Wakamono là gì

Phòng nghiên cứu hầu như là điểm đến duy nhất mỗi ngày của Lại Nam Hải

Kín đáo trấn áp cái quen, tiếp đón cái lạ

Viết sơ đồ phản ứng, cân bằng và hoàn thành phương trình là 3 bước cơ bản để tạo nên một phương trình hóa học. Nếu áp dụng quy trình này để tạo nên Wakamono và Lại Nam Hải, thì ở bước sơ đồ phản ứng sẽ là một thập kỷ âm thầm mày mò cộng với một chút may mắn từ nỗ lực của một kẻ ngoại đạo ngành hóa luôn mang trong mình lòng tự tôn dân tộc, đã xúc tác tạo thành độc quyền sáng chế khẩu trang diệt virus Corona đầu tiên trên thế giới. 

Để đi theo con đường chẳng mấy ai đi, mà vẫn có bằng sáng chế độc quyền tại nhiều nước trên thế giới, nhà sáng lập Wakamono không có “cây đũa thần” nào cả. Từ đam mê, Hải chỉ rèn cho bản thân thói quen tự học, rồi dần trở thành bản năng.
“Việc gì cũng vậy. Không tự học, tự đọc, tự lao vào làm liên tục để rút ra kết luận là điều rất nguy hiểm và không thể sáng tạo”, Hải nhớ lại những ngày tháng miệt mài gắn bó với người bạn chí cốt là sách, còn phòng nghiên cứu như điểm đến duy nhất mỗi ngày.

36 tuổi, sở hữu 11 độc quyền sáng chế về công nghệ sinh học nano [NanoBiotech] được Mỹ, Canada và Tổ chức Sở hữu trí tuệ bảo hộ, trong đó có 7 tại Mỹ. Nhưng chỉ đến khi Tổ chức CE của châu Âu chứng nhận và cho phép ghi trên nhãn hộp về loại khẩu trang đầu tiên trên thế giới “anti Corona virus 99,9%”, cái tên Lại Nam Hải mới được nhiều người nhắc đến, đi cùng những hoài nghi thường trực.

Dù có làm trong giới khoa học hay không, khi nghe thông tin trên, hầu hết mọi người đều bật ra trong đầu câu hỏi nghi hoặc: Khẩu trang diệt virus Corona sau 30 giây tiếp xúc, do người Việt phát minh và làm chủ công nghệ từ nguyên liệu đến ra thành phẩm, lại còn sản xuất ở Việt Nam?

Như phản ứng hóa học với những phép cộng nối tiếp, sản phẩm này được hình thành từ những kết tinh suốt 10 năm Hải cặm cụi trong phòng thí nghiệm. Ở tuổi 26, khi nhiều người còn chênh vênh với vô số lựa chọn, Hải đã xác định được hành trình, đã bắt đầu sự nghiệp từ vài năm trước đó với vài lần thất bại, rồi mới quyết định rẽ vào con đường chẳng mấy ai đi - viết tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.

Sau đó, Hải giấu nhẹm tất cả việc làm của mình cùng đội ngũ trong suốt một thập kỷ qua, trên tất cả các kênh, từ báo chí đến mạng xã hội, thậm chí các sự kiện khoa học. Phần vì lý do bảo mật các dự án nghiên cứu còn dang dở, phần vì Hải tin rằng: “Mọi người chỉ cần nhìn thấy hiệu quả từ những việc tôi đã làm”.

Bảo chứng cho mọi nỗ lực là từ vài năm trước, hàng loạt quốc gia cấp bằng sáng chế độc quyền cho Wakamono về công nghệ sinh học nano dùng trong nông nghiệp, hóa mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Với Internet, sẽ không khó để tìm kiếm thông tin về các sáng chế độc quyền được bảo hộ khoảng 20 năm do Hải làm tác giả.

Thế nên, từ cuối năm ngoái, Hải mới bắt đầu trả lời phỏng vấn báo chí, trước khi dấn bước vào giai đoạn thương mại sản phẩm. “Có hai đối tượng có thể tạo ra phát minh. Một là người may mắn và hai là người rất lười”, Hải tự nhận mình là người may mắn nhờ không rập khuôn, làm đi làm lại để lần ra cơ hội.

