Tự tôn dân tộc là gì

Niềm tự tôn dân tộc

TS. Giáp Văn Dương
09:37 CH @ Thứ Hai - 09 Tháng Hai, 2015

Thời gian gần đây, khi thảo luận về những nguy cơ đối với nước ta trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc, về lựa chọn mô hình phát triển cho Việt Nam, về tình hình tranh chấp biển Đông, một số người thuộc giới trí thức trong và ngoài nước, dù chưa chính thức, cũng đã ít nhiều đi đến một nhận định chung: Cần thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc!

Vì thế, một bài luận nhằm phân tích rõ ràng về nhận định quan trọng này là cần thiết.

Tư tưởng thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc thực ra không hề mới. Lịch sử nước ta có thể được diễn giải tương đối đầy đủ dưới góc nhìn thoát Trung. Phần lớn các cuộc khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta đều mang trong mình một thông điệp nóng hổi: Thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc!

Sự kiện dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa và giành lại được độc lập sau gần một nghìn năm Bắc thuộc là một sự kiện hy hữu trên thế giới. Đó là kết quả của một quá trình thoát Trung bền bỉ kiên trì của ông cha ta. Sau khi giành được độc lập, quá trình này được tiếp nối không chỉ ở các cuộc kháng chiến vệ quốc, mà còn ở các nỗ lực giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa ở các triều đại sau này.

Khi còn nhỏ, tôi đã từng ngạc nhiên khi đọc bài hịch của vua Quang Trung khích lệ tướng sĩ trước khi ra trận: Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen. Tôi đã tự hỏi, vì sao nhà Vua không chọn những biểu tượng lớn lao hơn mà lại chọn những điều nhỏ nhặt như vậy để động viên quân sĩ? Nhưng càng ngày tôi càng thấm thía: Đó là lòng kiên định của tổ tiên nhằm thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa Trung Hoa, ngay từ những việc nhỏ nhất!

Ý thức vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này là thường trực. Tuy nhiều lúc bị chao đảo bởi sự tấn công mạnh mẽ đến từ phương Bắc, nhưng mỗi khi cần đến thì ý thức vùng thoát mang lòng tự trọng dân tộc này lại bùng lên dữ dội. Nỗ lực xây dựng chữ viết riêng cho dân tộc như chữ Nôm của cha ông, và nhất là việc toàn dân đồng loạt chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, là minh chứng rõ ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này.

Riêng với việc chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, có thể nói, đây là một cuộc thoát Trung ngoạn mục. Thành quả của nó thật đáng nể: Số người biết đọc biết viết tăng lên gấp bội, số lượng văn bản sử dụng chữ quốc ngữ chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng lên gấp nhiều lần so với số văn bản chữ Nho của toàn bộ lịch sử nước ta trước đó. Cũng chính nhờ chữ quốc ngữ mà về mặt hình thức, ngôn ngữ của chúng ta đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tiếng Hán.

Tên gọi của nước ta cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Đằng sau mỗi cái tên đều là một lời nhắn nhủ hoặc một mong đợi sâu thẳm. Ông cha ta đã chọn hai chữ Việt Nam để đặt làm tên nước. Việt Nam có nghĩa là tiến về phương Nam. Điều này có nghĩa là gì? Chỉ có thể cắt nghĩa: Tiến về phương Nam để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Đó là di lệnh của tổ tiên cho các thế hệ con cháu người Việt Nam mình.

Như thế, tổ tiên chúng ta bằng kinh nghiệm và trực giác, thông qua cách chọn tên nước, đã di lệnh cho con cháu: Muốn tồn tại thì phải tiến về phương Nam, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Lịch sử mở nước của chúng ta trong thời cận đại có thể được hiểu là gì khác hơn việc thực hiện di lệnh của tổ tiên mình?

