đặc quyền mà có lẽ các doanh nghiệp dân doanh rất khó có được. Nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp nhà nước luôn có “nguồn tài nguyên, cơ sở vật chất, nguồn vốn bổ sung từ ngân sách quốc gia và những độc quyền kinh doanh được tạo ra từ cơ quan chủ quản”.[14] Những điều kiện thuận lợi này giúp cho doanh nghiệp nhà nước có uy tín và ảnh hưởng rất lớn. Còn đối với các nhà đầu tư khi hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp nhà nước, thông thường, nhà đầu tư đều biết các doanh nghiệp nhà nước có rất nhiều ưu thế. Hơn nữa, còn bởi quan niệm, doanh nghiệp nhà nước vốn do Nhà nước đầu tư thành lập, thế nên, doanh nghiệp nhà nước luôn được bảo hộ và thường nhận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư mới lần đầu đến làm ăn kinh doanh thì khi quyết định chọn đối tác kinh doanh thường ưu tiên chọn lựa các doanh nghiệp nhà nước. Bởi lẽ, như đã nói, các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam thường là các doanh nghiệp đầu ngành với quy mô rất lớn, có uy tín kinh doanh và lại còn rất nhiều các điều kiện thuận lợi như cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Do đó, những yếu tố thuận lợi của doanh nghiệp nhà nước đã mang đến sự yên tâm, tin tưởng và sự đảm bảo vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, làn sóng đầu tư luôn mở rộng và ngày càng nhiều nhà đầu tư ở khắp nơi trên thế giới muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới nổi. Vì thế, với khả năng và uy tín của mình, các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã thu hút, mời gọi và giữ chân các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đến làm ăn, sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra rất nhiều việc làm và đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tóm lại, không chỉ tại Việt Nam mà “ngay ở các nước tư bản có nền kinh tế thị trường phát triển cao, kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng vẫn có vai trò rất quan trọng”.[15] Bởi lẽ, trong xã hội có nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp dân doanh chưa đủ điều kiện để có thể khai thác và hoạt động hiệu quả. Do vậy, trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp dân doanh chưa thể thay thế ngay được.

3. Kiến nghị

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định rõ quan điểm và mục tiêu, “tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước để thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế,… Trong đó, doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế”.[16] Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, “việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế”.[17] Theo tác giả, quan điểm này là hoàn toàn phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam. Vì vậy,  “vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không thể phủ định”.[18] Bởi lẽ, với vị trí và khả năng của mình, doanh nghiệp nhà nước đã góp phần quan trọng định hướng nền kinh tế và dẫn dắt các doanh nghiệp dân doanh cùng phát triển.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, cần giảm dần sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Bởi, theo tác giả, trước mắt cũng như lâu dài, cần để các doanh nghiệp dân doanh ngày càng tự chủ và Nhà nước nên có giải pháp khuyến khích, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dân doanh để sớm có thể trở thành những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Vì thế, chỉ những lĩnh vực có ảnh hưởng đặc biệt đối với nền kinh tế và đời sống xã hội như an ninh, quốc phòng thì doanh nghiệp nhà nước mới cần nắm giữ. Còn lại, hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, hàng không, xây dựng, bất động sản, chứng khoán,… các doanh nghiệp dân doanh đã và đang hoạt động rất hiệu quả.

Thực tế đã chứng minh, không thiếu các doanh nghiệp dân doanh đã vươn lên trở thành những tập đoàn kinh tế lớn và có thể dẫn dắt sự phát triển của ngành đó [điển hình như các tập đoàn FPT, FLC, Vingroup, Hòa Phát,…]. Bên cạnh đó, cũng đã có quan điểm cho rằng, “không có nghĩa là sở hữu nhà nước giữ vai trò thống trị độc quyền vĩnh viễn mà vai trò đầu tàu, dẫn dắt thể hiện ở chỗ, khi các hình thức sở hữu khác đủ sức tham gia và có khả năng tham gia có hiệu quả, Nhà nước kịp thời rút vốn ra khỏi lĩnh vực đã đầu tư, để tiếp tục thực hiện vai trò của mình trong việc đầu tư vào những lĩnh vực mới khác”.[19] Mở rộng phạm vi nghiên cứu để tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nền kinh tế của một số quốc gia khác cho thấy, “từ năm 1999, người Trung Quốc thực hiện chính sách “nắm lớn, thả bé”, từng bước cho tư nhân hóa những doanh nghiệp nhỏ và chỉ giữ lại doanh nghiệp quy mô lớn và cực lớn”.[20] Do đó, các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đã ngày càng thu hẹp phạm vi hoạt động để chuyển giao cho các doanh nghiệp dân doanh. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp dân doanh cũng được quyền tham gia vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và đã đóng góp mạnh mẽ cho sự tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới hiện nay. Mặt khác, việc giảm dần vai trò, sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước và chuyển giao cho các doanh nghiệp dân doanh trong một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cũng là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta: “khu vực kinh tế tư nhân được nhấn mạnh là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.[21] Thiết nghĩ, có như vậy, lợi thế của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh mới có thể được phát huy hiệu quả và ngày càng đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội [2018], Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, Tập I, Nxb Công an Nhân dân, tr. 263.

[2] Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nguồn truy cập: //www.tapchicongsan.org.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/ve-vai-tro-chu-dao-cua-kinh-te-nha-nuoc.

[3] Phạm Duy Nghĩa [2015], Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb Công an Nhân dân, tr. 284.

[4] Phạm Duy Nghĩa [2015], Giáo trình Luật Kinh tế, sđd, tr. 283.

[5] Báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp [2020], Doanh nghiệp nhà nước - Vai trò nòng cốt, nguồn truy cập: //enternews.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-vai-tro-nong-cot-124700.html.

[6] Phạm Quang Vinh [2011]. Giáo trình Kinh tế học vĩ mô. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 135.

[7] Lê Danh Vĩnh [2009]. Hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 186.

[8] Nguyễn Vinh Hưng [2017]. Economic management function of the state of Vietnam in phase of international integration. Journal of science - Hanoi open university, No. 32, [6], p. 43.

[9] Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tlđd.

[10] Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tlđd.

[11] Điều 5 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[12] Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tlđd.

[13] Tạp chí Tài chính [2020], Để doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vị trí “đầu tầu” của nền kinh tế, nguồn truy cập: //tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/de-doanh-nghiep-nha-nuoc-tiep-tuc-giu-vung-vi-tri-dau-tau-cua-nen-kinh-te-140696.html.

[14] Phạm Duy Nghĩa [2015], Giáo trình Luật Kinh tế, sđd, tr. 313.

[15] Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tlđd.

[16] Cổng Thông tin Chính phủ [2020], nguồn truy cập: //www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000714&articleId=10038387.

[17] Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tlđd.

[18] Thời báo Tài chính [2020], Để doanh nghiệp nhà nước thực sự là đầu tầu của nền kinh tế, nguồn truy cập: //thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-09-03/de-doanh-nghiep-nha-nuoc-thuc-su-la-dau-tau-cua-nen-kinh-te-61561.aspx.

[19] Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tlđd.

[20] Phạm Duy Nghĩa [2015], Giáo trình Luật Kinh tế, sđd, tr. 286.

[21] Báo điện tử Đảng Cộng sản [2020], Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, nguồn truy cập: //dangcongsan.vn/kinh-te/kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-436696.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo điện tử Đảng Cộng sản [2020], Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, nguồn truy cập: //dangcongsan.vn/kinh-te/kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-436696.html
  2. Báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp [2020], Doanh nghiệp nhà nước - Vai trò nòng cốt, nguồn truy cập: //enternews.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-vai-tro-nong-cot-124700.html.
  3. Cổng Thông tin Chính phủ [2020], nguồn truy cập: //www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000714&articleId=10038387.
  4. Phạm Việt Dũng [2019], Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nguồn truy cập: //www.tapchicongsan.org.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/ve-vai-tro-chu-dao-cua-kinh-te-nha-nuoc.
  5. Nguyễn Vinh Hưng [2017]. Economic management function of the state of Vietnam in phase of international integration. Journal of science - Hanoi open university, No. 32 [06].
  6. Phạm Duy Nghĩa [2015], Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb Công an nhân dân.
  7. Quốc hội [2020], Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  8. Tạp chí Tài chính [2020], Để doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vị trí “đầu tầu” của nền kinh tế, nguồn truy cập: //tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/de-doanh-nghiep-nha-nuoc-tiep-tuc-giu-vung-vi-tri-dau-tau-cua-nen-kinh-te-140696.html.
  9. Trường Đại học Luật Hà Nội [2018], Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, Tập I, Nxb Công an Nhân dân.
  10. Thời báo Tài chính [2020], Để doanh nghiệp nhà nước thực sự là đầu tầu của nền kinh tế, nguồn truy cập: //thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-09-03/de-doanh-nghiep-nha-nuoc-thuc-su-la-dau-tau-cua-nen-kinh-te-61561.aspx.
  11. Phạm Quang Vinh [2011], Giáo trình Kinh tế học vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  12. Lê Danh Vĩnh [2009], Hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh của Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.

The role of state-owned enterprises in the context of Vietnam’s international economic integration process

Ph.D Nguyen Vinh Hung 1

Nguyen Phuc Toan 2

1 School of Law, Vietnam National University – Hanoi

2 Master’s student, Faculty of Economic Law, University of Technology and Management

 ABSTRACT:

There are many different views of points on the role of state-owned enterprise when Vietnam has deeply integrated into the global economy. This paper examines the role of Vietnamese state-owned enterprises in the context of the country’s international integration process. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the performance of Vietnamese state-owned enterprises.

Keywords: state-owned enterprise, law, state, role, international integration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2022]

Video liên quan

Chủ Đề