Nhân loại tồn tại bằng 90-95% những gì theo tiêu chuẩn, nhưng phát triển bằng 5-10% các bất quy tắc. Ở một khía cạnh nào đó, việc không được đào tạo ngành hóa bài bản ở trường lớp lại là cái may cho Hải, vì không bị ràng buộc quanh những gạch đầu dòng đã được đúc kết có sẵn trong giáo trình. Để không gặp phải những phản ứng trăm lần như một, không thể dựa vào máy móc, nguyên vật liệu, phương trình sẵn có.

Đây cũng là cơ sở để Wakamono chỉ tuyển những bạn trẻ mới ra trường, vì “như tờ giấy trắng, không có quá nhiều kinh nghiệm, họ sẽ có thể làm những việc chưa từng được đào tạo ở giảng đường”. Thế nên, có những nhân sự gắn bó với Wakamono gần 10 năm nhưng hiện chưa qua tuổi 30.

Bật dậy tốc độ

Nằm sõng soài trên sàn nhà trong phòng thí nghiệm, Hải trầm tư nghĩ về lý do “tại sao phải cực khổ đến vậy?”. Khối lượng công việc khổng lồ khi chưa từng sản xuất khẩu trang, tiêu chuẩn khác biệt tại từng thị trường nhập khẩu, đến những thông tin ít ỏi về loại virus này khiến đội ngũ Wakamono phải căng mình làm việc.

Trong khi đó, nếu không theo đuổi nghiên cứu này, họ có thể dồn sức khai thác kho tàng có hơn 200 sản phẩm đầu cuối mà mình đang sở hữu để thương mại hóa. Ví như tiếp tục kế hoạch đầu tư một nhà máy tại Khu công nghệ cao quận 9, sản xuất loại nguyên liệu từ SiL-Ha Micellium, thay thế Silicone trong ngành hóa mỹ phẩm [với quy mô thị trường ít nhất 30 tỷ USD] cho một tập đoàn Hàn Quốc.

Nhưng niềm tin từ chính mình, từ mọi người xung quanh là khó khăn lớn nhất mà Hải phải vượt qua. “Đại dịch đã khai thác tôi ở mọi khía cạnh một cách tối đa mà khối lượng công việc, áp lực trong 10 năm trước đó cộng lại cũng không bằng. Ở tuổi 36, nếu không chấp nhận thử thách này thì chắc gì cuộc đời sẽ cho tôi một cơ hội nào khác”, Hải nói về động lực không bỏ cuộc, nên cũng không được phép có một cảm giác tiêu cực rõ rệt và phổ biến cảm giác ấy với tập thể.

Dẫu sao cũng phải nhanh chân lên, bởi ở ngoài phòng nghiên cứu này, sự lây lan của đại dịch chưa khi nào dừng lại. Có quá nhiều con số dù đối lập, nhưng thú vị trong 270 ngày thần tốc [3 tháng nghiên cứu và 6 tháng đợi kết quả kiểm nghiệm] để Wakamono tạo ra loại khẩu trang diệt virus Corona đầu tiên trên thế giới.

Hải nhớ lại thời điểm đầu năm 2020, có lúc “tôi như một con thú trong phòng thí nghiệm”, khi cả đội ngũ lao vào nghiên cứu nhưng bế tắc, vì lệnh phong toả khắp nơi trên thế giới đã bít mọi đường nhập khẩu nguyên vật liệu.

Con người cần phải làm, cần phải hành động trong điều kiện cụ thể hiện có của mình và công việc sẽ sáng tạo thêm điều kiện, mách bảo họ điều kiện nào để làm việc tốt hơn. Nếu chờ đợi có đủ các yếu tố mới làm việc thì sẽ không bao giờ làm gì được.

Tự mày mò chế ra chất thay thế khi không đủ nguyên vật liệu, kéo theo đó là hàng trăm lần vấp phải hiệu ứng domino mang đến sự sụp đổ dây chuyền, không ngày nào trong 3 tháng nghiên cứu, họ làm việc dưới 20 tiếng.