Nhưng điều không may cho chúng ta là nền văn hóa Trung Hoa có sức ảnh hưởng quá lớn. Nó như một đại nam châm hút các dân tộc xung quanh về phía mình. Nên dù luôn có ý thức vùng thoát khỏi ảnh hưởng của người Trung Quốc, dù đã được cha ông di lệnh kỹ càng, thì lịch sử của Việt Nam luôn là sự giằng xé giữa hai luồng tư duy: Phụ thuộc hay buông bỏ?

Sở dĩ có sự giằng xé này là vì, trong suốt thời phong kiến, do sự hạn chế của phương tiện giao thông, thế giới bên ngoài đối với nước ta dường như chỉ có một mình Trung Quốc. Khi người của ta chưa đủ đông, kinh tế của ta chưa đủ mạnh, văn hóa của ta chưa đủ trưởng thành, thì việc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng ngày nay, thời thế đã đổi thay. Một em bé sinh ra ở một vùng quê hẻo lánh cũng có đủ thông tin để biết rằng, thế giới không chỉ có một mình Trung Quốc. Thế giới còn có nhiều nền văn hóa khác, mang nhiều giá trị tiến bộ hơn, đáng học hỏi hơn nền văn hóa Trung Hoa, đến mức bản thân người Trung Quốc cũng phải mau mau thay đổi để học hỏi những điều tiến bộ này. Trên thực tế, những vùng nào của Trung Quốc gỡ bỏ được một phần văn hóa Trung Hoa truyền thống để du nhập các giá trị văn hóa phương Tây như Hồng Kông, Đài Loan thì đều phát triển vượt bậc so với những phần còn lại của Trung Quốc lục địa.

Nhiều nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng đã tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thành công và trở thành những con rồng con hổ châu Á mới. Họ không chỉ giữ được độc lập, mà còn tiến nhanh thành một nước phát triển, được thế giới kính nể trọng vọng.

Hãy lấy trường hợp Nhật Bản làm ví dụ: Bằng cách thực hiện cuộc thoát Á nhập Âu từ nửa sau của thế kỷ 19, Nhật Bản đã tránh được ách nô lệ thực dân và phát triển thành cường quốc chỉ sau một thời gian ngắn. Thoát Á với Nhật Bản thời gian đó là gì, nếu không phải là thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa? Vì vậy có thể nói, chìa khóa để Nhật Bản phát triển thành công là thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Với những sự thoát vượt như thế, Việt Nam chúng ta đã đến lúc phải vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc để phát triển, khi gương thành công đã bày ra trước mắt cả trăm năm, khi di lệnh của tổ tiên vẫn còn bên tai văng vẳng?

Câu trả lời chỉ có thể là: Tư tưởng phụ thuộc đã trở thành một quán tính tâm lý, một vô thức xã hội hay một phản xạ có điều kiện. Tư tưởng này đã ăn sâu vào đời sống ở nhiều dạng nhiều mặt nên khó lòng dứt bỏ được. Với người dân thì đó là sự tiếp nhận văn hóa Trung Hoa một cách vô tư hào hứng qua phim ảnh, sách báo đến mức trẻ em quen với đồ chơi Tàu hơn đồ chơi Ta. Thương nhân ta thì chỉ chăm chắm nhập hàng Trung Quốc giá rẻ về bán cho dân, dù biết là hàng kém và có nhiều độc hại.

Những việc này đều diễn ra một cách trơn tru tự động, đến mức không mấy ai tự hỏi: Vì sao mọi chuyện lại quá dễ dàng như vậy? Câu trả lời hẳn nhiên là tư tưởng phụ thuộc đã bén rễ sâu trong tiềm thức của xã hội ta như một chất gây nghiện, tuy biết rõ là độc hại nhưng chưa từ bỏ được. Vì nếu từ bỏ thì sẽ gây ra đau đớn và chống chếnh phần nào. Nhưng từ xưa đến nay, có chất gây nghiện nào có lợi?

