Báo giá trong xuất nhập khẩu

Từng là một người tay ngang bước sang xuất nhập khẩu, từng nhận được báo giá chi phí vận chuyển từ forwarder mà không hiểu gì cả, từng tự tính toán làm bảng báo giá hàng xuất khẩu và cũng từng lo lắng bởi đủ thứ chi phí có thể phát sinh mà không lường trước được. Để rồi sau đó tự cộng thêm hệ số an toàn vào giá bán làm cho giá cao ngất ngưởng.

Thậm chí hiểu luôn cảm giác hỏi giá forwarder nhiều quá mà không xuất được hàng đến nỗi forwarder cũng chán không muốn báo giá.

Tất cả những cảm giác trên mình hiểu rất rõ và thấu hiểu. Để đến hôm nay, dấn thân làm logistics, mình vẫn luôn cố gắng hỗ trợ cho những bạn hỏi giá dù biết là họ chỉ lấy giá dạo.

Do đó, mình quyết định chia sẻ bài viết này để giúp những bạn mới bước chân vào xuất khẩu có thêm kinh nghiệm khi làm báo giá và kiểm soát các chi phí phát sinh.

I. Các hình thức báo giá hàng xuất khẩu hay gặp

Khi chào hàng và trao đổi với khách nhập khẩu, chúng ta thường nhận được yêu cầu báo giá từ khách. Theo Incoterm [International Commercial Term] thì có rất nhiều các điều kiện thương mại quốc tế. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài chia sẻ này, mình xin phép chỉ đề cập đến những điều kiện thương mại thường gặp khi báo giá đối với đường biển:

1. Báo giá hàng xuất khẩu: FOB [Free on board]

Khi báo giá FOB, bạn cần tính toán các chi phí sau:

  • Giá tại xưởng
  • Chi phí vận chuyển hàng từ xưởng ra tới cảng: chi phí này phụ thuộc vào độ dài quãng đường, trọng tải hàng hóa, loại container
  • Chi phí lift on/ lift off: đây là chi phí gắp cont từ bãi lên xe và từ xe xuống bãi. Chi phí này phụ thuộc vào loại container: 20ft, 40ft, 20ft lạnh, 40ft lạnh
  • Chi phí cho thủ tục hải quan: chi phí này tính theo container, thường thì rơi vào khoảng 45$ cho container đầu tiên và 35$ cho các container tiếp theo.
  • Chi phí làm Bill of lading: chí phí này tính theo lô hàng và thường rơi vào khoảng 40$/bill. Có nghĩa là khi bạn xuất 1 container bạn sẽ cần làm 1 bill, nhưng khi bạn xuất nhiều container trong một lô hàng thì cũng chỉ cần tốn phí cho 1 bill.
  • Chi phí làm seal: đây là chi phí mua seal gắn vào cửa container để niêm phong hàng hóa, đảm bảo hàng hóa không bị thay đổi khi đã đóng hàng vào container. Chi phí này khoảng 10$/seal.
  • Chi phí làm Bill Telex [nếu cần]: thông thường chúng ta sẽ dùng bill gốc gửi cho đối tác để cho họ có thể lấy hàng. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn, hoặc tiết kiệm chi phí DHL hay một số tuyến có thời gian vận chuyển ngắn, thời gian tàu đi nhanh hơn DHL nên cần nhanh chóng lấy hàng thì phải dùng Bill Telex. Phí làm Bill Telex này khoảng 30$/bill.
  • Phí THC [Terminal Handling Charge]: đây là chi phí gắp container từ bãi lên trên tàu. Chi phí này tính theo container. Đối với container loại thường thì chi phí này khoảng 120$ cho cont 20ft và 180$ cho cont 40ft. Đối với container lạnh thì chi phí này sẽ cao hơn nữa.
  • Các phụ phí khác như LSS, AMS, EBS, CIC. các phụ phí này tùy thuộc vào từng lộ trình và các hãng tàu mà có mức giá khác nhau.
  • Một số mặt hàng còn cần thêm các giấy tờ khác như Phytosanitary, CO, Fumigation, Test Report. các loại này cũng có mức giá khác nhau tùy thuộc vào mặt hàng và số lượng.

2. Báo giá hàng xuất khẩu: CFR [Cost and Freight]

Hiểu một cách đơn giản thì: CFR = FOB + Ocean freight. Nghĩa là bạn chỉ cần lấy giá FOB và cộng với tiền cước vận tải biển sẽ ra giá CFR hay còn gọi là CNF.

Để biết thông tin Ocean freight, bạn sẽ cần liên hệ hàng tàu hoặc các công ty forwarder để lấy giá cước vận tải biển.

