Đầu tư ppp nghĩa là gì

Đối tác công tư [Public Private Partner] viết tắt là PPP, là một trong các hình thức đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật đầu tư, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Các loại hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại Việt Nam [Hợp đồng PPP]

Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, hợp đồng PPP có các loại sau:

– Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao [hợp đồng BOT]: để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh [hợp đồng BTO]: để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

– Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao [hợp đồng BT]: để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.

– Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh [hợp đồng BOO]: để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.

– Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ [hợp đồng BTL]: để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

– Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao [hợp đồng BLT]: để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý [hợp đồng O&M]: để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.

– Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng dự án kết hợp các loại hợp đồng BOT, BTO, BT, BOO, BTL, BLT.

– Hợp đồng khác theo quy định tại Khoản 4 Điều 40 Nghị định 63/2018/NĐ-CP.

Bài viết tương tự:  Chia - tách doanh nghiệp

Các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP

Căn cứ Khoản Điều 4 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích việc thực hiện đầu tư theo hình thức PPP trong các lĩnh vực sau đây:

– Giao thông vận tải.

– Nhà máy điện, đường dây tải điện.

– Hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; công viên; nhà, sân bãi để ô tô, xe, máy móc, thiết bị; nghĩa trang.

– Trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư.

– Y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; văn hóa; thể thao; du lịch; khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn; ứng dụng công nghệ thông tin.

– Hạ tầng thương mại; hạ tầng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

– Các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án PPP được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C theo tiêu chí quy định tại pháp luật về đầu tư công.

Các ưu đãi khi đầu tư theo hình thức PPP

Căn cứ Chương IX Nghị định 63/2018/NĐ-CP, đối với đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam được hưởng ưu đãi và bảo đảm đầu tư như sau:

* Ưu đãi đầu tư: nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi sau:

– Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Ưu đãi đối với hàng hoá nhập khẩu để thực hiện dự án theo luật xuất khẩu, luật nhập khẩu.

– Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất [đối với diện tích đất được Nhà nước giao]/ Miễn hoặc được giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án.

– Ưu đãi khác theo quy định pháp luật.

* Các hình thức để bảo đảm đầu tư:

– Nhà thầu tham gia thực hiện dự án thực hiện nghĩa vụ thuế và hưởng ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật.

– Bảo lãnh nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và doanh nghiệp khác.

– Thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án.

– Bảo đảm thực hiện quyền sử dụng đất.

– Bảo đảm cân đối ngoại tệ.

– Bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng.

– Bảo đảm về quyền sở hữu tài sản.

– Giải quyết tranh chấp.

Lưu ý: Căn cứ Điều 3 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, trường hợp nhà đầu tư có báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi [đối với dự án ứng dụng công nghệ cao], thiết kế, dự toán [đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT hoặc dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế và dự toán] được phê duyệt, nhà đầu tư đó được hưởng ưu đãi trong đấu thầu khi đánh giá về tài chính – thương mại, cụ thể như sau:

– Trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% giá dịch vụ vào giá dịch vụ của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng.

– Trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần vốn góp của Nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

Bài viết tương tự:  Những trường hợp không được uỷ quyền

– Trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất nộp ngân sách nhà nước hoặc trừ đi một khoảng thời gian bằng 5% vào khoảng thời gian thực hiện hợp đồng mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

– Trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT, nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được trừ đi một khoản giá trị bằng 5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá [nếu có] vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giảm giá [nếu có] mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.

– Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo tỷ trọng của phương pháp kết hợp nhưng tổng giá trị ưu đãi không vượt quá 5%.

Trình tự thực hiện dự án PPP

Căn cứ Điều 9 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, dự án PPP được thực hiện theo trình tự sau đây:

Bước 1. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư và công bố dự án.

Bước 2. Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Bước 3. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Bước 4. Đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án [nếu có], ký kết hợp đồng dự án.

Bước 5. Triển khai thực hiện dự án; quyết toán và chuyển giao công trình.

Lưu ý 1: Dự án nhóm C không phải lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư tại Bước 1 nhưng phải công bố dự án sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt.

Lưu ý 2: Riêng đối với dự án ứng dụng công nghệ cao thì không áp dụng trình tự nêu trên mà phải thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư và công bố dự án.

Bước 2. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Bước 3. Lập báo cáo nghiên cứu khả thi [do nhà đầu tư trúng thầu thực hiện].

Bước 4. Tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Bước 5. Đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án [nếu có], ký kết hợp đồng dự án.

Bước 6. Triển khai thực hiện dự án; quyết toán và chuyển giao công trình.

Biểu mẫu đính kèm

– Phụ lục I Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT: Hướng dẫn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP.

– Phụ lục II Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT: Hướng dẫn thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP.

– Phụ lục III Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT: Hướng dẫn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP.

– Phụ lục IV Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT: Hướng dẫn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP.

– Phụ lục V.a Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT: Nội dung cơ bản của hợp đồng dự án PPP [trừ dự án áp dụng loại hợp đồng BT].

– Phụ lục V.b Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT: Nội dung cơ bản của hợp đồng dự án BT./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật

Video liên quan

Chủ Đề