Cứ thế, sau 3 tháng kể từ ngày 31/3/2020, một loại hợp chất được Wakamono đặt tên là Gecide chính thức ra đời và lớp bên trong của khẩu trang bao gồm lớp vải Gecide, được bao phủ bởi hàng triệu hạt nano hữu cơ từ tự nhiên có khả năng làm suy yếu và tiêu diệt virus khi tiếp xúc hoặc đi xuyên qua lớp vải này.

Kết quả ấy nằm ngoài trí tưởng tượng của hầu hết các tổ chức kiểm nghiệm hàng đầu thế giới mà Wakamono gửi mẫu đến. Thậm chí, có những đơn vị làm xong nhưng không trả kết quả, chấp nhận sai hẹn trong hợp đồng đã ký để làm đi làm lại đến 3 lần nhằm xác tín.

Nếu truy cập tạp chí hàng đầu về công nghệ nano AzoNano và gõ vào mục tìm kiếm cái tên Wakamono, chỉ vài giây sau, bài viết về khẩu trang y tế diệt virus Corona đầu tiên trên thế giới được đăng vào cuối tháng 9/2020 sẽ xuất hiện. Tiến sỹ công nghệ sinh học người Ấn Độ Priyom Bose là tác giả bài viết này đánh giá, ngoài chống lại 99% các chủng SAR-CoV-2, loại khẩu trang này còn có hiệu quả chống lại bệnh cúm A H1N1.

Cơ quan chứng nhận TUV SUD, Trung tâm phát hiện vi sinh vật Guandong và Nhóm phòng thí nhiệm Eurofins có trụ sở tại Luxembourg đã xác nhận kết quả trên. Ngoài ra, sản phẩm này còn vượt qua các tiêu chuẩn FDA Hoa Kỳ, tức là ASTM F2100 cấp độ 3 và CE EN 14683 loại IIR của châu Âu.

“Việc sử dụng mặt nạ phẫu thuật Wakamono có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm vì sẽ giảm lây truyền virus một cách hiệu quả. Do đó, sự phát triển này có thể hoạt động như một công cụ tiềm năng để chống lại đại dịch Covid-19”, TS. Priyom Bose đánh giá.

Tưởng chừng như vậy sẽ dễ bán hàng, nhưng vất vả nối tiếp gian truân khi Facebook, Google đều có chính sách cấm quảng cáo khẩu trang. Hàng ngàn Email được soạn theo cách thủ công được gửi đi chào hàng mỗi ngày, song không một ai hồi âm. Đội ngũ Wakamono như “chết đứng”.

Thuộc týp người “làm xong mới nói”, Hải hẹn khoảng 2 tháng nữa sẽ bật mí cách mà đội ngũ này đã thực hiện để giải quyết vấn đề trên. Còn theo một bài viết gần đây của DealStreetAsia, Wakamono đã xuất khoảng 10 triệu khẩu trang sang Mỹ, Australia, New Zealand cùng một số nước EU và đang muốn huy động 20 triệu USD cho giai đoạn mở rộng sắp tới.

“Có những quốc gia đã tiêm vắc-xin gần hết cho người dân, nhưng vẫn quan tâm đến việc đặt mua loại khẩu trang này khi chúng tôi chào bán để bảo vệ các lực lượng trong Chính phủ của họ”, Lại Nam Hải thận trọng khi tiết lộ về những sự việc còn ở thì tương lai.

Doanh nhân Phan Quốc Công, Chủ tịch HĐQT Công ty Wakamono.

Duyên với công nghệ nano

Sau 9 năm miệt mài nghiên cứu, Wakamono đã sở hữu hơn 40 bằng phát minh, sáng chế về nano biotech, trong đó có 6 phát minh được quốc tế công nhận và đang khai thác thương mại. Wakamono cũng là công ty Việt Nam sở hữu nhiều phát minh, sáng chế nhất trong lĩnh vực này ở trong nước và khu vực ASEAN.