Trong hoàn cảnh đó, chỉ còn một cách duy nhất là quán chiếu để nhìn sâu hiểu kỹ tác hại của việc lệ thuộc, để thấy được mối nguy hiểm lâu dài của nó đối với đất nước thì may ra mới có thể buông bỏ dứt khoát được.

Ông cha ta đã chọn hai chữ Việt Nam để đặt làm tên nước. Việt Nam có nghĩa là tiến về phương Nam. Điều này có nghĩa là gì? Chỉ có thể cắt nghĩa: Tiến về phương Nam để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Đó là di lệnh của tổ tiên cho các thế hệ con cháu người Việt Nam mình.


Trước hết là về văn hóa: Có so sánh ra bên ngoài mới thấy, bản sắc văn hóa của ta quá đỗi mong manh. Lý do chính là văn hóa của ta đã bị áp đảo bởi văn hóa Trung Hoa trong suốt nhiều thế kỷ, nay càng bị áp đảo mạnh hơn bởi tiến bộ của phương tiện truyền thông. Nhiều người khi còn sống thì một chữ tượng hình bẻ đôi không biết, nhưng khi chết thì lại được cúng tế bằng các bài văn khấn chữ Nho. Chuông, khánh trong chùa dù mới đúc, cũng hết thảy được khắc bằng thứ chữ của người Hán dù chẳng ai đọc được!

Truyền thanh truyền hình đang phát quá nhiều các bộ phim về văn hóa, đất nước và con người của Trung Hoa, thậm chí có bộ phim của ta lại được quay với bối cảnh bên Trung Quốc Ôi thôi, biết bao nhiêu mà kể!

Xin hỏi: Một dân tộc được định hình chính bởi cái gì? Có phải là bởi đất đai, tài nguyên của dân tộc đó hay không? Chắc hẳn là không. Người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác bởi chính văn hóa của nó. Nay văn hóa của ta đang bị áp đảo mà dân ta lại cổ vũ chấp thuận, thì khác nào tay ta đã yếu, mắt ta đã chậm mà ta lại tự mua dây về bịt mắt trói tay mình?

Chính do sự áp đảo của văn hóa Trung Hoa nên những thói hư tật xấu của họ đã tìm được đất sống và tác oai tác quái ở ta. Nạn chuộng bằng cấp hư danh, tệ mua quan bán chức, thói tầm chương trích cú, ếch ngồi đáy giếng, ngông nghênh coi thường chân lý, bệnh phụ mẫu quan phương, chính trị thống soái Những đặc trưng của văn hóa hủ nho Trung Quốc không hề giảm đi trên đất Việt Nam ta mà ngược lại, như rồng gặp nước, múa may phát triển tràn lan, biến hóa gây hại không biết bao nhiêu mà kể.

Nay những thói hư tật xấu này đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và đạo đức của ta quá thể. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang thành tích, thói nịnh trên lừa dưới, tệ chạy chức chạy quyền đã thành phổ biến, nên không còn cách nào khác là phải dứt bỏ để học những giá trị tiến bộ của một thế giới mới như dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, thực học thực nghiệp thì mới có thể tiến kịp người.

Ta phải dũng cảm buông bỏ để chọn lấy bản sắc của mình, phải vứt bỏ sợi dây đang trói buộc mình thì bàn tay khối óc mới được giải phóng, hoa thơm trái ngọt của sự sáng tạo mới được thành tựu. Còn như chỉ mê muội sùng kính những thứ người ta đã phải bỏ đi, thì mãi lếch thếch lôi thôi cũng là điều tất yếu!

Thứ hai là về kinh tế: Việt Nam ta đang bị áp đảo trong thương mại đối với người Trung Quốc. Nhập siêu từ họ lên đến những con số đáng báo động so với tổng nhập siêu của cả nước ta. Trong khi đó, xuất khẩu từ ta sang họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, lại chủ yếu là nguyên liệu thô và hàng nông sản, là những thứ mà giá trị chẳng được bao nhiêu. Vậy có thể nói, về kinh tế, chúng ta đang phụ thuộc vào họ một cách nặng nề.

