Đánh giá nhận thức của học sinh về cộng đồng lgbt

[VOV2] - Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội thảo "Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới" nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề đồng tính hiện nay...

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III, trong đó bao gồm những khuyến nghị liên quan đến việc chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc chống phân biệt đối xử. Việt Nam cũng đã có nhiều bước đi bổ sung, cập nhật ban hành mới chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn nguyên tắc này, trong đó có những chính sách, pháp luật với người đồng tính, song tính, chuyển giới. Ví dụ, Luật hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đã bỏ quy định xử phạt hành chính với hành vi kết hôn đồng giới. Hiện Việt Nam đang tiếp tục xây dựng dự án Luật chuyển đổi giới tính. Tại các diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam cũng ủng hộ thảo luận về chống bạo lực và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính, chuyển giới...

Tại hội thảo, đại biểu các nước đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề Chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò nâng cao nhận thức về vấn đề đồng tính... Bà Jessica Stern, Đặc phái viên của Hoa Kỳ về thúc đẩy quyền con người đồng tính, song tính, chuyển giới cho biết: Năm 1973, bước tiến đầu tiên Hoa Kỳ đã công nhận đồng tính song tính không bị coi là 1 bệnh lý. Và điều này làm giảm một phần định kiến của xã hội, giúp tiến triển tốt hơn. Còn tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng, cộng đồng LGBT là 1 bệnh về tâm lý cần điều trị, đây là một quan niệm sai lầm. 

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo "Chống bạo lực và phân biệt đối xử tính dục và bản dạng giới"

Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, Bà Jessica Stern cho rằng, Việt Nam cần sớm giải quyết các vấn đề như: hạn chế về tuổi trong can thiệp y tế, nếu những người chuyển giới phải độc thân, phải đạt 16, 18 tuổi mới được phẫu thuật nên được sửa đổi, cần phụ thuộc vào ý kiến của bác sĩ và người có nhu cầu. Việt Nam cũng cần áp dụng các quy định quốc tế ở mức cao nhất. "Ví dụ với Mỹ hiện nay, trong hộ chiếu người Mỹ có ký hiệu X, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc công nhận quyền của những người không xác định là nam hay nữ ở quốc gia này. Và năm 2015, Mỹ đã công nhận cặp đồng giới kết hôn hợp pháp... Việc này đảm bảo tiếp cận pháp luật cho các cặp LGBT sẽ giúp họ có quyền lợi bình đẳng".

PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung là quan điểm xuyên suốt, nhất quát của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Điều này đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp Việt Nam 2013 đó là: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". (Khoản 1 Điều 14).

Theo nguyên tắc này, tuy không sử dụng cho từng nhóm người cụ thể, như "xu hướng tính dục" hay "bản dạng giới" nhưng đối tượng áp dụng là cho tất cả "mọi người" không kể giới tính, độ tuổi, tôn giáo, dân tộc cũng như xu hướng tính dục hay bản dạng giới như thế nào thì vẫn được hưởng các quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội.

Các quyền con người là áp dụng chung cho tất cả mọi người và công dân Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong các đạo luật của Nhà nước, trong đó đặc biệt là quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong các quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trong việc bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới, đồng thời chính thức thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Nghiên cứu cho phép kết hôn giữa những người cùng giới tính hoặc thừa nhận hình thức sống chung có đăng ký sẽ có sự ràng buộc, giúp người đồng tính sống có trách nhiệm hơn không chỉ với chính bản thân và bạn đời của mình mà còn với gia đình và toàn xã hội. Về việc nhận nuôi con nuôi của các cặp đôi đồng tính: Pháp luật nên cho phép các cặp đôi đồng tính có quyền nhận nuôi con nuôi. Cho phép phụ nữ trong thời kỳ đăng ký sống chung vẫn có thể sinh con theo phương pháp khoa học đồng thời con sinh ra trong thời kỳ sống chung là con chung của các cặp đôi đồng tính nữ...

Trong thời gian tới để nâng cao kiến thức, sự hiểu biết đúng đắn của cộng đồng xã hội đối với người đồng tính, cần phải đưa các kiến thức mang tính khoa học về người đồng tính vào chương trình giáo dục cộng đồng, đồng thời kết hợp với hình thức tuyên truyền xã hội để giảm bớt sự kỳ thị, cách nhìn sai lệch của mọi người đối với người đồng tính. Xây dựng các chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe người đồng tính, hướng dẫn bảo vệ người đồng tính khỏi bạo lực gia đình và trang bị kĩ năng phòng tránh các hành vi xâm hại tình dục đối với nhóm người này.

"Để làm được điều này cần có sự triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực: Mở rộng nội dung của các chương trình giáo dục giới tính (đặc biệt cho học sinh phổ thông, sinh viên). Phổ biến các kiến thức khoa học về xu hướng tính dục, bản dạng giới, đồng tính, chuyển giới… cho các cơ quan, tổ chức, người dân, gia đình, xã hội và đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cán bộ ngành y tế; Các phương tiện truyền thông, báo chí cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò nâng cao nhận thức về vấn đề đồng tính", PGS.TS Tường Duy Kiên nhấn mạnh.