Lý giải về sự hình thành Wakamono, anh Phan Quốc Công chia sẻ, quá trình kinh doanh có các giai đoạn chính như làm thương mại; làm chủ quản lý sản xuất, xây nhà máy; xây dựng thương hiệu. “Các giai đoạn này, tôi cũng như hầu hết doanh nhân Việt Nam đều đã đi qua. Nhưng để thành công, doanh nhân không chỉ làm chủ thương hiệu, mà còn phải làm chủ về công nghệ, đặc biệt là công nghệ gốc”. Đấy cũng chính là lý do, sau khi hoàn tất các phần việc cuối cùng liên quan đến thương hiệu X-Men, anh dồn thời gian và nguồn lực của mình để đầu tư vào công nghệ cao.

“Lúc đầu, chúng tôi rất lúng túng vì chưa định hình rõ là phải đi như thế nào?”, anh Công nhớ lại.

Quá trình tìm hiểu cho anh câu trả lời: nghiên cứu nano có 2 hướng tiếp cận.

Thứ nhất, nghiên cứu nano có nguồn gốc vô cơ là hướng mà các nước đã đi hàng chục năm trước.

Thứ hai, nghiên cứu nano từ nguồn gốc tự nhiên [biotech] là hướng đi mới và chưa có nhiều phát minh trong lĩnh vực này. Đây cũng là hướng đi của Wakanomo, hướng đến sử dụng nguyên liệu từ nguồn gốc thiên nhiên tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Wakamono tập trung nghiên cứu ứng dụng nano trên 4 lĩnh vực chủ yếu, gồm y tế, thực phẩm, hóa mỹ phẩm và nông nghiệp. “Khi đã sở hữu công nghệ, cũng giống như người đầu bếp biết cách làm bánh sao cho ra nhiều sản phẩm từ việc kết hợp các nguyên liệu với nhau, thì lớp nguyên liệu vải kháng khuẩn nano biotech ra đời cũng như thế”, anh Phan Quốc Công lý giải.

Cũng cần nói thêm, khi nói đến diệt khuẩn, mọi người thường nghĩ đến cồn. Nguyên tắc sát khuẩn của cồn là bao phủ vi khuẩn và bốc hơi nhằm ‘xé” màng tế bào vi khuẩn để diệt. Nhưng khi cồn bay hơi hết, thì không còn gì và bề mặt sẽ vẫn có thể bị nhiễm trở lại.

Trong khi đó, tính năng diệt khuẩn trên nano biotech của Wakamono có 2 cơ chế: diệt khuẩn ngay khi tiếp xúc bằng cơ chế phá vỡ màng tế bào của vi khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn từ bên ngoài; xâm nhập qua màng tế bào, tiêu diệt vi khuẩn từ bên trong.

Hạt nano giúp bảo vệ hoạt chất kháng khuẩn, tránh biến tính do môi trường, giải phóng từ từ theo thời gian hoạt động. Do vậy, khi đưa vào sử dụng và tiến hành kiểm tra, vải kháng khuẩn của Wakamono có kết quả tiêu diệt đến 99,99% [được Phòng kiểm nghiệm Canada và Việt Nam công nhận] và có thời gian duy trì bảo vệ bề mặt cao hơn.

Một công nghệ kháng khuẩn đang được sử dụng là nano bạc [AgNP]. Tuy nhiên, hiệu quả kháng khuẩn của AgNP phụ thuộc lớn vào điều kiện môi trường. Ngoài ra, còn phải lưu ý đến độc tính tiềm tàng đối với sức khỏe của công nghệ nano bạc khi sản phẩm tiếp xúc với da.

Cuộc chiến 90 ngày đêm

Khi Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, sau khi hội ý chớp nhoáng cùng các đồng sự, Wakamono đã bắt tay điều chế chất kháng khuẩn. Quyết định này và 90 ngày sau đó là hành trình đặc biệt của Wakamono, được anh Phan Quốc Công “ví von” là “cuộc chiến 90 ngày không ngủ”, khi cả văn phòng tại TPHCM và tại Toronto [Canada] liên tục làm việc thay phiên nhau… “14h50 ngày 23/4/2020, chúng tôi cùng nhau vỡ òa vì những kiểm nghiệm cuối cùng tại Canada được công bố, đánh dấu 3 việc chính mà Wakamono đã làm thành công trong 90 ngày: sản xuất thành công dung dịch siêu kháng khuẩn thiên nhiên Gecide; hoàn thành công nghệ phủ kháng khuẩn lên vải; sản xuất thành công vải kháng khuẩn Wakamono”, anh Công nhớ lại.

Theo anh Công, trong bối cảnh nano kim loại [phổ biến là nano bạc] còn gây nhiều tranh cãi, đây là sản phẩm nano kháng khuẩn đầu tiên trên thế giới làm từ thiên nhiên.

Vải kháng khuẩn là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất khẩu trang y tế và đồ bảo hộ, nên nhu cầu đang rất lớn trong đại dịch Covid-19.

“Ở Việt Nam và nhiều nước, các doanh nghiệp đang đầu tư máy móc và sản xuất khẩu trang y tế cũng như đồ bảo hộ đạt chuẩn để xuất khẩu, nhưng nguyên liệu đầu vào không đáp ứng nổi số lượng, nhiều loại không đạt chất lượng, giá thành thì cao do nhu cầu tăng đột biến. Nguyên liệu quan trọng nhất là lớp vải kháng khuẩn. Lớp vải kháng khuẩn khó đạt chuẩn nhất, trong khi không nhiều công ty trên thế giới sản xuất. Nếu tìm kiếm trên Alibaba, sẽ thấy có 4 công ty chào loại vải kháng khuẩn này trong khu vực và nếu đặt hàng thì phải năm sau mới có”, anh Công chia sẻ.

Hiện vải kháng khuẩn Việt Nam dùng để sản xuất khẩu trang, trang bị phòng hộ đều phải nhập khẩu hoặc sản xuất dưới bản quyền của nước ngoài. Việt Nam chưa có đơn vị nào nghiên cứu được công nghệ gốc để làm như vậy.

6 phát minh quan trọng nhất của Wakamono được thế giới công nhận

Nano Omega 3: Áp dụng trong thực phẩm;

Nano Resveratrol [vỏ trái nho]: Áp dụng trong dược phẩm;

Nano Resveratrol: Áp dụng trong thực phẩm chức năng, sữa;

Chất bảo quản thiên nhiên: Áp dụng trong thực phẩm;

Chất kháng khuẩn tự nhiên;

Hợp chất thiên nhiên sử dụng trong hóa mỹ phẩm.

“Wakamono là đơn vị đầu tiên của Việt Nam sở hữu công nghệ này”, anh Phan Quốc Công tự hào.

Sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu của Trung Quốc. Đối với riêng mặt hàng khẩu trang y tế, theo thông tin từ Bộ Công thương, 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế là vải không dệt và vải kháng khuẩn. Trong đó, với vải kháng khuẩn, Việt Nam phải nhập khẩu 70% từ Trung Quốc, 30% còn lại nhập từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh và nhu cầu về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tăng cao, nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang bị “đứt gãy”, Hàn Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hàng, còn nhập từ châu Âu thì giá khá cao.

Theo anh Phan Quốc Công, công suất Wakamono sản xuất vải không dệt kháng khuẩn đang được duy trì ở mức 20 tấn/ngày và tăng dần lên 50 tấn/ngày. Tính đến nay, đã có 20 doanh nghiệp ký hợp đồng, bao gồm 2 ông lớn trong ngành dệt may là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG và Công ty TNHH Sài Gòn May mặc xuất khẩu... Nhiều doanh nghiệp từ Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc… cũng liên hệ tìm hiểu đặt hàng. Tuy nhiên, Wakamono đang ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam.

Muốn đi xa, phải đi cùng nhau

Sau thành công làm nên tên tuổi Phan Quốc Công từ sản phẩm hóa mỹ phẩm thương hiệu X-Men dành cho nam, nước rửa rau củ Vegy, đến đảm nhận vai trò Chủ tịch Công ty Saigon Food, bước chuyển hướng đầu tư vào công nghệ nano của Phan Quốc Công là sự “bẻ lái” sang đầu tư vào “thượng nguồn” - mắt xích khó nhất trong quy trình sản xuất sáng tạo - ứng dụng - phân phối]. “Wakamono sẽ tập trung làm phần đầu, sáng tạo ra công nghệ, ra sản phẩm nguyên liệu và hợp tác với các doanh nghiệp khác để nhanh chóng giải quyết vấn đề xã hội trong 4 ngành chủ lực là y tế, thực phẩm, hóa mỹ phẩm và nông nghiệp”, anh Công nói.