Bản thân mình từng làm môi giới và hiểu tâm trạng khi đi hỏi giá cước vận tải biển này. Mình thì chỉ cần lấy giá để báo cho khách, nhưng các công ty forwarder thì yêu cầu mình cung cấp nhiều thông tin hơn như khi nào đi, số lượng bao nhiêu container thì mới báo giá. Nếu mà không cung cấp được các thông tin này thì các forwarder thường không mặn mà lắm. Trước đây mình cứ nghĩ là giá các tuyến, các hãng tàu thì các công ty forwarder đều có, chỉ cần hỏi là có liền. Nhưng thức tế lại không như vậy.

Hiện mình cũng đang làm cho công ty forwarder nên giờ thì mình cũng hiểu phần nào cái khó của các công ty forwarder này khi đi lấy giá từ hãng tàu. Không phải tuyến nào và hãng tàu nào mà các công ty forwarder cũng có được giá tốt để báo. Thậm chí hỏi giá hãng tàu 2, 3 ngày sau mới trả lời hoặc trả lời nhưng quăng cho cái giá gấp đôi thị trường.

Do đó hơn ai hết mình hiểu được tâm trạng của cả khách hàng hỏi giá: cần giá tốt và nhanh để gửi cho đối tác. Cũng như hiểu luôn nỗi khổ của các forwarder là hỏi giá mà hãng tàu không cho giá hoặc cho giá cao.

Trong thời gian đợt Covid vừa rồi, rất nhiều bạn hỏi giá mình. Mặc dù biết là các bạn hỏi giá dạo hoặc chỉ lấy giá báo cho khách, chưa chắc chắn chốt được đơn nhưng mình vẫn cố gắng lấy giá từ hãng tàu hoặc hãng bay để hỗ trợ cho các bạn đó. Thậm chí, một số hãng bay cho mình vào black list vì hỏi giá nhiều quá mà không book.

Nếu bạn nào đang tìm hiểu về nghề xuất nhập khẩu, cần tham khảo giá cước hay các chi phí khác để báo giá thì cứ liên hệ mình. Mình sẽ cố gắng hỗ trợ trong khả năng hiểu biết của mình.

3. Báo giá hàng xuất khẩu: CIF [Cost, Insurance, Freight]

Hiểu một cách đơn giản thì: CIF = CFR + Insurance = FOB + Ocean freight + Insurance. Nghĩa là bạn chỉ cần lấy giá CFR và cộng với phí bảo hiểm là sẽ ra giá CIF.

Trước đây lúc làm môi giới mình không biết tính phí bảo hiểm này như thế nào, đọc các tài liệu trên internet thì thấy công thức khá loằng ngoằng nên cũng không hiểu rõ.

Sau khi làm cho công ty forwarder, mình thấy công thức tính phí bảo hiểm khá đơn giản. Cụ thể với bảo hiểm loại A bồi thường 110% giá trị hàng hóa thì chi phí bảo hiểm sẽ là: 0.12% x 110% x tổng giá trị trên invoice.

Mình sẽ lấy một ví dụ như sau cho các bạn dễ hình dung:

  • Bạn có được giá FOB là: 110,000 USD, giá cước vận tải biển là: 100 USD. Lúc này giá invoice [CFR] là 110,100 USD. Suy ra phí bảo hiểm là: 0.12% x 110% x 110,100 = 145.33 USD.

Tuy nhiên, khi bạn báo cho khách giá CIF là 110,100 + 145.33 = 110,245.33 USD thì lúc này tổng giá trị invoice trong công thức tính chi phí bảo hiểm sẽ phải là: 110,245.33 USD. Lúc này chi phí bảo hiểm sẽ là: 0.12% x 110% x 110,245.33 = 145.5 USD.

Đây mới chính xác là chi phí bảo hiểm bạn phải trả cho lô hàng này.

II. Tổng kết

Trên đây là 3 dạng báo giá thường gặp khi làm xuất khẩu. Bên cạnh đó còn rất nhiều dạng báo giá hàng xuất khẩu khác mà bạn có thể gặp phải khi khách yêu cầu. Nếu cần trao đổi thêm về các dạng báo giá hàng xuất khẩu nào khác, vui lòng liên hệ với mình. Mình luôn sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ những gì mình biết với mọi người.

Nếu có góp ý gì thêm, mình rất mong nhận được phản hồi và trao đổi cùng mọi người.

Rất mong các bạn ủng hộ và đồng hành cùng mình trên con đường khởi nghiệp này.

Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc trao đổi gì với mình, các bạn có thể liên hệ trực tiếp qua các kênh sau:

  • Website://vuhoangtan.com/category/khoi-nghiep/
  • Facebook://www.facebook.com/tan.vu.3517
  • Fanpage://www.facebook.com/Khởi-Nghiệp-Cùng-Tân-104317487901871
  • Youtube://www.youtube.com/channel/UCVQak6N1xkqP-NCC0u1fIVQ?view_as=subscriber

Video liên quan

Chủ Đề