Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước năm 2022

Trung Quốc vẫn nắm "quân bài tẩy" trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nắm trong tay các trung tâm cung ứng nên vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể lung lay, bất luận việc phong tỏa chống dịch có khiến doanh nghiệp thất vọng hay không.

Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước năm 2022
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất điện tử ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Lợi thế từ các trung tâm cung ứng

Vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khó có biến động lớn, cho dù làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã xuất hiện nhiều năm qua.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục khơi lại những cuộc thảo luận về làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc. Nhiều trong số họ đánh tiếng rằng, các giám đốc điều hành của họ có thể dễ dàng chuyển làm việc ở các nhà máy tại Đông Nam Á, mà không phải Trung Quốc. Một số ý kiến khác lại suy luận rằng, xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt gần đây là một chỉ dấu cho thấy chuỗi cung ứng đang rời bỏ Trung Quốc.

Theo ông Nick Marro, chuyên gia thương mại toàn cầu tại Tổ chức tư vấn kinh tế The Economist Intelligence Unit, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là vấn đề khá phức tạp và "mọi người luôn nói về nó và các cuộc thảo luận cũng thích đề cập đến vấn đề này, nhưng chung cuộc thì mọi người lại cảm thấy khó thực hiện".

"Thực sự, điều quan trọng lúc này là cách thức Trung Quốc duy trì kiểm soát [Covid] trong khi các nơi trên thế giới đều đã mở cửa", ông Marro nhận xét.

Chính sách chống dịch zero-Covid gắn với phong tỏa nhanh từng giúp Trung Quốc gặt hái thành công với kết quả phục hồi kinh tế nhanh chóng trong năm 2020. Nhưng biến thể lây lan nhanh Omicron đã khiến chính sách này gặp thử thách lớn.

Các đợt phong tỏa trên diện rộng đã khiến hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn của Trung Quốc bị đình trệ. Theo tổng hợp gần đây của đài CNN, ít nhất 31 thành phố ở Trung Quốc đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần.

Trong tháng 4, lĩnh vực dịch vụ của quốc gia 1,4 tỷ dân đã suy giảm với tốc độ nhanh kỷ lục do các đợt phong tỏa chống dịch. Lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc cũng bị thu hẹp, kéo hãm tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu mới công bố, cả doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4/2022 đều giảm sâu hơn dự đoán. Cụ thể, doanh số bán lẻ tháng 4 của Trung Quốc giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức giảm 6,1% mà các nhà kinh tế dự đoán với Reuters. Tháng 4 cũng chứng kiến sản lượng công nghiệp giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với kỳ vọng tăng nhẹ 0,4% của giới phân tích.

Người phát ngôn Cơ quan Thống kê Trung Quốc, ông Fu Linghui lý giải rằng, lĩnh vực sản xuất chế tạo suy giảm 4,6% chủ yếu do sự sụt giảm của ngành sản xuất ô tô và thiết bị. Ngoài Covid-19, ông Fu Linghui cũng chỉ ra rằng, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã phải đối mặt với áp lực từ nhu cầu thị trường suy giảm, chi phí gia tăng và nhiều yếu tố khác.

Do dự, nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục bơm vốn

Theo ông Vishrut Rana, chuyên gia kinh tế tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ không đủ sức gây ra ảnh hưởng lớn đến vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. "Trung Quốc vẫn là trung tâm của mạng lưới sản xuất hàng điện tử ở APAC (châu Á - Thái Bình Dương)", ông Rana nói.

Trong 4 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 74,47 tỷ USD, theo công bố của Bộ Thương mại Trung Quốc. Trong đó, FDI từ Đức tăng vọt 80,4% còn vốn đầu tư từ Mỹ tăng 53,2%.

"Rất khó để điều chỉnh quy mô và phạm vi chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc vào lúc này", ông Rana nêu. Chỉ có chuỗi cung ứng của các sản phẩm rất cụ thể như chất bán dẫn hoặc phụ tùng xe điện, mới có thể dịch chuyển sang Việt Nam, Malaysia hoặc các quốc gia khác.

Riêng thị trường Việt Nam, ông Rana cho biết mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến lĩnh vực sản xuất chế tạo đang "rất lớn" bởi Việt Nam đã nổi lên như một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng điện tử tiêu dùng.

Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 đã tăng 30,4%, sau khi tăng gần 19,1% trong tháng 3. Tuy nhiên, xét về quy mô, thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 33,26 tỷ USD trong tháng 4, chỉ tương đương khoảng 1/8 trong tổng kim ngạch xuất khẩu 273,62 tỷ USD của Trung Quốc cùng tháng, theo số liệu được Wind Information tổng hợp.

Vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể lung lay bởi sự thống trị chuỗi cung ứng của họ đã được xây dựng và củng cố trong nhiều năm qua, cộng với sức hút từ các mô hình kinh doanh mới.

Shein là một trong những thương hiệu điển hình cho mô hình kinh doanh mới và thu hút được các nhà đầu tư quốc tế. Được các quỹ đầu tư lớn như Sequoia Capital China hậu thuẫn, Shein đã đi theo hướng phân tích dữ liệu lớn và xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng của mình ở Trung Quốc để phát triển thành "gã khổng lồ" thương mại điện tử thế giới trong lĩnh vực thời trang nhanh giá rẻ.

"Lợi thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc không chỉ dựa trên chi phí lao động", ông James Liang, đối tác quản lý tại Quỹ đầu tư mạo hiểm Skyline Ventures (Mỹ) nói trên đài CNBC. Bởi lẽ, ít nhất 20% giá vốn hàng bán của các nhà sản xuất quần áo và nội thất được tính vào chi phí nhân công, trong khi tỷ lệ này ở các hãng sản xuất đồ điện tử chỉ có 5%, ông Liang phân tích.

Lợi thế của Trung Quốc là nắm trong tay các trung tâm cung ứng lớn, điều này tạo thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động khi tích hợp tất cả các nhà cung ứng của họ vào một hệ thống số hóa.

Ông Liang cho biết vào tháng 10 năm ngoái quỹ đầu tư Skyline Ventures đã đầu tư 5 triệu USD vào Povison - một công ty nội thất đang bắt chước mô hình kinh doanh của Shein. Tuy nhiên, đại diện Skyline Ventures cho biết các kế hoạch đầu tư bổ sung vào Povison đã bị hoãn lại do dịch Covid-19.

Dẫn kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 4, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, cho biết: "Đầu tư vào Trung Quốc sẽ ít đi, trong khi đầu tư vào Đông Nam Á tăng lên". Một điểm đáng lưu ý hiện nay là việc điều chuyển các giám đốc điều hành đến Singapore hoặc các nước khác trong khu vực đang dễ dàng hơn nhiều so với đến Trung Quốc, ông Joerg Wuttke nhận xét.

Cũng theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu, gần 1/4 trong số 372 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc dự kiến sang các thị trường khác. Nhưng, 77% còn lại không có kế hoạch như vậy. Ngoài ra, kết quả khảo sát các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cũng chỉ ra xu hướng tương tự.

Các kết quả khảo sát trên đã cho thấy "các công ty không muốn rời bỏ thị trường, nhưng họ cũng không biết phải xoay sở ra sao", ông Marro từ The Economist Intelligence Unit nhận định. "Lúc này, điều đó thể hiện sự do dự", ông Marro nói thêm.

"Các công ty nước ngoài có thể khó chịu với chính sách [zero-Covid], nhưng sẽ không có nhiều công ty ra quyết định làm tổn hại đến vị thế mà họ mất hàng chục năm xây dựng trên thị trường, chỉ vì một cú sốc tạm thời", ông Marro cho biết.

Ngay cả các công ty lớn như Starbucks, dù đã tạm dừng việc đề ra các chỉ tiêu kinh doanh tại thị trường Trung Quốc do tính khó lường của Covid-19, nhưng trong dài hạn họ vẫn hy vọng hoạt động kinh doanh của mình ở quốc gia 1,4 tỷ dân sẽ lớn mạnh hơn thị trường Mỹ.

Ông Stephen Olson, chuyên gia cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu thương mại toàn cầu Hinrich Foundation cho rằng: "Việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng không dễ dàng như chuyện bật - tắt công tắc đèn". 

Tuy nhiên, "bàn cờ sẽ được định hình lại nếu tình trạng phong tỏa chống dịch kéo dài bất định", ông Olson nói.

Sáng kiến "Vành đai và con đường" mang đến nhiều cơ hội mới, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, bối cảnh địa chính trị và môi trường kinh tế, thương mại toàn cầu không ngừng thay đổi, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc và tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình, đánh giá lại lợi thế của việc chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, kỳ vọng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất và mở rộng  phạm vi thị trường.

Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước năm 2022

Ảnh minh họa: Định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn: tapchitaichinh.vn

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với dân số gần 100 triệu người. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự kiến chỉ đạt 2,7%, nhưng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 7,5%.