Cũng theo anh Công, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong ít nhất 16 - 18 tháng tới, cho đến khi có vaccine. Do vậy, Wakamono sẽ tập trung nghiên cứu các ứng dụng phục vụ phòng dịch, như kháng khuẩn trên quần áo. “Chúng tôi quyết tâm làm việc này vì nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Khi mở cửa trở lại, vấn đề lớn nhất là người ta cần có những sản phẩm bảo vệ như khẩu trang, tấm che mặt, quần áo bảo hộ kháng khuẩn”, anh Công lý giải.

Anh chia sẻ thêm: “Qua dịch bệnh, tôi tâm đắc nhất câu nói rằng, muốn nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa phải đi cùng nhau. Nếu như trước đây, khi sáng tạo điều gì, tôi sẽ giữ để phục vụ kinh doanh như X-Men, nước rửa rau củ Vegy…, nhưng bây giờ, quan trọng nhất là phải có phản ứng nhanh nhất với thị trường, giúp giải quyết những vấn đề nóng hổi, bức xúc nhất. Wakamono sẽ tập trung sáng tạo làm sao ra công nghệ, ra sản phẩm nguyên liệu và hợp tác với các doanh nghiệp khác để nhanh chóng giải quyết vấn đề xã hội”, anh Công nói.

Do vậy, ngay khi hoàn tất sáng tạo, Wakamono đã bắt tay với các các đối tác như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty TNHH Sài Gòn May mặc xuất khẩu và các doanh nghiệp khác của Việt Nam với mục tiêu “Sẵn sàng giúp họ sử dụng công nghệ để vững vàng chiếm lĩnh thị trường. Trong tương lai xa hơn, Wakamono sẵn sàng tiếp tục chuyển giao công nghệ cho nhiều đơn vị khác cùng làm ra vải kháng khuẩn”, Chủ tịch HĐQT Wakamono chia sẻ.

Chat với Phan Quốc Công:

Động cơ nào để anh quay lại kinh doanh và chọn công đoạn khó nhất là đầu tư vào “thượng nguồn”?

Trong tôi luôn có một tình yêu và đam mê với cuộc đời. Tôi cảm thấy mình mang ơn rất nhiều người, trực tiếp hoặc gián tiếp, kể cả những người những người một lần đi qua trong đời. Câu hỏi lớn nhất mà tôi luôn phải tìm câu trả lời là làm gì để góp phần tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn, làm thế nào để việc làm của mình có ý nghĩa. Khi đã tạo ra được việc gì có ý nghĩa và hiệu quả thì lợi ích kinh tế sẽ đến.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành tỷ phú, nhưng tôi luôn mong muốn làm một người có ảnh hưởng tốt đến nhiều người. Trong quá khứ, quyết định của tôi chỉ ảnh hưởng tối đa đến 3.000 nhân viên, nhưng với công nghệ cao và nắm được sáng tạo công nghệ nguồn, tôi có thể tác động đến cả một ngành.

Mục tiêu của anh trong ngắn hạn?

Muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nhưng muốn đi xa, phải đi cùng nhau. Tôi đang nỗ lực với công nghệ cao để giúp các ngành hàng đưa công nghệ và thương hiệu Việt đi xa nhất có thể.

Nguyên tắc tâm đắc nhất làm nên Phan Quốc Công version 2.0 là gì?

Tôi luôn trung thành với chiến lược “lấy tốc độ thắng quy mô, lấy sáng tạo thắng kinh nghiệm”. Lấy tốc độ, dùng bộ máy nhỏ gọn để tốc độ nhanh thắng quy mô của các tập đoàn lớn.

Sáng tạo mới giúp chúng ta cạnh tranh và vươn lên.

Video liên quan

Chủ Đề