Trên thực tế, những dự án lớn hầu hết đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Chất lượng của những công trình này rất kém, vì một lẽ giản đơn: Trình độ về công nghệ của họ còn thấp, việc tôn trọng môi trường và văn hóa bản địa họ chẳng quan tâm. Hàng hóa xuất phát từ Trung Quốc luôn bị thế giới cảnh báo là độc hại và kém chất lượng. Chính họ đã gây ra nhiều vấn nạn về văn hóa và môi trường trong nước họ. Vậy thử hỏi, vẫn những con người đó sang nước ta thì làm sao có thể làm tốt cho được?

Đáng tiếc thay, tư duy chộp giật, sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi của nhiều người có trách nhiệm đã dung túng tình trạng này, gây hại lâu dài cho nền kinh tế. Việc này ta phải trách ta trước hết, vì nếu ta không tiếp tay thì làm sao họ có thể tác oai tác quái. Tiếp tay cho họ hại mình, thời buổi cạnh tranh, hỏi có khác nào mua dây để tự trói chân mình. Mà đã mua dây để tự trói chân mình thì làm sao có thể đi nhanh đi xa cho được?

Chính vì thế, bên cạnh việc vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa về văn hóa, chúng ta cần tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa về kinh tế. Nhà nước cần có chính sách giảm thiểu nhập siêu từ Trung Quốc, khuyến khích người trong nước sản xuất kinh doanh. Người Việt phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập so với người Trung Quốc, phải mở được những lối đi riêng, tạo dựng được những mô hình phát triển khác hẳn so với họ. Phải phấn đấu trở thành hội điểm đầu tư và thương mại toàn cầu. Việc này nói thì dễ mà làm thì rất khó. Nhưng không vì thế mà không gắng sức, vì tương lai dân tộc phụ thuộc phần nhiều vào chính chỗ này.

Thứ ba là về chính trị: Rất nhiều khổ đau trong lịch sử của dân ta cũng bắt nguồn từ lý do mang hai chữ: Trung Quốc!

Dân ta khác, phong hóa của ta khác, đất đai vị thế của ta khác, vậy hà cớ gì ta phải dập khuôn theo? Đành rằng, trước đây ta chỉ biết đến Trung Hoa nên triều chính phải rập khuôn bắt chước, tuy đáng trách nhưng có thể cảm thông. Nay thế thời đã đổi, thế giới đã mở rộng muôn phương. Thế giới ngày nay không chỉ có một mình Trung Quốc. Đoàn thuyền ra khơi phần đông đều đi theo một hướng. Và hướng đi ấy phù hợp với quy luật phát triển của một thế giới mới với những tư duy mới.

Và cuối cùng là chủ quyền bị đe dọa: Tham vọng bá quyền của Trung Quốc gắn liền với âm mưu mở rộng biên giới quốc gia. Tranh chấp với xung quanh là điều khó tránh khỏi. Điều này họ đã công khai thừa nhận. Biển Đông đã nổi sóng. Giờ việc ta cần làm là hãy nhanh nhanh từ bỏ sự phụ thuộc vào họ càng sớm càng tốt, làm cho ta hùng mạnh thêm lên thì mới có thể giữ được vẹn toàn cương thổ.

Vào những lúc này, mắt ta phải nhìn xa trông rộng, phải tìm cách kết thân với những người có cùng mối lo âu để đồng tâm đối phó. Muốn vậy ta phải thiện chí thành tâm, đặt lợi ích quốc gia, vận mệnh Tổ quốc lên trên hết.

Nguồn:Tri thức và Phát triển
LinkedInPinterestCập nhật lúc:09:40 CH @ 09/02/2015
phát triểnchính trịkinh tếvăn hóathoát TrungTrung Quốcđộc lậpngoại giaoGiáp Văn Dương

Video liên quan

Chủ Đề