Dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh 3 tháng cuối

Dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh 3 tháng cuối

Sự phát triển từng tuần của bé (3 tháng cuối thai kỳ)


Tuần 25 trở đi, mái tóc bé đã dày hơn, có màu sắc rõ ràng hơn và nhất là làn da không còn nhăn nheo nữa. Hai tay Bé cũng hoàn chỉnh hơn cả về hình dạng và chức năng. Móng tay đã xuất hiện, tay Bé trở nên khéo léo hơn, các ngón tay đã có thể co lại thành nắm đấm. Khả năng nghe của Bé tiếp tục hoàn thiện hơn.


Tuần 26, thính giác của Bé nhạy cảm hơn rất nhiều nhờ mạng lưới thần kinh bên trong tai đang ngày thêm hoàn thiện. Võng mạc cũng phát triển gần như hoàn chỉnh, Bé đã có thể mở và chớp mắt được. Tóc Bé cưng vẫn tiếp tục dài ra và những sợi lông mi nhỏ cũng đang phát triển.


Tuần 27, Bé yêu đã biết thở và trở nên thông minh hơn nhờ sự phát triển nhanh của tế bào não. Thời gian thức/ngủ của bé cũng dần đi vào quy củ. Nếu vì bất kỳ lý do nào Bé buộc phải sinh non ở thời điểm này, với sự hỗ trợ y tế đặc biệt cơ hội sống của Bé vẫn rất cao, lên đến 85%.


Tuần 28, Bé dài khoảng 37,5cm và nặng 1kg. Tầm nhìn của Bé tiếp tục được cải thiện, Bé thậm chí đã nhìn thấy ánh sáng qua da Mẹ.


Tuần 29, cơ bắp và phổi của Bé tiếp tục hoàn thiện, đầu Bé cũng to hơn trước để dành “không gian” cho não tiếp tục phát triển hơn nữa. Trong thời gian này, Bé cần rất nhiều protein, vitamin C, axit folic và sắt để làm “nguyên liệu” cho hoàn thiện những chức năng quan trọng. Xương Bé cũng phát triển vượt trội và trung bình cần 250mg canxi/ngày.


Tuần 30, Bé nặng khoảng 1,3kg và còn tiếp tục tăng cân cũng như tích lũy thêm các lớp mỡ dự trữ dưới da, giúp da Bé mịn màng hơn và quan trọng nhất là giữ ấm cho Bé khi chào đời. Mắt Bé vẫn đang phát triển nhưng tốc độ chậm hơn trước và sẽ tiếp tục hoàn thiện khi Bé chào đời.


Tuần 31, cả 5 giác quan của Bé đều đã hoàn thiện. Thân hình Bé đã cân đối và đầy đặn hơn rất nhiều. Bé cũng đã có thể quay đầu sang trái, phải và cựa quậy không yên trong bụng Mẹ.


Tuần 32 này, những bộ phận cuối cùng của Bé cũng sẽ được phát triển. Từ những chiếc móng tay, móng chân nhỏ xinh, cho đến hàng lông mi, lông màu và mái tóc thụ hưởng từ Ba, Mẹ. 


Tuần 33, phổi của Bé đã phát triển gần như hoàn chỉnh. Đồng tử đã có thể nhận ra ánh sáng và có thể co lại hoặc giãn ra. Bé cũng đã biết phối hợp giữa thở, mút và nuốt. Phần xương sọ của Bé sẽ không cố định mà có thể di chuyển và gối lên nhau để giúp Bé dễ dàng chui ra khi Mẹ sinh thường, đồng thời tiếp tục phục vụ cho sự phát triển của não bộ sau khi Bé ra đời.


Tuần thứ 34, các tuyến thượng thận vẫn đang hoàn thiện và sản xuất ra các hormon để kích thích cơ thể Mẹ tiết sữa. Xương của Bé đã phát triển khá tốt, phổi cũng đã phát triển hoàn chỉnh. 


Tuần 35, Bé sẽ tăng cân thật nhanh khoảng 0,5kg/tuần. Mỡ dự trữ vẫn được tích lũy, đặc biệt ở dưới hai vai. 


Tuần 36, các nét trên gương mặt của Bé đã rõ ràng hơn nhờ sự phát triển của lớp mỡ hai bên gò má và các lớp cơ. Đa phần Bé sẽ tự quay đầu trước khi sinh. Nếu không, bác sĩ có biện pháp can thiệt cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả Mẹ và Bé. 


Tuần 37 - 39, thời gian cần thiết để toàn bộ các chức năng phát triển toàn diện, đặc biệt là phổi và não bộ. Các cơ quan của Bé đã hoàn thiện và sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài “ngôi nhà” của Mẹ. Hầu hết chất gây trên da và lông măng đã biến mất. 


Tuần 40, Bé đã sẵn sàng! Nếu ra đời vào tuần thứ 40, Bé sẽ có cân nặng trung bình khoảng 3,5kg, dài khoảng 48-51cm. Đầu bé sẽ không được tròn trịa khi vừa chào đời vì vừa đi qua ngã âm đạo rất hẹp của Mẹ. Da Bé có thể khá nhăn nheo, bạc thếch, thậm chí có những mảng da khô và vết bớt trên người nhưng đó là những dấu hiệu hoàn toàn bình thường và sẽ nhanh chóng mất đi.


Tuyệt đối không ăn thực phẩm sống, sử dụng chất kích thích hay vận động thể lực mạnh, sử dụng thuốc không đúng chỉ định. Đây đều là những thói quen nguy hiểm có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.


Để không phải đánh vật với chuyện ăn uống, Mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn lớn, tập ăn chậm rãi và nhất là hạn chế thức ăn nhiều gia vị hay dầu mỡ. Chú ý giữ hàm lượng chất béo ở mức 20% trong chế độ ăn mỗi ngày Mẹ bầu nha.


Cố gắng uống đủ nước, không đứng hoặc ngồi nhiều, giữ lịch tập luyện thể dục và nhất là giữ tinh thần thoải mái.


Kể từ tuần thai thứ 28, Mẹ cần đi khám thai thường xuyên hơn, cụ thể là 1 lần/ tuần thay vì 1 lần/ tháng như trước, để kiểm tra xem thai có thuận không, phát triển bình thường không, phát hiện dị tật và dự kiến ngày sinh để lên kế hoạch chọn nơi bé chào đời.


Học đếm số lần đạp của Bé theo hướng dẫn của Bác sĩ và báo ngay cho Bác sĩ nếu Bé trầm tính hơn thường ngày.


Mẹ nên tiêu thụ ít nhất 30mg sắt mỗi ngày để hỗ trợ việc gia tăng thể tích máu cũng như đảm bảo lượng sắt dự trữ cho Bé trong những tháng đầu đời sau khi sinh. Tuy sắt có nhiều trong gan nhưng đừng vì muốn bổ sung sắt mà ăn quá nhiều gan động vật Mẹ nhé.


Hãy chọn muối I-ốt để bổ sung dưỡng chất này giúp tăng hooc-môn tuyến giáp cho Mẹ và Bé.


Ngồi hoặc nằm nghiêng, thư giãn và uống thêm nước mỗi khi xuất hiện những cơn gò tử cung.


Để không gây kích ứng bầu ngực trong thời gian tuyến sữa phát triển, Mẹ nên chọn các loại áo ngực có chất liệu mềm mại, thông thoáng và dễ thấm hút. Đồng thời, để tránh ngực nứt nẻ, ứ đọng mồ hôi gây viêm vú, Mẹ nên bôi Vaselin hoặc Parafin nhé.


Vệ sinh cơ thể và chăm sóc hai đầu ngực. Tránh thụt, rửa sâu trong âm đạo khi vệ sinh cơ thể mẹ nhé.


Hãy cố gắng thư giãn và cho phép bản thân có những khoảnh khắc nghỉ ngơi cần thiết nhé. Lưu ý không nên đi du lịch trong thời gian này, mẹ nhé!


Tham gia các lớp tiền sản để học cách đối đầu và chế ngự những cơn đau chuyển dạ sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức cần thiết cho ngày quan trọng đón con vào đời, hơn nữa còn tạo sự gắn kết trong gia đình nhỏ.


Mẹ cũng có thể tìm hiểu và quyết định hình thức sinh. Mỗi hình thức sinh đều sẽ có những ưu khuyết điểm, chẳng hạn như sinh thường sẽ có thời gian hồi phục nhanh, mất máu ít, tiết sữa nhanh hơn và thường nhiều sữa hơn.


Lên kế hoạch mua sắm các vật dụng cần thiết như áo, quần, tả lót, khăn, gối từ tuần thai 28 là vừa rồi đấy mẹ ơi. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể bắt tay vào việc trang trí lại nhà cửa để sẵn sàng chào đón bé nữa nè.


Mẹ có thể học trước cách ẵm và cho bé bú. Khi được nuôi bằng sữa Mẹ, bé sẽ được bảo vệ chống lại nhiễm trùng, chống dị ứng, phát triển tư duy và vận động. Đối với Mẹ, cho Bé bú còn giúp tử cung co hồi tốt hơn, giúp Mẹ tránh băng huyết sau sinh, giảm mất máu và chống thiếu máu. Đồng thời, giúp mẹ bớt căng thẳng và giảm cân nhanh hơn vì khi cho con bú sẽ giúp Mẹ tiêu hao 200 - 500 Kcal/ ngày.


Khoảng 30 – 60 phút sau sinh một giờ là bé cần được cho bú sữa mẹ. Cách cho bé bú đúng cách là cho bé nằm gọn trong lòng Mẹ, hơi nghiêng người Bé ở góc 30-45 độ so với thân trên của mẹ. Mẹ nhớ đừng đặt Bé nằm thẳng mà để cho Bé nằm hơi dốc người xuống phía dưới một chút (đầu cao hơi chân). Nếu Bé bú bình, mẹ cần dốc bình sữa xuôi về phía núm vú để tránh trẻ hít không khí trước khi hút được sữa. Khi cho bú cần quan sát biểu hiện trên khuôn mặt Bé, nếu miệng bé trào sữa và màu sắc ở môi hoặc đầu mũi đổi màu thì nên dừng bú ngay lập tức. Lưu ý rằng nếu bé mút mạnh, má lúm vào theo mỗi nhịp mút là bé đang không ngậm núm vú tốt nhé Mẹ ơi.

Những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu (3 tháng cuối thai kỳ)

 

Mẹ có thể gặp phải kha khá những vấn đề “khó ưa”, nhất là đầy bụng và ợ chua do hormone progesterone làm chậm lại quá trình tiêu hoá. Đồng thời, kích thước tử cung ngày càng lớn cũng chèn ép lên ruột khiến mẹ dễ rơi vào tình trạng rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là táo bón.


Bé cưng ngày càng lớn khiến cột sống cong ưỡng nên mẹ sẽ thường đau lưng hơn vào những tháng cuối thai kỳ.


Huyết áp của Mẹ có thể sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, huyết áp tăng cao có thể dẫn đến tiền sản giật. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu Mẹ phát hiện mặt, tay, chân bị phù đột ngột hoặc trầm trọng, đau đầu, thị lực bị ảnh hưởng (nhìn không rõ, thấy chớp sáng, mất thị lực tạm thời...) nhé. Ngoài ra, Mẹ nên theo dõi liên tục và ghi chú lại chỉ số huyết áp bằng cách đo huyết áp 2 lần/ngày vào 1 giờ cố định; tốt nhất đo lúc vừa thức dậy và trước khi đi ngủ. Nếu huyết áp mẹ cao hơn 140/90 mmHg, mẹ cần lưu ý nguy cơ tiền sản giật nha.


Mẹ có thể bắt gặp những vết rạn màu hồng rên bụng và vú. Không những thế, chuột rút, đau lưng, ợ chua, khó tiêu, són tiểu... những biểu hiện khó ưa vẫn chưa chịu rời đi.


Bác sĩ có thể yêu cầu Mẹ thực hiện lại vài xét nghiệm. Ngoài ra, nếu Mẹ có nhóm máu “Rh-“, Bác sĩ sẽ tiêm một mũi globulin miễn dịch Rh, mũi thứ hai sẽ được tiêm cho Bé ngay sau khi sinh.


Mẹ có thể khó thở do Bé đang chèn ép phổi và cơ hoành. Hormone và tâm lý lo lắng cũng có thể khiến Mẹ thấy khó ngủ hơn.


Xuất hiện những cơn gò Braxton Hicks (đọc là Brax-ton-Hicks) - cách cơ thể Mẹ tập luyện cho sự kiện trọng đại: 'Sinh Con', thường xuất hiện sau khi Mẹ vận động hoặc quan hệ, thấy mệt mỏi hoặc mất nước. Nếu cơn gò không biến mất hoặc xuất hiện liên tục hơn 4 lần/ tiếng, mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ vì có thể là dấu hiệu của sinh non.


Tuyến sữa của Mẹ đã bắt đầu hoạt động từ tuần 31. Một số Mẹ thậm chí sẽ thấy sữa non (loại sữa thường có màu vàng và tỉ lệ đạm cao gấp 10 lần sữa trưởng thành, giúp tống nhanh phân su và hạn chế tình dạng vàng da sinh lý cho bé) bắt đầu chảy ra từ ngực. Hãy chú ý nhiều hơn đến sức khỏe, chế độ ăn uống, thuốc đang dung nếu có và cố gắng giữ cho tình thần thoải mái. Tất cả những yếu tố này cộng với cách cho bé bú đều sẽ ảnh hưởng đến sự tiết sữa của Mẹ sau này.


Mẹ sẽ thấy việc hít thở trở nên khó khăn hơn (thở nhanh và nông hơn), nhu cầu đi vệ sinh cũng nhiều hơn và bị các cơn đau lưng “hành” nhiều hơn.


Mẹ cần đặc biệt chú ý đến dấu hiệu cảnh báo bất thường như tăng cân đột ngột, nhức đầu hoặc nhìn lờ mờ. Đây có thể là những triệu chứng của cơn tiền sản giật. Hãy gọi ngay cho Bác sĩ nếu phát hiện những dấu hiệu trên Mẹ nhé!


Mẹ nên tham vấn bác sĩ về các loại thuốc giảm đau và kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, sẽ giúp Mẹ hiểu hơn về những lựa chọn phù hợp cho cả Mẹ và Bé.


Bàng quang lúc này bị chèn ép khiến Mẹ muốn đi vệ sinh nhiều hơn, đồng thời, cơ hoành cũng bị đẩy lên cao khiến mẹ khó thở.


Hãy cố gắng quen với những cơn đau ở hông và xương chậu. Đây là cách cơ thể Mẹ đang chuẩn bị cho ngày chuyển dạ. Số lượng cơn gò Braxton Hicks cũng tăng dần. Chuyện đi lại cũng trở nên khó khăn hơn khi Bé di chuyển xuống xương chậu.


Mẹ có thể bị chảy máu âm đạo và đây là dấu hiệu bình thường. Nhưng nếu máu không dừng ở vài giọt, đây có thể là dấu hiệu bong nhau thai. Lúc này, Mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ.


Chân và mắt cá có thể hơi phù một chút. Trường hợp hiện tượng phù nề xuất hiện đột ngột ở chân, mắt cá hoặc mặt, đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Mẹ cần thông báo ngay lập tức cho bác sĩ.


Mẹ cần học cách nhận biết dấu hiệu chuyển dạ như: Đau bụng từng cơn ngắn, ngắt quãng, đau tăng dần; Có thể đau mỏi vùng thắt lưng, có cảm giác muốn đi tiểu liên tục; Ra chất nhầy hồng ở cửa mình…


Càng về 2 tuần cuối thai kỳ, mẹ sẽ thấy những cơn chuyển dạ giả. Dù cường độ và tác động không khác gì cơn chuyển dạ thật, những cơn chuyển dạ giả xảy ra không thường xuyên và sẽ biến mất khi Mẹ hoạt động.


Vỡ nước ối vẫn có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào trong thời gian này. Tùy trường hợp mà nước ối có thể chảy ra với lượng lớn hoặc chỉ rỉ một ít. Nếu nghi ngờ vỡ ối hoặc các cơn co chuyển dạ diễn ra thường xuyên, Mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ nhé!

Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

>> [3 tháng đầu] - Sự phát triển theo từng tuần của thai nhi và mẹ bầu

>> [3 tháng giữa] - Sự phát triển theo từng tuần của thai nhi và mẹ bầu

>> Giới thiệu khoa Sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

>> Gói khám tiền sản (tam cá nguyệt) - Cho một thai kỳ khỏe mạnh

>> Bảng giá chi phí sinh Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng 2020

>> Quy tình sinh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng