Bệnh viện hồi sức covid ở đâu

Chiều tối nay tan làm, bước ra cổng bệnh viện Hồi sức Covid, nơi chúng tôi đang miệt mài chiến đấu với đại dịch COVID, với từng ca bệnh hóc búa, gió chợt thổi mạnh, một cảm giác thật khác lạ, mọi giác quan dường như bừng tỉnh. Chị bạn đồng nghiệp kêu to "Ôi, mát quá" và nhảy chân sáo ra xe.

Mưa Sài Gòn qua ô cửa kính

‏Quả thật, cả ngày trời làm việc hối hả trong buồng bệnh, chúng tôi chỉ biết tập trung hết sức với những ca bệnh phức tạp, hết ca này có diễn biến bất thường, đến ca khác chuyển độ nặng cần phải xử trí mà không còn thời gian để nghĩ đến cái không khí "đặc trưng" của trung tâm hồi sức cho bệnh nhân COVID nặng và nguy kịch nữa, nơi mà bầu không khí hối hả và ngột ngạt mà đậm đặc loại virus khủng - COVID-19

Ở ngoài kia, mọi người đều sẽ trở nên căng thẳng, thậm chí là hoang mang khi biết nơi này, nơi kia ở gần nơi mình sinh sống hay làm việc, có phát hiện ca F0 hay F1, và rồi tự hỏi, mình đang là F mấy, liệu mình có đã tiếp xúc với người ta không nhỉ? ... Còn ở đây, chúng tôi không còn khái niệm F nữa, không còn khái niệm căng thẳng hay vất vả, không còn cảm giác về thời gian, không biết hôm nay là thứ mấy nữa, "trung tâm COVID" mà.‏

‏Ở đâu đó vang lên lời ca mà thoảng như lời trách móc, dìu dặt mà tha thiết của ca sĩ Thái Thanh: ‏

‏"Em không nghe rừng thu‏

‏Lá thu kêu xào xạc"

Mưa ở Sài Gòn

‏Tôi nhận ra bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Ô hay, sao mà khéo thế, "lá thu kêu xào xạc" rồi đấy ư? Chúng tôi quả thật đã quên nhiều thứ, quên mất đã hơn một tháng xa nhà rồi, quên đi sự căng thẳng, khó nhọc và biết bao kế hoạch, dự định của chính mình. Và cũng quên đi là thu đã về. Lòng chợt nhớ da diết mùa thu Hà Nội, nhớ cây cơm nguội vàng với cây bàng lá đỏ, nhớ ‏‏hương hoa sữa dịu dàng mà bịn rịn, chiếc lá vàng chao cánh, nhớ những cung đường ta từng rong ruổi, ôi nhớ. Và tôi bỗng muốn hát lại với lời khác "Em nghe chăng mùa thu".‏

‏Lại thấy nhạc sĩ Trần Long Ẩn thật tài tình khi viết bài hát "Trên mảnh đất tình người": ‏

‏Vượt ngàn dặm xa người đến đây với mảnh đất này ‏

‏Đâu biết cuộc đời ngày mai ra sao ‏

‏Và bây‏‏ giờ đây, trên mảnh đất này, chúng tôi đang từng giây từng phút căng mình bên những bệnh nhân nguy kịch. Chúng tôi những chiến sĩ áo trắng với tâm nguyện được đóng góp sức mình cho công cuộc chống lại đại dịch bạo tàn, nguy hiểm, mong được mang tâm và sức của mình cùng các đồng nghiệp giành lại sự sống cho những người bệnh đang rơi vào vòng hiểm nguy, là chốt chặn cuối cùng trong cuộc chiến không cân sức này, với niềm tin và hy vọng về ngày giông tố tan đi, rồi giây phút sum họp của mỗi người bệnh, của mỗi gia đình và người dân "trên mảnh đất tình người" này sẽ đến.

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Những giọt mưa bắt đầu rơi lách tách trên kính xe

Chúng tôi vào tâm dịch, chấp nhận gian khó, hiểm nguy, bởi chúng tôi biết cuộc sống của người dân thành phố đang lâm vào hiểm nguy, các đồng nghiệp của chúng tôi đang dần kiệt sức. Và chúng tôi thấu hiểu một chân lý hiển nhiên rằng "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai". Đại dịch bùng phát rồi, nếu chúng ta không sớm kiểm soát thì tấn thảm kịch đã và đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới sẽ hiển hiện.

Chúng tôi lên đường vì chúng tôi có niềm tin mãnh liệt là với sự đồng lòng của mọi người dân, rồi đại dịch sẽ được kiểm soát, bệnh nhân COVID sẽ lại được trở về với gia đình, trẻ em sẽ lại được tới trường và cuộc sống bình yên sẽ trở lại. Chúng tôi muốn nhắn nhủ với mọi người dân trên mảnh đất này về điều đó, muốn nhắn nhủ với gia đình, với những người yêu thương ở quê nhà rằng "rồi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về".‏

‏Chúng tôi đã yên vị trên chiếc xe buýt đưa đón dành riêng cho các nhân viên y tế bệnh viện Hồi sức COVID, chợt không ai bảo ai, mọi người đều yên lặng. Xe vẫn đứng ở ngoài đường, chưa chạy vì vẫn còn chờ những đồng nghiệp khác của chúng tôi chưa bàn giao ca xong.

Một hình ảnh Sài Gòn ngày chưa COVID - mưu sinh ngày mưa...

Ngoài kia bóng đêm đang lan tỏa, chỉ còn nhìn thấy cảnh vật xung quanh qua những ánh sáng phản chiếu từ phía chân trời. Có lẽ, mọi người đã thấm mệt sau một ngày dài căng thẳng quần quật. Nay khi nhịp điệu được dừng lại, mọi người có lẽ tranh thủ hít chút không khí trong lành và dường như chợt phát hiện ra là mình gần như kiệt sức cần phải để cho cơ thể chùng lại. Hay còn vì cảm xúc mà cơn gió mát bất chợt kia mang lại, thật khó phân biệt chính xác.‏

‏Những giọt mưa bắt đầu rơi lách tách trên kính xe và ngoài kia, gió không còn chỉ thổi mạnh, nhìn các ngọn cây to xung quanh bệnh viện bị gió thổi tung lên, rạp cả xuống và không còn có giây phút nào dừng lại, tôi nghe thấy tiếng gió rít qua các cành lá. Mưa dông sầm sập đến.‏

‏"Chị muốn ra tắm mưa lắm rồi đấy", vẫn chị đồng nghiệp đó phá tan bầu không khí yên lặng. Và dường như để đáp lời, anh bạn đồng nghiệp trẻ trong đoàn lên tiếng:"Chắc chị muốn gột rửa tâm hồn". Chúng tôi cùng phá lên cười. 

Tôi biết, đó không chỉ là mong muốn của mình chị, tất cả các anh chị em trong đoàn đều cùng cảm giác đó. Chỉ là cảm giác của chị ấy nhạy bén hơn, cảm xúc mạnh mẽ hơn, trực giác của phụ nữ trong các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng họ có ưu thế hơn.

Chúng tôi đều mong muốn được gột rửa sạch hết tất cả bụi bặm đời thường, hết tất cả bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt và ô nhiễm, hết tất cả COVI và những hệ lụy của nó. Chúng tôi muốn bầu trời kia xanh trở lại. Rồi ta lại có thể đắm mình trong khung cảnh "Mùa thu vàng" của Isaac Levitan, hay "Mùa thu ở Argenteuil" của Claude Monet để rồi hồi tưởng về những ngày tháng học hành vất vả nhưng đầy hứng thú bên những cây cầu ở Mannheim. Và vẫn còn đó lời hứa đưa gia đình đi thăm thú những nơi đẹp như tranh vẽ ấy, nơi con người được tự do lao động, học tập và yêu thương.‏

Tất cả chúng ta đều mong muốn gột rửa sạch hết những bụi bẩn COVID này. Ngoài trời đang mưa to và trong lòng tôi giai điệu lại vang lên hùng tráng "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi".‏

‏ Sài Gòn, một chiều mưa mùa COVID!


Nửa năm chống dịch nhận 6 triệu hỗ trợ

Anh V.H –sinh viên điều dưỡng của Đại học Nguyễn Tất Thành [TP.HCM] tham gia hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 từ ngày 16/8/2021 đến 21/1/2022. Như hàng ngàn tình nguyện viên khác, anh bước vào đại dịch không nghĩ đến chuyện đi để được gì.

Nửa năm trôi qua, họ đã chiến đấu ở mặt trận khốc liệt nhất. Dịch hạ nhiệt, mọi người trở về cuộc sống cơm áo gạo tiền. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 duy trì sứ mệnh đến ngày 30/3/2022 chính thức ngưng hoạt động. Thế nhưng, tình nguyện viên vẫn mòn mỏi gõ cửa nhiều nơi để hỏi tiền phụ cấp.

Tình nguyện viên nhắn tin Fanpage Bệnh viện Chợ Rẫy để hỏi phụ cấp chống dịch.

Theo anh V.H, trong 6 tháng chống dịch, anh nhận được hơn 6.000.000 là phần hỗ trợ cho tháng 8/2021. “Từ tháng 9 trở đi, chưa có bất kỳ ai nhận được khoản phụ cấp nào. Chúng tôi có thắc mắc nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy [phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19] đáp là tiếp tục chờ đợi.

Tôi hiểu hơn 1.000 tình nguyện viên ở đây đều tự nguyện tham gia, nhưng các nghị quyết của Chính phủ đã quy định có phần hỗ trợ này. Chúng tôi là người ở TP.HCM, thiệt thòi là một chuyện, nhưng còn hàng trăm y bác sĩ từ Bắc vào Nam đã giúp thành phố chống dịch mà đáp lại vẫn là sự im lặng?”, anh bức xúc.

Có mặt tại TP.HCM ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện 74 Trung ương [Vĩnh Phúc] đưa lực lượng 60 người vào hỗ trợ, chia làm 2 đợt. Đợt 1 tham gia chống dịch từ ngày 12/7/2021. Đợt 2 từ ngày 15/9/2021.

Theo một thành viên trong đoàn, đội chi viện của Bệnh viện 74 Trung ương đã nhận được phần hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của Hội đồng nhân dân TP về mức chi hỗ trợ một lần [10 triệu/người]. Tuy nhiên, phụ cấp chống dịch 450.000 đồng/người/ngày tính từ tháng 9/2021 đến lúc kết thúc nhiệm vụ, đoàn chưa nhận được.

“Khoản phụ cấp chống dịch của tháng 7, tháng 8 sau một thời gian thúc giục mãi mới được thanh toán. Còn của tháng 9, 10, 11 đến sau này vẫn không thấy đâu. Trong nhóm Zalo, các đoàn cũng hỏi mãi nhưng không có gì rõ ràng, không hiểu lý do tại sao mà chậm trễ như vậy.

Nhân viên y tế nhiều người rất khó khăn. Mấy tháng trời chống dịch vất vả nên mọi người mong ngóng khoản phụ cấp này cũng là lẽ đương nhiên", bác sĩ này chia sẻ.

Không ai biết khi nào sẽ có tiền?

Một nguồn tin cho hay, sau rất nhiều lần hỏi về khoản phụ cấp trên, các đoàn chi viện nhận được câu trả lời: Cuối năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy [đơn vị phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19] đã lên danh sách tình nguyện viên các đoàn để chi trả phụ cấp cho tháng 9,10/2021. Thế nhưng, Bệnh viện không quyết toán được do khâu hoàn thiện hồ sơ giấy tờ gặp vướng mắc.

“Cách đây 1 tháng chúng tôi tiếp tục hỏi lại vấn đề này thì được biết vì Bệnh viện không quyết toán được năm 2021 nên thành phố đã thu hồi tiền đã cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Sở Y tế TP.HCM trả lời với các đoàn là đã lên kế hoạch quyết toán cho anh em nhưng thời gian hơi lâu. Chắc phải sang quý 2/2022”.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là "mặt trận" khốc liệt nhất của đại dịch tại TP.HCM. 

Các y bác sĩ cho biết, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là nơi cực khổ nhất của TP.HCM vì công tác hồi sức vô cùng vất vả. Các y bác sĩ của BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115, các bệnh viện TP và chi viện của các tỉnh thành [Thanh Hóa, Hải Phòng, BV 71 Trung ương, 74 Trung ương...]  đều trải qua những thời khắc khốc liệt. Đến nay, các sang chấn do đại dịch để lại vẫn nặng nề với y bác sĩ. 

“Đó là giai đoạn gian khổ của thành phố, chúng tôi hết sức hiểu và chia sẻ. Nhưng nếu vướng mắc hỗ trợ ở đâu cũng mong có câu trả lời với tình nguyện viên cả nước.

Nhiều nhân viên y tế hợp đồng chỉ có 3 triệu tiền lương/ tháng, họ vẫn mong ngóng vào khoản phụ cấp này để gửi về cho gia đình”, một bác sĩ chi viện từ miền Bắc tâm tư.

“Được tôn vinh như thiên thần áo trắng nhưng chúng tôi lại đi phục vụ cà-phê, nhà hàng , và chạy vay để bù lại các khoản chi trong thời gian hỗ trợ chống dịch. Chúng tôi không biết kêu với ai, kêu ở đâu cũng là im lặng hoặc nói hãy chờ đợi”, anh V.H nói.

Liên quan đến vụ việc, VietNamNet đã gửi câu hỏi đến Sở Y tế trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 4/4.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, cuối năm 2021, bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã tập trung chi trả giải ngân và thanh quyết toán chi phí phòng chống dịch. 

“Do thời gian cận cuối năm, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vẫn còn một số vướng mắc trong thanh quyết toán, đến nay mới chi được hơn một nửa. Bệnh viện và Sở Y tế TP đang phối hợp và trình UBND TP để tháo gỡ các vướng mắc, sẽ tiếp tiếp tục chi trả cho tình nguyện viên.

Mong các anh chị tình nguyện viên thông cảm cho sự chậm trễ này”, bà Quỳnh Như nói.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM là Trung tâm hồi sức Covid-19 lớn nhất cả nước với quy mô 1.000 giường hoạt động từ ngày 16/7/2021. Cao điểm phải sử dụng đến hơn 700 giường bệnh, điều trị các ca Covid-19 nặng, nguy kịch của toàn thành phố.

Giai đoạn cao điểm, khoảng 3.000 nhân viên y tế với 74 đoàn y bác sĩ từ cả nước chi viện về đây, được xem như "Bệnh viện Liên Hợp Quốc".  Bệnh viện đã điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân Covid-19 của TP.HCM, 70% hồi phục, đoàn tụ với gia đình. Ngày 18/3, Bệnh viện ngưng nhận bệnh, công tác bàn giao theo kế hoạch kết thúc vào ngày 30/3.

 Phú Sĩ

Hàng ngàn bệnh nhân nặng, nguy kịch của TP.HCM đã được cứu sống tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và Bệnh viện Chợ Rẫy trong đợt dịch thứ 4. Đến nay, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của 2 bệnh viện vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình. 

Video liên quan

Chủ Đề