Trên thực tế, các ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, đặc biệt là sản xuất điện tử tiêu dùng, các công ty đa quốc gia lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc như Sony, Panasonic, Samsung đã sớm khởi động kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Đông Nam Á; cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đẩy nhanh xu hướng này. Cọ sát thương mại khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài phải tái cấu trúc và tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình để tránh các mối đe dọa áp thuế bổ sung của chính phủ Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Trên thực tế, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2019 đã vượt mức 2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi Mỹ khởi động cọ sát thương mại. Dự kiến đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phức tạp có giá trị gia tăng cao và tinh vi. Việc sản xuất các sản phẩm này, đặc biệt là khâu lắp ráp cuối cùng đòi hỏi thiết bị tự động hóa tiên tiến và khả năng sản xuất linh hoạt. So với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc có lợi thế rõ ràng về mặt này. Kết luận này dựa trên quan sát và ý kiến thảo luận của các giám đốc điều hành các công ty đa quốc gia. Do Trung Quốc có thể cung cấp các sản phẩm có với chi phí cạnh tranh cao trong toàn bộ chuỗi công nghiệp, nên nhiều công ty đa quốc gia chỉ chuyển dịch một phần chứ không phải toàn bộ hoạt động sản xuất của họ sang các nước Đông Nam Á. Việc chuyển dịch này chủ yếu là để hưởng lợi từ giá lao động rẻ hơn và lấy cái mác "nước xuất xứ", sau đó những bán thành phẩm này vẫn cần được chuyển trở lại Trung Quốc để lắp ráp cuối cùng.

Theo "Báo cáo Khảo sát kinh doanh tại Trung Quốc năm 2020" do PWC và Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải phối hợp công bố trong tháng 9/2020, trong số hơn 200 công ty được khảo sát, 70,6% cho biết không có ý định dịch chuyển dây chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc; 14% cho biết đang chuẩn bị chuyển một phần dây chuyền sản xuất đến các quốc gia khác ngoài Mỹ, chẳng hạn như Đông Nam Á, Mexico hoặc Ấn Độ; chỉ 3,7% cho biết sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất về Mỹ.

Theo khảo sát, 31,2% cho biết, lý do chủ yếu dẫn đến việc đánh giá lại và giảm đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2020 chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sản xuất tinh gọn đã dẫn đến sự gia tăng tính phức tạp và tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, khi đánh giá các chuỗi cung ứng, cần coi trọng tính linh hoạt, thay vì chỉ dựa trên hiệu quả chi phí.  Mặc dù ngành sản xuất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong nửa đầu năm 2020, nhưng quyết tâm và quyết sách hiệu quả của chính phủ Trung Quốc trong phòng chống dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt là xuất khẩu của Trung Quốc tăng 10,4% trong tháng 7, trong khi tăng trưởng bình quân của các quốc gia Châu Á chỉ đạt 2,02%. Điều này chứng tỏ khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông và ngành logistics phát triển cao của Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho sản xuất "không tồn kho", nâng cao hiệu quả và giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm, nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan đã bảo đảm cung cấp năng lượng, không bị gián đoạn phục vụ sản xuất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và lĩnh vực năng lượng ở nhiều nước Đông Nam Á tương đối kém phát triển, hiệu quả sản xuất thấp và thiếu lợi thế cạnh tranh.

Một quốc gia muốn trở thành cường quốc sản xuất, cần phải coi trọng phát triển công nghiệp nặng, "sử dụng máy móc để chế tạo ra máy móc". Trung Quốc có ngành công nghiệp nặng phát triển cao, có khả năng "sử dụng máy móc để chế tạo ra máy móc". Mặc dù, ngành công nghiệp của Đông Nam Á phát triển nhanh chóng trong những năm qua, nhưng năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao cấp còn tương đối thấp, điều này có thể làm chậm tốc độ bắt kịp với Trung Quốc trong phương diện phát triển công nghiệp.

Do đó, trong tương lai gần, Đông Nam Á khó có khả năng thay thế hoàn toàn Trung Quốc, trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Thay vào đó, khu vực này có nhiều khả năng cung cấp hỗ trợ, bổ sung cho Trung Quốc. Dựa vào lợi thế về quy mô kinh tế, cơ sở hạ tầng công nghiệp và kỹ thuật số, công nghiệp nặng, công nghệ tiên tiến và R&D, Trung Quốc đang chuyển đổi thành một nền sản xuất có giá trị gia tăng cao được hỗ trợ bởi dây chuyền lắp ráp tiên tiến, trở thành một nền kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á sẽ có được cơ hội tăng trưởng kinh tế rất lớn do việc chuyển dịch một phần dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Trung Quốc và Đông Nam Á bổ sung và "hợp tác trong cạnh tranh" đối với tất cả các phân khúc sản phẩm, từ cấp cao, trung cấp đến hàng hóa bình dân, đồng thời sẽ cùng hưởng lợi trong việc rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Trong tương lai, Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tăng cường hợp tác, hình thành "cụm công nghiệp Trung Quốc - Đông Nam Á", xây dựng một phiên bản mở rộng của "công xưởng thế giới", cùng nâng cao vị thế của Châu Á trong ngành sản xuất toàn cầu./.

Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo