Chế độ quân điền là gì lịch sử 10 năm 2024

Triều đại Lê sơ lập đồn điền phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh miền biên viễn

Sau khi lãnh đạo quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, giải phóng đất nước (năm 1427), Lê Lợi cùng các tướng lĩnh trong bộ chỉ huy- tham mưu kháng chiến bắt tay vào xây dựng chính quyền, lập ra triều đại Lê sơ. Đất nước qua nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, nền kinh tế kiệt quệ, xã hội xáo trộn, một trong những mối quan tâm lớn nhất của Vương triều khi đó là khẩn trương ổn định, phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) gắn với củng cố quốc phòng, nhất là miền biên ải. Trong bộn bề công việc phải giải quyết có vấn đề thiết yếu nổi lên là đồn điền, ruộng đất. Những người lính trong chiến tranh đa phần nông dân theo Lê Lợi đi kháng chiến, nay trở về không tấc đất cắm dùi, người người phiêu tán, “bờ xôi ruộng mật” đã bị bọn cường hào hoành hành chiếm cứ, đến nỗi Lê Thái Tổ phải thốt lên: Kẻ chơi bời nhớn nhác thì chiếm nhiều ruộng đất mà người lính chiến đấu thì một thước, một tấc không có, giàu nghèo không công bằng thì không thể lấy đó mà khuyến khích việc chuyên cần được !

Để khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, ổn định xã hội, củng cố quốc phòng bảo vệ độc lập dân tộc, triều Lê sơ, một mặt cho xây dựng và ban hành chế độ Quân điền - định lại ruộng đất chia cho binh lính. Mặt tích cực của chế độ Quân điền là xuất phát từ quyền lợi của lính, những người dân mặc áo lính; đồng thời xác định lại quyền sở hữu của Nhà nước đối với ruộng đất công, qua đó tiến hành thu tô, thuế. Mặt khác, để phát triển KTXH gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng miền biên viễn, bảo vệ đất nước, nhà Lê tiến hành công cuộc lập đồn điền. Lập đồn điền là một chính sách khẩn hoang tương đối quy mô của Nhà nước nhằm “khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng nguồn súc tích cho Nhà nước”. Nghĩa là, để mở rộng diện tích sản xuất và nguồn cung cấp thuế cho Nhà nước, nhưng chủ yếu nhằm bảo đảm nguồn quân lương tại chỗ cho miền biên viễn, giảm thiểu sự chu cấp của triều đình khi có chiến sự xảy ra. Điều đó thể hiện sâu sắc quan điểm, tư tưởng kết hợp kinh tế kết hợp với quốc phòng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của triều Lê sơ. Năm 1462, Tham tri Tây đạo là Hoàng Thanh dâng sớ trình 7 điều, trong đó, điều thứ 7 là “lập đồn điền để tích lũy đầy đủ chốn biên phòng". Theo sách Cương mục, đến năm 1481, đã lập được 43 đồn điền.

Bản chất của việc lập đồn điền của triều Lê, xét về phương thức là kết hợp kinh tế với quốc phòng nhằm mục đích: kinh tế, chính trị, quân sự ở vùng biên giới trong hoạt động đối nội và cả đối ngoại. Khi có biến thì đồn điền mang tính chất chính trị, quân sự nổi lên đậm nét hơn. Còn khi thời bình, nhu cầu về kinh tế trở thành đòi hỏi chủ yếu thì tính chất hoạt động của đồn điền sát gần với các tổ chức làng, xã bình thường. Các mục đích trên luôn đan xen, kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong quá trình vận động, phát triển của các đồn điền. Song, thực tiễn cho thấy yêu cầu về KTXH bao giờ cũng là nhân tố lâu dài và căn bản nhất, cho nên khi đồn điền đã trở thành làng, xã rồi thì nhân tố quốc phòng - an ninh càng nhuyễn với KTXH, nghĩa là đồn điền với tư cách gần như một đơn vị tổ chức hành chính có khả năng phát triển, đồng thời đủ sức huy động lực lượng, vật chất để tự bảo vệ. Do đó, đồn điền không mang tính trường tồn, nó được xây dựng theo yêu cầu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng ở những nơi quan trọng, xung yếu, vào những thời điểm cần thiết, nhưng về lâu dài sẽ biến đổi dần thành làng, xã bình thường.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, đã từng hình thành hai loại đồn điền dưới triều Lê, và sau này tương tự vậy dưới triều Nguyễn. Loại đồn điền thứ nhất, theo đúng như tên gọi là một trại lính, được trao nhiệm vụ khai khẩn ruộng đất và canh tác nông nghiệp nhằm mục đích phát triển KTXH. Ngoài tác dụng trên, đồn điền còn có vai trò to lớn về chính trị - quân sự. Về thực chất, đây là một hàng rào biên phòng chắc chắn. Nhưng hàng rào này không phi sản xuất và ăn bám, cho nên nhà nước phong kiến không những không tốn kém mà còn thu lợi. Lúc hòa bình, dân đồn điền là nông dân sản xuất; lúc chiến tranh, họ là những đội lính đầu tiên xung trận. Chính vì thế, tính tổ chức và tính chiến đấu của dân đồn điền cao hơn hẳn dân ở các làng, xã hình thành tự nhiên. Về tổ chức, họ được tổ chức theo cách tổ chức của quân đội. Đứng đầu có viên quản đồn điền ngang cấp quản cơ. Dưới có phó quản và chánh phó đội xuất. Cùng với hệ thống tổ chức này là chế độ luyện tập quân sự và canh phòng. Tuy chế độ này không được thực hiện thường xuyên nhưng cũng làm cho dân đồn điền có những hiểu biết căn bản về quân sự. Ngoài ra, để sự chỉ huy được thống nhất, viên quản đồn điền ở khu vực tại chính giữa đồn điền cùng với những thứ trống hay cồng lệnh để sử dụng ra hiệu lệnh khi cần thiết. Cách tổ chức, bố trí hoạt động như vậy làm tăng tính kỷ luật của dân đồn điền, một trong những nhân tố quan trọng khi có biến. Một khi chiến tranh xảy ra, dân đồn điền trở thành đơn vị quân đội thường trực, trong đó mỗi người dân thực sự là một người lính và bắt đầu thoát ly sản xuất, tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ giang sơn, bờ cõi.

Loại đồn điền thứ hai, được tổ chức linh hoạt, gần như làng, xã, trong đó chính quyền dân sự là tổ chức tối cao của đồn điền, thay vì các quản đồn điền (ở loại thứ nhất) là những viên cai tổng hoặc trưởng thôn. Việc tuyển mộ dân đồn điền loại này được thực hiện theo hình thức tự nguyện. Dù thành viên đồn điền là lính, là dân hay tù phạm, sau một thời gian khoảng 6 đến 10 năm, ruộng đất khai hoang, khẩn hóa đã thành thục rồi thì lập thành địa bạ hẳn hoi. Khi đó, dân đồn điền đã trở thành dân cố định, hình thức đồn điền sẽ bỏ đi, thay vào đó là những làng, xã mới, bình thường như mọi làng xã hình thành một cách tự nhiên. Dân tự nguyện đi tham gia xây dựng đồn điền được hưởng “ân đức của vua” (chế độ ưu đãi). Cụ thể, nhà vua cho họ vay phần nửa số công cụ lao động và sẽ phải trả khi thu hoạch. Dân đồn điền được miễn hoàn toàn mọi thứ thuế khóa và các loại đảm phụ khác trong 10 năm. Bản thân các chủ đồn điền phải ứng trước cho các tá điền của họ nửa số công cụ còn lại. Do được ưu đãi như vậy nên các chủ đồn điền thu được của cải một cách khá dồi dào. Vì quyền lợi của đồn điền và bản thân, họ cho xây dựng chợ, chùa chiền cùng những căn nhà lớn dành cho những người dân phiêu tán mới đến tham gia xây dựng đồn điền.

Lập đồn điền ở những miền biên viễn nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh là một trong những chính sách quan trọng mà triều Lê sơ chú trọng thực hiện trong quá trình xây dựng triều chính. Nó góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước qua một thời gian ngắn sau chiến tranh và mở rộng cương vực, phát triển kinh tế đất nước trong những năm dài xây dựng hòa bình. Trong ba đời vua đầu nhà Lê: Thái Tổ (1428-1433), Thái Tông (1434-1442), Nhân Tông (1443-1459) giới hạn nước ta mới đến đèo ái Vân. Đến năm 1471 đời Thánh Tông (1460-1497), cương vực đất nước mở rộng đến tận tỉnh Phú Yên bây giờ. Chính sách lập đồn điền, khuyến khích khẩn hoang, mở rộng diện tích canh tác làm cho đời sống nhân dân dưới triều Lê sơ tương đối đảm bảo, ổn định hơn so với các triều đại khác. Quan trọng hơn, hệ thống đồn điền dưới triều Lê góp phần xây dựng miền biên giới thành phên dậu vững chắc chắn quân thù, phòng giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh đất nước. Đơn cử, vào năm 1432, ở miền biên giới Tây Bắc của đất nước, Đèo Cát Hãn, tù trưởng châu Ninh Viễn, câu kết với một số tù trưởng quanh vùng định chiếm cứ vùng Tây Bắc. Dân đồn điền đã đứng lên chống giặc, được sự tiếp ứng của quân triều đình kéo lên, chẳng bao lâu dẹp xong bạo loạn, giết được một số kẻ cầm đầu. Đèo Cát Hãn tìm cách lẩn trốn, nhưng bị dân đồn điền truy đuổi, ít lâu sau phải về kinh đô “tự trói tay” xin hàng. Từ đời vua Lê Thái Tông (1434-1442) đến đời Lê Hiến Tông (1498-1504), trong vòng 50 năm an ninh biên giới phía bắc tương đối yên bình; sang thế kỷ XVI, tình hình trở nên phức tạp. Tháng 3-1505, một số cư dân Trung Quốc tràn sang tranh cướp đất thuộc địa phận của ta ở ải Na Nham. Tin về đến triều đình, vua Lê sai Dam khê bá Trịnh Hựu đi kinh lý, huy động dân đồn điền dựng lại mốc quan ải. Tháng 10-1506, người Hác-lô-cô (cư dân thiểu số thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc) vào lấn cửa ải Chu Thôn Điền (thuộc châu Thủy Vi, trấn Hưng Hóa). Tình hình rất nghiêm trọng, lực lượng tại chỗ chỉ còn cách cầm cự, triều đình phải huy động nhiều tướng lĩnh và sáu dinh quân, mỗi dinh một vạn người, lấy ba nghìn người vận lương đi đánh giặc Hác-lô-cô. Dựa vào căn cứ địa – các đồn điền miền biên viễn _ quân triều đình và nhân dân địa phương đã dần đẩy lùi được giặc dữ về bên kia biên giới, dựng lại cột mốc.

Ngày nay, kế thừa truyền thống kết hợp phát triển KTXH gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh ở miền biên viễn của cha ông, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng - an ninh là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn chiến lược và các khu vực nhạy cảm trên tuyến biên giới đất liền, hải đảo”. Đây là một chủ trương chiến lược hết sức đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, khả năng tăng cường quốc phòng – an ninh nói chung, xây dựng địa bàn chiến lược biên giới đất liền, hải đảo nói riêng. Thiết nghĩ, chính sách và những biện pháp xây dựng đồn điền thời Lê sơ mà chúng tôi đề cập trên đây có tác dụng tham khảo trong quá trình quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng X. Chỉ lưu ý, Nhà nước cần đầu tư thêm ngân sách cho các vùng đặc biệt khó khăn về xây dựng, phát triển KTXH nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Sự hỗ trợ ngân sách sẽ giúp cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, nước sạch) tạo điều kiện để tổ chức di dân, ổn định cuộc sống ở các khu kinh tế - quốc phòng trên vùng biên giới đất liền và trên các đảo. Mặt khác, cần có chính sách cho vay vốn dài hạn, hợp lý với lãi suất phù hợp để đầu tư vào cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề ở các khu kinh tế - quốc phòng. Đối với lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong – những người xung kích đến vùng sâu, vùng xa, trực tiếp làm nòng cốt trên mặt trận kết hợp phát triển KTXH với quốc phòng - an ninh, Nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho cá nhân và các tập thể làm nhiệm vụ này. Mọi giải pháp đều bao hàm nội dung phong phú, có vị trí, tác dụng riêng, nhưng đều có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với nhau nhằm đảm bảo cho sự kết hợp KTXH với quốc phòng – an ninh có hiệu quả trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Bởi vậy, các giải pháp phải được tiến hành đồng bộ và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện.